donderdag 4 juli 2013

Du lịch Việt Nam và sự tan vỡ của những dự án tỷ đôla

Thứ năm, 4/7/2013 08:13 GMT+7

Du lịch Việt Nam và sự tan vỡ của những dự án tỷ đôla

Hàng loạt dự án du lịch bị thu hồi đang góp phần làm u ám bức tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam và khiến hạ tầng du lịch Việt Nam chưa thể theo kịp các nước trong khu vực để phát triển đúng với tiềm năng.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết, đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng đến nay khoảng 10 tỷ USD, chiếm gần 5% trong tổng đầu tư vào Việt Nam. Nhiều ý kiến cũng đánh giá, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành động lực lớn thúc đẩy ngành du lịch của Việt Nam, khi sự phát triển gắn liền với quá trình mở cửa cho nhà đầu tư ngoại kể từ những năm 90 thế kỷ trước.
Nói tới các thành phố du lịch nổi tiếng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam..., không thể không nhắc đến những chuỗi khách sạn, resort nổi tiếng do nước ngoài rót vốn. Dọc bờ biển Đà Nẵng gần như bị phủ kín bởi những khu nghỉ dưỡng, mà theo thống kê VinaCapital (quỹ đầu tư nước ngoài đến từ British Virgins Island) đang là nhà đầu tư lớn nhất tại thành phố nghỉ dưỡng miền Trung này. Hay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án khu du lịch phức hợp lớn nhất Việt Nam Hồ Tràm Strip 4,2 tỷ USD cũng sắp đón khách vào cuối tháng 7 tới.
dn-0.jpg
Những dự án du lịch tỷ USD tan vỡ. Ảnh minh họa: Nhật Minh
Một nhà đầu tư trong lĩnh vực khách sạn cho hay, với việc nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực du lịch, bên cạnh nguồn vốn để xây dựng những khách sạn, resort quy mô lớn, họ mang cả vào Việt Nam những công nghệ quản lý và các dịch vụ hấp dẫn, một điều không thể thiếu với nhu cầu "ngủ, nghỉ" của khách hàng. Do đó, nhiều chiến lược khuyến khích nhà đầu tư vào du lịch đã được đưa ra nhằm biến đây trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước. Kết quả là năm 2012, du lịch đã đóng góp gần 6% GDP, từ mức chỉ 3,2% GDP năm 1995.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian bùng nổ 2008 - 2010 với nhiều dự án tỷ USD, thì từ năm 2012 đến nay, một loạt dự án bất động sản (khách sạn, resort) trong lĩnh vực du lịch đã bị thu hồi. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đến 20/6/2013, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt hơn 48 tỷ USD, giảm 1,7 tỷ USD so với cuối năm 2012. Đây là lĩnh vực có lượng vốn FDI còn hiệu lực giảm mạnh nhất.

Trong số các dự án du lịch đã bị thu hồi, phải kể đến những tên tuổi lớn như Hòn Ngọc châu Á trị giá 2 tỷ euro tại Phú Quốc của Tập đoàn Trustee Suisse (Thụy Sĩ, khu công viên văn hóa thế giới kỳ diệu 1,3 tỷ USD tại Vũng Tàu của Good Choice (Mỹ). Ngoài ra, hơn 30 dự án du lịch ở Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa) cũng nằm trong tầm ngắm bị cảnh báo thu hồi do chậm trễ triển khai...

Một chuyên gia trong ngành đầu tư lý giải, do tình hình kinh tế thế giới khó khăn, việc huy động vốn không được như mong đợi nên các ông chủ không đủ khả năng triển khai đúng theo cam kết. Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng,  nhiều đơn vị chỉ muốn "xí chỗ" chứ không nghiêm túc trong đầu tư, do đó khi tình hình khó khăn hơn sẽ xuất hiện nhiều các dự án treo, chậm tiến độ.
Tại kỳ họp vừa qua, một số đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn "du lịch Việt Nam đang phát triển chưa xứng với tiềm năng" khi chỉ xếp thứ 80 trên tổng số 139 quốc gia, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan - những quốc gia thua về số di sản thiên nhiên và di sản văn hóa thế giới.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng nhận định hiện hạ tầng du lịch của Việt Nam cũng thua kém nước bạn. "Hiện nay Việt Nam có 575 khách sạn từ 3 sao đến 5 sao. Trong khi đó, khách sạn chất lượng cao ở Thái Lan, Malaysia, Singapore nhiều hơn chúng ta", ông phát biểu.
GS-TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nêu quan điểm trong giai đoạn kinh tế thế giới còn nhiều biến động, không cần bằng mọi giá làm thêm nhiều dự án du lịch mà cần đánh giá khách quan xem du lịch Việt Nam thiếu những gì để thu hút đầu tư. "Không nên tiếp tục tình trạng cấp phép tràn lan cho các dự án để rồi tới lúc không làm được thì lại thu hồi", ông nói. Đồng thời, cũng cần rút kinh nghiệm trong việc theo dõi tình hình tài chính của công ty mẹ tại nước ngoài để "nếu có xảy ra vấn đề thì có biện pháp xử lý".
"Vẫn còn nhiều điều cần làm với việc thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực khách sạn, du lịch, một trong những vấn đề sống còn để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển", vị chuyên gia trên kết luận. Chính Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng thẳng thắn trước Quốc hội rằng "tiềm năng trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam rất lớn nhưng để biến tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi phải phấn đấu nhiều".
Huyền Thư
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten