woensdag 16 november 2022

Việt Nam nói sẽ hồi hương được ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng

 

Việt Nam nói sẽ hồi hương được ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng

Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" sẽ được hồi hương về Việt Nam sau khi Bộ VH-TT-DL thương lượng thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp.

Việt Nam cho biết họ đã đàm phán thành công với nhà đấu giá Millon của Pháp để chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, con dấu truyền đời của các vua Nguyễn thế kỷ 19, mà hãng này đã có kế hoạch bán đấu giá tại Paris.

Phiên đấu giá bảo vật triều Nguyễn của Việt Nam ban đầu được Millon ấn định vào ngày 31/10 nhưng sau đó bị hoãn lại với lý do là cổ vật này nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính phủ Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội sau đó cho biết hãng đấu giá của Pháp đồng ý hoãn đấu giá ấn vàng trong 10 ngày và cho phép Việt Nam thương lượng mua trực tiếp.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam hôm 14/11 cho biết rằng sau khi đàm phán, phía Việt Nam và Millon đã thống nhất chuyển giao ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” cho Việt Nam “trên tinh thần đồng thuận, thấu hiểu giữa hai bên và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Cộng hòa Pháp”, theo Tuổi Trẻ.

Thông tin mới nhất trên trang web của Millon cho thấy họ hủy buổi đấu giá được lên lịch vào ngày 18/11. Thông báo của Millon nói rằng họ đã đạt được một “thỏa thuận riêng” với Nhà nước Việt Nam để chuyển giao Kim ấn. Do đó, theo hãng đấu giá, ấn vàng của Hoàng đế Minh Mạng sẽ được “an toàn hồi hương.”

Thông tin về cổ vật của triều Nguyễn trong thông báo viết bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt, hãng đấu giá Pháp cho biết rằng “chiếc ấn triện rồng năm móng này tượng trưng cho quyền cai trị tuyệt đối dưới triều đại nhà Nguyễn” và “đã trở thành biểu tượng của sự chuyển giao quyền lực”.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được vua Minh Mạng, người trị vì từ 1820 đến 1841, cho đúc bằng vàng ròng vào năm 1823 và được truyền qua các đời vua Nguyễn cho đến ông vua cuối cùng là Bảo Đại.

“Quyền sở hữu bảo vật này đã được chuyển giao nhiều lần, đặc biệt là khi Vua Bảo Đại thoái vị trước chính quyền Việt Nam, khi đó, ấn được nhà vua giao cho đại diện chính quyền cách mạng tại sân Ngọ Môn vào ngày 30 tháng 08 năm 1945”, thông báo viết.

Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và, theo thông tin của hãng Millon, người Pháp - từng bổ nhiệm Bảo Đại vào cương vị Quốc trưởng khi tìm cách thành lập một chính phủ chống cộng - đã trao chiếc ấn báu cho ông trong một buổi lễ tấn phong vào ngày 3/3/1952 ở Đà Lạt.

Theo thông tin xuất xứ về món cổ vật, ấn vàng là tài sản của vua Bảo Đại. Công chúa Vĩnh Thụy, tức người vợ Pháp của ông có tên Monique Baudot, đã được thừa kế chiếc ấn vàng này và sau khi bà qua đời vào năm ngoái, bảo vật được giữ bởi con cháu trong gia đình.

Đoàn công tác của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch Việt Nam, vừa trở về từ Pháp hôm 14/11 sau một thời gian nghiên cứu và đánh giá tính xác thực của ấn vàng, cho biết rằng bảo vật hiện do nhà đấu giá Millon quản lý là “hiện vật nguyên gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) như ghi chép trong sử sách và trong biên bản cũng như hình ảnh bàn giao ấn kiếm của chính quyền Pháp cho Quốc trưởng Bảo Đại ngày 8/3/1952 hiện đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I”, theo Tuổi Trẻ.

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” có nhiều nét tương đồng với hai ấn vàng khác hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam. Theo truyền thông trong nước, cả 3 ấn vàng này đều được đúc bằng vàng 10, có hình rồng uốn khúc và kích thước cùng trọng lượng tương đương nhau. Được biết, đây là dạng thức ấn chưa từng xuất hiện ở các triều đại trước hay ở các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới.

Bộ VH-TT-DL không cho biết sẽ mua lại ấn vàng này với giá bao nhiêu từ hãng Millon trong khi giá khởi điểm mà nhà đấu giá Pháp từng ấn định cho ấn vàng, còn được gọi là “Kim bảo tỷ,” là từ 2 đến 3 triệu euro.

Theo Thanh Niên, trong thời gian tới bộ VH-TT-DL sẽ tiếp tục nỗ lực cùng các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với hãng đấu giá Pháp để thực hiện lộ trình thủ tục hồi hương ấn vàng về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, đảm bảo quy định pháp luật của hai nước.

https://youtu.be/LYZDOPOMV_8

Geen opmerkingen:

Een reactie posten