vrijdag 11 november 2022

Tiếng rao quầy hàng rong khoai lang nướng ở Nhật Bản

 

Tiếng rao quầy hàng rong khoai lang nướng ở Nhật Bản

  • Russell Thomas
  • BBC Travel
Getty Images

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

'Yaki-imo...', tức 'khoai lang đây', tiếng rao ảm đạm của người bán khoai nướng vang vọng khắp các con đường nằm sâu dưới các tòa nhà bê tông và lát gạch ở ngoại ô Tokyo.

Tiếng rao được thâu sẵn, kết thúc với lời quảng cáo 'oishii, oishii' (ngon, ngon), phát ra từ những chiếc loa trên chiếc kei - xe tải sàn phẳng. Chiếc xe nhỏ này, vốn phổ biến trong tầng lớp lao động Nhật, đã được chuyển đổi thành phương tiện cho idōhanbai (nghĩa đen là bán hàng di động).

'Niềm vui hiếm hoi'

Hoàn chỉnh với lò nướng và tấm bạt che, cộng với bảng giá và quảng cáo sặc sỡ, chiếc xe tải chạy chậm vòng quanh một công viên vào một buổi tối tháng Ba lạnh lẽo.

Xe dừng lại bên ngoài một khu căn hộ, động cơ ngừng. Một người mẹ và đứa con dừng lại, và sau khi nói chuyện một lát với người bán hàng, họ thong thả bước đi với khoai lang nóng trong tay. Chiếc xe tải nán lại thêm một lúc nữa và sau đó từ từ lái đi. Bài hát, ngữ điệu lên xuống như tiếng than, lại bắt đầu: yaki-imo...

Ở đất nước nổi tiếng với các món sushisashimi và món mì, khoai lang nướng đơn giản - hay yaki-imo - không thu hút nhiều chú ý. Nhưng loại củ ngon lành này, một món nữa trong danh sách đáng kể những thứ được du nhập vào Nhật trong lịch sử (chẳng hạn ramen), từ lâu đã là món ăn nhẹ mùa đông được ưa chuộng vốn được ăn trong những tháng lạnh sau thu hoạch.

Được ưa chuộng ở Nhật từ những năm 1600, kết cấu ẩm, dai và mùi caramel cháy của khoai lang vẫn gợi nỗi nhớ - cũng như những chiếc xe tải đang dần biến mất khi việc bán khoai lang đang chuyển đến các cửa hàng tiện lợi và siêu thị.

"Nghe bài hát rao hàng của những người bán rong thật là niềm vui hiếm hoi," Aiko Tanaka, nhà nghiên cứu thực phẩm và giám đốc Trường Nghiên cứu Thực phẩm Nhật Bản ở Osaka, nói.

Thật vậy, không chỉ có ít xe tải kei hơn ở ngoài kia, mà bạn còn không nghe thấy tiếng nó đến. "Yếu tố lớn nhất khiến bài hát xuống dốc là những phàn nàn về tiếng ồn," một người bán hàng, Kōki Ono, vốn bán khoai lang trong gần hai năm, cho biết. "Thêm vào đó, doanh số bán hàng hiki-uri [những người từ những người bán rong di động nói chung] cũng đang giảm."

Kōki Ono

NGUỒN HÌNH ẢNH,KŌKI ONO

Asuri Kamatani, chủ tịch cửa hàng khoai lang hiện đại Himitsu na Yakiimo (Khoai lang Nướng Bí mật), nhận thấy điều tương tự. "Chắc chắn, so với thời Showa [1926-89], giờ đây hiếm khi thấy các ojisan [ông chú] với chiếc xe tải khoai lang nướng nữa," bà nói. "Nghề này không hề dễ vì nó đòi hỏi sức khoẻ và thời gian. Vì vậy, đó là công việc khó khăn đối với những ai lớn tuổi".

Lịch sử du nhập

Những người vẫn còn chạy xe bán rong phải thích nghi. Oono-ya, chiếc xe khoai của Ono, bám theo các điểm đông đúc dọc theo Tuyến Odakyu, tuyến đường sắt trải dài từ Shinjuku đến vùng ngoại ô tây nam của Tokyo và Tuyến Nambu phục vụ Phường Ota của Tokyo và một phần của tỉnh Kawasaki lân cận.

"Kiểu dáng đơn giản của yaki-imo không thay đổi nhiều," ông nói, biển hiệu trên xe tải cho thấy khoai ở đây có các cỡ nhỏ, vừa, lớn hay siêu to, không tẩm rắc gia vị. Tuy nhiên, điều ông thay đổi là chiến lược: in trên xe của Ono là hình ảnh chim Twitter và mã QR, những chi tiết lạc thời được thêm vào cho cách thức bán hàng và món ăn cổ điển.

Khoai lang xuất xứ ở Trung và Nam Mỹ, và các học giả có một số giả thuyết cho rằng chúng đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ 17. "Tài liệu tham khảo lịch sử sớm nhất về khoai lang ở Nhật Bản dường như nằm trong nhật ký của Richard Cocks vào năm 1615," Eric Rath, giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Kansas và là tác giả cuốn 'Japan's Cuisines: Food, Place and Identity', cho biết.

Cocks, giám đốc chi nhánh Công ty Đông Ấn Anh ở Hirado, viết rằng ông nhận được khoai tây từ samurai danh dự William Adams, người được ghi nhận là người Anh đầu tiên ở Nhật.

Rath nói có bằng chứng cho thấy khoai lang có thể đã có mặt ở Vương quốc Ryukyu (Okinawa ngày nay) từ thời khoảng năm 1605, qua ngả Philippines và sau đó là Trung Quốc.

Một ghi chép khác cho rằng vào năm 1611, Quốc vương Ryukyu là Sho Nei đã gửi khoai lang làm quà đến Lãnh địa Satsuma, một thế lực chính trị hùng mạnh ở nam Kyushu, vốn xâm lược vương quốc và chiếm đất đai của ông - dẫn đến kết quả khoai lang đỏ đôi khi vẫn được gọi là satsuma-imo (khoai Satsuma).

Bất kể đến Nhật bằng con đường nào, theo thời gian, khoai lang nướng trở nên rất phổ biến ở Nhật.

Các quầy bán khoai được dựng lên tại các tòa nhà bảo vệ chính ở các thị trấn dọc theo các xa lộ trọng yếu, và vị ngọt và mùi thơm - và giá cả bình dân của nó - trở nên được ưa chuộng.

Biển hiệu tại các quầy hàng đôi khi quảng cáo nó là 'kuri-yori-umai' (ngon hơn hạt dẻ). "Ở Tokyo, nhiều người trộn khoai ăn chung với okayu (cháo làm từ gạo và lúa mạch)," Rath nói.

Món ăn vặt này trở nên được chuộng đến nỗi vào ngày 8/5/1891, nhật báo Yomiuri Shimbun ở Tokyo đã gọi nó là 'kasutera [bánh xốp lấy cảm hứng từ Bồ Đào Nha] cho sinh viên và yōkan [một loại kẹo giống thạch, cứng, làm từ đậu đỏ] cho cư dân hẻm." Những cách gọi này ngụ ý khoai lang là lựa chọn đáng, rẻ tiền thay cho những đồ ngọt tinh tế khác có vào lúc đó.

Bước sang thế kỷ mới, học sinh bắt đầu ảnh hưởng đến cách nấu khoai lang. Daigaku-imo (khoai lang đại học) là những miếng khoai được quết đường mật, nó có tên như vậy vì ban đầu nó được bán và thưởng thức ở Kanda, gần Đại học Tokyo. "Đến năm 1905, có 1.300 tiệm yaki-imo ở Tokyo," Rath nói.

Trở nên phổ biến

Khi yaki-imo trở thành thực phẩm chủ đạo trong mùa đông cho các khu vực thu nhập thấp, các cửa hàng đặc sản và người bán khoai lang đã bùng nổ vào đầu thế kỷ 20.

Nhưng vào năm 1942, Đạo luật Kiểm soát Thực phẩm Chính thời chiến đã hạn mức lượng bán ra của nhiều loại thực phẩm, bao gồm gạo và khoai lang, và nhiều cửa hàng khoai lang bị đóng cửa.

Dù vậy, khoai lang đã trở thành mặt hàng chủ lực trong Đệ nhị Thế Chiến, khi các loại cây trồng như lúa mì và lúa mạch còn khan hiếm hơn. "Bột khoai lang được sử dụng thay cho bột mì," Rath giải thích. "Từ năm 1944, đất công được chuyển đổi thành những luống khoai lang, và khoai thay lượng gạo phân bổ ít ỏi trong định mức cho người dân đến năm 1945."

Sau khi Đạo luật Kiểm soát Thực phẩm Chủ yếu được sửa đổi thời hậu chiến, vốn dỡ bỏ những quy định của chính phủ lên khoai lang, những người bán hàng rong đã quay trở lại đường phố. Họ nhanh chóng bắt đầu sử dụng lò nướng nhỏ được lắp trực tiếp vào sau xe tải kei, và nó đã đạt đỉnh phổ biến trong vài thập kỷ sau đó.

"Yaki-imo trở thành một dang thức ăn nhanh cho dân thường cho đến khoảng năm 1970, khi ăn vặt kiểu Mỹ và nhà hàng thức ăn nhanh bắt đầu xuất hiện ở Nhật Bản," Tanaka nói.

Tuy nhiên, thành công của Ono là bằng chứng cho thấy món ăn cổ điển vẫn thu hút. "Đó là truyền thống thu đông ở Nhật," ông nói và cho biết mỗi ngày trung bình ông bán khoảng 100 yaki-imo, và khách của ông gồm đủ các độ tuổi, từ 7 đến 90 tuổi.

Ono nói khoai lang nướng vẫn được ưa chuộng không chỉ vì di sản lâu đời của nó, mà còn bởi vì chúng là món ăn vặt lành mạnh, không thay đổi và ăn rất dễ chịu - nhất là trong bối cảnh đại dịch. Ông nói: "Do mọi người dành nhiều thời gian hơn ở nhà, trọng tâm của họ là đồ ăn tốt cho sức khỏe, dễ mua, không pha trộn và nhiều khách hàng đã ghé qua xe bán khoai."

Kōki Ono

NGUỒN HÌNH ẢNH,KŌKI ONO

Kamatani cũng thành công, nhưng bằng con đường khác. Đối với cô, cô thấy hình ảnh đời xưa của thức ăn vặt này cần phải thay đổi. "Các cô gái mê khoai lang, nhưng nó lại được coi là 'lỗi thời' hay 'tẻ nhạt', và mọi người nghĩ 'tôi muốn ăn khoai, nhưng đi mua thì ngại'," cô nói.

Để xóa bỏ tiếng tăm đó, cô tập trung vào onkochishin - thành ngữ có nghĩa 'học ý tưởng mới từ quá khứ' - và bắt đầu kinh doanh với xe cắm trại VW màu hồng, phong cách, trang trí bắt mắt năm 2018.

Tua nhanh đến năm 2021, việc kinh doanh của cô đã chuyển đến cửa hàng lâu dài (và vẫn màu hồng) ở quận Omotesando thời thượng của Tokyo. Tất cả nhân viên bán hàng, các cô gái các chàng trai khoai lang, đều là những người có ảnh hưởng," cô giải thích. "Họ là những nam, nữ thanh niên thời trang, cuốn hút."

Mặc dù Kamitani có cách tiếp cận hiện đại, cô nhận ra sức hấp dẫn của những người bán hàng theo lối cũ. Cô nói: "Tôi không nghĩ [họ] sẽ mất đi." "Bởi vì nó 'hiếm', có khách hàng bị cuốn hút bởi cái hiếm đó và muốn mua ở chỗ họ, vì vậy có nhu cầu nhất định."

Đối với những ai sẵn sàng, khởi sự với chiếc xe khoai lang tương đối dễ. Không giống các doanh nghiệp ẩm thực khác ở Nhật, không cần giấy phép thực phẩm - chỉ cần giấy phép bán hàng trên xe tải.

Thậm chí có công ty tên là Yaki-imo Kobo (Xưởng Yaki-imo) cung cấp thông tin cho những ai muốn bán khoai và bán mọi thứ họ cần để gầy dựng xe bán rong - gồm cả băng cassette bài hát yaki-imo.

"Tôi nghĩ việc người ta ngày càng trân trọng và hoài niệm về người bán rong sẽ cho phép họ tiếp tục," Rath nói. "Người bán khoai là một trong những tín hiệu báo mùa... Khó mà hình dung các đô thị không có các xe khoai."

Đối với Tanaka, bí quyết là sự đơn giản: khoai lang nướng có vị ngọt tự nhiên và có thể ăn ngay sau khi lấy khỏi than nóng. Nó bổ dưỡng, và là "sự thay thế tuyệt vời cho đồ ăn vặt", cô nói. "Yaki-imo đang và sẽ luôn là món ăn ấm áp, lưu giữ nhiều ký ức thân thiết.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten