dinsdag 22 november 2022

Du lịch 2023 : Hà Lan sẽ tăng gấp 4 lần thuế sân bay ?

 

Du lịch 2023 : Hà Lan sẽ tăng gấp 4 lần thuế sân bay ?

Lối vào sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 12/11/2009.
Lối vào sân bay Schiphol, Amsterdam, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 12/11/2009. © wikimedia.org/Cjh1452000

Đi du lịch bằng đường hàng không có nguy cơ trở nên đắt đỏ hơn ở các sân bay Hà Lan kể từ đầu năm tới. Theo mạng thông tin Air Journal chuyên về ngành hàng không dân sự, chính phủ Hà Lan đang có kế hoạch đánh thêm thuế vào hành khách bay từ lãnh thổ nước này kể từ ngày 1 tháng Giêng năm 2023.

Tại châu Âu, giá vé máy bay hiện vẫn ở một mức khá cao. Theo số liệu của Tổng cục hàng không dân dụng DGAC của Pháp, tính trung bình giá vé máy bay đã tăng 43,5% trong năm nay so với năm 2019. Vào mùa cao điểm (mùa hè và các kỳ nghỉ lễ), vé máy bay trong khu vực châu Âu đã tăng mạnh đến 54%, trong khi vé máy bay đường dài từ châu Âu sang châu Á cũng tăng, nhưng nhẹ hơn ở mức 28,8%.

Vào lúc giá vé máy bay vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống, phụ phí nhiên liệu tiếp tục gia tăng khiến cho nhiều hành khách buộc phải tính lại kế hoạch đi chơi xa, thì việc tăng thêm thuế sân bay tại Hà Lan lại có nguy cơ tạo thêm khó khăn đối với thành phần khách du lịch nào muốn ghé thăm châu Âu trong năm tới. Theo nguồn tin của tờ nhật báo Telegraaf, Hà Lan đang có kế hoạch tăng thuế sân bay từ 7,95 euro lên thành 28,58 euro cho mỗi hành khách. 

Chính sách chung của Hà Lan giảm du lịch quá tải

Điều đó có nghĩa là một khi được áp dụng kể từ đầu năm 2023, thuế và phí ghi trên hóa đơn vé máy bay sẽ tăng gần gấp 4 lần. Báo Telegraaf cho biết thêm một số chi tiết của kế hoạch : thuế và phí sẽ được tính thêm trên các chuyến bay từ Hà Lan, tức chỉ áp dụng cho các chuyến bay rời khỏi lãnh thổ Hà Lan. Nói như vậy, những chuyến bay quá cảnh Amsterdam không nằm trong diện này, nhưng các phi trường Hà Lan nào càng có nhiều chuyến bay quốc tế, càng dễ bị tác động. 

Trước mắt, các sân bay lớn như Schipol Amsterdam có thể áp dụng biện pháp này hầu giảm bớt tình trạng hành khách quá tải (72 triệu lượt khách/năm), trong khi các phi trường khác nhỏ hơn như Eindhoven hay Rotterdam-Den Hagen ít bị tác động hơn. Qua việc tăng phí sân bay, thêm hơn 20 euro đánh trực tiếp vào giá vé, Hà Lan muốn khuyến khích du khách (nhất là dân châu Âu) lựa chọn các phương tiện giao thông khác, được cho là tôn trọng môi trường và phát triển bền vững, như hệ thống tàu cao tốc để di chuyển trong khối Liên hiệp châu Âu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của mạng thông tin Air Journal, biện pháp tăng thuế và phí sân bay nằm trong một chính sách chung của Hà Lan : giảm số lượng du khách nói chung, nhưng để tránh bị ''thất thu'' quá nhiều, khách nào muốn ghé thăm sẽ phải chịu trả thêm ''phí''. Theo Air Journal, chính sách này đang trở thành một xu hướng chung tại nhiều thành phố châu Âu, đi đầu là các thành phố Venise, Roma, Florence, Barcelona và gần đây hơn nữa là thành phố Edinburgh, chẳng những tăng phí sân bay mà còn tăng thêm thuế lưu trú. 

Cũng như Edinburgh, Amsterdam đã trở thành một trong những thành phố châu Âu đánh thuế lưu trú mạnh nhất vào du khách. Về điểm này, Roma đứng đầu châu Âu với 6 euro thuế lưu trú cho mỗi du khách nào muốn ngủ lại qua đêm, tức cao gấp đôi so với Barcelona và Asmterdam (3 euro thuế lưu trú) và cao gần gấp ba lần so với Paris (2,3 euro).

Kế hoạch của Hà Lan được đề xuất trong bối cảnh các sân bay lớn của nước này đã gặp phải nhiều khó khăn trong thời gian qua, trong khi ngành hàng không dân sự Hà Lan đang lâm vào khủng hoảng, do thiếu tổ chức cũng như đang bị khan hiếm về mặt nhân sự. Vào mùa hè năm nay, Hà Lan đã buộc phải công bố hạn chế số lượng chuyến bay mỗi năm tại phi trường quốc tế Amsterdam-Schiphol, một trong những sân bay đông khách nhất châu Âu. Ban quản lý phi trường đã phải bồi thường cho nhiều hành khách đã lỡ chuyến bay, do tình trạng thiếu nhân viên, khiến hành khách buộc phải xếp hàng hàng giờ để làm thủ tục xuất nhập cảnh. Vào đầu tháng 10/2022, ban giám đốc điều hành Schipol thông báo duy trì việc hạn chế các chuyến bay cho đến cuối tháng 3 năm 2023.

Ngành du lịch phục hồi, sân bay lại chưa đủ nhân viên 

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Schiphol vẫn chưa giải quyết xong vấn đề thiếu nhân viên trầm trọng. Hàng loạt nhân sự đã bị sa thải trong đại dịch Covid-19, nhưng đến nay khi ngành hàng không đang trên đà phục hồi nhanh chóng, số nhân viên vẫn chưa được tuyển dụng lại đầy đủ và kịp thời. Trước tình trạng này, sân bay Schiphol đã buộc các hãng hàng không phải cắt giảm số chuyến bay, đề nghị bồi thường cho những hành khách bị lỡ chuyến. Không chỉ riêng gì Schiphol mà nhiều sân bay châu Âu khác cũng gặp khó khăn tương tự như Heathrow, Gatwick của Anh, hay Frankfurt của Đức. Trường hợp của Hà Lan nghiêm trọng hơn, buộc ông Dick Benschop, giám đốc điều hành Schiphol, phải từ chức vào cuối tháng 09/2022, bốn năm sau ngày ông được bổ nhiệm.

Theo phía ban quản lý, còn cần phải tham khảo ý kiến của các công ty để tránh gây bất mãn nơi giới nhân viên, điều đó có nguy cơ dẫn tới phong trào đình công như đã từng xẩy ra vào trung tuần tháng 09/2022. Schiphol cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt số hành khách khởi hành từ sân bay này từ đây cho đến cuối tháng 3/2022. Vào cuối năm 2022, ban giám đốc điều hành sẽ xem xét khả năng có tăng hay không số chuyến bay kể từ cuối tháng Giêng năm tới.

Nỗ lực cải thiện tình hình của ban giám đốc là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy là trên một thị trường lao động đang khan hiếm nhân sự, việc tuyển dụng và đạo tạo nhân sự mới với đồng lương còn thiếu ưu đãi, khiến cho ban điều hành sân bay phải đối phó cùng lúc nhiều ''mặt trận''. Đề xuất tăng phí sân bay trước mắt có thể giảm bớt áp lực về số lượng hành khách, nhưng về lâu về dài cũng có thể làm nảy sinh nhiều tác động khó lường.  

Du lịch 2023 : Hà Lan sẽ tăng gấp 4 lần thuế sân bay ? (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten