Từ hạm đội Hắc Hải đến Kherson : Nga ở thế thủ trước Ukraina
Đăng ngày:
Nga lấy cớ các drone Ukraina tấn công vào hạm đội Hắc Hải để ngưng thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, nhằm gây áp lực để phương Tây bỏ rơi Kiev. Trên chiến trường, Kherson có thể trở thành một Mariupol đảo ngược trong thế trận vây hãm của lực lượng Ukraina - một trận đánh mang tính quyết định.
Thời tiết ấm áp kỷ lục vào tháng Mười, Wikipedia trở thành trung tâm tranh luận ý tưởng, nguy cơ các công trình trong lòng biển bị phá hoại, lạm phát, bầu cử tổng thống Brazil là những chủ đề chiếm trang nhất các báo hôm nay.
Về tình hình Ukraina, Le Figaro chú ý đến sự kiện « Hạm đội Nga tại Sébastopol bị các drone tấn công » : Một cuộc tập kích ồ ạt cả trên không lẫn trên biển của các thiết bị bay tự hành vào các tàu chiến Nga ở Crimée. Hôm qua, Chủ nhật, không một tàu chở ngũ cốc nào hoạt động trên Hắc Hải ở phía Ukraina : Matxcơva tố cáo « hoạt động khủng bố » và loan báo ngưng thỏa thuận đã ký hồi tháng Bảy. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng Nga thực ra đã quyết định chặn xuất khẩu ngũ cốc từ nhiều tuần trước và đây lại là ý đồ « gây ra nguy cơ nạn đói ở châu Phi và châu Á ».
Vụ tập kích drone và tổn thất của hạm đội Nga ở Sébastopol
Vẫn còn nhiều nghi hoặc xung quanh vụ « 9 thiết bị bay không người lái và 7 drone trên biển » gây ra những « thiệt hại không đáng kể » cho tàu phá mìn Ivan Golubets và con đập ở vịnh Sébastopol - theo bộ Quốc Phòng Nga. Matxcơva nói rằng các drone này đã sử dụng hành lang an toàn để vận chuyển ngũ cốc, và hầu hết đã bị vô hiệu hóa, nhưng không đưa ra hình ảnh nào để chứng minh. Trên mạng có thông tin cho rằng chiến hạm Amiral Makarov (Đô đốc Makarov) cũng bị thiệt hại, thậm chí được cho là đã bị đắm. Đây là soái hạm mới thay cho chiếc Moskva nổi tiếng đã bị Ukraina đánh chìm hồi tháng Tư.
Dù bị tổn thất nặng vì Nga dùng các drone mua của Iran đánh vào cơ sở hạ tầng dân sự, Ukraina vẫn rất thiện nghệ trong việc phối hợp các drone trên không lẫn trên biển. Theo Libération, ngoài soái hạm Đô đốc Makarov, còn có ít nhất hai chiến hạm khác của Nga bị drone đánh trúng. Thêm một cái tát cho hải quân Nga, ba tuần lễ sau vụ tấn công cầu Kertch ở Crimée, vài tháng sau khi drone đánh vào bộ tham mưu hạm đội Hắc Hải, và đúng sáu tháng sau sự kiện Moskva.
Nga còn lên án Anh đã trợ giúp Kiev, nhưng Luân Đôn bác bỏ, nói rằng Matxcơva tung tin giả để đánh lạc hướng. Hồi tháng Tám, ông Boris Johnson thông báo giao cho Ukraina 6 drone dò mìn trên biển, rất khác với các drone trong vụ này. Như vậy các drone hải chiến từ đâu ra ? Được biết trước đó vào tháng Tư, Hoa Kỳ có viện trợ các « tàu tuần duyên không người điều khiển ».
Lại dùng ngũ cốc để bắt bí, Matxcơva cần một cái cớ
Les Echos nhận định « Matxcơva lại dùng ngũ cốc làm con tin », nhấn mạnh từ nhiều tuần qua Nga cho rằng thỏa thuận hôm 21/07 làm thiệt hại cho mình, nên muốn gây áp lực lên các đồng minh của Kiev. Theo nhật báo kinh tế, lý do bị tấn công nêu trên không thuyết phục, nhưng Nga chỉ cần một cái cớ. Matxcơva làm mọi cách để phương Tây bỏ rơi Ukraina : cắt một đường ống dẫn khí, đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, đổ cho Kiev dùng « bom bẩn » ...
Làm tăng giá lúa mì là một trong những ngón võ cuối cùng của Kremlin. Ông Vladimir Putin từ nhiều tuần qua đã chỉ trích thỏa thuận, nhấn mạnh rằng xuất khẩu ngũ cốc của Nga bị thiệt hại vì trừng phạt của phương Tây đối với ngân hàng và bảo hiểm, cáo buộc EU giành phần ngũ cốc trước khi đưa sang các nước nghèo - dù trung tâm điều phối đặt ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ. Hôm qua Matxcơva còn nói rằng có thể « thay thế » Ukraina để cung cấp cho các nước nhập khẩu lớn (Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc...).
Tương tự, Libération cũng cho rằng đó chỉ là một cái cớ, khẳng định lời đe dọa của Vladimir Putin lâu nay. Bởi vì nếu Ukraina có thể xuất khẩu được một phần trong số hàng triệu tấn ngũ cốc đang kẹt lại trong kho, Nga lại rất bực tức do không dễ dàng bán được sản phẩm do bị trừng phạt. Khi trả lời phỏng vấn của Libération vào giữa tháng Mười, chuyên gia Andrey Sizov đã dự báo Vladimir Putin sẽ chấm dứt thỏa thuận trước thời hạn, dẫn đến tăng giá ngũ cốc. Theo ông, Nga muốn bóp nghẹt Ukraina trước mùa đông. Có thể Matxcơva đã ngầm ký kết với Syria, Azerbaijan, Armenia ; nhưng xem chừng những khó khăn trên chiến địa mới là mối quan tâm hàng đầu của Kremlin, bất chấp phần còn lại của thế giới bị đói.
Kherson, trận đánh quyết định
Trên chiến trường, lực lượng Ukraina tiếp tục tiến, chậm nhưng chắc, về phía thành phố chiến lược Kherson, nay chỉ còn cách khoảng 30 cây số. Les Echos lưu ý loạt thất bại liên tiếp từ đầu tháng Chín đã khiến tướng Alexandre Lapine bị cách chức, năm thủ lãnh quân khu đều đã bị thay thế. Ngoại trưởng Serguei Lavrov lần đầu tiên từ nhiều tháng qua kêu gọi phương Tây đàm phán.
Libération cho rằng trận Kherson là một trận đánh « vừa kéo dài vừa mang tính quyết định ». Việc tái chiếm thành phố miền nam - thủ phủ duy nhất bị Nga chiếm từ đầu cuộc xâm lăng, được cho là do nội gián - là mục tiêu ưu tiên của Kiev. Tại Kherson, báo động phòng không diễn ra hàng ngày, thường dân (còn lại 70.000 người trong số 280.000 trước chiến tranh) được lệnh rời thành phố, lối thoát duy nhất được Nga cho phép dẫn sang miền đông và các vùng tạm chiếm khác. Chính quyền do Nga dựng lên cũng đã ra đi.
Đã giành lại được hàng ngàn cây số vuông, giải phóng 1.500 địa điểm ở miền đông và miền nam, quân đội Ukraina phấn khởi mong chiếm được Kherson vào Noël, tạo bước ngoặt mới cho cuộc chiến. Nhưng cuộc phản công ở thành phố này khó khăn hơn Kharkiv nhiều, vì thời tiết xấu và mạng lưới kênh tưới tiêu bị quân Nga dùng làm chiến hào.
Thế trận vây hãm của Ukraina, một Mariupol đảo ngược
Nhà nghiên cứu Thibault Fouillet, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS) nhận thấy cả hai bên đều có thời gian để củng cố công sự và đều bị thiệt hại nặng. Ukraina không thể nhanh chóng chiếm được Kherson để tiến về Crimée như dự tính. Nga cho di tản phòng ngừa trường hợp Kherson bị bao vây, để tránh phải nuôi ăn và chăm sóc y tế một lượng lớn thường dân, cũng như việc thương lượng một hành lang nhân đạo - một Mariupol đảo ngược. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraina, 1.000 tân binh Nga vừa được đưa tới Kherson.
Ông Fouillet cho rằng thế trận vây hãm đã bắt đầu hình thành. Thành phố được xây dựng ở hữu ngạn sông Dniepr khiến quân Ukraina không cần phải tiến đến ngoại ô, mà chỉ cần cắt đứt với bên kia sông bằng cách nhắm vào những nơi phà có thể đi qua, sau khi phá hư những chiếc cầu. Phía Ukraina có thể bắn pháo làm tiêu hao dần lực lượng địch, thay vì tiến hành những trận đánh trong thành phố hao tốn nhiều sinh mạng.
Vì sao Kherson mang tính biểu tượng lẫn chiến lược ? Thành phố này đã bị coi là « lãnh thổ » Nga, sau khi Vladimir Putin tự tiện ra quyết định sáp nhập cùng với ba vùng đất khác của Ukraina hồi cuối tháng Chín. Nằm ở phía bắc bán đảo Crimée, Kherson trấn giữ lối vào Hắc Hải, có thể là điểm tựa để Kremlin tấn công Odessa, hải cảng cuối cùng còn do Kiev kiểm soát. Về kinh tế, là nguồn tạo ra phần lớn tổng sản phẩm nội địa của Ukraina, việc Nga kiểm soát Kherson khiến Ukraina mất đi nguồn thu lớn, góp phần bóp nghẹt đất nước này.
Ukraina có thể hy vọng tái chiếm Crimée hay không ? Theo Le Figaro, cho đến nay Kiev vẫn không có đủ phương tiện, nhưng cuộc phản công ở Kherson có thể sắp xếp lại bàn cờ.
Một phần vận mệnh Ukraina trong cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ
Nhìn sang nước Mỹ, Les Echos nhận thấy cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ rất khó khăn cho đảng Dân Chủ, và thực ra một phần vận mệnh của Ukraina được đặt cược ở đây. Gần 60 % người Mỹ chỉ trích cách quản lý kinh tế của tổng thống Biden, mà theo tờ báo thì khá bất công so với 10 triệu việc làm đã tạo ra và tỉ lệ thất nghiệp không quá 3,5 %. Nhưng lạm phát đã lên đến 8,2 %, nên đảng Dân Chủ có thể mất Hạ Viện, thậm chí cả Thượng Viện. Đảng này trông cậy vào cử tri nữ vốn hăng hái đi bầu hơn nam, nhưng như thế sẽ vẫn chưa đủ.
Đã hẳn đảng cầm quyền thường thua trong các cuộc bầu cử giữa kỳ, nhưng cuộc chiến tranh Ukraina khiến lần bỏ phiếu này càng quan trọng về chính sách đối ngoại. Một Quốc Hội trở thành Cộng Hòa liệu có giúp Biden duy trì quan điểm cứng rắn về vấn đề Ukraina ? Sự đồng thuận hỗ trợ Zelensky hiện nay có qua được mùa đông ? Ngày 08/11, có thể không phải số phận ông Donald Trump hay Joe Biden năm 2024 được định đoạt, mà cả một phần vận mệnh Ukraina.
Ai sẽ là Bill Clinton mới của đảng Dân Chủ ?
Điều chắc chắn là đối với nhiều người Mỹ cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, ông Trump vẫn đầy thế lực. Sự thất bại của bà Liz Cheney trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Wyoming cho thấy sức mạnh của phe cựu tổng thống : 70 % bỏ phiếu cho ứng cử viên được Donald Trump ủng hộ, trong khi con gái của phó tổng thống thời George W. Bush lâu nay vẫn có uy tín ở bang này. Gần hai năm sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2020, có đến 70 % cử tri Cộng Hòa vẫn tin rằng chiến thắng của Donald Trump đã bị giành mất, hay vẫn nghi hoặc về kết quả.
Xã hội Mỹ ngày càng chia rẽ. Phe Dân Chủ tố cáo thái độ bảo thủ của Tối cao Pháp viện trong các vấn đề phá thai, hôn nhân đồng tính...; còn Cộng Hòa phẫn nộ vì tư pháp và FBI liên tục tấn công ông Trump, « chưa bao giờ một tổng thống và cựu tổng thống bị đối xử như thế trong lịch sử nước Mỹ ».
Liệu các ứng cử viên được ông Trump ủng hộ sẽ tập hợp được nhiều cử tri Cộng Hòa nhất hay không, câu trả lời mang tính quyết định cho cơ hội Donald Trump quay lại năm 2024. Về phía Dân Chủ, dù có những thành công về chống biến đối khí hậu và về địa chính trị (cảm ơn ông Putin), Joe Biden ngày càng già nua, kỳ bầu cử tới ông sẽ ở tuổi 82. Hồi năm 1992 một thượng nghị sĩ trẻ tuổi hầu như vô danh ở Arkansas, chiến thắng hoàn toàn bất ngờ trong bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ, đã đánh bại tổng thống George H. W. Bush. Nhưng ngày nay ai là « Bill Clinton mới » của Dân Chủ ?
Tỉ phú Elon Musk và mạng xã hội Twitter
Cũng liên quan đến Hoa Kỳ nhưng về mạng xã hội, Le Monde cho rằng « Elon Musk không phải là giải pháp cho Twitter ». Khi nhà tỉ phú công bố ý định mua lại Twitter, tất cả mọi người đều bất ngờ. Tại sao người giàu nhất thế giới lại chi ra đến 44 tỉ đô la để kiểm soát một diễn đàn mà ông hoàn toàn có thể phát biểu tự do với trên 100 triệu người theo dõi ? Đây không phải là lần đầu tiên một tỉ phú sở hữu một đế chế truyền thông ở Hoa Kỳ. Có thể kể Michael Bloomberg, Rupert Murdoch (Wall Street Journal) hay Jeff Bezos (Washington Post), còn mạng xã hội Facebook thì của tỉ phú Mark Zuckerberg. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là Elon Musk ồn ào bày tỏ quan điểm – tất nhiên ông có quyền – tham gia vào các tranh luận chính trị và quốc tế như đề xuất kế hoạch hòa bình cho Ukraina và Đài Loan. Ngoài ra, phía sau ông là vương quốc Tesla, Space X ; dù Musk nói rằng hành động tốt cho nhân loại như hệ thống Starlink ở Ukraina và Iran, nhưng khó tránh xung đột lợi ích.
Les Echos nhận thấy gần đến bầu cử, chính quyền Biden không muốn bình luận về thương vụ này, nhưng quan hệ với nhà tỉ phú khá lạnh giá : tổng thống Mỹ chưa bao giờ tới thăm nhà máy Tesla, dù là số 1 nước Mỹ về xe hơi chạy điện, mà chỉ đến GM và Ford. Lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lăng Ukraina, Lầu Năm Góc hôm 28/10 loan báo sẽ giao cho Kiev bốn ăng-ten vệ tinh để « gia tăng khả năng liên lạc vào thời điểm quan trọng », không quên nói rõ là « khác với những thiết bị Starlink ».
Libération thì để ý đến việc tổng giám đốc Parag Agrawal bị nhân viên an ninh hộ tống ra khỏi đại bản doanh của Twitter ở San Francisco – theo Reuters - dù đã có niềm an ủi là thương lượng được món tiền đền bù lên đến 38,7 triệu đô la. Riêng luật gia Vijaya Gadde, được đền 12,5 triệu đô la, đã nằm trong tầm ngắm của ông chủ Tesla từ nhiều tháng qua. Bà là người năm ngoái đã chủ trương khóa danh khoản của đương kim tổng thống Donald Trump vĩnh viễn, và xóa một bài viết của New York Post tố cáo vụ việc liên quan đến con trai ông Joe Biden.
https://www.rfi.fr/vi/điểm-báo/20221101-từ-hạm-đội-hắc-hải-đến-kherson-nga-ở-thế-thủ-trước-ukraina
Geen opmerkingen:
Een reactie posten