Những cơ sở nghiên cứu các loại virus nguy hiểm đã đủ độ an toàn ?
Đăng ngày:
Liệu virus corona SARS-CoV-2 gây đại dịch Covid-19 có phải là hậu quả của những sai sót trong công tác nghiên cứu mang tính nguy cơ cao hay không ? Dù câu trả lời là gì đi chăng nữa, nguy cơ những đại dịch trong tương lai bùng nổ từ việc nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm là có thực.
Đây là nhận định của hai nhà nghiên cứu Filippa Lentzos (King’s College London) và Gregory Koblentz (George Mason University) trong bài viết đăng trên trang mạng nghiên cứu The Conversation : « Mức độ an toàn của các phòng nghiên cứu về virus gây chết người đã đủ hay chưa » ?
Tâm điểm của cuộc thảo luận về rò rỉ virus ra khỏi phòng thí nghiệm là Viện virus học Vũ Hán P4, nằm ở vùng thung lũng ngoại ô thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Đây là một trong 59 cơ sở nghiên cứu ở cấp độ cách ly tối đa với mầm bệnh và đang hoạt động, đang được xây dựng hoặc đang được lên kế hoạch xây dựng trên toàn thế giới.
P4 là gì ?
Các phòng nghiên cứu cấp độ cách ly 4 (trong tiếng Pháp là gọi tắt NC4, hoặc P4) được thiết kế và xây dựng để các nhà nghiên cứu có thể làm việc một cách an toàn với những mầm bệnh nguy hiểm nhất hành tinh, những mầm bệnh có thể gây ra các căn bệnh nghiêm trọng không có phương thuốc chữa trị, mà cũng chưa có vac-xin chủng ngừa. Mỗi khi vào phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phải mặc bộ quần áo bảo hộ điều áp toàn thân và được trang bị một ống bơm khí ô-xy độc lập.
Các phòng phòng nghiên cứu P4 được đặt tại 23 quốc gia, tập trung đông nhất là ở châu Âu, với 25 phòng thí nghiệm. Bắc Mỹ và châu Á lần lượt có 14 và 13 phòng nghiên cứu P4. Canada có một phòng thí nghiệm ở Winnipeg, Úc có 4 và châu Phi có 3. Giống như Viện virus học Vũ Hán, 3/4 số phòng nghiên cứu P4 trên thế giới này nằm ở các khu trung tâm đô thị.
Với diện tích 3.000 m2, Viện virus học Vũ Hán là phòng nghiên cứu P4 lớn nhất trên thế giới, nhưng P4 Vũ Hán sắp bị « qua mặt » : Khoa Quốc phòng Sinh học và Nông nghiệp Quốc gia của đại học bang Kansas, Mỹ, khi hoàn thành sẽ có hơn 4.000 m2 các phòng thí nghiệm P4.
Nhưng hầu hết các phòng nghiên cứu khác đều nhỏ hơn thế nhiều, một nửa trong số 44 phòng thí nghiệm mà hiện giờ chúng ta có dữ liệu có diện tích dưới 200 m2, chưa bằng một nửa diện tích một sân bóng rổ chuyên nghiệp, hoặc khoảng 3/4 diện tích sân tennis.
Khoảng 60% phòng nghiên cứu P4 là các cơ quan y tế công cộng do chính phủ quản lý, 20% do các trường đại học điều hành và 20% còn lại do các cơ quan quốc phòng sinh học quản lý. Các phòng thí nghiệm này được sử dụng để chẩn đoán các bệnh lây nhiễm với các mầm bệnh có nhiều nguy cơ lây truyền và gây chết người, hoặc để tiến hành nghiên cứu về các mầm bệnh nói trên nhằm nâng cao hiểu biết khoa học của con người về cách thức hoạt động của các mầm bệnh đó và phát triển các loại dược phẩm mới, vac-xin mới, cũng như phương cách xét nghiệm tầm soát mới.
Mức độ an toàn, an ninh của các P4 được bảo đảm đến đâu ?
Theo hai chuyên gia Filippa Lentzos và Gregory Koblentz, các phòng thí nghiệm P4 còn lâu mới được đánh giá cao về an ninh sinh học và an toàn sinh học. Chỉ số An ninh Sức khỏe Toàn cầu (Global Health Security Index) của tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân/Nuclear Threat Initiative (NTI), có trụ sở tại Mỹ, là chỉ số đáng chú ý, đánh giá liệu các quốc gia có các văn bản pháp chế, quy định, cơ quan giám sát, chính sách và đào tạo về an ninh sinh học và an toàn sinh học hay không. GHS Index cho thấy chỉ có ¼ các quốc gia có phòng thí nghiệm P4 đạt điểm cao về an toàn và an ninh sinh học. Điều này cũng có nghĩa các nước sẽ còn phải cải tiến rất nhiều để phát triển được các hệ thống toàn diện về quản lý các nguy cơ sinh học.
Việc gia nhập Diễn đàn Nhóm giám định quốc tế về an ninh và an toàn sinh học, nơi các cơ quan quy chế quốc gia chia sẻ những cách thức tốt nhất trong lĩnh vực giám định an ninh và an toàn sinh học, là một chỉ dấu khác về thực hành quốc gia về an toàn và an ninh sinh học. Hiện giờ mới chỉ có 40% các quốc gia có phòng thí nghiệm P4 là thành viên của diễn đàn, trong đó có Úc, Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Singapore, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh và Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa có phòng nghiên cứu P4 nào tự nguyện sử dụng tiêu chuẩn hệ thống quản lý nguy cơ sinh học (ISO 35001). Tiêu chuẩn ISO 35001 ra đời vào năm 2019 để thiết lập các quy trình quản lý nhằm giảm thiểu các nguy cơ về an ninh sinh học và an toàn sinh học.
Đại đa số các quốc gia có các phòng nghiên cứu ở cấp kiểm soát cao nhất P4 hiện nay không có các quy chế về nghiên cứu lưỡng dụng. Nghiên cứu lưỡng dụng dùng để chỉ các thí nghiệm được tiến hành vì mục đích hòa bình nhưng cũng có thể được điều chỉnh để gây hại ; hoặc nghiên cứu tăng chức năng nhằm mục đích tăng khả năng gây bệnh của một mầm bệnh.
Hiện nay mới chỉ 3 trong số 23 quốc gia có phòng nghiên cứu P4, là Úc, Canada và Mỹ, đã có chính sách quốc gia về giám sát nghiên cứu lưỡng dụng. Ít nhất 3 quốc gia khác (Đức, Thụy Sĩ và Vương quốc Anh) có một số hình thức giám sát công tác nghiên cứu lưỡng dụng, với chẳng hạn các cơ quan tài trợ yêu cầu người nhận tài trợ xem xét các nghiên cứu của họ để xác định hệ lụy của các nghiên cứu lưỡng dụng.
Nhu cầu nghiên cứu các loại virus corona gia tăng
Trên thực tế, đa phần các nghiên cứu khoa học về các loại virus corona được tiến hành ở các quốc gia không có sự giám sát về nghiên cứu lưỡng dụng hoặc các thí nghiệm tăng chức năng. Tình hình càng đáng lo ngại, nhất là vì các nghiên cứu về tăng chức năng được thực hiện trên các loại virus corona có thể gia tăng. Các nhà khoa học đang nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn về các loại virus này và xác định đâu là những virus corona có nhiều nguy cơ truyền từ động vật sang con người hoặc có khả năng truyền từ người sang người. Người ta cũng đang lo sợ là, do đại dịch Covid-19 lần này, sẽ có thêm nhiều quốc gia tìm cách sở hữu các phòng thí nghiệm P4 để chuẩn bị cho việc đối phó các đại dịch trong tương lai.
Hai nhà nghiên cứu Filippa Lentzos và Gregory Koblentz kết luận đại dịch Covid-19 là một lời nhắc nhở mạnh mẽ với chúng ta về những rủi ro, nguy cơ do các bệnh truyền nhiễm gây ra và tầm quan trọng của nghiên cứu y sinh để cứu sống con người. Thế nhưng, những nghiên cứu đó cũng có thể mang đến những mối nguy hiểm riêng. Làm khoa học một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt và đề ra các chính sách mạnh mẽ có thể hạn chế những nguy cơ kể trên và cho phép nhân loại gặt hái được những thành quả từ những nghiên cứu đó.
Thế kỷ XXI - thời đại của sinh học
Trong khi đó, trong bài viết « Để thiết lập sự quản lý quốc tế về an toàn sinh học », đăng trên tuần báo L’Express ngày 13/08/2021, kỹ sư Rodolphe de Maistre, giám đốc dự án, Viện nghiên cứu cấp cao về quốc phòng của Pháp (IHEDN), nhấn mạnh thế kỷ XXI là thời đại của sinh học, nhưng đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy hiện giờ thế giới đang thiếu sự quản lý quốc tế về giám sát các nghiên cứu sinh học, trong khi về lĩnh vực hạt nhân thì chúng ta đã có IAEA (Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế), với cơ chế quốc tế về quản lý, thanh tra và quy định để năng lượng hạt nhân được sử dụng một cách an toàn và không bị chuyển hướng phục vụ các mục đích phá hoại (kiểm soát lưỡng dụng).
Theo vị chuyên gia từng cùng với một nhóm nhà nghiên cứu gửi thư ngỏ lên Tổ Chức Y Tế Thế Giới đề xuất về một cuộc điều tra độc lập và tự do về nguồn gốc virus corona gây đại dịch Covid-19, hạt nhân và sinh học đương nhiên là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng đều là các lĩnh vực có rủi ro cao. Các rủi ro, nguy cơ trong lĩnh vực sinh học phát sinh từ các tác nhân có nhiều khả năng gây bệnh. Dưới nhiều khía cạnh, lĩnh vực sinh học có thể dẫn đến nhiều tai nạn nghiêm trọng hơn tai nạn trong lĩnh vực hạt nhân. Chỉ một vụ tai nạn sinh học cũng có thể tác động đến cả hành tinh.
Vì vậy, ông khẩn thiết đề nghị thế giới phải nhanh chóng thành lập một « Cơ quan Quốc tế về An toàn Sinh học và Nghiên cứu Sinh học ». Cơ quan này sẽ được trang bị các cơ chế quản lý và giám sát và hoạt động độc lập với cả các quốc gia và các nhà nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa các rủi ro về an toàn và môi trường, đồng thời giám sát công tác nghiên cứu về các mầm bệnh nguy hiểm. « Cơ quan Quốc tế về An toàn Sinh học và Nghiên cứu Sinh học » cũng sẽ đề xuất các quy tắc và phương tiện chia sẻ các thông tin sinh học, cũng như các quy tắc và phương tiện bảo đảm sự an toàn, chắc chắn của các thông tin sinh học bằng cách bảo đảm tính nguyên vẹn và khả năng truy xuất nguồn gốc các thông tin sinh học này.
Những cơ sở nghiên cứu các loại virus nguy hiểm đã đủ độ an toàn ? (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten