maandag 20 september 2021

Nga củng cố vùng đệm Trung Á ngăn ngừa đe dọa từ Afghanistan

 

Nga củng cố vùng đệm Trung Á ngăn ngừa đe dọa từ Afghanistan

Xe tăng của Tadjikistan tập trận chung với Nga và Uzbekistan tại Harb-Maidon, ở Tadjikistan, cách biên giới Afghanistan khoảng 20 km, ngày 10/08/2021. Cuộc tập trận huy động 2.500 quân nhân từ ba nước và 500 xe quân sự.
Xe tăng của Tadjikistan tập trận chung với Nga và Uzbekistan tại Harb-Maidon, ở Tadjikistan, cách biên giới Afghanistan khoảng 20 km, ngày 10/08/2021. Cuộc tập trận huy động 2.500 quân nhân từ ba nước và 500 xe quân sự. AP - Didor Sadulloev

Taliban, bị Nga xếp trong danh sách khủng bố, lên nắm quyền ở Afghanistan từ ngày 15/08/2021 khiến Matxcơva lo ngại. Không giáp giới với Afghanistan, nhưng Nga buộc phải củng cố vùng đệm để ngăn ngừa nhiều mối đe dọa trong thời kỳ quá độ, từ nguy cơ quân thánh chiến Afghanistan trà trộn vào dòng người di cư, nguy cơ Hồi Giáo cực đoan, đến bùng nổ buôn bán ma túy.

Ngay khi nhận thấy đà tiến của Taliban và nguy cơ quân đội Afghanistan thất trận, chính quyền Matxcơva đã tăng cường tập trận chung, cam kết cung cấp vũ khí cho các đồng minh Trung Á. Về mặt ngoại giao, Matxcơva chuyển hướng “thực dụng”, thể hiện thái độ hòa hoãn với Taliban, dù lực lượng này vẫn bị Nga liệt là “tổ chức khủng bố”, với hy vọng Taliban sẽ sớm ổn định được tình hình ở Afghanistan. 

Trang bị vũ khí cho các nước đồng minh giáp với Afghanistan 

Kazakhstan, Kirghizistan và Tadjikistan, ba thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), cùng với Uzbekistan (ngừng tham gia năm 2012), trở thành tuyến phòng thủ đầu tiên cho Nga. CSTO là liên minh chính trị-quân sự được thành lập năm 2002, nay bao gồm 6 nước Armenia, Belarus, Nga, Kazakhstan, Kirghizistan và Tadjikistan. Theo thứ trưởng ngoại giao Nga Alexandre Pankine, được trang Courrier International trích dẫn ngày 26/08, Matxcơva “cho là không cần phải làm trầm trọng mọi chuyện bằng cách thể hiện sức mạnh của mình” ở cấp CSTO,“mục tiêu đầu tiên là bảo vệ các đường biên giới phía nam của Nga, đó là Tadjikistan và Turkmenistan”.  

Uzbekistan và Tadjikistan từng là nạn nhân các vụ khủng bố thánh chiến trong những năm 1990-2000 và hiện lo ngại khi thấy Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan. Tuy nhiên, chỉ ba nước Trung Á sẽ không thể chống lại được lực lượng Taliban, vừa thu được kho vũ khí Mỹ mà quân đội Afghanistan tháo chạy bỏ lại. Cho nên Nga quyết định tăng cường khả năng phòng thủ cho các nước đồng minh giáp ranh với Afghanistan.

Chỉ ba ngày sau phát biểu bên lề Diễn đàn Kỹ thuật Quân sự và Hội thao Quân sự Quốc tế 2021 của phó thủ tướng Youri Borissov, ngày 26/08, tổng giám đốc công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport cho hãng tin Ria Nonosti biết “đã thực hiện một số đơn đặt hàng của các nước trong vùng để cung cấp máy bay trực thăng Nga, vũ khí hạng nhẹ và hệ thống biên phòng hiện đại”.  

Tình hình diễn biến phức tạp ở Afghanistan sau ngày 15/08 cũng buộc Nga chủ trì một cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể ngày 23/08, nhằm “ban hành thêm những biện pháp để tăng cường an ninh, đặc biệt là ở vùng Trung Á”, theo ông Stanislav Zas, tổng thư ký CSTO được báo mạng Vzgliad trích đăng. Kế hoạch hành động chung trước mối đe dọa từ Afghanistan của các nước thành viên CSTO và Uzbekistan đang được soạn thảo và sẽ được nêu chi tiết trong cuộc họp thượng đỉnh dự kiến diễn ra ngày 15-16/09 ở Dushanbe, thủ đô của Tadjikistan.  

Theo báo Kommersant, mục tiêu chính được tổng thống Nga Vladimir Putin nêu lên trong cuộc họp thượng đỉnh ngày 23/08 là “các nước thành viên của CSTO không được phép để Hồi Giáo cực đoan thâm nhập và lôi kéo công dân vào những tổ chức cực đoan”. Tổng thống Nga cho biết sẵn sàng hỗ trợ thiết bị cho chính quyền Tadjikistan để ngăn chặn các mối đe dọa từ Afghanistan. Theo trang Sputnik, chính quyền Dushanbe cam kết “sẽ báo ngay cho các nước đối tác CSTO trong trường hợp người tị nạn Afghanistan ồ ạt tràn sang”, do Tadjikistan có hơn 1.200 km đường biên giới với Afghanistan. 

Tập trận chung tăng cường khả năng tác chiến bảo vệ biên giới 

Ngoài cung cấp vũ khí với giá ưu đãi, Nga cũng tăng cường tập trận chung với các nước đồng minh Trung Á ngay từ giữa tháng Bẩy, với tổng cộng 9 đợt, “tại Nga, Kirghizstan, Uzberkistan và Tadjikistan”, theo đại tá Alexander Lapine, được trang TVZvezda.ru trích dẫn. Ví dụ như cuộc tập trận từ ngày 05 đến 10/08 tại một thao trường ở Tadjikistan chỉ cách biên giới Afghanistan 20 km, huy động đến 2.500 quân nhân của Nga, Tadjikistan, Uzbekistan và 500 xe thiết giáp, với mục tiêu bảo vệ biên giới Tadjikistan-Afghanistan. 

Một cuộc tập trận khác, dự kiến diễn ra từ ngày 07-09/09, sẽ được tiến hành ở Kirghizstan. Nhưng lần này sẽ có đủ các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể tham gia. Một người phát ngôn của CSTO cho hãng tin Interfax biết là các cuộc tập trận sẽ nhằm luyện tập “phá các nhóm vũ trang bất hợp pháp xâm chiếm lãnh thổ một nước thành viên của CSTO”.   

Đỉnh điểm của các hoạt động huấn luyện quân sự quốc tế này sẽ là cuộc tập trận chống khủng bố “Sứ mệnh Hòa bình-2021” từ ngày 11 đến 25/09 ở căn cứ Donguz, vùng Orenburg của Nga. Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (diễn đàn chính trị-kinh tế được Trung Quốc thành lập năm 2001, gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kirghizistan, Uzbekistan và Tadjikistan, đến năm 2017 có thêm Ấn Độ và Pakistan) vẫn tiếp tục thảo luận với Nga về cách thức tổ chức. “Hợp sức với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” là một mục tiêu từng được tổng thư ký CSTO Stanislav Zas nêu lên hôm 23/08. 

Hai căn cứ của Nga ở Tadjikistan và Kirghizstan được trang bị thêm vũ khí 

Hai căn cứ quân sự ở Tadjikistan và Kirghizstan cũng tạo thuận lợi cho Nga trong quá trình hợp tác quân sự với các đối tác Trung Á và giúp các nước này có thể kịp trở tay khi xảy ra bất trắc từ Afghanistan. Điều này được bộ trưởng Quốc Phòng Nga Serguei Choigou khẳng định trong phát biểu ngày 05/08 : “Căn cứ của chúng ta (Nga) ở Tadjikistan tương đối mạnh, vững chắc và dĩ nhiên là nếu cần thiết, trong trường hợp bị tấn công trực tiếp, thì sẽ được huy động để bảo vệ biên giới của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Tương tự như vậy, cũng có thể sẽ cần đến căn cứ của chúng ta ở Kirghizstan”.  

Tại Tadjikistan, Nga có căn cứ 201, đóng tại hai thành phố Dushanbe và Qurghonteppa, chỉ cách biên giới Afghanistan khoảng 58 km. Theo trang Sputnik ngày 24/08, khủng hoảng ở Afghanistan đã buộc Nga phải tăng cường căn cứ này. Một lô tên lửa chống tăng Kornet đã được đưa đến căn cứ 201. Tên lửa này có khả năng phá hủy xe bọc thép, cũng như các mục tiêu trên không, kể cả máy bay không người lái và máy bay trực thăng ở khoảng cách hơn 5 km. Ngoài ra còn phải kể đến hệ thống tên lửa phòng không vác vai Verba, súng trường AK-12, súng bắn tỉa và súng phóng hỏa được giao trong tháng Tám, sắp tới là 17 xe chiến đấu bộ binh BMP-2. 

Ngoài tăng viện vũ khí, phi công của căn cứ 201 còn tập thao tác bay ở các hẻm núi, hạ cánh hoặc cất cánh từ các bãi không được trang bị, phục kích bằng trực thăng và tránh bị nhắm bắn từ các hệ thống tên lửa phòng không di động. 

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitri Peskov khẳng định ngày 23/08 rằng Nga và các đồng minh chỉ tăng cường phòng thủ, không “có ý định can thiệp vào cuộc xung đột giữa Taliban và các phe đối lập”, cũng như không “đóng vai trò trung gian”. Chính quyền Matxcơva không muốn đi vào vết xe đổ tại Afghanistan trong suốt 10 năm (1979-1989) dưới thời Liên Xô.  

Từ “những bài học rút ra” từ thất bại của Liên Xô, tổng thống Putin khẳng định tại đại hội đảng Nước Nga Thống Nhất ngày 24/08 rằng, sử dụng sức mạnh quân sự “có lẽ là phương sách cuối cùng”, bởi vì ông tự tin là Matxcơva có “đòn bẩy ngoại giao” và biết cách “nói chuyện với Taliban, kể cả bằng ngôn ngữ của đạo Hồi”

Thái độ “thực dụng” này được thể hiện qua việc Nga vẫn duy trì sứ quán ở Kabul, thể hiện hòa hoãn với Taliban, gần đây nhất là ngày 30/08, Matxcơva kêu gọi Washington ngừng phong tỏa dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Trung ương Afghanistan, một biện pháp được Mỹ ban hành để cắt nguồn tài chính của Taliban. 

(Tổng hợp Courrier InternationalAFPRFISputnik

Nga củng cố vùng đệm Trung Á ngăn ngừa đe dọa từ Afghanistan (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten