dinsdag 28 september 2021

Trung Quốc: Đến lượt Xiaomi bị tố cáo là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh

 

Trung Quốc: Đến lượt Xiaomi bị tố cáo là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh

Ba chiếc điện thoại Xiaomi Mi 10T 5G, Huawei P40 5G và  OnePlus 8T 5G được xem xét tại phòng thí nghiệm của bộ Quốc Phòng Lítva ở Vilnius. Ảnh không đề ngày do chính quyền Litva cung cấp.
Ba chiếc điện thoại Xiaomi Mi 10T 5G, Huawei P40 5G và OnePlus 8T 5G được xem xét tại phòng thí nghiệm của bộ Quốc Phòng Lítva ở Vilnius. Ảnh không đề ngày do chính quyền Litva cung cấp. via REUTERS - LITHUANIA DEFENSE MINISTRY

Vào lúc quan hệ với Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng, ngày 22/09/2021 bộ Quốc Phòng Litva, một thành viên nhỏ bé của Liên Hiệp Châu Âu đã lên tiếng cảnh báo các cơ quan và người dân nước này về nguy cơ bị Bắc Kinh dọ thám khi dùng điện thoại thông minh Trung Quốc, cụ thể là sản phẩm của Hoa Vi và Xiaomi. Khuyến cáo kể trên được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu mới nhất của một cơ quan chính phủ: Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc Gia Litva. 


Quan điểm của chính quyền Vilnius rất rõ ràng: Phải tẩy chay điện thoại Trung Quốc. Phát biểu với báo chí nhân buổi giới thiệu bản nghiên cứu của Trung Tâm An Ninh Mạng Quốc gia, thứ trưởng bộ Quốc Phòng Litva Margiris Abukevicius xác định: “Khuyến nghị của chúng tôi là không nên mua điện thoại mới của Trung Quốc và vứt bỏ những điện thoại đã mua càng sớm càng tốt”. 

Trong bản báo cáo nghiên cứu, đề ngày 23/09 mang tựa đề “Thẩm định vấn đề an ninh mạng của các thiết bị di động hỗ trợ công nghệ 5G được bán ở Litva”, Trung Tâm An Ninh Mạng Lítva cho biết đã xem xét ba loại điện thoại do Trung Quốc sản xuất và có mặt trên thị trường quốc gia vùng Baltic này: Huawei P40 5G, Xiaomi Mi 10T 5G và OnePlus 8T 5G. Tính ra có khoảng 200 cơ quan hành chánh hay công cộng tại Litva đã mua các loại điện thoại nói trên và hơn 4.500 chiếc đang được sử dụng. 

Phát hiện của cơ quan an ninh mạng Litva rất đáng ngại: Các thiết bị do Hoa Vi và Xiaomi sản xuất hàm chứa 4 rủi ro chính, trong đó có 2 rủi ro liên quan đến các ứng dụng cài đặt sẵn và 1 rủi ro liên quan đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu cá nhân. Chỉ có OnePlus là vô hại. 

Xiaomi được cài sẵn một phần mềm kiểm duyệt có thể kích hoạt từ xa

Bằng chứng cụ thể nhất và không thể chối cãi về việc Hoa Vi và Xiaomi là công cụ phục vụ cho Bắc Kinh là sự tồn tại trong điện thoại của Xiaomi một phần mềm được cài sẵn ngay từ nhà máy, có thể kích hoạt từ xa, có chức năng phát hiện và cho phép kiểm duyệt hàng trăm từ khóa hay nhóm từ nhạy cảm đối với chế độ Trung Quốc. 

Đó là các từ ngữ như “Tây Tạng tự do”, “Đài Loan độc lập muôn năm”, “Độc lập của Mông Cổ”, “Phong trào Dân chủ 1989”… Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Libération ngày 22/09, những ai dùng điện thoại Xiaomi của Trung Quốc - cụ thể là loại Mi 10T 5G - thì tùy thuộc vào nơi đang có mặt, đều có nguy cơ không tham khảo được các trang hoặc tải về các tài liệu có chứa các từ bị Bắc Kinh kiểm duyệt này.  

Theo Trung Tâm An Ninh Mạng Litva, danh sách đen các thuật ngữ bị kiểm duyệt, nằm trong một tệp có tên “MiAdBlacklistConfig”, được cập nhật liên tục từ Trung Quốc. Vào thời điểm báo cáo của Litva được viết, danh sách đã có 449 “từ khóa”. Dù đó là những từ ngữ viết bằng tiếng Hoa, nhưng tệp tin hoàn toàn có thể thêm các từ viết bằng ký tự Latinh. 

Tính năng kiểm duyệt nói trên của điện thoại Xiaomi đã bị vô hiệu hóa trong mẫu điện thoại được cơ quan nghiên cứu Litva xem xét, nhưng theo trung tâm này, chức năng kiểm duyệt có thể được kích hoạt từ xa vào bất cứ lúc nào. 

Litva muốn phương Tây có phản ứng chung chống lại đe dọa từ Trung Quốc

Trả lời báo Pháp Le Monde ngày 23/09, thứ trưởng Quốc Phòng Litva khẳng định rất ngac nhiên trước khả năng kiểm duyệt từ xa trên điện thoại Xioami và cho biết nước ông có mục tiêu chia sẻ kết quả nghiên cứu với các đối tác châu Âu và Hoa Kỳ để có được phản ứng chung trước những mối đe dọa này. 

Đối với Libération, vấn đề lỗ hổng về an toàn bảo mật trên điện thoại thông minh không phải là hiếm, nhưng trong trường hợp Xiaomi, dường như đây là lần đầu tiên một Nhà nước - tức là Trung Quốc - tự cho mình quyền tiến hành kiểm duyệt theo thời gian thực và theo dõi người dùng thông qua các thiết bị tiêu dùng được xuất khẩu ra toàn thế giới.

Tự động chuyển dữ liệu người dùng trên thế giới về Trung Quốc

Ngoài vấn đề cho phép kiểm duyệt từ xa, trung tâm an ninh mạng Litva cũng vạch trần việc điện thoại Xiaomi và Hoa Vi tự động chuyển dữ liệu của người dùng về Trung Quốc thông qua các ứng dụng do nhà máy cài đặt trong các thiết bị. 

Trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia an ninh mạng Litva đã phát giác việc điện thoại Xiaomi đang gửi dữ liệu người dùng (đã được mã hóa) tới máy chủ, ở Singapore nhưng lại là nguồn cung ứng dữ liệu cho hệ thống cloud của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Tencent.

Còn đối với điện thoại của Hoa Vi, báo cáo Litva nêu bật sự hiện diên của các liên kết dẫn đến các ứng dụng “bắt chước các ứng dụng nguyên bản nổi tiếng chứa đựng những tính năng độc hại hay virus”.  

Chuyên gia Pháp Julien Nocetti thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, trả lời báo Pháp Libération ngày 22/09 xác định: “Nguy cơ rò rỉ dữ liệu rất quan trọng vì các công ty này có tham vọng thiết kế một hệ sinh thái công nghệ toàn diện để giam hãm người dùng". 

Chính cấu tạo của điện thoại Xiaomi bị đặt vấn đề

Theo ông Nocetti, điểm hệ trọng lần này là “chính cấu tạo của các thiết bị Xiaomi đang bị đặt câu hỏi chứ không đơn thuần là vấn đề mạng viễn thông 5G”.  

Là một tập đoàn đang phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ và đang cố thâm nhập thị trường châu Âu, cho đến lúc này, Xiaomi đã lọt qua được lưới kiểm soát của chính quyền các nước dân chủ, vốn chỉ tập trung vào Hoa Vi và ZTE một công ty khác của Trung Quốc.  

Vấn đề, theo chuyên gia Pháp là “Xiaomi, dưới hình ảnh được phô bày là một công ty khá trẻ trung và năng động, đang đưa ra một gam sản phẩm rất hoàn chỉnh về mặt công nghệ, từ những chiếc xe tự đẩy (trottinette) đến kính được kết nối, và bằng cách đi vào lĩnh vực xe hơi tự hành.” 

Việc phát hiện chức năng kiểm duyệt bị “bỏ quên” trên điện thoại Xiaami là một lời nhắc nhở về nguy cơ người tiêu dùng và các quốc gia dân chủ bị ảnh hưởng từ các hoạt động lũng đoạn, đánh cắp dữ liệu và gián điệp do đảng Cộng Sản Trung Quốc thực hiện. 

Julien Nocetti kết luận: “Trong lúc tình báo Mỹ đã bắt đầu đề cập trên các phương tiện truyền thông về khả năng mở cửa lại cho công nghệ 5G của Trung Quốc, những trường hợp (như vụ Xiaomi) có thể làm nghiêng cán cân về một thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”. 

Litva cố chống lại Trung Quốc

Điểm được giới quan sát lưu ý là phát hiện về các rủi ro đến từ điện thoại Trung Quốc được công bố vào lúc Litva, một thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO, đang đọ sức ngoại giao với  Trung Quốc kể từ khi dịch Covid-19 bùng lên.  

Vào tháng 5, Vilnius đã rút ra khỏi nhóm Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế 17 + 1,  quy tụ Trung Quốc và các nước Trung và Đông Âu. Đồng thời, Quốc Hội Litva đã công nhận tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và loại bỏ Hoa Vi để ủng hộ nhà mạng Telia của Thụy Điển về thiết bị 5G.  

Gần đây nhất, vào tháng 7, thông báo về việc mở "văn phòng đại diện Đài Loan" ở Vilnius đã dẫn đến việc Bắc Kinh triệu hồi đại sứ Trung Quốc tại Litva và buộc đại sứ Litva tại Trung Quốc rời nhiệm sở. 

Theo đánh giá của Una Aleksandra Berzina- Cerenkova, giáo sư tại Viện Các Vấn Đề Quốc Tế Latvia và chuyên gia về quan hệ Trung-Baltic trên Libération: “Trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao, tôi nghĩ Litva đã quyết định kiểm tra điện thoại Trung Quốc vì họ biết rằng ngoài sức ép kinh tế và ngoại giao, Trung Quốc còn có các công cụ cho phép họ gây sức ép một cách ít lộ liễu hơn”. 

Theo chuyên gia này, lời thúc giục các cơ quan nhà nước Litva "ngừng mua điện thoại mới từ các nhà sản xuất Trung Quốc" và loại bỏ chúng càng sớm càng tốt chính là một lời kêu gọi tẩy chay gởi đến tất cả người tiêu dùng Litva. 

Trung Quốc: Đến lượt Xiaomi bị tố cáo là công cụ gián điệp cho Bắc Kinh (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten