K-Pop: Ngành công nghiệp hái ra tiền của Hàn Quốc
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Trong thời đại của Youtube và các ứng dụng nghe nhạc trực tuyến, K-Pop hiện là một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la. Gần đây, Billboard công bố nhóm nhạc nổi tiếng BTS là một trong 5 ngôi sao âm nhạc kiếm nhiều tiền nhất thế giới năm 2020, với doanh thu khoảng 31,5 triệu đô la.
Theo thống kê thị trường âm nhạc Mỹ nửa đầu năm 2021 của MRC Data cho Billboard, BTS đã bán được 573.000 đĩa CD và trở thành nghệ sĩ bán được nhiều album CD nhất tại Hoa Kỳ. Album bán chạy nhất tại Hàn Quốc tính đến năm 2021 là Map of the Soul: 7 của nhóm nhạc nam này, với 4,1 triệu bản được bán ra trong vòng chưa đầy một tháng. BTS cũng là nghệ sĩ sở hữu nhiều album bán được hơn 1 triệu bản nhất, với 9 album.
Công ty HYPE quản lý của BTS đã trở thành công ty có lợi nhuận ròng cao nhất trong quý II/ 2021, lên tới 20,2 tỷ won (khoảng 17 triệu đô la). Lợi nhuận được BTS mang về cho công ty chủ yếu từ việc bán album, biểu diễn, các chương trình trực tuyến được phát trên khắp thế giới và các hợp đồng quảng cáo trị giá hàng triệu đô.
BTS không chỉ nổi tiếng với 7 nam ca sĩ trẻ đẹp, hay những màn trình diễn sôi động, mà còn nhờ vào thông điệp khích lệ trong nhiều bài hát, như nhận định của Nguyên, một du học sinh Việt Nam theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh văn hóa nghệ thuật tại Hàn Quốc :
“Tôi là một người hâm mộ lớn đối với K-Pop và đặc biệt là nhóm BTS, bởi vì BTS là nhóm nhạc có nhiều bài hát mang ý nghĩa tích cực và truyền cảm hứng cho tôi và tôi nghĩ đó chính là một trong những yếu tố giúp BTS phát triển không chỉ ở Hàn Quốc, mà còn trên toàn thế giới. Tôi nghĩ là đối với nền công nghiệp K-Pop đang được đào tạo bài bản và thành công như hiện nay, thì trong tương lai K-Pop sẽ không chỉ gói gọn ở trong khu vực châu Á, mà còn lớn hơn ở các khu vực khác trên toàn thế giới, giống như sự phát triển của nền âm nhạc US và UK”.
Sức ảnh hưởng của sao K-Pop đến thời trang
K-Pop không chỉ là âm nhạc, K-Pop còn là khởi nguồn của những xu hướng thời trang mới cho giới trẻ: từ quần áo, phụ kiện cho tới cách trang điểm. Thần tượng “Idol” và nghệ sĩ K-Pop là nguồn khai thác cho các hãng thời trang, từ xa xỉ tới bình dân, để quảng cáo cho thương hiệu của họ tới thị trường người hâm mộ K-Pop. Chỉ cần được xuất hiện trên phương tiện truyền thông xã hội, các món đồ mà thần tượng sử dụng, dù là trên sân khấu hay ở sân bay, đều được người hâm mộ lùng mua.
Ví dụ như Rosé, thành viên của BlackPink và là gương mặt đại diện cho các chiến dịch quảng bá toàn cầu của hãng thời trang và mỹ phẩm Yves Saint - Laurent, hay thương hiệu trang sức Tiffany&Co. Nhờ Rosé mà Yves Saint - Laurent trở nên phổ biến hơn rất nhiều tại thị trường châu Á - một thị trường mới đầy tiềm năng mà các ông lớn ngành thời trang đều tìm cách khai thác. Theo tạp chí The Glossary, chiến dịch quảng bá toàn cầu của Rosé là một trong những chiến dịch ấn tượng nhất mùa thu 2020.
Jungkook - thành viên nhỏ tuổi nhất của BTS - được fan đặt cho biệt danh “Vua bán chạy” nhờ vào khả năng làm cho tất cả các sản phẩm mà anh dùng đều được bán hết veo. Ví dụ, khi tương tác trong buổi phát sóng trực tiếp trên VLive với người hâm mộ ngày 27/02/2021, Jungkook uống trà Kombucha của thương hiệu Teazen. Ngay sau đó, doanh số bán trà của Teazen tăng 500% nhờ người hâm mộ của Jungkook. Kho nước uống Kombucha cũng được bán hết sạch chỉ trong ba tháng. Và Teazen giành giải Thương hiệu của năm 2021.
K-Pop : Niềm tự hào của dân Hàn Quốc
Nhờ sức ảnh hưởng của K-Pop mà nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng một cách đáng kể. K-Pop trở thành một hiện tượng mới ở các nước phương Tây nhờ ca sĩ PSY và bài hát nổi tiếng Gangnam Style năm 2012. Điệu nhảy “cưỡi ngựa” phổ biến khắp thế giới và giúp PSY thu về 8 triệu đô la từ Youtube. Hiện nay, nhiều ông lớn trong ngành giải trí Hàn Quốc đã góp mặt trong danh sách tỷ phú đô la của tạp chí Forbes. SM Entertainment, YG Entertainment, HYPE Corp và JYP Entertainment được coi là bốn công ty giải trí lớn của Hàn Quốc. Năm 2019, làn sóng văn hóa Hàn Quốc như K-Pop, phim truyền hình đã đóng góp khoảng 12,3 tỷ đô la cho nền kinh tế nước này.
Không phải ngẫu nhiên mà K-Pop nổi tiếng toàn cầu như hiện nay. Vào cuối những năm 1990, khi châu Á đang trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính lớn, các nhà lãnh đạo Hàn Quốc quyết định sử dụng âm nhạc và điện ảnh để xây dựng hình ảnh văn hóa riêng. Chính phủ Hàn Quốc đã lập một ban chuyên về K-Pop và thực hiện nhiều chính sách phổ biến và cổ vũ yêu thích K-Pop, như đổi mới công nghệ hình ảnh, xây dựng phòng nhạc lớn và thậm chí điều hành các quán karaoke... Mục tiêu là để K-Pop trở lên phổ biến hơn nữa trên toàn cầu, tương tự như văn hóa Mỹ.
Là một công dân Hàn Quốc, Jieun đã trả lời một cách đầy tự hào khi nói về tầm ảnh hưởng của K-Pop :
“Hình ảnh thương hiệu quốc gia của Hàn Quốc đã được phổ biến hơn nhiều nhờ K-Pop. Càng ngày càng có nhiều người nước ngoài quan tâm hơn đến việc học ngôn ngữ Hàn Quốc, và K-Pop cũng đã được quảng bá khắp thế giới. K-Pop còn khai thác rất nhiều hướng đi mới để đóng góp phát triển cho nền công nghiệp”.
Đằng sau ánh hào quang
Bên cạnh sự hỗ trợ từ chính phủ, việc đào tạo các ngôi sao K-Pop cũng được ban thành luật và điều hành hết sức nghiêm túc. “Idol” là từ chung để chỉ các nghệ sĩ hoạt động trong ngành công nghiệp K-Pop. Có hàng triệu người khao khát được trở thành “idol” ở Hàn Quốc, nhưng để làm được thì không hề dễ dàng.
Độ tuổi của các “idol” khi được ra mắt công chúng là vào khoảng cuối độ tuổi 10 và đầu độ tuổi 20 vì vậy các thực tập sinh thường rất trẻ. Khi đã trở thành thực tập sinh của một công ty giải trí, họ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như tập luyện vất vả, trong khi được trợ cấp ít ỏi và phải sống xa gia đình. Nếu được nhận vào một công ty giải trí có tiếng thì các bạn trẻ sẽ được đào tạo miễn phí thanh nhạc, vũ đạo và diễn xuất. Công ty sẽ có những bài kiểm tra hàng tháng để đánh giá năng lực của học viên và sẽ quyết định, lựa chọn những thực tập sinh sáng giá để cho ra mắt.
Thời gian tập luyện có thể phải kéo dài từ vài tháng cho tới vài năm, nhưng không chắc các bạn thực tập sinh có thể được ra mắt với tư cách là một “idol”. Một số người đã phải từ bỏ ước mơ trở thành “idol” khi bước sang tuổi 20, vì quá tuổi, dù họ đã dành hết thanh xuân cho việc tập luyện. Thời gian đầu ra mắt, mọi thu nhập đến từ hoạt động của các nghệ sĩ sẽ được công ty giữ lại để chi trả cho việc đào tạo của “idol” đó khi còn là thực tập sinh. Có rất nhiều công ty không đủ điều kiện về tài chính đã bỏ ra một số tiền lớn để đào tạo “idol”, rồi sau đó vẫn phải để nhóm nhạc tan rã vì thu nhập của nhóm không đủ để bù lại vào đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, đằng sau ánh hào quang, nhiều “idol” phải đối mặt với nhiều khó khăn, như hợp đồng nô lệ, quấy rối tình dục, đời tư bị kiểm soát và hầu như mất tự do trong cuộc sống. Đó là mặt tối khác của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Do vậy, những năm gần đây, tỉ lệ tự tử hoặc mắc các bệnh về tâm lý của idol K-Pop ngày càng tăng.
Cuộc truy quét văn hóa K-Pop tại Trung Quốc
“JIMINBAR”, tài khoản Weibo fanclub Trung Quốc của ca sĩ Jimin trong ban nhạc BTS Hàn quốc bị cấm đăng bài trong vòng 60 ngày vì “gây quỹ bất hợp pháp” khi kêu gọi quyên góp để đưa hình ảnh của nam ca sĩ 9X trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Jeju Air.
Thực ra, sao Hàn bị vạ lây trong chiến dịch "thanh lọc" ngành giải trí Trung Quốc, cũng là cái cớ để tiếp tục hạn chế văn hóa Hàn Quốc, được chính quyền Bắc Kinh chủ trương từ năm 2016.
Ngoài “JIMINBAR”, có khoảng 22 tài khoản mạng xã hội Sina Weibo khác của người hâm mộ K-Pop tại Trung Quốc đã bị khóa vì theo đuổi thần tượng “không lý trí”. Việc “cấm ngôn” một fanlcub của Jimin được cho là cái cớ nằm trong chiến dịch loại sao nam “yểu điệu”, để “nhấn mạnh đến văn hóa truyền thống Trung Quốc, văn hóa Cách mạng và văn hóa xã hội chủ nghĩa”, theo một hướng dẫn của Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Trung Quốc đầu tháng 09/2021.
Chính sách mới của Bắc Kinh đã buộc Seoul phải lên tiếng, nhưng đại sứ Trung Quốc ở Hàn Quốc trấn an là “không nhắm cụ thể đến bất kỳ quốc gia nào”. Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, giúp cho các sao Hàn duy trì được độ nổi tiếng và có lực lượng fan đông đảo, hoạt động mạnh và chịu chi, dù K-Pop và Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) ngày càng khẳng định được vị trí trên thế giới, không chỉ về mặt âm nhạc, phim ảnh và còn về thời trang và phong cách sống.
K-Pop: Ngành công nghiệp hái ra tiền của Hàn Quốc - Tạp chí xã hội (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten