Ground Zero – Xưa và Nay
Xây dựng lại Ground Zero từ 10 tòa nhà và một quảng trường bị tàn phá hôm 11/9
Tác giả Michael Lipin
Chuyển ngữ: An Tôn/VOA Tiếng Việt
September 11, 2021
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 vào New York không chỉ phá hủy Tháp Đôi là điểm nhấn trong Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) của thành phố. Tổng cộng 10 tòa nhà, bao gồm tất cả 7 tòa nhà của khu phức hợp WTC và quảng trường WTC đã bị tàn phá trong khu vực gọi là Ground Zero ở Lower Manhattan. Trong 20 năm kể từ khi các cuộc tấn công xảy ra, các nỗ lực tái thiết gần như đã kết thúc, biến đổi khu vực bằng các đài tưởng niệm về những tổn thất mất mát và các tòa nhà mới mang lại không gian sáng tạo cho hoạt động kinh doanh, mua sắm, giao thông và cầu nguyện. Hãy kéo xuống để xem thư viện ảnh của VOA và đọc những câu chuyện về cảnh quan thay đổi ở Ground Zero.
Thời điểm | |
Các địa điểm |
Địa điểm gốc WTC 1
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 1
Trung tâm Thương mại Thế giới số 1 (bên trái) xây xong 110 tầng vào năm 1970 và những người thuê đầu tiên dọn đến. Đây là một trong hai tòa tháp đôi do kiến trúc sư người Mỹ Minoru Yamasaki thiết kế và được Cảng vụ New York và New Jersey xây dựng, đó là một cơ quan chính quyền chung của hai bang. Hai tòa tháp đặt ở nơi từng là “khu phố Radio”, một khu vực của Lower Manhattan nổi tiếng với các cửa hàng điện tử tiêu dùng.
Công trình khởi công với cuộc động thổ vào ngày 5/8/1966, và sử dụng kỹ thuật sáng tạo, trong đó cấu trúc chính của mỗi tháp được xây dưới dạng một ống rỗng hình vuông gồm các cột thép bao quanh, chúng được đặt cách đều gần nhau và ghép nối với lõi thép trung tâm của tháp bằng các tấm sàn dạng giàn.
Khi WTC 1 hoàn thành vào năm 1972, nó trở thành tòa nhà cao nhất thế giới, 417 mét, cao hơn Tòa nhà Empire State của New York. Nó chính thức mở cửa hoạt động vào ngày 4/4/1973. Nhưng WTC 1 bị mất ngôi vị tòa nhà chọc trời cao nhất vào tay Tháp Sears cao 443 mét của Chicago vào năm 1974.
Những nét đặc biệt của WTC 1 bao gồm khu nhà hàng tầng 106 và 107 được gọi là Cửa sổ nhìn ra thế giới, mở cửa ngày 19/4/1976 và trở thành điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng.
Một anten viễn thông cao 110 mét được lắp trên mái của WTC 1 vào năm 1979, nâng điểm cao nhất của tòa nhà lên 527 mét. Tuy nhiên, anten không được tính vào chiều cao của tòa nhà chọc trời vì chúng không được quốc tế chấp nhận là một thành phần kiến trúc của tòa nhà.
Ngày 24/7/2001, Cảng vụ đồng ý cho nhà phát triển bất động sản người Mỹ Larry Silverstein thuê Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới và các tòa nhà thấp tầng liền kề trong 99 năm với giá 3,2 tỷ đô la.
11/9
Địa điểm gốc WTC 1
WTC 1, còn gọi là Tháp Bắc do vị trí của nó so với WTC 2, là tòa bị máy bay không tặc đâm vào trước, lúc 8h46 sáng ngày 11/9, nhưng nó bị sập sau, vào lúc 10h28 sáng.
2011
Địa điểm gốc WTC 1
Hồ Tưởng niệm Tòa Bắc mới
Một hồ phản chiếu ở đúng vị trí móng của Tháp Bắc gần như hoàn thành vào tháng 7/2011. Thiết kế công trình là kiến trúc sư người Mỹ gốc Israel Michael Arad và kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Peter Walker. Đây là một thành phần thuộc Đài tưởng niệm Quốc gia về sự kiện 11/9. Đài tưởng niệm mới được khánh thành trong một buổi lễ dành cho các gia đình nạn nhân vào ngày 11/9/2011 và mở cửa cho công chúng vào ngày hôm sau.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 1
Hồ Tưởng niệm Tòa Bắc mới
Các hồ phản chiếu ở vị trí Tòa Bắc và Nam có các thác nước nhân tạo lớn nhất ở Bắc Mỹ, mỗi thác nước đổ xuống dưới 9 mét vào một đáy vuông. Arad nói rằng các hồ nước tượng trưng cho "những người đã khuất nhưng không biến mất", với những dòng nước chảy vào hư vô, không bao giờ có thể đầy lên.
Lan can bằng đồng bao quanh hồ Tòa Bắc hiển thị tên của các nạn nhân vụ 11/9, bao gồm những người ở trong WTC 1 và trên Chuyến bay 11 của American Airlines bị những tên không tặc đâm vào tòa nhà, ngoài ra còn có tên những người thiệt mạng trong vụ đánh bom khủng bố ngày 26/2/1993 ở tầng hầm của Tòa Bắc.
Nguồn
- Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia sự kiện 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới
- NYCTourist.com
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Bảo tàng Nhà chọc trời
- WTC.com (Silverstein Properties)
Địa điểm gốc WTC 2
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 2
Trung tâm Thương mại Thế giới số 2 xây xong 110 tầng vào năm 1971 và những người thuê đầu tiên dọn đến. Nó trở thành tòa nhà cao thứ 2 thế giới, 415 mét. Việc xây dựng hoàn thành vào năm 1973.
Vào ngày 24/7/2001, Cảng vụ đồng ý cho nhà phát triển bất động sản người Mỹ Larry Silverstein thuê Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới và các tòa nhà thấp tầng liền kề trong 99 năm với giá 3,2 tỷ đô la.
11/9
Địa điểm gốc WTC 2
WTC 2 (trái), còn gọi là Tháp Nam do vị trí của nó so với WTC 1, bị không tặc lao máy bay vào sau, lúc 9h03 sáng 11/9, nhưng nó bị sập trước, vào lúc 9h59 sáng.
2011
Địa điểm gốc WTC 2
Hồ Tưởng niệm Tòa Nam mới
Hồ phản chiếu ở vị trí chân Tháp Nam gần như hoàn thành vào tháng 7/2011. Thiết kế công trình là kiến trúc sư người Mỹ gốc Israel Michael Arad và kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Peter Walker. Đây là một thành phần của Đài tưởng niệm quốc gia về sự kiện 11/9. Đài tưởng niệm mới được khánh thành trong một buổi lễ dành cho các gia đình nạn nhân vào ngày 11/9/2011 và mở cửa cho công chúng vào ngày hôm sau.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 2
Hồ Tưởng niệm Tòa Nam mới
Các hồ phản chiếu Tòa Bắc và Tòa Nam có các thác nước nhân tạo lớn nhất ở Bắc Mỹ, mỗi thác nước đổ xuống 9 mét vào đáy hính vuông. Arad nói rằng các hồ nước tượng trưng cho "người đã khuất nhưng không biến mất", với những dòng nước chảy vào hư vô không bao giờ có thể đầy lên được.
Lan can bằng đồng bao quanh hồ nước Tòa Nam hiển thị tên của các nạn nhân vụ 11/9 bao gồm những người ở trong WTC 2 và trên Chuyến bay 175 của United Airlines đã bị không tặc đâm vào tòa nhà; những nhân viên ứng phó khẩn cấp; những người ở Lầu Năm Góc và các hành khách trên chuyến bay 77 của American Airlines đã bị không tặc đâm vào Lầu Năm Góc; và những người trên chuyến bay 93 của United Airlines bị không tặc chiếm và rơi ở Shanksville, Pennsylvania.
Nguồn
- Đài tưởng niệm và Bảo tàng Quốc gia sự kiện 11/9
- NYCTourist.com
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Bảo tàng Nhà chọc trời
- WTC.com (Silverstein Properties)
Địa điểm gốc WTC 3 / Marriott
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 3 / Marriott
Trung tâm Thương mại Thế giới số 3 mở cửa năm 1981. Khách sạn Vista International 22 tầng, 800 phòng trở thành khách sạn có thương hiệu lớn mở cửa đầu tiên ở Lower Manhattan. Một quả bom phát nổ trong một bãi đậu xe ngầm của WTC vào ngày 26/2/1993, giết chết sáu người và làm hư hại các khu vực bên dưới khách sạn. Nó mở cửa trở lại vào tháng 11/1994 sau khi được sửa chữa. Marriott International tiếp quản quyền quản lý khách sạn vào năm 1995 và đổi tên thành Trung tâm Thương mại Thế giới Marriott.
11/9
Địa điểm gốc WTC 3 / Marriott
Sau khi không tặc lao máy bay vào Tháp Đôi hôm 11/9, nhân viên Marriott đã sơ tán hàng trăm khách thuê phòng. Họ cũng giúp hàng trăm người đi làm chạy khỏi Tháp Bắc qua sảnh của khách sạn, chỉ cho họ đi đến một lối ra ở đầu phía nam của khách sạn, đi ra phố Liberty.
Tháp Nam sập lúc 9h59 sáng, làm nứt toác phần trung tâm của khách sạn, cắt nó làm đôi, được phóng viên ảnh tự do người Mỹ Bill Biggart chụp ảnh lại từ phố West. Vụ sập Tháp Bắc lúc 10h28 sáng giết chết Biggart vài giây sau khi anh chụp bức ảnh. Vụ sập phá hủy hầu hết phần còn lại của khách sạn, ngoại trừ một phần nhỏ gồm vài tầng ở rìa phía nam. Biggart là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp duy nhất thiệt mạng trong vụ tấn công này.
Hai nhân viên Marriott và ít nhất 41 lính cứu hỏa thiệt mạng tại khách sạn, theo một phân tích của New York Times được đăng vào năm 2002. New York Times cũng trích lời một nữ phát ngôn viên của Marriott nói rằng 11 khách thuê phòng tại khách sạn bị mất tích.
2011
Địa điểm gốc WTC 3 / Marriott
Quảng trường Tưởng niệm mới
Địa điểm của khách sạn Marriott trước đây trở thành một phần của Quảng trường Tưởng niệm sự kiện 11/9. Thiết kế công trình là trúc sư người Mỹ gốc Israel Michael Arad và kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Peter Walker. Công trình được khánh thành trong một buổi lễ dành cho các gia đình nạn nhân vào ngày 11/9/2011. Nó mở ra cho công chúng vào ngày hôm sau.
Cảng vụ New York và New Jersey sở hữu khu đất nơi khách sạn bị phá hủy. Để địa điểm này trở thành một phần của quảng trường tưởng niệm, Cảng vụ đi đến thỏa thuận vào tháng 10/2003 về việc chấm dứt hợp đồng thuê của Tập đoàn Host Marriott mà lẽ ra có hiệu lực cho đến năm 2094. Với thỏa thuận này, Host Marriott không phải chịu nghĩa vụ xây dựng lại khách sạn.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 3 / Marriott
Các cấu trúc phụ trợ Quảng trường Tưởng niệm mới
Có hơn 400 cây sồi trắng vùng đầm lầy bao quanh hai hồ phản chiếu của Quảng trường Tưởng niệm.
Cũng có hai tòa nhà nhỏ cũng nằm phần chân của khách sạn cũ. Công ty của kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Peter Walker, đơn vị thiết kế quảng trường, cho biết hai tòa nhà chủ yếu có chức năng thông gió cho các cơ sở nằm ngầm dưới quảng trường. Công ty cho biết hai tòa nhà đó cũng chứa các bộ phận phụ trợ và một trạm chỉ huy về an ninh.
Nguồn
- New York Times
- Newsweek
- Hãng Kiến trúc Cảnh quan PWP
Địa điểm gốc WTC 4
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 4
Trung tâm Thương mại Thế giới số 4, tòa nhà văn phòng 9 tầng, mở cửa cho những người thuê đầu tiên vào năm 1977. Những người thuê chính bao gồm Deutsche Bank và Ban Thương mại New York.
11/9
Địa điểm gốc WTC 4
Hầu hết tòa WTC 4 bị đè nát khi Tháp Nam sập vào ngày 11/9. Phần còn lại của nó được phá dỡ trong khuôn khổ cuộc dọn dẹp Ground Zero.
2011
Địa điểm gốc WTC 4
WTC 4 mới
WTC 4 mới được xây dựng trên một phần diện tích của tòa nhà cũ vào năm 2011. Thiết kế công trình là công ty kiến trúc Maki and Associates của Nhật Bản, tòa tháp là một phần trong kế hoạch tổng thể năm 2003 của kiến trúc sư người Mỹ Daniel Libeskind để tái phát triển khu phức hợp WTC. Hãng phát triển bất động sản Silverstein Properties được cấp giấy phép ngày 26/8/2010 cho việc xây dựng và vận hành WTC 4 theo hợp đồng thuê với Cảng vụ New York và New Jersey.
WTC 3 mới
Trung tâm Thương mại Thế giới số 3 mới được xây dựng trên một phần của tòa nhà cũ vào năm 2011. Thiết kế công trình là công ty kiến trúc Rogers Stirk Harbour + Partners của Anh, tòa tháp là một phần trong kế hoạch tổng thể năm 2003 của kiến trúc sư người Mỹ Daniel Libeskind để tái phát triển khu phức hợp WTC. Hãng phát triển bất động sản Silverstein Properties nhận được giấp phép vào ngày 26/8/2010 cho việc xây dựng và vận hành WTC 3 theo hợp đồng thuê với Cảng vụ New York và New Jersey.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 4
WTC 4 mới
Tòa nhà WTC 4 có 72 tầng mở cửa vào ngày 13/11/2013. Với chiều cao 297 mét, trong quy hoạch, nó là tòa nhà chọc trời cao thứ 4 trong khu phức hợp WTC khi tất cả các tòa tháp được xây xong. Kiến trúc sư Fumihiko Maki mô tả WTC 4 là một "tòa tháp tối giản, có sự hiện diện phù hợp, trầm lặng nhưng có phẩm giá".
Một phần ba không gian văn phòng của WTC 4 được dùng làm trụ sở mới của Cảng vụ New York & New Jersey. Những người thuê văn phòng khác bao gồm (chính quyền) thành phố New York, Mediamath, Morningstar, SportsNet New York (SNY), Spotify, Sterling Entertainment và công ty bảo hiểm Mỹ Zurich.
Khối đế của WTC 4 cũng bao gồm mặt bằng bán lẻ trên ba tầng nổi và hai tầng ngầm.
WTC 3 mới
WTC 3 có 80 tầng 3 được khai trương vào ngày 11/6/2018. Với chiều cao 328 mét, trong quy hoạch, nó là tòa tháp cao thứ 3 trong khu phức hợp WTC khi tất cả các tòa tháp được xây xong.
Những nét đặc biệt của WTC 3 bao gồm khung thép nẹp bên ngoài dạng chữ K và sân trời ở các tầng 17, 60 và 76. Những người thuê văn phòng bao gồm Asana, Casper Sleep, Cozen O’Connor, Diageo, GroupM, Hudson River Trading, IEX Group, Kelley Drye & Warren, McKinsey & Company, và Uber. Tòa nhà cũng có năm tầng dành cho mặt bằng bán lẻ.
Nguồn
- CNN
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Email của hãng Silverstein Properties gửi VOA về các khách thuê tại WTC of 3 và 4
- WTC.com (Silverstein Properties
Địa điểm gốc WTC 5
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 5
Trung tâm Thương mại Thế giới số 5, tòa nhà văn phòng 9 tầng, mở cửa cho những người thuê đầu tiên vào năm 1972. Những người thuê chính bao gồm Credit Suisse First Boston và Morgan Stanley.
11/9
Địa điểm gốc WTC 5
WTC 5 bị tàn phá bởi lửa và các mảnh vỡ sau khi Tháp Đôi gần đó liên tiếp sụp đổ hôm 11/9. Nó bị phá dỡ trong khuôn khổ cuộc dọn dẹp Ground Zero.
2011
Địa điểm gốc WTC 5
WTC 2 mới
Việc xây móng cho Trung tâm Thương mại Thế giới số 2 mới diễn ra ở phần phía bắc thuộc khu đất cũ của tòa nhà vào năm 2011. Cảng vụ New York và New Jersey sở hữu địa điểm và phê duyệt đồ án xây dựng của hãng phát triển bất động sản Silverstein Properties vào ngày 26/8/2010 .
Thiết kế ban đầu về WTC 2 năm 2006 của công ty kiến trúc Foster + Partners của Anh dự kiến rằng một tòa tháp 79 tầng sẽ là tòa nhà cao thứ 2 trong khu phức hợp WTC, với chiều cao 411 mét.
Trung tâm vận chuyển WTC Oculus mới
Trung tâm Vận chuyển WTC Oculus mới được xây dựng ở phần phía nam thuộc khu đất cũ của tòa nhà vào năm 2011.
Nó có chức năng là nhà ga của mạng lưới đường sắt Trans-Hudson (PATH) thuộc Cảng vụ kết nối quận Manhattan của thành phố New York với phía đông bắc New Jersey. Nhà ga mới sẽ thay thế một nhà ga tạm ở gần đó đã mở cửa vào ngày 23/11/2003 và khôi phục tuyến PATH của Lower Manhattan đã bị tạm ngừng kể từ ngày 11/9.
Nhà vận hành nhà ga PATH chính là Cảng vụ New York và New Jersey. Cơ quan này phê duyệt thiết kế nhà ga mới của kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava vào tháng 1/2004 với dự kiến mở cửa vào năm 2009. Nhưng bản thiết kế còn được chỉnh sửa nên việc khởi công xây dựng phần cấu trúc trên mặt đất bị chậm lại cho đến tháng 7/2008.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 5
WTC 2 mới
Các tầng hầm và phần cấu trúc lõi của WTC 2 được hoàn thành ở độ cao ngang mặt phố vào tháng 12/2012.
Tuy nhiên, hãng bất động sản Silverstein Properties dừng việc xây dựng vào năm 2013 cho đến khi họ tìm được người thuê tòa tháp mới một cách lâu dài.
Khối vỏ kim loại bao quanh công trường WTC2 trong giai đoạn ngừng hoạt động trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhờ những bức tranh tường đầy màu sắc được vẽ bên ngoài.
Được hãng Silverstein Properties và Cảng vụ New York và New Jersey giao cho thực hiện vào tháng 6/2018, các nghệ sĩ đường phố vẽ những bức tranh tường để làm đẹp khu vực với những hình ảnh nâng cao tinh thần và hoàn thành dự án vào tháng 9 năm đó. Vườn Bia Oculus mở cửa tại địa điểm này, bên mặt phố Church, vào tháng 10/2020.
Trung tâm vận chuyển WTC Oculus mới
Nhà ga PATH thuộc Trung tâm vận chuyển WTC Oculus mở cửa cho công chúng vào ngày 3/3/2016. Nhà ga có mái nhà màu trắng nổi bật. Mái có hai đường gân đi lên giống như đôi cánh nằm trên hai vòm cong. Theo kiến trúc sư Calatrava, nó được thiết kế giống một con chim bồ câu được thả từ tay của một em nhỏ. Giữa các vòm cong là một giếng trời hẹp mở ra vào những ngày nóng và vào ngày 11/9 hàng năm.
Chi phí xây Trung tâm vận chuyển là 4 tỷ đô la, khiến nó trở thành nhà ga đường sát đắt nhất của Hoa Kỳ, gần gấp đôi ngân sách ban đầu là 2,2 tỷ đô la. Nhà ga cũng hoàn thành chậm mất 7 năm so với kế hoạch ban đầu.
Hai trong số các tầng ngầm của nhà ga là một phần của trung tâm mua sắm Westfield World Trade Center, do công ty bất động sản thương mại Unibail-Rodamco-Westfield (URW) của Pháp quản lý. Nó thay thế cho trung tâm mua sắm ngầm chỉ có một tầng đã bị phá hủy vào ngày 11/9 bên dưới khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới cũ.
Tương lai
Địa điểm gốc WTC 5
Thiết kế WTC 2 mới của B.I.G.
Hãng Silverstein Properties công bố bản thiết kế tòa WTC 2 mới vào năm 2015, là một phần trong thỏa thuận sơ bộ cho News Corp. và 21 Century Fox thuê gần một nửa diện tích văn phòng của tòa tháp. Thiết kế của Tập đoàn Bjarke Ingels (BIG) của Đan Mạch vẽ ra một tòa nhà gồm bảy chiếc hộp xếp chồng lên nhau, có chiều cao tương tự như thiết kế cũ của Foster + Partners.
Sau khi hai hãng truyền thông khổng lồ của Mỹ không tiếp tục thực hiện hợp đồng thuê WTC 2, vào tháng 1/2020, Silverstein Properties đề nghị Foster + Partners sửa đổi đáng kể bản thiết kế năm 2006. Điểm nổi bật của thiết kế cũ là bốn mảng mái nhà hình thoi dốc xuống về phía các hồ phản chiếu ở Quảng trường Tưởng niệm 11/9, nơi từng có Tháp Đôi.
Thiết kế của Foster + Partners về WTC 2 mới (2006)
Silverstein Properties cho VOA biết rằng Foster + Partners vẫn đang thực hiện việc thiết kế lại ở thời điểm sắp kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ 11/9. Hiện chưa có ngày giờ chắc chắn về việc công bố bản mô phỏng tòa WTC 2 mới trước công chúng.
Nguồn
- Tạp chí Architectural Digest
- Báo The Architect
- Business Insider
- CNN
- GothamToGo Art & Culture
- New York Daily News
- New York Post
- New York Times
- New York YIMBY (Yes In My Backyard)
- Vườn Bia Oculus (tài khoản Instagram)
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Santiago Calatrava Architects & Engineers
- Email của Silverstein Properties gửi VOA
- Skyscrapernews.com – Cơ sở dữ liệu lớn nhất của Anh về nhà cao tầng
- Wall Street Journal
- Warburg Realty
- Westfield World Trade Center
- WTC.com (Silverstein Properties)
Địa điểm gốc WTC 6
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 6
Trung tâm Thương mại Thế giới số 6, tòa nhà tám tầng được gọi là Tòa nhà Hải quan Hoa Kỳ, mở cửa vào năm 1974. Người thuê chủ yếu là các cơ quan chính phủ liên bang, bao gồm các bộ Nông nghiệp, Thương mại và Lao động và Cục Rượu, Thuốc lá & Súng.
11/9
Địa điểm gốc WTC 6
Tháp Bắc sập hôm 11/9 làm thủng nhiều chỗ trên tòa WTC 6. Nó bị phá dỡ trong khuôn khổ cuộc dọn dẹp Ground Zero.
2011
Địa điểm gốc WTC 6
WTC 1 mới
Trung tâm Thương mại Thế giới số 1 mới được xây dựng ở phần phía tây thuộc khu đất cũ của tòa nhà vào năm 2011.
Ban đầu được đặt tên là “Freedom Tower” (Tháp Tự do), Cảng vụ New York và New Jersey khởi công xây dựng vào ngày 27/4/2006, sau khi phê duyệt thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ David Childs thuộc hãng Skidmore, Owings & Merrill vào tháng 6/2005. Thiết kế của Childs về Freedom Tower khác nhiều so với thiết kế năm 2002 của người đồng nghiệp là kiến trúc sư người Mỹ Daniel Libeskind, đã được Tập đoàn phát triển bất động sản Lower Manhattan phê duyệt vào năm 2003 và là một phần trong kế hoạch tổng thể của Liebskind về tái phát triển khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới. Nhưng thiết kế của Childs vẫn giữ lại một yếu tố chính trong tầm nhìn của Liebskind, đó là Freedom Tower phải đạt chiều cao 1.776 foot (542 mét), là con số vinh danh năm nước Mỹ giành độc lập.
Cảng vụ đổi tên Freedom Tower thành Trung tâm Thương mại Thế giới số 1 vào 27/3/2009. Vào ngày 7/7/2010, hãng bất động sản thương mại có trụ sở tại thành phố New York có tên là The Durst Organization tham gia cùng Cảng vụ với tư cách là đối tác phát triển bất động sản trong dự án WTC 1.
Bộ phận thi công xây tới tầng 80 trên tổng số 104 tầng trong thiết kết tòa tháp vào tháng 9/2011.
Ga PATH tạm
Một ga đường sắt tạm thuộc mạng lưới xuyên Hudson của Cảng vụ (gọi là PATH) nối quận Manhattan của thành phố New York với phía đông bắc New Jersey được xây dựng ở phần phía đông của địa điểm. Nó mở cửa vào ngày 23/11/2003, khôi phục tuyến đường ở Lower Manhattan đã bị tạm ngừng kể từ ngày 11/9.
Nhà ga tạm (bên phải ảnh) cuối cùng sẽ bị phá dỡ để nhường chỗ cho Trung tâm biểu diễn nghệ thuật mới. Tập đoàn Phát triển Lower Manhattan, một tập đoàn hợp doanh giữa thành phố New York và bang New York được giao nhiệm vụ khôi phục khu vực này sau vụ 11/9. Vào tháng 10/2004, tập đoàn thông báo lựa chọn các công ty kiến trúc Gehry Partners và Snøhetta của Hoa Kỳ và Na Uy để thiết kế và xây dựng khu phức hợp. Nhưng đến năm 2011, thiết kế cuối cùng vẫn chưa được chốt lại do có những bất đồng về thể loại chương trình được trưng bày, biểu diễn ở trung tâm, và những lo ngại về chi phí xây dựng cao khi công trình nằm ngày bên trên tuyến đường sắt PATH và các bãi đậu xe ngầm.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 6
WTC 1 mới
WTC 1 mở cửa hoạt động vào ngày 3/11/2014 và nhà xuất bản khổng lồ Condé Nast là khách thuê chính đầu tiên, choán các tầng từ 20 đến 44. Tòa tháp có chiều cao 542 mét, bao gồm một chóp cao 124 mét trên mái, vì vậy, nó trở thành tòa nhà cao nhất xây dựng ở Tây bán cầu. Được xây dựng với chi phí 3,9 tỷ đô la, hình dạng độc đáo của WTC 1 bao gồm phần chân đế dạng khối lập phương và từ đó 8 tam giác cân bằng kính vươn lên tạo thành một hình bát giác ở điểm giữa của chiều cao tòa nhà, và lại tạo thành một hình vuông khác ở phần mái, nên tòa tháp nhìn có hình dạng xoắn.
Các tầng từ 2 đến 19, tạo thành phần đế của tòa tháp, và từ tầng 92 đến 99 là các tầng cho máy móc, không có người thuê.
Điểm thu hút khách du lịch chính của WTC 1 là đài quan sát One World, mở cửa cho công chúng vào ngày 29/5/2015 trên các tầng từ 100-102, mang lại tầm nhìn 360 độ để ngắm thành phố New York, có tầm nhìn xa tới 72 km theo mọi hướng. 71 thang máy của tòa tháp bao gồm 5 chiếc cực nhanh đưa khách tham quan đài quan sát từ mặt đất lên tầng 102 trong 47 giây.
Những khách thuê mặt bằng lớn khác - thuê hai tầng trở lên trong tổng diện tích văn phòng 278.000 mét vuông của WTC1 - bao gồm các cơ quan chính phủ liên bang Hoa Kỳ là Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới, Văn phòng Liên bang về Quản lý Khẩn cấp và Cục Dịch vụ Tổng hợp; và các công ty gồm DAZN Group, Moody’s Investor Service, Stagwell Inc. và Wunderkind (trước đây là BounceX).
The Durst Organization, là hãng quản lý WTC 1, nói với VOA rằng 90% mặt bằng văn phòng của tòa tháp được cho thuê tính đến tháng 8/2021.
Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Ronald O. Perelman mới
Trung tâm nghệ thuật biểu diễn bắt đầu được xây dựng ngầm vào năm 2018, sau khi nhà ga PATH tạm bị đóng cửa vào ngày 3/3/2016, tiếp đến là ga tạm bị phá dỡ, và bãi đậu xe ngầm bắt đầu được xây dựng tại khu vực này vào năm 2017.
Vào tháng 11/2015, ban lãnh đạo trung tâm chọn công ty kiến trúc REX ở New York do Joshua Ramus đứng đầu để công ty thiết kế lại trung tâm. Thiết kế ban đầu của Gehry Partners và Snøhetta đã bị loại bỏ. Về sau, trung tâm đưa thêm tên của doanh nhân tỷ phú người Mỹ Ronald O. Perelman vào tên của trung tâm để ghi nhận việc ông tài trợ 75 triệu đô la cho dự án vào tháng 6/2016. Cảng vụ New York và New Jersey, đơn vị sở hữu địa điểm, cho trung tâm được thuê 99 năm kể từ tháng 2/2018.
Công việc trên phần nổi của trung tâm bắt đầu vào ngày 10/9/2019, khi các dầm thép được giao và tiếp tục cho tới năm 2021, với lễ cất nóc được tổ chức vào ngày 23/6.
Tương lai
Địa điểm gốc WTC 6
Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Ronald O. Perelman mới
Cảng vụ New York and New Jersey nói trung tâm dự kiến mở cửa vào năm 2023.
Địa điểm có hình khối lập phương cao 42 mét sẽ là nơi diễn ra các buổi biểu diễn sân khấu, khiêu vũ, âm nhạc, phim và nhạc thính phòng trong ba không gian biểu diễn có thể chứa nhiều cấu hình với sức chứa từ 99 đến 1.200 người.
Nguồn
- 6sqft (tin tức về các khu dân cư trong thành phố New York)
- Báo The Architect
- Architectural Record - BNP Media
- CNN
- Curbed (hiện trực thuộc tạp chí New York magazine)
- Daily Mail
- The Durst Organization
- Emporis
- Kênh HISTORY® Channel, đơn vị thuộc A+E Networks
- Tập đoàn phát triển Lower Manhattan
- New York Daily News
- New York Times
- New York YIMBY (Yes In My Backyard)
- Đài quan sát One Word
- Cảng vụ New York and New Jersey
- Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Ronald O. Perelman (PAC)
- Silverstein Properties
- Bảo tàng Nhà chọc trời
- ThoughtCo
- Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ
- Wall Street Journal
- WTC.com (Silverstein Properties)
Địa điểm gốc WTC 7
Trước 11/9
Địa điểm gốc WTC 7
Trung tâm Thương mại Thế giới số 7, tòa nhà văn phòng hình thang 47 tầng, mở cửa vào năm 1987. Nó được nhà phát triển bất động sản người Mỹ Larry Silverstein xây trên đất thuê của Cảng vụ New York và New Jersey. Tại phần chân đế của WTC 7 là một trạm điện Con Edison cung cấp điện cho Lower Manhattan. Ngân hàng đầu tư Salomon Smith Barney là người thuê chính. Những người thuê khác bao gồm ngân hàng American Express International, tập đoàn bảo hiểm ITT Hartford, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch, và ngân hàng Standard Chartered.
11/9
Địa điểm gốc WTC 7
Người trong tòa nhà sơ tán khỏi WTC 7 vào sáng ngày 11/9. Khi Tòa Bắc sụp đổ, các mảnh vỡ rơi vào mặt tiền phía nam của WTC 7, gây ra hỏa hoạn lớn. Các mảnh vỡ từ Tháp Đôi cũng làm hỏng một ống dẫn nước cung cấp cho hệ thống chữa cháy của WTC 7, nên tòa nhà không có nước để dập lửa. Lửa cháy không hề bị kiểm soát trong gần 7 tiếng cho đến khi WTC 7 sụp đổ lúc 5h20 chiều ngày 11/9. Không có trường hợp tử vong nào do vụ sập tòa nhà.
Một báo cáo năm 2008 của Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) nói rằng vụ sập WTC 7 là trường hợp đầu tiên được biết đến về một tòa nhà cao tầng bị sập chủ yếu là do hỏa hoạn không kiểm soát được. NIST cho biết sức nóng từ các đám cháy không được kiểm soát đã làm cho dầm sàn và dầm thép chính bị giãn nở nhiệt, dẫn đến một diễn biến dây chuyền khiến một trụ kết cấu chính bị hỏng. Viện nói trụ bị hỏng đã dẫn đến tình trạng toàn bộ tòa nhà sụp đổ nhanh do hỏa hoạn.
2011
Địa điểm gốc WTC 7
WTC 7 mới
WTC 7 mới (bên phải) mở cửa vào ngày 23/5/2006, trước đó, tòa nhà bắt đầu được xây với lễ động thổ vào tháng 11/2002.
Larry Silverstein, người đã xây tòa nhà WTC 7 cũ, giao cho kiến trúc sư người Mỹ David Childs thuộc hãng Skidmore, Owings & Merrill thiết kế tòa nhà mới trong những tháng sau ngày 11/9. Silverstein nói với tạp chí New Yorker: “Tòa số 7 cũ là một tòa nhà bằng đá - nặng, đồ sộ. Lần này, chúng tôi sẽ xây dựng một tòa nhà có cảm giác nhẹ nhàng hơn nhiều".
Childs thiết kế một tòa tháp bằng kính thanh thoát hơn cao 52 tầng với một trạm điện nhỏ hơn ở phần chân đế, có dạng hình bình hành để có thể khôi phục một phần của phố Greenwich đã bị tòa nhà cũ chặn mất.
WTC 7 mới trở thành tòa nhà đầu tiên của thành phố New York được tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Xây dựng Xanh Hoa Kỳ xếp hạng Vàng về Đi đầu trong Thiết kế Môi trường và Năng lượng (LEED).
Các khách thuê chính trong tòa nhà gồm Broadcast Music, Inc. (BMI), hãng bia quốc tế Jeffrey, Mansueto Ventures, Moet Hennessy USA, tập đoàn Moody’s, Học viện Khoa học New York, Silverstein Properties, WilmerHale và Zola.
Hiện nay
Địa điểm gốc WTC 7
WTC 7 mới
Công viên Gia đình Silverstein mới
Công viên Gia đình Silverstein, địa điểm hình tam giác được xây dựng ở phía đông của khu đất WTC 7 cũ, được hoàn thành vào năm 2004.
Do kiến trúc sư cảnh quan New York Ken Smith thiết kế, công viên rộng 1.390 mét vuông có đài phun nước hình tròn, bao quanh là những lùm cây và bụi cây. Theo quy hoạch, nó là nơi thư giãn cho nhân viên văn phòng, người dân địa phương và du khách.
Ban đầu, được lắp đặt ở tâm đài phun nước của công viên là tác phẩm điêu khắc "Hoa cát cánh" màu đỏ của nghệ sĩ người Mỹ Jeff Koons. Tác phẩm bằng thép không gỉ cao 2,7 mét trở thành biểu tượng của công viên. Vào tháng 10/2018, nó được tháo ra để tân trang lại trong khi đài phun nước được sửa chữa. Đài phun nước sau đó hoạt động trở lại, nhưng hãng Silverstein Properties cho VOA biết rằng tác phẩm điêu khắc kia vẫn tiếp tục được tân trang ở châu Âu vào tháng 8/2021.
Nguồn
- BBC
- CNN
- Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA)
- Dự án Ken Smith
- Tập đoàn Phát triểnLower Manhattan
- Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST)
- New York Times
- Tạp chí New Yorker
- Park Odyssey (Blog)
- Email của Silverstein Properties gửi VOA về Hoa cát cánh và danh sách người thuê WTC 7
- Tribeca Citizen
- WTC.com (Silverstein Properties)
Địa điểm gốc Nhà thờ Cơ đốc giáo chính thống Hy Lạp Saint Nicholas
Trước 11/9
Địa điểm gốc Nhà thờ Cơ đốc giáo chính thống Hy Lạp Saint Nicholas
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas được thành lập vào năm 1916 bởi những di dân Hy Lạp định cư ở Lower Manhattan sau khi họ cập bến ở đảo Ellis gần đó.
Họ lập ra nhà thờ trong một căn nhà liền kề được xây vào khoảng năm 1830 có chức năng là nhà ở và họ đã mua với giá 25.000 đô la. Những người sáng lập, trong đó có nhiều người làm trong ngành tàu biển, hoán cải ngôi nhà thành nhà thờ ở số 155 phố Cedar để thờ phượng Thánh Nicholas, vị thánh bổn mạng của các thủy thủ.
11/9
Địa điểm gốc Nhà thờ Cơ đốc giáo chính thống Hy Lạp Saint Nicholas
Nhà thờ Thánh Nicholas bị san phẳng do vụ sụp đổ Tháp Nam vào ngày 11/9. Không có ai ở bên trong nhà thờ. Đó là địa điểm thờ cúng duy nhất bị phá hủy trong cuộc tấn công. Trong quá trình dọn dẹp tại địa điểm, người ta thu nhặt được một số đồ tôn giáo, bao gồm một chiếc chuông nhỏ và một biểu tượng bằng giấy.
2011
Địa điểm gốc Nhà thờ Cơ đốc giáo chính thống Hy Lạp Saint Nicholas
Địa điểm của Trung tâm an ninh xe cộ tương lai
Sau nhiều năm thương lượng về địa điểm cũ của nhà thờ Thánh Nicholas, chính quyền địa phương và tiểu bang đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với Tổng giáo phận chính thống Hy Lạp của Mỹ vào tháng 7/2008 để nhà thờ được xây dựng lại trong một công viên tương lai cách vị trí cũ của tòa nhà một dãy phố về phía đông. Theo đề xuất trong thỏa thuận, tổng giáo phận cần chuyển giao chủ quyền đất của lô đất 155 phố Cedar gắn với nhà thờ bị phá hủy cho Cảng vụ New York và New Jersey, để cơ quan của hai bang có thể bắt đầu đào đất tại địa điểm này để xây dựng Trung tâm An ninh Xe cộ ngầm phục vụ cho khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới mới.
Đổi lại việc chuyển nhượng đất, Cảng vụ đồng ý cấp cho tổng giáo phận 20 triệu đô la để xây dựng lại nhà thờ trên một khu đất lớn hơn tại địa điểm mới, và đồng ý chi thêm từ 20 triệu đến 40 triệu đô la để xây dựng một khối đế cho tòa nhà mới ở bên trên Trung tâm An ninh Xe cộ.
Nhưng các cuộc đàm phán để hoàn tất thỏa thuận đã đổ vỡ vào tháng 3/2009. Cảng cụ tiếp tục đào đất tại địa điểm nhà thờ cũ vào giữa năm 2010, họ nói rằng không thể đợi thêm và phải bắt đầu xây dựng Trung tâm An ninh Xe cộ, nơi sẽ đóng vai trò là một huyết mạch ngầm quan trọng phục vụ cho khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới được xây dựng lại. Tổng giáo phận kiện Cảng vụ vào tháng 2/2011, cáo buộc Cảng vụ xâm phạm đất tư và vi phạm các điều khoản của thỏa thuận đất đai sơ bộ.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo làm trung gian để hai bên đạt thỏa thuận cuối cùng vào ngày 14/10/2011, theo đó, tổng giáo phận có thể bắt đầu việc thiết kế nhà thờ mới.
Hiện nay
Địa điểm gốc Nhà thờ Cơ đốc giáo chính thống Hy Lạp Saint Nicholas
Công viên Tự do mới
Công viên Liberty, không gian thư giãn có cảnh quan rộng 4.000 mét vuông, có độ cao 7 mét bên trên phố Liberty, mở cửa cho công chúng vào ngày 29/6/2016. Công viên hình chữ nhật nằm trên mái của Trung tâm An ninh Xe cộ, một cơ sở kiểm tra xe tải và xe buýt đi vào khu vực ngầm ở dưới Trung tâm Thương mại Thế giới.
Bản thiết kế công viên của kiến trúc sư cảnh quan người Mỹ Joseph E. Brown được công bố vào năm 2013. Công viên thuộc sở hữu của Cảng vụ New York và New Jersey, và công trình xây dựng giá 50 triệu đô la sẽ bắt đầu vào năm sau.
Sau khi hoàn thành, sẽ có hai tác phẩm điêu khắc mang tính biểu tượng được đặt trên sàn của công viên.
Một tác phẩm là Quả Cầu của nghệ sĩ người Đức Fritz Koenig. Vị trí ban đầu của nó là ở trung tâm quảng trường Austin J. Tobin thuộc của Trung tâm Thương mại Thế giới cho đến khi nó bị vụ sụp đổ Tháp Đôi làm bẹp vào ngày 11/9. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng cao 7 mét đầu tiên được trưng bày lại tại Công viên Battery gần đó vào ngày 11/3/2002 và đứng đó cho đến năm 2012, khi công viên cải tạo buộc nó phải lưu kho. Công chúng đã phát động một chiến dịch kêu gọi trưng bày Quả Cầu trở lại tại khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới. Sau khi Koenig mất ngày 22/2/2017, tác phẩm của ông được chuyển đến Công viên Tự do vào ngày 6/9 cùng năm. Quả cầu chính thức được công bố tại công viên trong một buổi lễ ngày 29/11/ 2017.
Tác phẩm điêu khắc còn lại là Tượng đài Nước Mỹ đáp trả của nghệ sĩ người Mỹ Douwe Blumberg.
Tác phẩm bằng đồng cao 4 mét mô tả một người lính Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ trên lưng ngựa, để tưởng nhớ các binh sĩ Hoa Kỳ đã triển khai đến Afghanistan để đáp trả các cuộc tấn công 11/9 và cưỡi ngựa Afghanistan trong giai đoạn đầu của cuộc chiến đánh vào các tay súng Taliban đã chứa chấp al-Qaida. Blumberg lấy cảm hứng cho tác phẩm điêu khắc từ những bức ảnh của chính phủ Hoa Kỳ về những người lính Mỹ cưỡi trên lưng ngựa cùng các đồng minh thuộc các bộ lạc Afghanistan để vượt qua địa hình đồi núi khó khăn vào tháng 10/2001.
Tượng đài Nước Mỹ đáp trả được trưng bày lần đầu vào ngày 11/11/2011 tại sảnh bên mặt phố West của Trung tâm Tài chính Thế giới số 1, tiếp giáp với Ground Zero. Nó được di dời và gắn biển lại vào ngày 19/10/2012, tại một địa điểm ngoài trời trên phố Vesey, gần lối vào của ga PATH tạm thời và Trung tâm Thương mại Thế giới số đang được xây dựng khi đó. Tác phẩm điêu khắc cuối cùng được đưa đến Công viên Tự do và được gắn biển lần thứ ba trong một buổi lễ vào ngày 13/9/2016.
Trung tâm An ninh Xe cộ mới
Trung tâm An ninh Xe cộ (VSC) của Trung tâm Thương mại Thế giới mở cửa cho công chúng sử dụng, bao gồm cả việc giao hàng thường lệ cho người thuê WTC, vào ngày 31/10/2014, ba ngày trước khi WTC 1 chính thức mở cửa hoạt động. Lối vào của VSC trên phố Liberty có chức năng là điểm đi vào và là nơi kiểm tra an ninh các xe tải, xe buýt và xe con đã được cho phép từ trước để các xe này đi vào mạng lưới ngầm gồm các đường, bến xếp dỡ và chỗ đậu xe cho các tòa nhà khác nhau của khu phức hợp WTC. Cổng này không phép xe ra vào để đỗ xe công cộng.
Cảng vụ New York và New Jersey sở hữu VSC, họ duyệt việc xây dựng dự án trị giá 667 triệu đô la và bắt đầu đào đất vào giữa năm 2010. Mái bê tông của cấu trúc lối vào VSC chỉ cao 1 tâng được hoàn thành vào năm 2013, nhờ đó có thể khởi công xây dựng Công viên Tự do nằm bên trên tầng mái đó trong năm tiếp theo.
Một trong những điểm đặc biệt nhất của lối vào VSC là “bức tường sống” dài 91 mét gồm các loài thực vật mọc xuôi xuống mặt phố từ rìa phía bắc của công viên đặt ở trên mái.
Nguồn
- 6sqft (tin tức về các khu dân cư thành phố New York )
- The American Legion
- Báo The Architect
- CBS News
- CNBC
- Hãng xây dựng Flatiron
- Gothamist (Tin địa phương thành phố New York)
- Greenroofs.com
- New York Daily News
- New York Post
- New York Times
- New York YIMBY (Yes In My Backyard)
- Observer (New York)
- The Oklahoman
- The Pace Companies
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Pro Landscaper (ấn phẩm chuyên ngành cảnh quan, có trụ sở ở Anh)
- Dự án MUSE (Đại học Johns Hopkins)
- Hãng Tư vấn kỹ thuật kiến tạo, địa chất & khảo sát đất đai, D.P.C.
- The Tribeca Trib
- USA Today
- Wall Street Journal
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
Trước 11/9
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
Tòa nhà văn phòng 40 tầng và khu mua sắm trên cao, do công ty ngân hàng Bankers Trust của Hoa Kỳ sở hữu, mở cửa tại số 130 phố Liberty vào năm 1974. Trước đây có tên là Bankers Trust Plaza, tòa tháp bằng thép có mặt tiền bằng nhôm đen và kính tối màu. Nó được đổi tên thành Tòa nhà Deutsche Bank sau khi ngân hàng Đức mua Bankers Trust vào năm 1999.
11/9
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
Tòa nhà Deutsche Bank được sơ tán hầu như hoàn toàn vào ngày 11/9 khi các mảnh vỡ do Tháp Nam sụp đổ gây ra vết nứt lớn ở mặt tiền phía bắc của tòa nhà. Francisco Bourdier, một nhân viên bảo vệ đã giúp đỡ cho việc sơ tán, đã thiệt mạng. Tòa tháp bị ô nhiễm bụi độc từ địa điểm WTC và bị nấm mốc do mưa thổi vào qua các cửa sổ bị vỡ. Nó được bao phủ bằng lưới đen để ngăn các mảnh vỡ rơi xuống.
Deutsche Bank tuyên bố tòa tháp không thể ở được và phải bỏ đi hoàn toàn vào năm 2002 và đòi các công ty bảo hiểm đền 1,7 tỷ đô la, hai trong số các hãng bảo hiểm không đồng ý và khẳng định rằng tòa nhà có thể tẩy rửa và khôi phục được. Một cuộc chiến pháp lý nổ ra khi Deutsche Bank kiện Allianz và AXA vào tháng 8/2003 để buộc họ phải thanh toán đầy đủ.
2011
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
Địa điểm Trung tâm An ninh Xe cộ tương lại và WTC 5
Gần một thập kỷ sau vụ tấn công 11/9 khiến Tòa nhà Deutsche Bank không thể sử dụng được, việc phá dỡ nó hoàn thành vào tháng 2/2011 khi các công nhân giải phóng mặt bằng làm đến tầng hầm.
Trong bước đầu tiên đi đến việc san bằng tòa tháp, Tập đoàn Phát triển Lower Manhattan (LMDC), tập đoàn liên doanh của thành phố và bang New York có nhiệm vụ hồi sinh khu vực sau vụ 11/9, hứa sẽ mua phần bất động sản này từ tay Deutsche Bank với giá 90 triệu đô la và trả tiền cho việc phá dỡ theo một phần thỏa thuận hồi tháng 2/2004. Thỏa thuận do cựu Lãnh đạo khối đa số Thượng viện Hoa Kỳ George Mitchell làm trung gian. Theo thỏa thuận, ngân hàng của Đức được nhận thêm 140 triệu đô la từ các công ty bảo hiểm, là giải pháp cho tranh chấp pháp lý của họ về việc phải từ bỏ tòa tháp. Một nội dung khác của thỏa thuận quy định rằng một phần diện tích của tòa nhà, sau khi bị phá bỏ, sẽ được sử dụng cho việc xây dựng Trung tâm An ninh Xe cộ để phục vụ khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới. Phần còn lại của chân đế được dành cho việc xây tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới số 5 mà trong quy hoạch sẽ mở rộng chu vi ban đầu của khu phức hợp WTC về phía nam đến phố Albany.
LMDC nhận quyền sở hữu địa điểm 130 phố Liberty vào ngày 31/8/2004. Nhưng trong những năm sau đó nhanh chóng xuất hiện những trở ngại đối với việc phá dỡ. Nhà chức trách phát hiện trong tòa nhà có nhiều chất độc hại hơn dự tính, dẫn đến các tranh chấp về môi trường và tài chính giữa các cư dân gần đó, cơ quan quản lý và nhà thầu về các quy trình khử độc và phá dỡ. Vào năm 2005 và 2006, các công nhân cũng tìm thấy trên mái của tòa nhà có các mẩu xương của các nạn nhân trong vụ sập tòa Tháp Nam ngày 11/9, làm trì hoãn kế hoạch phá dỡ để có thể tìm kiếm thêm hài cốt người. Hơn 700 mẩu xương được tìm thấy.
Cuối cùng, việc phá dỡ bắt đầu vào ngày 19/3/2007, với việc các công nhân tháo dỡ tầng 40 của tòa tháp. 13 tầng nữa được tháo dỡ trong 4 tháng tiếp theo. Theo quy trình, mỗi tầng phải được khử độc hoàn toàn trước khi có thể phá dỡ.
Một đám cháy lớn xảy ra hôm 18/8/2007, làm hư hại các tầng từ 13 đến 18 trong tòa tháp đã dỡ đến tầng 26. Các nhân viên cứu hỏa phải vật lộn để dập tắt ngọn lửa do thiếu nước từ một ống cấp bị hỏng ở tầng hầm và các lối đi chặn bằng các bức tường và tấm che tạm thời do các nhà thầu dựng lên. Hai lính cứu hỏa chết vì ngạt khói và mọi công việc phá dỡ trong tòa nhà bị đình chỉ.
Việc khử độc tiếp tục trở lại vào tháng 5/2008 sau khi tòa nhà được coi là ổn định về mặt cấu trúc và có các cải tiến về an toàn cháy nổ. Quá trình khử độc hoàn tất vào tháng 9/2009.
LMDC tiếp tục việc phá dỡ vào tháng 11/2009. Sau khi chi hơn 260 triệu đô la cho quá trình phá dỡ kéo dài 6 năm với trợ giúp ngân quỹ từ chính phủ liên bang, LMDC hoàn thành công việc vào tháng 2/2011. Sau đó, tập đoàn chuyển giao quyền kiểm soát phần phía bắc thuộc địa điểm cũ của Deutsche Bank cho Cảng vụ New York và New Jersey để bắt đầu đào đất, xây dựng Trung tâm An ninh Xe cộ phục vụ cho khu phức hợp WTC.
Hiện nay
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
Khu đất chưa xây dựng được giữ lại cho WTC 5 trong tương lai
Mười năm sau khi nhà chức trách hoàn thành việc phá dỡ Tòa nhà Deutsche Bank bị hư hại vì vụ 9/11, phần phía nam của chân đế tóa nhà vẫn chưa được xây dựng vào năm 2021, vì kế hoạch xây dựng tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới số 5 trong tương lai đang chờ một số cơ quan chính phủ phê duyệt. Tập đoàn Phát triển Lower Manhattan (LMDC) vẫn giữ quyền sở hữu thửa đất được gọi là địa điểm số 5, có giới hạn là các phố Washington, Albany và Greenwich.
Sau khi Quảng trường Tưởng niệm Quốc gia sự kiện 11/9 mở cửa cho công chúng vào tháng 9/2011, LMDC cho phép sử dụng phần phía nam của địa điểm số 5 làm khu vực chờ cho những du khách có vé vào quảng trường, bao quanh là hàng rào. Khu vực chờ tại địa điểm số 5 không còn sử dụng nữa vào ngày 15/5/2014, khi diễn ra lễ gắn biển cho Bảo tàng Quốc gia về sự kiện 11/9 và hàng rào quanh Quảng trường Tưởng niệm được dỡ bỏ, lần đầu tiên cho phép du khách được vào thăm quảng trường miễn phí.
LMDC quyết định phát triển phần phía nam còn bỏ trống của địa điểm số 5 thành một công viên tạm thời như là một phần của dự án với Downtown Alliance, một nhóm phi lợi nhuận ủng hộ các doanh nghiệp ở Lower Manhattan. Công viên mở cửa cho công chúng vào ngày 2/9/2014. Được đặt tên là Quảng trường phố Albany, nó có những chiếc ghế dài, cây cối và một bức tranh tường đầy màu sắc trên bức tường ngăn cách công viên với một đồn cảnh sát.
LMDC cho phép Cảng vụ New York và New Jersey làm các văn phòng trên rơ-moóc đặt trên phần phía bắc của địa điểm số 5 vào năm 2014. Các rơ-moóc này chứa đựng các văn phòng của Sở Chỉ huy Cảnh sát Cảng vụ chuyên trách Trung tâm Thương mại Thế giới, họ chuyển đến cơ sở tạm thời này vào ngày 24/4 cùng năm.
Trong một bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa tầm nhìn về tòa tháp số 5 WTC, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo, LMDC và Cảng vụ vào ngày 26/6/2019 đã phát ra lời mời các nhà phát triển bất động sản nộp các đề án thuê hoặc mua địa điểm này để xây dựng của một tòa nhà thương mại hoặc có công dụng hỗn hợp.
Vào ngày 11/2/2021, LMDC và Cảng vụ quyết định đàm phán độc quyền với một tập đoàn các nhà phát triển bất động sản đề xuất thuê địa điểm và xây dựng một tòa tháp chủ yếu để làm nhà ở. Hợp đồng thuê 99 năm sẽ yêu cầu các nhà phát triển phải trực tiếp trả tiền thuê cho Cảng vụ.
Đứng đầu tập đoàn hợp doanh là hãng Silverstein Properties của Hoa Kỳ và công ty Brookfield Properties của Canada, ngoài ra là hai công ty nhỏ hơn có trụ sở tại New York là Omni New York và Dabar Development Partners.
Cảng vụ cho VOA biết rằng các cuộc đàm phán với tập đoàn về việc hoàn thiện hợp đồng thuê WTC 5 trong tương lai sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 8, không có thông tin nào về thời điểm nào có thể kết thúc.
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas mới và Đền thờ Quốc gia
Gần 20 năm sau khi nhà thờ gốc bị phá hủy vào ngày 11/9, việc xây dựng Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas mới và Đền thờ Quốc gia sắp hoàn thành tại một địa điểm gần đó vào tháng 8/2021. Công trình do kiến trúc sư người Tây Ban Nha Santiago Calatrava thiết kế. Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp của Mỹ lần đầu tiên giao cho kiến trúc sư này lên kế hoạch về tòa nhà mới vào năm 2012.
Thiết kế của Calatrava, được công bố vào năm 2013, cho thấy một tòa nhà bằng đá cẩm thạch trắng có mái vòm được bao quanh với bốn cột trụ, mô phỏng theo Hagia Sophia ở Istanbul và Nhà thờ Chúa Cứu thế ở Chora, là hai nhà thờ Chính thống Hy Lạp trước đây rất nổi bật, mà về sau, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển đổi thành nhà thờ Hồi giáo vào năm 2020. Tọa lạc tại 130 phố Liberty ở phía đông của Công viên Tự do mới thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới, dự án ước tính tốn 20 triệu đô la được khởi công với lễ động thổ vào ngày 18/10/2014 và được "cất nóc" với một cây thánh giá tạm thời được gắn trên phần khung mái vòm của tòa nhà vào ngày 29/11/2016.
Cảng vụ New York và New Jersey đã đồng ý để tổng giáo phận xây dựng lại nhà thờ tại số 130 phố Liberty theo thỏa thuận hoán đổi đất năm 2011. Cảng vụ ký một thỏa thuận khác vào ngày 21/8/2017 cho tổng giáo phận thuê địa điểm trong 198 năm. Bản thỏa thuận mới ấn định mức giá thuê địa điểm để làm nhà thờ-đền thờ ở mức tượng trưng là 1 đô la/năm, và cho phép tổng giáo phận có thể mua lại địa điểm này bất kỳ lúc nào trong thời gian thuê, cũng với một mức giá tượng trưng. Tổng giáo phận đồng ý để Cảng vụ vẫn giữ quyền sở hữu địa điểm để cơ quan chính phủ này vẫn chịu trách nhiệm đảm bảo về giấy phép và các phê duyệt theo quy định trong quá trình xây dựng.
Nhưng việc xây dựng dừng lại vào tháng 12/2017 khi công ty xây dựng Thụy Điển Skanska nói rằng tổng giáo phận không trả tiền. Vài tháng trước, tổng giáo phận cho biết họ bị thâm hụt tài chính nghiêm trọng, tích tụ trong nhiều năm, và họ đã thuê PricewaterhouseCoopers vào tháng 4/2018 để điều tra về phần tài chính của dự án nhà thờ-đền thờ và các khoản chi phí vượt xa dự toán.
Các nhà điều tra kết luận vào tháng 10/2018 rằng không có bằng chứng về việc các thành viên tổng giáo phận gian lận hoặc sử dụng tiền sai mục đích. Tổng giáo phận cũng chấp nhận lời kêu gọi của các nhà điều tra về việc thành lập pháp nhân độc lập mới, "Những người bạn của nhà thờ Thánh Nicholas", nhằm gây quỹ để hoàn thành dự án bị đình trệ.
Nhóm Những người bạn của nhà thờ Thánh Nicholas huy động được thêm hàng triệu đô la từ các khoản đóng góp cá nhân, nhờ đó, việc xây dựng lại tiếp tục vào ngày 3/8/2020. Tổng số tiền gây quỹ đạt 95 triệu đô la vào tháng 6/2021, gần gấp năm lần dự toán ban đầu về chi phí xây dựng lại.
Trong một tuyên bố với VOA, tổng giáo phận cho biết phần ngoại thất của nhà thờ-điện thờ dự kiến sẽ được hoàn thành vào tối ngày 10/9/2021, đó cũng là lần đầu tiên nhà thời sẽ được chiếu sáng từ bên trong.
Tổng giáo phận cho biết tuy công việc về nội thất vẫn tiếp tục kéo dài sang năm 2022, song một buổi lễ mở cửa được gọi là thyranoixia sẽ được tổ chức vào ngày 2/11/2021, trùng với chuyến thăm New York của Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I của Constantinople có bản doanh ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương lai
Địa điểm tòa nhà Deutsche Bank
WTC 5 trong tương lai
Silverstein Properties và Brookfield Properties đưa ra đề án về Trung tâm Thương mại Thế giới số 5 trong tương lai là một tòa nhà cao 274 mét với khoảng 80 tầng.
Hình ảnh quảng bá về tòa tháp, do công ty kiến trúc Kohn Peterson Fox ở New York thiết kế, được công bố vào tháng 2/2021. Chúng cho thấy tòa nhà có phần đế hình chữ nhật cao 48 mét gánh một số khối hình chữ nhật cao và giao nhau. Phần đế bao gồm mặt bằng bán lẻ ở mặt đất, nó gánh 10 tầng chủ yếu dành cho văn phòng với một số tiện ích, không gian cho cộng đồng và máy móc. Phía trên khối đế là 69 tầng nhà ở với 1.325 căn hộ cho thuê, với tổng diện tích nhà ở là 111.000m2. Một phần tư số căn hộ được ấn định là nhà ở “có giá cả phải chăng lâu dài” sẽ được cung cấp cho các hộ gia đình có thu nhập hàng năm từ 51.200 đô la trở xuống.
Nhà chức trách cho biết quá trình xin chính phủ phê duyệt đề án do Silverstein-Brookfield đứng đầu sẽ kéo dài sang năm 2022. Họ nói rằng nếu đề án WTC 5 được phê duyệt chính thức theo đúng tiến độ, họ dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu vào năm 2023 và kết thúc vào năm 2028.
Một nhóm cư dân Lower Manhattan và những người vận động về nhà ở chỉ trích đề án WTC 5, nói rằng nó cung cấp quá ít nhà ở giá rẻ, còn về cơ bản đó là một tòa tháp chung cư sang trọng. Họ thành lập “Liên minh đòi 100% WTC 5 là nhà ở giá phải chăng” để cố ép nhà chức trách và nhà phát triển bất động sản suy nghĩ lại một cách triệt để về đề án.
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas và Đền thờ Quốc gia
Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas và Đền thờ Quốc gia sẽ là công trình tôn giáo duy nhất trong khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới. Gian giữa của tòa nhà mới sẽ được sử dụng cho các lễ cầu nguyện Chính thống giáo Hy Lạp, còn không gian tang lễ ở tầng 2 và sảnh hoạt động xã hội ở tầng 3 sẽ được sử dụng cho các chương trình văn hóa, giáo dục và tưởng niệm phi giáo phái và liên tôn.
Trong một tuyên bố với VOA, Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp của Mỹ cho biết việc xây dựng nội thất sẽ được hoàn thành vào đầu Tuần Thánh Phục sinh vào tháng 4/2022. Họ cho biết nhà thờ-đền thờ sẽ mở cửa cho hoạt động thờ phượng của công chúng vào Chủ nhật Phục sinh, và sau Tuần Thánh sẽ mở cửa cho khách tham quan không phải là người thờ phượng.
Tổng giáo phận nói rằng khi nhà thờ mở cửa cho việc thờ phượng, họ có kế hoạch sẽ thực hiện quyền mua lại tài sản này từ tày Cảng vụ New York và New Jersey với một mức giá tượng trưng. Họ cho biết cũng đã lên kế hoạch thực hiện lễ hiến thánh vào tháng 7/2022 để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nhà thờ.
Tổng giáo phận cho biết Đền thờ Quốc gia sẽ là “đài tưởng niệm” dành cho những người thiệt mạng vào ngày 11/9, đồng thời là biểu tượng cho quyền tự do tôn giáo của nước Mỹ và tượng trưng cho “chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối”. Họ cho biết tòa nhà có thể sẽ là điểm đến chính đối với du khách đến thăm Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11 tháng 9 gần đó, và họ dự đoán nhà thờ này sẽ trở thành nhà thờ Cơ đốc giáo Chính thống được nhiều người không theo Chính thống giáo ghé thăm nhiều nhất trên thế giới.
Nguồn
- 6sqft (tin tức về các khu dân cư thành phố New York )
- Hiệp hội nghiên cứu an ninh tư nhân Hoa Kỳ
- Báo The Architect
- Associated Press
- CBS New York
- THE CITY (tin tức thành phố New York)
- CNN
- Hội đồng về các tòa nhà cao tầng và môi trường sống đô thị (CTBUH)
- dailyarchnews (Toronto)
- Downtown Alliance
- Emporis
- Greek News (Greek American Newsweekly)
- Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp của Mỹ
- Greek Reporter
- Ảnh Flikr.com 2016 của tài khoản “jag9889”
- VOA phỏng vấn qua điện thoại với Những người bạn của nhà thờ Thánh Nicholas và Tổng giáo phận Chính thống Hy Lạp của Mỹ
- Tập đoàn Phát triển Lower Manhattan
- New York Post
- Thông cáo báo chí của Thống đốc bang New York (George Pataki)
- New York Times
- New York YIMBY (Yes In My Backyard)
- Cảng vụ New York và New Jersey
- Hiệp hội từ thiện của cảnh sát Cảng vụ
- Dịch vụ tin tức tôn giáo (RNS)
- Nhà thờ Chính thống Hy Lạp Thánh Nicholas và Đền thờ Quốc gia
- Hãng kiến trúc và xây lắp Santiago Calatrava
- Silverstein Properties
- The Tribeca Trib
- Urbanize New York City
- Wall Street Journal
- Tin tức WestView News (Tiếng nói West Village)
- World-Architects
Địa điểm gốc tòa nhà Fiterman Hall
Trước 11/9
Địa điểm gốc tòa nhà Fiterman Hall
Tòa nhà văn phòng 16 tầng tại số 30 đường West Broadway mở cửa vào năm 1959. Nó được doanh nhân Miles Fiterman mua vào năm 1978. Ông và vợ là Shirley đã hiến tặng tòa nhà cho trường Cao đẳng Cộng đồng khu Manhattan (BMCC) thuộc Đại học Thành phố New York (CUNY) vào năm 1993.
Có trị giá 30 triệu đô la, tòa nhà là món quà giá trị nhất từng được trao cho một trường cao đẳng cộng đồng của Hoa Kỳ vào thời điểm đó. CUNY, trường đại học công lập do bang New York kiểm soát, đổi tên tòa nhà thành Fiterman Hall để vinh danh món quà của vợ chồng ông và cải tạo công năng để bố trí 40 phòng học và phòng máy tính. Các cơ sở mới giúp cho BMCC giảm bớt tình trạng thiếu lớp học tại trung tâm chính của trường cách đó vài dãy nhà.
11/9
Địa điểm gốc tòa nhà Fiterman Hall
Hơn 1.000 sinh viên, giảng viên và nhân viên có mặt trong Fiterman Hall vào sáng ngày 11/9, khi đó, tòa nhà đang trong quá trình cải tạo đã bắt đầu từ năm 2000 để lắp đặt cơ sở hạ tầng lớp học mới và biến nó thành một cơ sở trị giá 275 triệu đô la. Còn vài tuần nữa việc cải tạo mới hoàn thành. Khi đó, những người bên trong Fiterman Hall nghe thấy tiếng nổ do Chuyến bay 11 của Hãng hàng không American Airlines đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Nhìn thấy ảnh hưởng của vụ nổ cách đó một dãy nhà, các giảng viên và nhân viên của Fiterman Hall đã giải tán các lớp và sơ tán khỏi tòa nhà.
Sau khi Tháp Đôi sụp đổ, nhân viên của Fiterman Hall chuyển đến khuôn viên chính của BMCC cách đó vài dãy nhà để giúp nhân viên của Cảng vụ chuyển đổi một phòng tập thể dục thành một địa điểm làm việc.
Vào lúc 5h20 chiều, tòa nhà WTC 7 sụp đổ ở bên kia đường, đối diện Fiterman Hall, tạo thành một đống các mảnh vỡ khổng lồ bên mặt phía nam của trường và đâm xuyên qua phần ngoại thất của trường.
Bụi độc và nấm mốc xâm nhập vào tòa nhà, khiến nó không còn an toàn. Các công nhân bịt kín các lỗ hổng trên cấu trúc và che nó bằng lưới đen trong những tuần sau vụ tấn công.
CUNY đề xuất phá dỡ Fiterman Hall và xây dựng lại. Họ cho rằng đây là cơ sở giáo dục đại học duy nhất của Hoa Kỳ bị hư hại nghiêm trọng trong một cuộc tấn công khủng bố.
2011
Địa điểm gốc tòa nhà Fiterman Hall
Fiterman Hall mới được xây gần xong vào năm 2011 sau nhiều năm có những trì hoãn trong việc phá dỡ tòa nhà cũ đã bị hư hại.
Trong vài năm đầu sau vụ 11/9, Fiterman Hall bị hư hại vẫn được che bạt khi CUNY tranh luận với các công ty bảo hiểm về số phận của tòa nhà. Công ty bảo hiểm FM Global khẳng định rằng Fiterman Hall có thể sửa chữa được, trong khi CUNY khẳng định không thể. Tranh chấp được giải quyết vào năm 2004 khi FM Global đồng ý chi cho CUNY 90 triệu đô la vì tòa nhà bị thiệt hại.
Sau đó, vẫn trong năm 2004, CUNY thuê công ty kiến trúc Pei Cobb Freed & Partners để xây dựng kế hoạch khử độc và phá dỡ Fiterman Hall nhằm bảo vệ khu vực xung quanh khỏi các chất độc bên trong tòa nhà. Công ty cũng được giao nhiệm vụ thiết kế và cuối cùng là xây dựng tòa nhà Fiterman Hall mới trên cùng một địa điểm. Tuy nhiên, sau đó dự án bị chậm vì các bản kế hoạch bị các cơ quan quản lý rà soát trong một thời gian dài, cùng lúc, CUNY tìm cho đủ nguồn tài trợ của thành phố và tiểu bang để tiến hành dự án.
Các kế hoạch của CUNY bị trở ngại vào năm 2007 khi một vụ hỏa hoạn chết người làm ngừng việc tái xây dựng Tòa nhà Deutsche Bank gần đó, tòa nhà đó cũng bị hư hại đến mức không thể sửa chữa được do vụ tấn công 11/9. Vụ cháy làm dấy lên những lo ngại mới về vấn đề an toàn đối với công tác phá dỡ Fiterman Hall chưa diễn ra, và các cơ quan quản lý yêu cầu CUNY gửi các đề án sửa đổi và tiếp tục phải xem xét.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ phê duyệt kế hoạch của CUNY về khử độc Fiterman Hall vào tháng 3/2008 và quá trình này bắt đầu. CUNY có thêm một cú hích nữa vào ngày 13/11 năm đó khi nhà chức trách công bố một thỏa thuận tài trợ 325 triệu đô la cho chi phí phá dỡ tòa nhà cũ và xây dựng tòa nhà mới. Khoản tài trợ này bao gồm 139 triệu đô la từ chính quyền thành phố New York, 80 triệu đô la từ việc CUNY được thanh toán tiền bảo hiểm, và ngân quỹ bổ sung từ CUNY và chính quyền bang New York.
Quá trình tẩy độc của Fiterman Hall cũ được hoàn thành vào tháng 5/2009 và việc phá dỡ bắt đầu, đến tháng 11 cùng năm, họ phá dỡ xong đến mặt đất. CUNY nhanh chóng bắt đầu xây dựng lại, tổ chức lễ khởi công xây dựng Fiterman Hall mới vào ngày 1/12.
Hiện nay
Địa điểm gốc tòa nhà Fiterman Hall
Fiterman Hall mới
Gần 11 năm sau khi Fiterman Hall cũ bị hư hại không thể sửa chữa vào ngày 11/9, Fiterman Hall mới mở cửa cho các lớp học đầu tiên vào ngày 27/8/2012, trong khi việc xây dựng nội thất tiếp tục ở một số phần khác của tòa nhà. Trong số các cơ sở vẫn đang được xây dựng có một phòng trưng bày mỹ thuật và một quán cà phê công cộng.
Sau khi hoàn thiện nội thất, Fiterman Hall mới có khoảng 37.100 mét vuông diện tích sàn có thể sử dụng, so với 34.800 mét vuông của tòa nhà cũ.
Tòa nhà 14 tầng mới nổi bật so với các tòa nhà văn phòng xung quanh với thiết kế bên ngoài bằng gạch đỏ và kính để người qua đường có thể nhìn thấy những gì đang diễn ra bên trong và khuyến khích cộng đồng sử dụng các tiện ích của nó, bao gồm trung tâm hội nghị trên tầng mái.
80 phòng học và phòng máy tính mới của Fiterman Hall có công nghệ giáo dục tiên tiến và tăng năng lực lớp học của BMCC vào năm 2012 lên thêm một phần ba, giảm bớt tình trạng quá tải tại khuôn viên chính trên phố Chambers nơi nhiều sinh viên đã học các phòng tạm là thùng container.
Các nhà thiết kế tòa nhà Fiterman Hall mới là Pei Cobb Freed & Partners. Họ cho biết các tiện nghi và “bầu không khí sôi động của không gian năng động, tràn ngập ánh sáng sẽ góp phần quan trọng vào việc tiếp tục làm tươi trẻ hóa cộng đồng dân cư”.
Nguồn
- Viện Kiến trúc sư Mỹ
- amNY Downtown Express
- Cao đẳng Cộng đồng khu Manhattan (BMCC)
- New York Daily News
- New York Times
- Các dịch vụ môi trường PAL
- Hội Nhân viên chuyên nghiệp CUNY (PSC)
- PRWeb
Địa điểm gốc quảng trường WTC
Trước 11/9
Địa điểm gốc quảng trường WTC
Các tòa tháp và quảng trường thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới chính thức khánh thành trong một buổi lễ vào ngày 4/4/1973. Tâm điểm của quảng trường là một tác phẩm điêu khắc bằng đồng của nghệ sĩ người Đức Fritz Koenig, được lắp đặt vào năm 1972.
Một nghiên cứu của giáo sư lịch sử nghệ thuật Đại học Columbia Holger A. Klein cho thấy câu chuyện về tác phẩm điêu khắc này bắt đầu vào năm 1967, khi kiến trúc sư người Mỹ thiết kế Trung tâm Thương mại Thế giới Minoru Yamasaki liên hệ với Koenig để mời ông thiết kế một tác phẩm điêu khắc cho đài phun nước lớn chưa xây thuộc quảng trường WTC. Cảng vụ New York và New Jersey đã phê duyệt mô hình điêu khắc thu nhỏ của Koenig vào năm 1968 và giao cho ông chế tạo phiên bản có kích thức thật, và ông bắt đầu thực hiện vào cuối năm đó ở Đức. Sau khi hoàn thành tác phẩm điêu khắc, ông gửi nó đến cảng Bremen để vận chuyển bằng thùng gỗ đến New York. Nó đến nơi vào đầu năm 1972 trước khi được lắp đặt tại WTC Plaza.
Tác phẩm của ông Koenig có tên là “Quả cầu lớn trên cột, N.Y.”. Giám đốc điều hành Cảng vụ Austin J. Tobin ca ngợi tác phẩm điêu khắc xoay được này là một biểu tượng của hòa bình thế giới thông qua thương mại. Người New York thường gọi nó đơn giản là “Quả Cầu”.
Sau khi ông Tobin qua đời năm 1978, Cảng vụ đã đổi tên WTC Plaza thành Austin J. Tobin Plaza để vinh danh ông.
11/9
Địa điểm gốc quảng trường WTC
Tháp Đôi sụp đổ đã phá hủy quảng trường, nhưng Quả Cầu chỉ bị hư hại nhẹ. Nó được chuyển tạm đến Công viên Battery gần đó vào năm 2002 và được trưng bày như một sự tưởng nhớ đến các nạn nhân của vụ tấn công.
2011
Địa điểm gốc quảng trường WTC
Khu bảo tàng mới
Quảng trường Tưởng niệm 11/9 mới gần như hoàn thành vào tháng 7/2011 trên địa điểm Austin J. Tobin Plaza cũ. Nó mở cửa cho công chúng vào ngày 12/9, một ngày sau lễ kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra các cuộc tấn công. Ở trung tâm của quảng trường là một gian nhà mới ở bên trên mặt đất, và nằm ngầm bên dưới là Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 đang được xây dựng.
Quá trình phát triển khu phức hợp tưởng niệm và bảo tàng bắt đầu vào tháng 7/2002, khi Tập đoàn Phát triểnLower Manhattan (LMDC), tập đoàn liên doanh của thành phố New Yorj và bang New York có nhiệm vụ hồi sinh khu vực sau vụ 11/9, soạn ra bản thảo tuyên bố về tôn chỉ, mục đích của dự án. Ban giám đốc của LMDC thông qua bản tuyên bố tôn chỉ, mục đích chính thức vào tháng 4/2003 sau khi ghi nhận ý kiến đóng góp từ các gia đình nạn nhân vụ 11/9, những người sống sót, những nhân viên ứng phó khẩn cấp, cư dân khu vực và những người khác. Bản tuyên bố cho phép thành lập Quỹ Tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới mới nhưng vẫn giữ tên gọi ban đầu, và quỹ này được “sở hữu, xây dựng, vận hành và bảo trì một đài tưởng niệm cũng như các cấu trúc và khu phụ trợ liên quan trên địa điểm của Trung tâm Thương mại Thế giới”. Nhiệm vụ quan trọng ban đầu của quỹ là gây quỹ cho dự án thông qua việc kêu gọi đóng góp từ thiện, một hoạt động mà LMDC bị cấm thực hiện do nó là cơ quan nhà nước. Quỹ xin được miễn thuế vào tháng 9/2003 và được liên bang chấp thuận ngay sau đó, nhờ đó, quỹ bắt đầu nhận được các khoản đóng góp từ các cá nhân.
Dự án tưởng niệm bắt đầu phần xây dựng sơ bộ vào tháng 3/2006 với việc các công nhân xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh các cột bao quanh còn sót lại tại các phần chân của Tháp Đôi. Cảng vụ New York và New Jersey đồng ý tiếp quản toàn bộ việc xây dựng dự án vào tháng 7/2006 sau khi chính quyền bang và thành phố New York quyết định rằng một đơn vị chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc xây dựng trong khu phức hợp WTC sẽ nhanh hơn và ít tốn kém hơn.
Quỹ đổi tên thành Bảo tàng & Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào tháng 8/2007 để phản ánh rõ hơn sứ mệnh của dự án là tưởng niệm một thảm kịch quốc gia.
Hiện nay
Địa điểm gốc quảng trường WTC
Khu bảo tàng mới
Bảo tàng Tưởng niệm 11/9 mới được khánh thành với buổi lễ vào ngày 15/5/2014 do Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama chủ trì cùng với Chủ tịch Đài tưởng niệm 11/9 là Michael Bloomberg. Hàng rào xung quanh quảng trường Tưởng niệm sự kiện 11/9 được dỡ bỏ cùng ngày, cho phép công chúng lần đầu tiên được vào miễn phí. Bảo tàng mở cửa cho công chúng vào ngày 21/5, sau 8 năm xây dựng với tổng chi phí là 700 triệu đô la, bao gồm cả quảng trường tưởng niệm mở cửa vào năm 2011. Khu phức hợp bảo tàng và đài tưởng niệm này có chi phí xây dựng tốn kém nhất ở Hoa Kỳ.
Gian nhà lối vào ở trên mặt đất do công ty kiến trúc Na Uy Snøhetta thiết kế, còn không gian bảo tàng nằm ngầm dưới mặt đất do công ty kiến trúc Davis Brody Bond có trụ sở tại thành phố New York thiết kế. Không gian triển lãm do các công ty Thinc Design and Local Projects LLC ở thành phố New York, và Layman Design có trụ sở ở Illinois thiết kế.
Bảo tàng có không gian rộng 10.200 mét vuông, kể lại câu chuyện về vụ 11/9 và vụ đánh bom khủng bố tại Trung tâm Thương mại Thế giới vào ngày 26/2/1993, thông qua các hiện vật, hình ảnh, câu chuyện cá nhân và công nghệ tương tác. Du khách đi xuống đường dốc vào một khoang ngầm rộng lớn là móng cũ của khu phức hợp WTC trước đây. Hai không gian chính của bảo tàng là Nhà tưởng niệm có bức tường với dòng chữ khổng lồ trích dẫn lời nhà thơ La Mã cổ đại Virgil nói rằng "Không có ngày tháng nào xóa được bạn khỏi ký ức của thời gian", và Sảnh Của Quỹ có một phần của bức tường gốc của WTC, là tường chắn được xây để ngăn nước sông Hudson gần đó khi người ta đào đất tại đây vào giữa những năm 1960.
Các điểm nổi bật khác của bảo tàng bao gồm Cầu thang của người sống sót, nó là một phần của WTC Plaza cũ ở trên cao, nó giúp cho các nhân viên văn phòng có đường thoát khỏi khu phức hợp WTC vào ngày 11/9; và Cột trụ cuối cùng, là một đoạn thép WTC cuối cùng được dỡ bỏ khỏi Ground Zero khi kết thúc công việc dọn dẹp tại địa điểm này vào tháng 5/2002.
Một phần gây tranh cãi của khu phức hợp ngầm là kho lưu trữ hài cốt của các nạn nhân WTC không rõ danh tính và không có người nhận trong vụ 11/9. Kho này nằm phía sau bức tường của Sảnh Tưởng niệm mà trên đó là lời của Virgil. Chỉ có nhân viên của Giám đốc Sở Giám định Y tế của thành phố New York mới được vào. Cạnh kho này là không gian riêng dành riêng cho thân nhân của các nạn nhân vụ 11/9, có tên là Phòng suy tư. Vào thời điểm mở cửa bảo tàng, kho lưu trữ có khoảng 8.000 mẩu hài cốt người mà các giám định viên y tế có nhiệm vụ cố gắng xác định danh tính. Hoạt động sẽ không có ngày kết thúc, được thực hiện một phòng lab về DNA ở một địa điểm khác.
Một số người thân của các nạn nhân tại WTC phản đối kho lưu trữ, họ cho rằng việc cất giữ những mẩu hài cốt có thể là của những người thân của họ ở sâu dưới lòng đất trong một không gian tiếp giáp với một điểm thu hút nhiều khách du lịch là việc làm thiếu tế nhị. Những người thân khác đánh giá rằng kho lưu trữ ngầm này là một cơ sở phù hợp.
Tranh luận cũng nổ ra về giá vé vào bảo tàng ở mức tiêu chuẩn ban đầu 24 đô la dành cho người lớn, một số người nhà nạn nhân vụ 11/9 cho rằng giá vé như vậy là quá cao. Những người ủng hộ cho rằng giá vé dành cho người lớn, sau này đã tăng lên thành 26 đô la, là phù hợp với quy mô và giá trị của khu bảo tàng và khu tưởng niệm, có tổng chi phí vận hành và quản lý trong năm 2019 là 73 triệu đô la.
Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia 11/9 cho biết hơn 17 triệu người đã thăm bảo tàng kể từ khi mở cửa vào tháng 5/2014. Họ cho biết hơn 50 triệu người từ khắp nơi trên thế giới đã thăm quảng trường Tưởng niệm kể từ khi mở cửa vào năm 2011.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten