woensdag 29 september 2021

Nguy cơ về tên lửa hành trình hạt nhân sau các vụ bắn thử của Bắc Triều Tiên

 

Nguy cơ về tên lửa hành trình hạt nhân sau các vụ bắn thử của Bắc Triều Tiên

(Ảnh minh họa) - Cơ sở thử nghiệm tên lửa Sohae tại miền tây Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp từ vệ tinh, ngày 03/03/2019.
(Ảnh minh họa) - Cơ sở thử nghiệm tên lửa Sohae tại miền tây Bắc Triều Tiên. Ảnh chụp từ vệ tinh, ngày 03/03/2019. REUTERS

Các vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về phi hạt nhân hóa đang gặp bế tắc cho dù chính quyền tổng thống Joe Biden đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Bình Nhưỡng « bất cứ lúc nào », cũng như trong bối cảnh quan hệ liên Triều vẫn căng thẳng.

Kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo, các chương trình phát triển vũ khí của Bắc Triều Tiên đã tiến triển rất nhiều, nhưng kể từ năm 2017, Bình Nhưỡng không còn tiến hành thử nghiệm hạt nhân hay bắn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Theo giáo sư Yang Moo Jin, đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, được hãng tin AFP trích dẫn, dường như Bình Nhưỡng muốn trắc nghiệm thực tâm của Seoul về cải thiện quan hệ liên Triều. Theo vị giáo sư này, Bình Nhưỡng sẽ theo dõi và nghiên cứu phản ứng của tổng thống Moon Jae In sau vụ bắn tên lửa hôm nay và sẽ dựa theo đó để ra các quyết định về các biện pháp làm dịu căng thẳng giữa hai miền.

Vấn đề là trước vụ bắn thử tên lửa hôm nay, ngày 12/09/2021, Bình Nhưỡng thông báo đã phóng thử nghiệm thành công một tên lửa hành trình tầm xa mới. Theo hãng thông tấn chính thức KCNA, tên lửa mới này, được mô tả là một vũ khí « chiến lược có tầm quan trọng lớn », có thể bắn tới các mục tiêu xa đến 1.500 km, tức là có thể bắn tới nhiều vùng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, Bắc Triều Tiên sử dụng từ « chiến lược » trong thông báo nói trên cho thấy là nước này có ý định trang bị đầu đạn hạt nhân cho loại tên lửa nói trên và như vậy sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang về tên lửa hành trình mang đầu đạn nguyên tử.

Tên lửa hành trình, còn được gọi là tên lửa có cánh, có thể được điều  khiển theo chế độ lập trình sẵn để chống các mục tiêu cố định, hoặc tự dẫn để chống các mục tiêu di động như chiến hạm, phi cơ…

Hiện giờ chỉ mới có ba quốc gia nắm trong tay các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân : Hoa Kỳ, Nga, Pháp. Hai trong ba nước này ( Mỹ và Nga ), cùng với một số nước khác hiện chỉ có đầu đạn nguyên tử trên các tên lửa đạn đạo như Pakistan và Ấn Độ, thì đang nhắm đến việc mở rộng khả năng của các tên lửa hành trình hạt nhân. Các loại vũ khí đó ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược về an ninh quốc gia của các nước này.

Theo các chuyên gia quân sự trong một bài viết đăng trên trang web của báo The Hill ngày 27/09/2021, so với các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình lợi hại hơn nhiều, dù là được bắn từ trên biển, trên bộ hay trên không. Tên lửa hành trình có trang bị đầu đạn nguyên tử còn nguy hiểm hơn, bởi vì chúng ta không thể phân biệt được đầu đạn nguyên tử với một đầu đạn quy ước cho đến khi nó chạm mục tiêu và phát nổ. Chính vì vậy mà trong nhiều thập niên, các lãnh đạo thế giới đã cố gắng giảm thiểu số lượng các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân. 

Qua vụ bắn tên lửa hành trình ngày 12/09, Bình Nhưỡng rõ ràng là không hề có thực tâm phi hạt nhân hóa như mong đợi của Washington nói riêng và quốc tế nói chung. Cũng có thể là Bắc Triều Tiên dùng các vụ bắn thử tên lửa như là một cách để giành thế thượng phong đối với Mỹ trong các cuộc đàm phán sau này, nếu được mở lại. Nhưng các chuyên gia nói trên lo ngại rằng, nếu thật sự là sau vụ thử nghiệm hôm 12/09, chế độ Kim Jong Un có ý định phát triển các tên lửa hành trình mang đầu đạn nguyên tử, đây sẽ là một bước lùi lớn trong các nỗ lực của thế giới về không phổ biến hạt nhân.

Nguy cơ về tên lửa hành trình hạt nhân sau các vụ bắn thử của Bắc Triều Tiên (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten