Khủng hoảng Afghanistan : Bài học cho NATO và Liên Âu
Đăng ngày:
Nước Pháp trở lại sau kỳ nghỉ hè bằng hoạt động chính trị sôi động của các đảng phái chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 04/2022. Đây là chủ đề chính của nhiều tờ báo ra ngày đầu tuần. Bên cạnh đó, dư âm cú sốc Afghanisan vẫn được chú ý nhiều.
Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất : « Đảng môi sinh tìm ứng cử viên và đường lối ». Cho đến giờ, chiến dịch tranh cử tổng thống của những người chủ trương bảo vệ môi trường diễn ra êm ả, nhưng có điều đảng này khó có thể huy động được đông đảo cử tri ủng hộ. Tờ báo dành nhiều trang để phác họa chân dung và xu hướng chính trị của 5 ứng cử viên đảng Xanh sẽ tranh cử sơ bộ trong đảng để ra tranh chức tổng thống Pháp. Có vẻ như không có ứng cử viên nào tỏ ra nổi trội rõ rệt.
Trong khi đó, Le Figaro chạy tựa lớn xác nhận : « Bầu cử 2022 : Macron và Le Pen vẫn có ưu thế ». Tờ báo dựa trên các thăm dò dư luận mới nhất của Viện Ifop-Fiducial cho thấy, trước cuộc bầu cử 8 tháng, hai ứng viên vào chung kết trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2017 vẫn đang dẫn đầu trong thăm dò ý định bỏ phiếu ở vòng một.
Vào vòng hai vẫn là đương kim tổng thống có thể giành chiến thắng áp đảo. Trong vòng đầu, ứng viên Emmanuel Macron theo dự báo có thể giành 24-29% phiếu. Đối thủ đáng gờm nhất của ông, chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national), bà Le Pen, có thể thu được 24-27% phiếu bầu.
Số phiếu còn lại được chia cho các ứng cử viên của các đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (hiện có 3 ứng viên tuyên bố ra tranh cử), bên cánh tả có đảng Xã Hội cũng có không dưới 2 nhân vật nhăm nhe ra tranh cử, đảng Xanh, đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (La France Insoumise) Cộng Sản và một vài ứng cử viên tự do có xu hướng chính trị khác nhau đang ngấp ngé nhảy vào cuộc đua.
Trang Sự Kiện của nhật báo Le Figaro dành nhiều bài viết về các ứng viên đã và sẽ tuyên bố tham gia cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Pháp năm 2022. Tờ báo nhận thấy, còn 8 tháng nữa tới kỳ bầu cử, các cuộc thăm dò dư luận vẫn chỉ mang tính tham khảo, dự báo, đánh động, để các ứng viên các đảng chuẩn bị cho mình một chiến lược tranh cử nhằm thuyết phục cử tri. Chính trường Pháp trong những ngày tháng tới hứa hẹn sẽ còn sôi động và không loại trừ cả những biến động bất ngờ.
Afghanistan : Bài học cho NATO và Liên Âu
Đề tài nóng của các báo trong suốt nhiều tuần nay là Afghanistan vẫn chưa thể khép lại được, dù nước này đã trở lại dưới sự cai quản của Taliban.
Cú sốc mang tên Afghanistan vẫn còn là bài học cho phương Tây và nhất là các nước châu Âu. Nhật báo Le Monde có bài viết dài mang tự đề « Nato : Giờ là lúc hoài nghi và thắc mắc ». Tờ báo đi ngược lại thời gian của sự kiện, kể từ sau khi có thỏa thuận Doha tháng 2/2020 giữa Washington và Taliban về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi Afghanistan. Giữa tháng 4/2021, ngoại trưởng NATO đã họp và ra tuyên bố chung khẳng định « không có gì nghi ngờ, lập trường của NATO là sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan bảo đảm an ninh cho mình ».
Le Monde nhận thấy là sau 20 năm có mặt liên tục ở Afghanistan, phương Tây đã không định lượng được hiện trạng sức mạnh tại chỗ cũng như lường trước được thất bại hiển nhiên trong cuộc tái thiết quốc gia này. NATO cũng không đánh giá được sự yếu kém của một đội quân, một bộ máy an ninh dù được đào tạo bằng hàng tỷ đô la của liên quân từ năm 2015.
Cuộc rút quân khỏi Afghanistan lần này dù được dự tính từ cách cả một năm những vẫn không hề có sự chuẩn bị nào trong NATO và đặc biệt không có sự bàn thảo nào từ Mỹ, trong khi tham gia Liên quân còn có 1.100 lính Đức, 800 lính Anh và 750 quân Ý. Mỹ để mặc cho NATO hiểu đã « cùng vào thì cùng ra », liên tục các quyết định đơn phương. Giờ đây, người ta đổ lỗi cho tình báo Mỹ cũng như của liên quân không nắm được tình hình tiến quân của Taliban …
Liên Âu thiếu cả năng lực lẫn quyết tâm chính trị để tự chủ ?
Le Monde trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia khẳng định rằng cuộc khủng hoảng Afghanistan không đến mức khiến NATO rơi vào tình thế nguy hiểm, nhưng có thể tác động lâu dài đến mối quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ.
Cuộc khủng hoảng cho thấy các nước Liên Âu không có khả năng đi ngược lại một quyết định của Mỹ để bảo vệ lợi ích của chính mình. Còn với Hoa Kỳ, vẫn luôn kêu gọi Liên Âu tự thân cố gắng hơn nữa để bảo vệ mình và các nước xung quanh, khủng hoảng Afghanistan chứng minh nhiều nước châu Âu không chỉ thiếu năng lực cần thiết, mà thiếu nhiều nhất là quyết tâm chính trị và khả năng chuyển sang hành động.
Cũng về chủ đề khủng hoảng Afghanistan, nhật báo kinh tế Les Echos có bài bình luận của tác giả Dominque Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện nghiên cứu chính trị Pháp Montaigne. Bài viết có tựa đề « Di sản bất ngờ của Ben Laden ». Theo tác giả bài báo, các vụ khủng bố 11/09/2001 làm nước Mỹ trở nên đoàn kết, nhưng cũng cho thấy một nước Mỹ mong manh. « Hai mươi năm sau, Hoa Kỳ rút khỏi Trung Đông. Hưởng lợi nhiều nhất từ việc rút lui này không phải thế giới Hồi Giáo như Ben Laden từng mong ước, mà lại là hai cường quốc phương Đông là Nga và Trung Quốc ».
Tác giả nhận xét, sau các vụ khủng bố 11/09, các nước châu Âu ngay lập tức lao vào hỗ trợ cho người anh cả Mỹ bị thương. Đến mùa hè 2021 này, châu Âu không còn tự hỏi mình có thể làm gì cho nước Mỹ, mà phải tự hỏi làm sao châu Âu sẽ có thể sống không có Mỹ.
Nga cũng chơi trò dư luận viên với phương Tây
Chuyển qua nhật báo le Figaro, trang Quốc tế của tờ báo có bài « Luân Đôn tố cáo chiến dịch tuyên truyền báo chí của Nga », một chiến dịch sử dụng dư luận viên gây ảnh hưởng với phương Tây.
Le Figaro cho hay : Quan hệ giữa Luân Đôn và Matxcơva vẫn không thể hòa dịu được. Phối hợp với đại học Cardiff, bộ Ngoại Giao Anh hôm nay (06/09) công bố báo cáo về một chiến dịch tuyên truyền rộng khắp của Nga nhằm bóp méo các thông tin của truyền thông phương Tây để phục vụ lợi ích của Kremlin. Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu Tội phạm và An ninh của Anh Quốc (Crime and Security Research Institute), có 32 cơ quan truyền thông hàng đầu tại 16 nước phương Tây là mục tiêu của chiến dịch này.
Cách làm của Matxcơva là mỗi khi các báo chí phương Tây có bài về Nga, các dư luận viên « thân Nga » hay « chống phương Tây » tung ra một loạt các bình luận phản ứng. Những bình luận này được chuyển cho truyền thông bằng tiếng Nga phục vụ cho các bài viết của họ vì mục đích tuyên truyền.
Phương pháp này không có gì mới, nhất là từ khi xảy ra cuộc đối đầu giữa Nga và Ukraina. Nhưng báo cáo của Anh ghi nhận cách làm này gia tăng mạnh từ năm 2018. Báo cáo cũng cho biết có sự phối hợp giữa truyền thông Nhà nước Nga và các cơ quan báo chí liên quan đến Patriot Media Group trong việc sử dụng những bình luận của độc giả. Họ chế biến lại bằng cách chạy tựa : « Độc giả của Daily Mail nói rằng… » hay « Độc giả của tờ Der Spigel nghĩ rằng… » để nắn thông tin theo hướng rằng đang có sự ủng hộ rộng rãi đối với chính quyền của Vladimir Putin trong dư luận phương Tây.
Theo Le Figaro, ngoại trưởng Giao Anh Dominic Raab nhận định « báo cáo này vạch trần mối đe dọa đối với dân chủ của việc bóp méo thông tin trên internet được nhà nước Nga ủng hộ » và « Anh Quốc phối hợp với các đồng minh quốc tế để chống lại sự dối trá của các dư luận viên Kremlin ». Nhưng có điều, theo Le Figaro, ông Raab sẽ khó có thể đổ cho Nga các lời chỉ trích nhắm vào bộ Ngoại Giao Anh Quốc và bản thân ông về những lúng túng trong vụ xử lý khủng hoảng Afghanistan.
Pháp : Thị trường lao động khởi sắc
Chuyển qua chủ đề kinh tế, nhật báo Les Echos thông báo một tin vui cho nước Pháp, đang cố gắng thoát dần khỏi đại dịch Covid-19 : Tuyển dụng lao động của các công ty Pháp đạt mức cao kỷ lục. Tờ báo kinh tế cho hay, số lượng thông báo tuyển dụng lao động ở Pháp tăng ở mức cao chưa từng thấy, có ngày vượt con số một triệu việc làm cần tuyển. Trong khoảng từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 8, số thông báo tuyển dụng trên các trang mạng đã tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019, tức là trước khi đại dịch xuất hiện.
Đây là dấu hiệu hồi phục kinh tế tích cực. Giới công đoàn ở Pháp ngay lập tức nhìn thấy ở đây cơ hội để đòi tăng lương cho người lao động. Nhưng tờ báo cho biết có một nghịch lý là, trong lúc một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng thêm lao động, thì tỷ lệ người thất nghiệp ở Pháp vẫn cao. Cần phải có những biện pháp bổ sung để duy trì động lực này cho thị trường lao động.
Khủng hoảng Afghanistan : Bài học cho NATO và Liên Âu (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten