Afghanistan: Nguy cơ « dịch chuyển quyền xin tị nạn » ra ngoài Châu Âu
Đăng ngày:
Vào lúc chính sách tiếp nhận người tị nạn Afghanistan trong những ngày gần đây đang gây ra tranh cãi, thì quyền xin tị nạn hơn bao giờ hết cũng làm dấy lên nhiều nghi vấn. Đan Mạch và Anh Quốc thông báo muốn « dịch chuyển các đơn xin tị nạn » sang những trung tâm xử lý nằm ngoài khu vực châu Âu. Một hình thức ủy thác nguyên tắc bảo vệ người tị nạn ? Công ước Genève về quyền tị nạn đang bị « chà đạp » ?
Công ước Geneve có còn giá trị sau 70 năm?
Ngày 15/08/2021, Taliban trở lại cầm quyền sau 20 năm tiến hành thánh chiến. Còn Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây vừa vội vã rút quân, vừa hối hả đưa những người Afghanistan trốn tránh Taliban. Những hình ảnh hỗn loạn tại sân bay Kabul đập vào mắt mọi người khiến thế giới quên đi rằng năm nay là đúng 70 năm ngày Công ước Geneve về quyền tị nạn được ký kết, chính xác là ngày 28/07/1951.
Bà Maria Arena1, nghị sĩ châu Âu người Bỉ, trên đài France Culture đã nhắc lại Công ước quy định : « Tất cả những ai gặp nguy hiểm tại nơi mình sinh sống và phải bỏ chạy khỏi đất nước đều có quyền được bảo vệ và người đó có quyền xin sự bảo hộ đó tại nơi nào mà họ muốn. Nghĩa là người đó có quyền tự do đi lại. Do vậy chúng ta không thể áp đặt nơi chốn nào họ phải xin sự bảo hộ đó »,
Những quyền này liệu có còn giá trị hay được tôn trọng, vào lúc phương Tây, nhất là nhiều nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, trước những làn sóng di dân ồ ạt đã , cho di dời các trung tâm tị nạn sang các nước khác như Rwanda hay Erythréa?
Nhật báo kinh tế Les Echos cho biết ngày 03/06/2021, Đan Mạch – một trong số các nước có chính sách di dân nghiêm ngặt nhất – đã thông qua một đạo luật cho phép nước này mở nhiều trung tâm cho những người xin tị nạn. Theo luật đó, những ai xin tị nạn tại Đan Mạch, một khi đơn xin được nhận – ngoại trừ một số trường hợp được miễn như bệnh nặng, họ sẽ được chuyển đến một trung tâm tiếp nhận nằm ngoài lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu.
Luật cũng quy định, « nếu bị từ chối, người xin tị nạn buộc phải rời nước tiếp nhận. Ngay cả những ai được hưởng quy chế tị nạn cũng sẽ không được phép trở lại Đan Mạch, mà họ chỉ đơn giản có được quy chế tị nạn tại một nước thứ ba » mà Đan Mạch có ký kết thỏa thuận, theo như lưu ý của ông Martin Lemberg-Pedersen, chuyên gia về vấn đề di dân, trường đại học Copenhague. Và chính sách này dường như cũng được Anh Quốc quan tâm đến.
Việt Nam : Bài học kinh nghiệm xử lý tị nạn từ xa ?
Khủng hoảng Afghanistan đang làm dấy lên những cuộc tranh cãi về người tị nạn và quyền tị nạn. Cuối cùng rồi những người tị nạn Afghanistan sẽ đi về đâu ? Đến các nước châu Âu ? Hay đến Mỹ, nơi mà họ hy vọng làm lại cuộc đời ? Hay là bị đưa đến các nước thứ ba, những nước mà các quốc gia phát triển có ký kết những thỏa thuận như Rwanda hay Ouganda ?
Luật gia Jean-Pierre Alaux2, cũng trên đài phát thanh France Culture khẳng định xu hướng quản lý và xử lý hồ sơ xin tị nạn từ xa này không chỉ đã bắt đầu từ châu Âu, mà Mỹ cũng có những hợp đồng tương tự: « Khoảng 51 người tị nạn Afghanistan đã được đưa đến lãnh thổ Rwanda theo đề nghị của Mỹ. Ngoài ra, Somaliland, Colombia…cũng có các thỏa thuận với Hoa Kỳ ».
Tuy nhiên, giáo sư Gérard-François Dumont3, lưu ý rằng, về mặt bản chất, vấn đề di dân tự bản thân nó đã là một vấn đề nằm ngoài lãnh thổ. Và theo ông chí ít, có hai kiểu di dân: « Trong một số trường hợp, nước nhận đơn xin tị nạn không phải chịu một trách nhiệm nào về những nguyên nhân dẫn đến việc nộp đơn xin tị nạn (…) Ngược lại, còn có kiểu di dân dẫn đến việc xin tị nạn là vì chúng ta có những trách nhiệm trong vấn đề này. Đó là do những cuộc can thiệp của chúng ta đã dẫn đến sự bất ổn cho một đất nước. »
Đây chính là những gì người ta đã nhìn thấy tại Syria, Libya và giờ là Afghanistan. Trong những hồ sơ này, phương Tây đều có trách nhiệm. Cũng theo ông Gérard-François Dumont, nếu nhìn lại lịch sử, chính sách « giao khoán » hay « giao thầu » việc xử lý đơn xin tị nạn cho một nước khác đã tồn tại từ nhiều thập niên trước, mà Việt Nam sau năm 1975 là một ví dụ rõ nét nhất.
Vị giáo sư về địa lý học, dân số học này nhắc lại : « Những gì xảy ra sau năm 1975, dĩ nhiên, một mặt có chuyện thuyền nhân, nhưng mặt khác người ta thường hay quên là còn có hàng trăm ngàn người Việt Nam, và nhất là người Cam Bốt, bị nhốt trong những trại tị nạn ở Thái Lan. Bởi vì trên thực tế, đơn xin tị nạn phải được nộp ngay tại những trại này ở Thái Lan. Không có gì khổ bằng khi một số người nhìn thấy đơn xin tị nạn của mình bị từ chối, trong khi có những người khác lại được chấp nhận đến nước này hay nước kia ».
Công ước Geneve : Mỗi nước một phách
Trước những cuộc khủng hoảng di dân dồn dập, phải chăng Công ước Geneve, năm nay mừng 70 tuổi, đang bị « chà đạp » ? Việc Đan Mạch – quốc gia có tham gia ký kết Công ước – « dịch chuyển quyền tị nạn » sang một quốc gia không tham gia Công ước đã làm dấy lên nhiều lời chỉ trích.
Nếu như văn bản quốc tế này mang lại quyền tị nạn bình đẳng cho tất cả mọi người, thì việc áp dụng lại gặp nhiều trở ngại, tùy thuộc vào cách diễn giải của từng nước có ký kết Công ước Geneve, theo như giải thích của giáo sư Dumont;
« Trên thực tế, tùy theo các nước châu Âu và còn tùy cả sự hiểu biết, kỹ năng, mà việc áp dụng Công ước lại rất khác nhau. Đơn giản chỉ vì có vài nước châu Âu đã áp dụng Công ước này từ nhiều thập niên qua, trong khi nhiều nước khác áp dụng muộn hơn, do mới tham gia ký kết gần đây. Cho nên, sự khác biệt trong cách áp dụng là một điều quan trọng.
Ngoài ra, cần phải lưu ý thêm là người xin tị nạn cũng có quyền tự do trong việc lựa chọn nơi xin tị nạn. Họ có xu hướng chọn những nơi mà họ nghĩ rằng cơ hội được chấp nhận tị nạn cao hơn.
Hơn nữa, chúng ta còn chưa nói đến khái niệm quốc gia an toàn. Nghĩa là nước Đức có thể từ chối đơn xin tị nạn của một người đến từ một nước mà Đức cho là an toàn và không ai bị trấn áp cả. Danh sách các nước an toàn của Đức và của Pháp là không giống nhau ! »
Phương Tây luôn là điểm đến lý tưởng cho nhiều dòng di dân. Ông Jean-Pierre Alaux cho rằng đó còn là do hai đặc tính hấp dẫn. Thứ nhất là do đời sống kinh tế cao và nhiều khả năng hội nhập xã hội, tìm kiếm việc làm. Thứ hai, nền tư pháp rõ ràng, vững chắc, và một bộ máy hành chính hiệu quả.
Trước làn sóng di dân lớn, phương Tây có xu hướng tìm cách xóa tan hai tính hấp dẫn đó, khi giao phó việc quản lý đơn xin tị nạn cho một nước thứ ba. Nhưng bằng cách nào ? Vị luật gia này giải thích : « Về mặt địa lý, khi giữ người xin tị nạn ở xa, bằng cách cấm họ tiếp cận các cơ sở bảo đảm hợp pháp, cho phép họ cầu cứu, cầu viện đến tư pháp, và bằng cách hướng họ đến những quốc gia không có nhân quyền hay tình trạng nhân quyền tối thiểu, và như vậy họ không có một sự bảo đảm nào là sẽ được bảo vệ một cách hiệu quả. »
Hỗ trợ các nước lân cận và rủi ro di dân chọn lọc
Dẫu sao thì các chuyên gia cũng có cùng chung một nhận định : Khi một nước bất ổn, thì các nước lân cận là những quốc gia bị ảnh hưởng trước tiên. Liên Hiệp Quốc dự báo thế giới sẽ có thêm nửa triệu người tị nạn Afghanistan trong năm 2021. Để tránh tái diễn khủng hoảng di dân như năm 2015, Liên Hiệp Châu Âu đã có cuộc họp trong ngày thứ Ba 31/08/2021 nhằm tìm kiếm một chiến lược đối phó.
Một mặt nhiều nước thành viên Bắc Âu bày tỏ lập trường cứng rắn khi kêu gọi người dân Afghanistan « hãy ở gần nhà và gần nền văn hóa », « hãy ở tại chỗ, và chúng tôi sẽ hỗ trợ cho khu vực ». Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu dự trù một gói hỗ trợ tài chính cho các nước lân cận của Afghanistan như Pakistan và Tadjikistan. Liên Âu dự trù một khoản ngân sách 80 tỷ euro để hỗ trợ các nước này tiếp đón người tị nạn.
Cách tốt nhất để tránh một cuộc khủng hoảng di dân là tránh một cuộc khủng hoảng nhân đạo, theo như tuyên bố của ủy viên Châu Âu Ylva Johansson sau cuộc họp. Chỉ có điều, như lưu ý của nữ nghị sĩ châu Âu Maria Arena, giải pháp này có nguy cơ bị biến thành một kiểu chính sách « di dân có chọn lọc »:
« Điều quan trọng là có thể trao thêm khả năng cho các nước tiếp nhận những người chạy trốn chế độ Taliban. Liệu rằng ngay từ ban đầu, tại những nước đó, người ta có thể nộp đơn xin tị nạn ? Đương nhiên là Có. Đây chính là điều mà họ gọi là thủ tục tái định cư. Tuy nhiên, nên cẩn thận với thủ tục tái định cư này, bởi vì nó có thể được sử dụng như là một công cụ chọn lựa người tị nạn tốt. Người ta sẽ chọn những người nào mà họ thấy cần, đáng quan tâm như trường hợp của những Công giáo phương Đông, vốn dĩ đã gây ra nhiều cuộc tranh cãi. »
**********
Ghi chú:
1. Maria Arena: Nữ nghị sĩ châu Âu, thuộc nhóm Liên minh Cấp tiến Xã hội và Dân chủ ở Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ban Nhân Quyền.
2. Jean-Pierre Alaux, luật gia, thành viên nhóm Thông tin và Hỗ trợ Di dân.
3. Gérard-François Dumont, nhà địa lý học, Dân số học, Kinh tế gia, giáo sư trường Đại học Paris IV Sorbonne.
Afghanistan: Nguy cơ « dịch chuyển quyền xin tị nạn » ra ngoài Châu Âu - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten