zaterdag 4 september 2021

Afghanistan khơi lại nỗi ám ảnh tự chủ quốc phòng của EU + Thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu

 

Afghanistan khơi lại nỗi ám ảnh tự chủ quốc phòng của EU

Bộ trưởng Quốc Phòng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Kranj, Slovenia, ngày 02/09/2021.
Bộ trưởng Quốc Phòng 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp tại Kranj, Slovenia, ngày 02/09/2021. AP - Darko Bandic

Cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ và đồng minh khỏi Afghanistan là một thất bại tập thể. Liên Hiệp Châu Âu cảm thấy từ giờ cần phải trang bị cho mình một khả năng tự tiến hành các chiến dịch quân sự trong tình huống khủng hoảng, để không còn lệ thuộc vào sức mạnh của Mỹ nữa.

Sau thất bại ở Afghanistan, châu Âu đang phải xử lý những hệ quả, đồng thời rút ra những bài học cho riêng mình. Sau cuộc họp bộ trưởng Nội Vụ ngày 31/08 để ứng phó với vấn đề di dân, hôm qua đến lượt các bộ trưởng Quốc Phòng của 27 nước thành viên Liên Âu họp tại Kranj, Slovenia. Mục đích là để thảo luận trở lại dự án thành lập lực lượng phản ứng nhanh của Châu Âu trong các tình huống khủng hoảng. Xa hơn là bàn cách làm sao để EU có thể tự chủ về mặt quốc phòng đối với NATO, cũng như đối với Hoa Kỳ.

Lãnh đạo Ngoại Giao Châu Âu Josep Borrell sau cuộc họp hôm qua  đã tuyên bố : « Afghanistan đã cho thấy những yếu kém của chúng ta trong lĩnh vực tự chủ chiến lược và chúng ta đã phải trả giá… Nếu chúng ta muốn có thể hành động một cách tự chủ, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người khác, cho dù họ là bạn bè hay đồng minh, thì chúng ta phải phát triển khả năng của chính mình ».

Các bộ trưởng Quốc Phòng của 27 nước Liên Âu đã xem xét một đề xuất từng được đưa ra hồi tháng 5/2021, theo đó, Châu Âu dự định thành lập một lực lượng 5.000 quân trong khuôn khổ chiến lược quốc phòng của EU. Đây sẽ là lực lượng phản ứng nhanh của khối, sẽ được triển khai khi xảy ra khủng hoảng lớn, để không bị phụ thuộc vào lực lượng của NATO hay Hoa Kỳ. Ông Borrell hy vọng đến hội nghị quốc phòng của EU vào ngày 16/11 tới, đề xuất đó sẽ được các nước thành viên chấp thuận đầy đủ.

Những cảnh tượng hỗn loạn tại sân bay Kabul sau khi Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan trong hai tuần qua và sự lệ thuộc của các nước châu Âu vào quân đội Mỹ để tiến hành chiến dịch di tản công dân của mình đã khiến EU phải suy ngẫm.

Pháp, Đức và cả Anh Quốc vừa ra khỏi Liên Âu đã muốn kéo dài chiến dịch di tản từ sân bay Kabul, nhưng cuối cùng đã phải chấp nhận rút theo người Mỹ, lực lượng duy nhất bảo đảm an ninh tại chỗ.

Trên thực tế, từ năm 2007, Liên Hiệp Châu Âu đã từng thành lập một « Nhóm chiến thuật », bao gồm các đơn vị của một hoặc nhiều quốc gia có quân số 1.500 người, luôn sẵn sàng và có thể được triển khai trong vòng 2 tuần đến nơi xảy ra khủng hoảng. Để phát động một chiến dịch huy động « Nhóm chiến thuật » này, phải có sự nhất trí hoàn toàn của 27 nước thành viên và thường phải được nghị quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cho phép. Thế nhưng, từ khi thành lập, lực lượng này chưa bao giờ được sử dụng.

Sáng kiến phát triển chính sách quốc phòng chung châu Âu đã nhiều lần trở lại với các lãnh đạo EU, đặc biệt dưới thời tổng thống Donald Trump. Có điều hầu hết các dự án đều bị bỏ dở, vì nhiều lý do, trong đó yếu tố chủ yếu là không có sự đoàn kết nhất trí.

Lần này, Matej Tonin, bộ trưởng Quốc Phòng của Slovenia, nước đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của EU, đã kêu gọi thành lập một hệ thống mới cho phép đưa quân của « những nước tình nguyện » thay mặt 27 nước thành viên nếu được đa số quốc gia chấp nhận, thay vì phải có sự nhất trí toàn bộ như trường hợp của « Nhóm chiến thuật ».

Trong khi đó lãnh đạo Quốc Phòng Đức thì khẳng định bài học Afghanistan rút ra là các nước Châu Âu phải tự chủ, có khả năng hành động độc lập như một nhân tố thay thế NATO hay Hoa Kỳ. Những tuyên bố vẫn chỉ thể hiện quyết tâm chính trị, không hẳn đã được tất cả hưởng ứng.

Có một thực tế rõ ràng là Liên Hiệp Châu Âu từ nhiều năm nay vẫn luôn bị chia rẽ mỗi khi bàn về vai trò của EU trong lĩnh vực quốc phòng ở những vụ việc lớn, nhất là do sự dè dặt của các thành viên phía Đông, vốn vẫn tin tưởng vào sự che chắn bảo vệ của NATO và Mỹ trước các đe dọa đến từ Nga.

Các cuộc thảo luận dấy lên trở lại sau Brexit, vì Anh Quốc là nước chống đối kịch liệt viễn cảnh thành lập một quân đội chung Châu Âu.  Thêm vào đó là việc Mỹ ngày càng tỏ cho thấy muốn thoái lui khỏi một số mặt trận. Lãnh đạo Ngoại giao Châu Âu Josep Borrell đã nhấn mạnh : « Ông Joe Biden là tổng thống Mỹ thứ 3 liên tiếp để cảnh báo chúng ta về việc từ bỏ cam kết của Hoa Kỳ ».

Afghanistan khơi lại nỗi ám ảnh tự chủ quốc phòng của EU (rfi.fr)

Thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu

Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxxelles, Bỉ : Lần đầu tiên 27 thành viên Liên Âu đồng thuận về một quỹ chung phát triển quốc phòng.
Trụ sở của Ủy Ban Châu Âu tại Bruxxelles, Bỉ : Lần đầu tiên 27 thành viên Liên Âu đồng thuận về một quỹ chung phát triển quốc phòng. AFP - ARIS OIKONOMOU

Ủy Ban Châu Âu hôm nay 30/06/2021 chính thức thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu với ngân sách gần 8 tỉ euro từ 2021 đến 2027 để tài trợ cho các dự án hợp tác giữa các công ty quốc phòng, tăng cường tính độc lập cho châu Âu trong lãnh vực này. Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu (EU) dành một phần ngân sách chung cho kỹ nghệ quốc phòng.

Cụ thể, Quỹ Quốc phòng được phân bổ 7,95 tỉ euro trong 8 năm, trong tổng ngân sách 1.074 tỉ euro của Liên hiệp. Số tiền này là kết quả của những tranh cãi gay gắt vì nhiều nước ngần ngại không muốn tài trợ.

Đối với ủy viên phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton, Quỹ Quốc phòng châu Âu là đóng góp quan trọng cho việc tự chủ, EU cần phải dần dà trở thành một nhân tố an ninh ở tầm quốc tế.

Quỹ này sẽ tài trợ cho các dự án hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên có sáng tạo công nghệ, từ các tập đoàn lớn đến các công ty nhỏ và khởi nghiệp (start-up). Sự tham gia của các công ty ngoài châu Âu cũng được chấp nhận với những điều kiện nghiêm ngặt để bảo đảm an ninh và lợi ích của châu Âu.

Bước đầu, quỹ dành 1,2 tỉ euro trong đó có 700 triệu euro cho việc phát triển các chiến đấu cơ tương lai, chiến hạm dùng kỹ thuật số hoặc hệ thống chống hỏa tiễn ; khoảng 100 triệu euro cho các công nghệ thiết yếu như trí tuệ nhân tạo, lưu trữ đám mây (cloud) cho quân sự… Ngoài ra Ủy Ban Châu Âu cũng dành 100 triệu euro cho Eurodrone, thiết bị bay không người lái do Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha phối hợp sản xuất.

Thủ tướng dân túy của Slovenia giữ chức chủ tịch luân phiên EU

Hôm nay 01/07 ông Janez Jansa, thủ tướng Slovenia bắt đầu làm nhiệm vụ chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Nhân vật được mệnh danh là « Thống chế Twitto » hay « Mini Trump » gây bối rối cho giới ngoại giao ở Bruxelles, với những tuyên bố thô bạo và thói quen dùng Twitter liên tục để tranh cãi.

Cách đây 15 năm ông Jansa đã từng giữ chức vụ này và có thái độ đúng mực, nhưng nay ông lại đi theo hướng ông Viktor Orban của Hungary, chống lại nhiều chính sách của châu Âu.

Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Janez Jansa là nhà lãnh đạo đầu tiên gởi điện chúc mừng ông Donald Trump tái đắc cử trong lúc cuộc kiểm phiếu vẫn chưa hoàn tất, và cho đến nay ông cũng là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới chưa hề chúc mừng Joe Biden.

Thành lập Quỹ Quốc phòng châu Âu (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten