Liên Âu và Anh kêu gọi « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch Covid-19
Đăng ngày:
Liên Âu và Anh quốc hôm nay, 11/06/2021, lên tiếng yêu cầu một « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch, khiến ít nhất hơn 170 triệu người nhiễm virus, gần 4 triệu người chết cho đến nay, theo các số liệu chính thức. Điều tra đầu tiên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bị chỉ trích gay gắt, do sự thiếu hợp tác và các giới hạn mà Bắc Kinh áp đặt.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong một cuộc họp báo tại Bruxelles, đòi hỏi : « Các nhà điều tra phải có quyền tiếp cận đầy đủ tất cả những gì cần thiết, để tìm ra được nguồn gốc của đại dịch này ». Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel nhấn mạnh : « Thế giới có quyền biết được chính xác về những gì đã diễn ra, để có thể rút ra được các bài học ». Về phía nước Anh, tại Nghị Viện, bộ trưởng Y Tế Matt Hancock cũng yêu cầu « một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập tại Trung Quốc, nhằm phát hiện được tất cả những gì có thể liên quan đến hồ sơ này, và cuộc điều tra cần được tiến hành mà không gặp trở ngại ».
Reuters tiếp cận được với một dự thảo tuyên bố chung Hoa Kỳ - Liên Âu, dự kiến sẽ được chính thức công bố ngày 15/06, theo đó, Washington và Bruxelles yêu cầu « một cuộc điều tra minh bạch về nguồn gốc Covid-19, dựa trên các bằng chứng, do các chuyên gia tiến hành dưới sự điều hành của Tổ Chức Y Tế Thế giới, và không bị bất cứ can thiệp nào ».
Cuối tháng 1, đầu tháng 2/2021, một phái đoàn chuyên gia của WHO đã đến Vũ Hán, Trung Quốc, nơi đại dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên hồi tháng 1/2020, để tiến hành điều tra. Báo cáo của các chuyên gia WHO soạn thảo, cùng với nhiều khoa học gia Trung Quốc, được công bố cuối tháng 3/2021, nêu khả năng virus có thể truyền từ loài dơi đến người thông qua một loài động vật trung gian. Trong báo cáo này, giả thiết virus thoát ra từ phòng thí nghiệm được coi là « có xác suất rất thấp ». Tuy nhiên, sau khi báo cáo được công bố, định chế y tế của Liên Hiệp Quốc cũng phàn nàn về việc cuộc điều tra đã bị chính quyền Trung Quốc áp đặt nhiều hạn chế.
Cuối tháng 5/202, phái bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, ở Genève, yêu cầu WHO tiến hành một cuộc điều tra thứ hai, do các kết quả của cuộc điều tra đầu tiên là « không đủ và không có ý nghĩa kết luận ». Trong giới khoa học quốc tế, có nhiều tiếng nói yêu cầu xem xét nghiêm túc giả thiết virus thoát ra từ một phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, giả thiết vốn gần như bị gạt sang một bên trong cuộc điều tra của WHO tại Trung Quốc.
Liên Âu và Anh kêu gọi « điều tra độc lập » về nguồn gốc đại dịch Covid-19 (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten