Covid-19 : « Muôn vẻ » chiến dịch tiêm chủng
Đăng ngày:
Trong những ngày này, dịch bệnh Covid-19 và đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng ở các nước trên thế giới là những đề tài được đề cập đến nhiều, làm nổi bật cảnh đối lập khi một số quốc gia thì thừa vac-xin, thiếu người tiêm, phải làm đủ cách để thu hút người dân, kể cả tổ chức bốc thăm trúng thưởng xe hơi hay căn hộ, nơi thì có vac-xin nhưng thiếu bơm tiêm, vac-xin đang thử nghiệm nhưng đã tiêm đại trà, nhiều nơi người dân phải loay hoay khổ sở mới được tiêm.
Nga : Tiêm chủng để có cơ hội trúng thưởng căn hộ, xe hơi
Tại Nga, tuần qua là những ngày có nhiều biện pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch được ban hành, đặc biệt là ở Matxcơva, một trong những nơi virus corona lây lan rất nhanh. Vài ngày sau khi chính quyền Matxcơva ra lệnh giảm các hoạt động của thành phố trong vòng một tuần, đô trưởng Matxcơva hôm 16/06 thông báo một biện pháp bị coi là « cực đoan » : bắt buộc nhân viên các cơ quan chính quyền địa phương, nhân viên văn phòng, nhất là người làm việc trong ngành giao thông, thương mại và nhà hàng chích ngừa Covid-19.
Chính quyền Putin vốn tự hào rằng Nga là nước đầu tiên trên thế giới điều chế được vac-xin ngừa Covid-19, nhưng ngay trong nước, dân chúng lại tỏ ra ngờ vực, dè chừng. Tỉ lệ tiêm ngừa ở Nga hiện giờ vẫn khá thấp : chiến dịch tiêm chủng được khởi động từ tháng 12/2020, nhưng đến nay mới chỉ khoảng 12% dân Nga được tiêm mũi đầu tiên.
Trước đó, vào ngày 13/06, để khuyến khích người dân đi tiêm, đích thân đô trưởng Matxcơva, Serguei Sobianine, thông báo tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho những người đi tiêm. « Một công, đôi việc », vừa được tiêm ngừa, vừa có cơ hội trúng thưởng một chiếc xe hơi trị giá 1 triệu rup (11.500 euro). Mỗi tuần sẽ có 5 phần thưởng như vậy cho những người may mắn. Trong khi đó, chính quyền vùng Matxcơva lại thông báo những ai chích mũi đầu tiên trong khoảng thời gian 15-25/06 sẽ được bốc thăm trúng thưởng một căn hộ 3 phòng.
New York - Mỹ : Dùng vac-xin thu hút du khách nước ngoài
Cũng theo hướng khuyến khích « Một công, đôi việc », chính quyền một số thành phố của Mỹ, trong đó có New York với nguồn vac-xin dồi dào, đã đề ra chiến dịch phát triển « du lịch tiêm chủng », thu hút du khách nước ngoài, nhất là người dân ở các nước châu Mỹ La-tinh. Vừa được đi du lịch, vừa được tiêm chủng là sự lựa chọn của nhiều người khá giả ở các nước châu Mỹ La-tinh lân cận. Về phía Mỹ, đây là cách tạo đòn bẩy kích thích du lịch Mỹ tăng trưởng trở lại.
Từ New York, thông tín viên Loubna Anaki gửi về bài phóng sự :
« Tại sảnh nhà ga Grand Central, Diego và Catalina xếp hàng trước điểm tiêm chủng do thành phố New York tổ chức. Hai người Colombia này từ Bogota đến thẳng đây, chỉ để chủng ngừa Covid-19. Người phụ nữ trẻ tên là Catalina giải thích : « Chúng tôi muốn được tiêm phòng nhanh chóng. Vì vậy, đến New York để tiêm là đơn giản hơn nhiều ». Còn Diego, người đi cùng cô Catalyna, nói : « Với những người trẻ tuổi thì đúng là như vậy, đến Hoa Kỳ tiêm thì đơn giản hơn là chủng ngừa tại Colombia. Ở Colombia thì có lẽ chúng tôi phải đợi đến năm 2022 mới được chích ngừa ».
Giống như Diego và Catalina, ngày càng có nhiều người Nam Mỹ có khả năng tài chính chọn cách nói trên để được tiêm vac-xin nhanh chóng hơn với hy vọng có thể trở lại với một cuộc sống bình thường.
Dani O’Farrill cùng những người bạn đến từ thủ đô Mêhicô. Cô nói : « Hiện giờ việc tiêm vac-xin ở Mêhicô là rất khó khăn. Tôi cảm thấy nhẹ cả người vì bây giờ tôi có thể gặp được bà tôi và được ôm bà. Thật quá tuyệt vời!»
Thành phố New York không ngần ngại khuyến khích du lịch tiêm phòng vac-xin kể cả bằng cách đưa ra các lập luận trên mạng xã hội. Mới đây thành phố đã cho phát một video với khẩu hiệu « Chào mừng quý vị đến với New York, vac-xin đang chờ quý vị. »
Cũng như đối với người dân Mỹ, vac-xin được tiêm miễn phí cho khách du lịch. Đây là một cách để New York vực lại lĩnh vực du lịch vốn bị đại dịch gây tác hại nặng nề. Hồi năm 2019, New York đã thu hút hơn 66 triệu du khách. Nhưng theo ước tính của chính quyền thành phố, số du khách trong mùa hè năm nay sẽ không vượt quá 10 triệu người. »
Cuba : Không thiếu vac-xin nhưng thiếu bơm tiêm
Nhìn sang Cuba, nước duy nhất trong vùng Cảibê phát triển được vac-xin của riêng mình để ngừa Covid-19. Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và các cơ sở đang thiếu bơm tiêm, nhưng tình hình dịch bệnh thúc đẩy La Habana thúc đẩy chiến dịch tiêm ngừa diện rộng nhanh nhất có thể.
Từ La Habana, thông tín viên Domitille Piron giải thích :
« Nhanh chóng tạo khả năng miễn dịch, đó là mục tiêu mà Cuba đã đề ra đối với các loại vac-xin ngừa Covid-19 mà nhà sản xuất xin cấp phép lưu hành. Mặc dù vẫn chưa được chính thức chấp thuận, vac-xin Abdala 100% của Cuba hiện đã được dùng để tiêm cho người dân ở La Habana căn cứ vào tỷ lệ lây nhiễm virus corona ở các khu vực của thủ đô.
La Habana phải đợi đến khi nhận được 380.000 bơm tiêm Achentina tài trợ thì mới có thể bắt đầu tiêm chủng cho người dân thủ đô trên diện rộng. Ở các tỉnh cũng vậy, người ta muốn đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng bất chấp những khó khăn. Một bác sĩ tên là Julio, bệnh viện trung ương Cienfuegos, giải thích : « Chính các tổ chức hữu nghị của Cuba đã tiếp nhận bơm tiêm và gửi cho chúng cho chúng tôi để chúng tôi có thể tiêm chủng cho dân chúng. Nhưng đúng là chúng tôi cần nỗ lực rất nhiều ».
Hiệu quả của vac-xin vẫn chưa được chứng minh, nhưng mọi người dân đều muốn được tiêm và hệ thống y tế Cuba, vốn được tổ chức theo khu vực, đã cho phép nhanh chóng triển khai đợt tiêm chủng quy mô lớn này. Nhiều người dân Cuba, trong đó có anh Alejandro Morejon, coi việc thiếu nguồn cung ứng trang thiết bị, do tác động của lệnh cấm vận của Mỹ, không phải vấn đề đáng lo. Anh Alejandro Morejon nói : « Ai cũng biết tình hình kinh tế của chúng tôi ra sao, và moi người cũng biết tình trạng phong tỏa như thế nào. Những điều đó khiến chúng tôi rất khó duy trì được hệ thống chăm sóc y tế. Đúng là có sự thiếu thốn nhưng chúng tôi luôn tìm được cách giải quyết mọi chuyện nhanh nhất có thể ».
Theo suy nghĩ lạc quan của người Cuba, các loại vac-xin Abdala và Soberana sẽ giúp cải thiện tình hình trong khi khủng hoảng dịch tễ và kinh tế chưa có tiến triển. »
Từ « chậm tiến », Hàn Quốc thành nước đạt thành tích tốt ở châu Á
Từng là quốc gia bị xếp trong nhóm các nước chậm tiến về tiêm chủng, chỉ sau một vài tuần phát huy triệt để chiến dịch tiêm ngừa theo phong cách « Pali Pali » đặc trưng của người Hàn, Hàn Quốc nay đã vươn lên nhóm có tỉ lệ dân số tiêm chủng thuộc loại cao ở châu Á, cho phép chính quyền tính đến các biện pháp nới lỏng quy định phòng dịch.
Từ Seoul, thông tín viên Nicolas Rocca giải thích thêm :
« Về cách triển khai chiến dịch tiêm ngừa Covid-19, Hàn Quốc vẫn trung thành với văn hóa đề cao hiệu quả, vốn được gọi là « Pali Pali ». Cụm từ « Pali Pali » có nghĩa là « nhanh, nhanh » và thể hiện nét đặc trưng của sự tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng của đất nước Hàn Quốc. Kể từ cuối tháng 5, phong cách « Pali Pali » đã hoàn toàn phù hợp với chiến dịch tiêm chủng vac-xin ngừa Covid-19.
Từ 8%, chỉ sau vài tuần đã có 23% dân số được tiêm mũi đầu tiên. Hàn Quốc hiện giờ được xếp vào hàng những nước đạt thành tích tốt về tiêm ngừa virus corona ở châu Á. Mục tiêu của chính phủ là đến cuối tháng 06 có 13 triệu người được tiêm một mũi, mục tiêu này đã gần hoàn thành, cho dù Hàn Quốc đã phải chờ một thời gian dài mới khởi động được chiến dịch tiêm chủng do vac-xin bị giao muộn.
Việc tăng tốc chiến dịch tiêm chủng hiện giờ cho phép Hàn Quốc có thể hướng đến một tương lai mà các quy định được nới lỏng : Từ tháng tới, Hàn Quốc sẽ miễn cách ly cho những người đã được tiêm ở nước ngoài với các loại vac-xin đã được Tổ Chức Y Tế Thế Giới công nhận. Hàn Quốc như vậy là một ngoại lệ ở châu Á, bởi vì phần còn lại của châu lục này đang có xu hướng thắt chặt hơn biện pháp đóng cửa biên giới.
Tuy nhiên, biện pháp mở cửa biên giới của Hàn Quốc vẫn chỉ ở mức độ vừa phải, bởi chỉ liên quan đến người dân chứ không áp dụng cho khách du lịch. Ngoài ra, những người đến từ 15 quốc gia, những nơi các biến thể virus corona được coi là đang lây lan đáng lo ngại, sẽ không được hưởng quyền miễn cách ly như trên. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi về các quyền dành cho những người đã được tiêm vac-xin bên ngoài Hàn Quốc, trong khi kể từ tháng 7, những người đã được tiêm trong nước sẽ được phép di chuyển mà không cần đeo khẩu trang ».
Nhật Bản : Sự chậm trễ khó hiểu
Cũng giống như Hàn Quốc, chiến dịch tiêm chủng của Nhật Bản khởi động chậm hơn nhiều so với các nước công nghiệp phát triển khác. Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày là khai mạc Thế Vận Hội Tokyo 2020, để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, Tokyo đã phải viện đến bộ Quốc Phòng để triển khai, quản lý các trung tâm tiêm ngừa quy mô lớn, với sự tham gia của hàng trăm, hàng ngàn bác sĩ, y tá quân đội.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của thông tín viên Bruno Duval tại Tokyo, dường như công tác tổ chức đang bị chệch hướng, khiến người dân, nhất là người cao tuổi, gặp nhiều khó khăn.
« Sáng nay, vài trăm người cao tuổi phải chờ đợi trước cửa trung tâm tiêm chủng quy mô lớn mà quân đội đã mở ở khu phố thương mại Otemachi, thậm chí một số người đã đến từ rạng sáng. Ngày tiêm chủng bắt đầu không suôn sẻ, thông báo được phát đi liên tục : « Thưa quý vị, xin quý vị chú ý : việc tiếp đón quý vị bị chậm trễ do một sự cố tin học ».
Trang web dành riêng cho việc đặt lịch hẹn tiêm phòng tạm thời không thể truy cập được. Vì thế, nhân viên tiếp đón không thể xác minh liệu có đúng là những người đến tiêm đã đặt hẹn hay chưa. Phải mất vài chục phút thì mới có thể giải quyết vấn đề.
Một lúc sau, sau mũi tiêm đầu tiên, những người cao tuổi đã nghỉ hưu này đã cảm thấy nhẹ nhõm hơn, nhưng có chút bực bội. Một cụ ông nói : « Tôi 82 tuổi và bị bệnh tiểu đường. Nếu là ở bất kỳ quốc gia nào khác thì tôi đã được chủng ngừa từ nhiều tháng trước. Sự chậm trễ này đã khiến tôi có thể gặp nguy hiểm về sức khỏe ». Một cụ bà khác chia sẻ : « May mắn cho tôi là cháu gái của tôi đã đi cùng để giúp tôi, chúng tôi đã phải đi bộ đến nửa giờ trước khi tìm thấy trung tâm tiêm chủng này. Ga tàu điện ngầm gần nhất có tới 39 lối ra khác nhau và không có biển báo nào chỉ dẫn cho chúng tôi đến đây cả ».
Một người khác thẳng thừng chỉ trích : « Tôi đã đợi hai giờ trước khi được tiêm phòng. Và tôi đã phải đứng chờ vì không có đủ ghế cho tất cả mọi người ». Một số người thậm chí còn nổi giận, như một cụ già ở tuổi 80 này. Cụ nói : « Tôi đã từng đến tận nơi để đặt hẹn ... và họ đã từ chối tôi. Chúng tôi chỉ có thể đặt hẹn qua điện thoại hoặc trên mạng internet, nhưng mà hệ thống của họ đâu có hoạt động. Điện thoại lúc nào cũng bận còn màn hình máy tính thì hiển thị thông báo : « Lỗi 404 : Không tìm thấy trang ». Chiến dịch tiêm chủng này thật quá vớ vẩn ... »
Một vấn đề khác : Sự phức tạp của hệ thống. Có 33.000 trung tâm tiêm chủng ở Nhật Bản, hoặc do Nhà nước, hoặc do chính quyền địa phương quản lý. Nhiều bậc cao niên « chẳng biết đâu mà lần », một số người sốt ruột đến mức họ lấy nhiều hẹn để chắc chắn là sẽ được tiêm.
Thế rồi, khi họ đặt được hẹn thì lại không thể hủy các lịch hẹn khác vì các trang web hoặc tổng đài quá tải. Và kết quả là nhiều ngàn liều vac-xin rốt cuộc bị quẳng vào thùng rác sau khi được đưa ra khỏi tủ đông lạnh vì nhiều người đặt hẹn nhưng lại không đến tiêm ».
Trong lúc chờ đợi chiến dịch tiêm chủng được cải thiện như lời thủ tướng Yoshihide Suga hứa, theo các cuộc thăm dò ý kiến, cứ 10 người Nhật thì có 7 người nói rằng họ không hài lòng với cách thức tiến hành chiến dịch tiêm chủng và niềm tin của dân chúng dành cho chính phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Covid-19 : « Muôn vẻ » chiến dịch tiêm chủng - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten