Giải mã gien : Chiến trường mới của Trung Quốc và Mỹ
Đăng ngày:
Được phát triển từ những năm 1970, giải mã gien hiện giờ đang trở thành tâm điểm của giới truyền thông với cuộc khủng hoảng Covid-19. Đằng sau những công nghệ mũi nhọn này ẩn giấu một thị trường toàn cầu, chủ yếu do Mỹ thống trị, nhưng Trung Quốc cũng đang tính vươn lên thống lĩnh.
Trên đây là những nhận định của nhà báo Nicolas Sridi, tác giả bài viết « Giải mã gien : Chiến trường mới của Mỹ và Trung Quốc » đăng trên trang mạng châu Á Asialyst ngày 20/05/2021.
Vào năm 2003, sau hơn 10 năm nghiên cứu, giới khoa học quốc tế xôn xao vì lần đầu tiên trong lịch sử, toàn thể bộ gen của con người đã được giải mã hoàn toàn. Đó là kết quả của một nỗ lực quốc tế chưa từng có với ngân sách gần 3 tỷ euro. Vào thời kỳ đó, dường như có rất nhiều ứng dụng, về nghiên cứu cơ bản, y học dự phòng, sinh sản và thậm chí là liệu pháp gen. Tuy nhiên, cũng phải mất gần hai thập niên thì khái niệm giải mã gien mới trở nên quen thuộc với công chúng, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 với các biến thể mới của virus corona. Nhờ phân tích bộ gien của các biến thể mà các nhà nghiên cứu mới có thể vừa phân biệt vừa đánh giá được mức độ nguy hiểm của chúng.
Có nhiều phương pháp giải mã gen và những phương pháp tiên tiến nhất cần có các thiết bị chuyên biệt, nhất là thiết bị giải mã ADN. Việc sản xuất những thiết bị công nghệ cao này phần lớn do các công ty Mỹ thống trị. Trong số 10 nhà sản xuất thiết bị giải mã gien thế hệ mới, có tới 5 doanh nghiệp là của Hoa Kỳ. Đứng đầu thế giới là Illumina, công ty Mỹ có doanh thu cao gấp đôi so với tổng doanh thu của tất cả các đối thủ cạnh tranh cộng lại. Thế nhưng, trong bảng xếp hạng toàn cầu này, Trung Quốc cũng nổi lên với công ty BGI (Beijing Genomics Institute) xếp ở vị trí thứ ba. Châu Âu không hoàn toàn nằm ngoài cuộc chơi, bởi Anh và Đức cũng lọt vào nhóm các công ty hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng là Trung Quốc có vị thế đầy thách thức và đáng được nhìn nhận kỹ càng hơn.
BGI - sự vươn lên của gã khổng lồ Trung Quốc
Trong cuộc chạy đua về phát minh, sáng chế, Trung Quốc từ lâu nay đã tìm cách vươn lên hàng đầu trong các lĩnh vực tiên phong mà Bắc Kinh không phải chạy đuổi theo phương Tây. Đó là các ngành mà Trung Quốc có thể tin tưởng vào giới tinh hoa khoa học được đào tạo ở nước ngoài. Mạng di động 5G, trí thông minh nhân tạo nằm trong số các lĩnh vực mà Trung Quốc đang dẫn trước và khiến nhiều nước, nhất là Mỹ, lo ngại và tăng cường hành động để đối phó. Vụ Hoa Vi là một ví dụ minh họa.
Liên quan đến lĩnh vực giải mã gien, Tập Cận Bình coi đó là một ưu tiên trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (giai đoạn 2016-2020), nhưng thực ra Bắc Kinh đã quan tâm đến giải mã gien từ trước đó. Trung Quốc bắt đầu tiến hành các nghiên cứu cơ bản về giải mã gien từ năm 1994 và tham gia dự án quốc tế về giải mã bộ gen người vào năm 1999 với mục tiêu là giải mã được 1% gien người. Doanh nghiệp BGI tham gia dự án và được hưởng rất nhiều hỗ trợ tài chính từ Nhà nước. Từ năm 2002 đến năm 2005, chính phủ đã đầu tư gần 200 triệu đô la vào nhiều trung tâm nghiên cứu gien. Tuy nhiên, khi dự án quốc tế chấm dứt, ngân quỹ Nhà nước cạn kiệt, BGI chuyển đến Hàng Châu và hưởng sự hỗ trợ tài chính từ chính quyền địa phương. Tại Hàng Châu, công ty đã giải mã bộ gien lúa vào năm 2002, công trình nghiên cứu được đăng trên trang nhất của tạp chí khoa học Science, đến năm 2003 thì giải mã được bộ gen của virus SARS và phát triển một bộ dụng cụ giải mã gien. Trong khoảng thời gian đó, ở Trung Quốc chỉ có BGI là thành công trong việc chuyển đổi từ một trung tâm nghiên cứu thuần túy thành một công ty bán tư nhân theo định hướng thị trường.
Đến năm 2007, BGI chuyển trụ sở đến Thâm Quyến, gần Hồng Kông và quốc tế hơn. Đối với công ty Trung Quốc, đã đến lúc phải lao vào cuộc đua toàn cầu về công nghệ phân tích gien. Ban đầu, để có thể cung cấp dịch vụ giải mã gien, BGI đã mua với số lượng lớn thiết bị giải mã gien của phương Tây, đặc biệt là của hãng Mỹ Illumina. Mục tiêu của BGI là có thể giải mã gien ở quy mô rất lớn và chuyên về phân tích dữ liệu thô. Năm 2010, công ty Trung Quốc vươn ra thị trường quốc tế, thành lập BGI Americas tại Massachusetts, Mỹ và BGI Europe ở Đan Mạch.
Tập đoàn BGI tung dịch vụ thương mại đầu tiên vào năm 2012 và đặc biệt là đã thành công trong việc mua lại công ty khởi nghiệp Complete Genomics của Mỹ vào năm 2013 với giá 118 triệu đô la. Đây là một bước ngoặt, bởi nhờ các công nghệ và sáng chế mua của nước ngoài, BGI có thể phát triển đầy đủ các nền tảng giải mã của riêng họ. Thực ra, khi đó công ty Mỹ Illumina đã cố gắng ngăn chặn thương vụ bằng cách coi đó là mối nguy hiểm cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Thế nhưng, đề nghị của Illumina vào thời điểm đó đã bị chính quyền Mỹ từ chối. Nếu vào bối cảnh hiện nay, rất có thể kiến nghị của Illumina sẽ được Washington thông qua.
Hiện giờ, BGI đã mở một công ty con tại châu Á - Thái Bình Dương với các cơ sở ở Nhật Bản, Thái Lan, Úc và Singapore. Tập đoàn Trung Quốc cũng có nhiều văn phòng và phòng thí nghiệm ở California (Mỹ), Luân Đôn (Anh Quốc) và đang tiếp tục mở rộng ra quốc tế. Mặc dù công ty Illumina của Mỹ vẫn luôn dẫn đầu về kinh doanh thiết bị giải mã gien, nhưng BGI của Trung Quốc lại hướng đến dịch vụ nhiều hơn, cho phép công ty cung cấp dịch vụ giải mã toàn bộ bộ gien chỉ với giá 100 đô la/người.
Cuộc đua dữ liệu gien
Tất cả các công ty trong lĩnh vực giải mã gien hiện giờ đều được hưởng lợi từ hiệu ứng Covid-19 : doanh số bán hàng tăng vọt, dù là về xét nghiệm tầm soát hay truy vết các biến thể của virus corona. Nhưng nhìn khái quát, tổng thể hơn thì đâu là mô hình kinh tế của lĩnh vực giải mã gien ?
Ông Benjamin Belot, phó giám đốc của Kurma Partners, một quỹ đầu tư châu Âu chuyên về khoa học đời sống và cũng là chuyên gia về y tế kỹ thuật số, giải thích : « Ban đầu, các công ty trên thị trường đặt cược vào các xét nghiệm gien để phát hiện bệnh tật, coi đó là một động lực cho sự phát triển của ngành, chẳng hạn ngày nay chúng ta biết rằng một số đột biến gen nhất định khiến người ta đặc biệt dễ có nguy cơ bị ung thư. Ngoài ra, giải mã gien còn được ứng dụng vào các chẩn đoán trước sinh. Hiện nay đó là những công cụ quan trọng của y học và được sử dụng ngày càng nhiều nhưng không liên quan đến « đại chúng ». Nếu nhìn vào thị trường đặc biệt này, thì thực chất các ứng dụng về tìm kiếm phả hệ phát huy tốt hiệu quả, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. »
Đó là cách 23andMe, ra mắt vào năm 2006 và được Google tài trợ một phần vào năm 2007, trở thành một công ty lớn về giải mã gien. Sản phẩm chủ lực của công ty là xét nghiệm « Ancestry », chỉ cần chi 100 đô la là khách hàng biết nguồn gốc, dựa trên thông tin về cấu tạo gen của mỗi người. Chuyên gia Benjamin Belot nhận định : « Điều thú vị về 23andMe là cách công ty đã thành công trong việc dùng xét nghiệm để thu hút khách hàng ồ ạt, tạo được cơ sở dữ liệu khổng lồ về gien rất có giá trị, điều mà giờ đây họ gọi là tài sản chiến lược ». Quả thực, vào năm 2018, 23andMe chỉ đơn giản là bán dữ liệu từ cơ sở dữ liệu của họ, 5 triệu người vào thời điểm đó, cho tập đoàn dược phẩm GSK của Anh với giá không dưới 300 triệu đô la!
Tiếp cận « Big Data về gien » là điều cần thiết cho sự phát triển của ngành gien. Quả thực, trong quá trình giải mã hoàn toàn một bộ gien người, hiện giờ các nhà khoa học mới chỉ hiểu được khoảng 20%. Đối với phần còn lại, cần có khả năng kiểm tra chéo rất nhiều dữ liệu và chẳng hạn, xác định các dấu ấn sinh học đặc thù.
Để có được những kết quả chuẩn xác, điều quan trọng nhất, hơn cả những tiến bộ về lý thuyết, là phải tiếp cận được nhiều nhất có thể các dữ liệu về gien. Chuyên gia Benjamin Belot lưu ý la ở mức độ tiếp cận dữ liệu đó, « Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt ». Trên thực tế, dữ liệu y tế và gien ở Trung Quốc được coi là tài sản Nhà nước. Do đó, các cơ quan Nhà nước Trung Quốc có khả năng truy cập vào một cơ sở dữ liệu khổng lồ nhưng ít bị ràng buộc về mặt pháp lý. BGI chính là công ty quản lý Ngân hàng gien quốc gia Trung Quốc (CNGB), một dự án được Nhà nước tài trợ trị giá 1 tỷ đô la Mỹ.
Mối liên hệ giữa Nhà nước Trung Quốc, công ty BGI và các dữ liêu gien hiện giờ là tâm điểm của một cuộc tranh luận gay gắt ở Mỹ. Công ty Trung Quốc bị Mỹ tố cáo muốn xâm nhập vào các phòng thí nghiệm và bệnh viện Mỹ thông qua hoạt động tài trợ và các quan hệ đối tác khác chỉ nhằm lấy cơ sở dữ liệu. Báo cáo của Ủy ban an ninh quốc gia Mỹ về trí thông minh nhân tạo, mới đây được đệ trình lên tổng thống Joe Biden, nhấn mạnh : « Sự vươn ra toàn cầu của gã khổng lồ Trung Quốc BGI về ngành gen đặt ra những mối đe dọa cho lĩnh vực công nghệ sinh học tương tự như mối đe dọa của tập đoàn Hoa Vi trong ngành viễn thông ».
Những nỗi sợ hãi có cơ sở, những chiến lược kinh doanh mang tính tấn công ?
Dẫu sao thì dữ liệu gien dường như đã trở thành một thách thức lớn quy mô toàn cầu. Ở Pháp và ở châu Âu nói chung, các câu hỏi đạo đức liên quan đến bộ gen vẫn thắng thế và việc giải mã gien vẫn chưa phát triển lắm. Ngay cả với cuộc khủng hoảng Covid-19, để theo dõi các biến thế virus corona, Liên Âu vẫn giải mã gien ít hơn rất nhiều so với khối các nước Anh ngữ. Thương mại hóa dữ liệu y tế cá nhân gần như là là điều không tưởng tại châu Âu. Vào cuối tháng 06/2020, đích thân chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã kêu gọi Bắc Kinh ngừng các cuộc tấn công mạng nhằm thu thập dữ liệu của các bệnh viện ở Liên Âu. Về phần mình, tình báo Hoa Kỳ đã công bố ý định truy cập vào tất cả dữ liệu, kể cả dữ liệu y tế, được các công ty hàng đầu như Microsoft hay Amazon lưu trữ trên đám mây.
Tác giả bài viết trên Asialyst kết luận rõ ràng là cuộc chạy đua về giải mã gien và thu thập dữ liệu gien trên hành tinh đã bắt đầu với hai cực trỗi dậy nhanh chóng là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Theo một cách nào đó, có thể nói bộ gien của chúng ta có giá đắt như vàng !
Giải mã gien : Chiến trường mới của Trung Quốc và Mỹ (rfi.fr)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten