maandag 21 juni 2021

Đảng Cộng Sản Trung Quốc : 100 tuổi và cuộc đấu đá nội bộ không ngơi nghỉ

 

Đảng Cộng Sản Trung Quốc : 100 tuổi và cuộc đấu đá nội bộ không ngơi nghỉ

Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp của Quốc Hội, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 15/03/2013.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp của Quốc Hội, Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh tư liệu chụp ngày 15/03/2013. © Reuters

Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Quốc, thời điểm nhậy cảm trên con đường đưa ông Tập Cận Bình đến Đại Hội Đảng lần thứ XX. Lãnh tụ Trung Quốc tứ bề thọ địch để giữ được quyền lực thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Trong nội bộ Đảng, có một cuộc đấu đá không hồi kết giữa các phe nhóm.

RFI giới thiệu bài viết « 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc : Tập Cận Bình hay cuộc đấu đá không hồi kết » của nhà nghiên cứu Alex Payette, đồng sáng lập cơ quan tư vấn Cersius - Canada chuyên về chiến lược và địa chính trị, đăng trên trang mạng Asialyst hôm 05/06/2021. 

Toàn cảnh mịt mờ trước Đại Hội Đảng 

Hơn một năm trước Đại Hội Đảng lần thứ XX, trên đỉnh cao quyền lực ông Tập Cận Bình đã chuẩn bị để lao vào một trận chiến hòng tiếp tục trị vì đất nước ít nhất là thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Nếu thành công, đây sẽ là một bước ngoặt lịch sử kể từ ngày Trung Quốc tiến hành cải cách dưới thời Đặng Tiểu Bình. Theo nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc, Alex Payette, « cuộc chiến này là sự nối tiếp của chiến dịch bài trừ tham nhũng được khởi động từ 2013 ». Ai cũng biết đấy không hơn không kém là biện pháp để lãnh đạo Bắc Kinh thanh trừng các đối thủ chính trị. Hiện tại có bao nhiêu phe nhóm trong tầm ngắm của ông Tập Cận Bình ?  

Tác giả bài viết phân tích về cái thế chênh vênh của ông Tập Cận Bình trong nội bộ Đảng : Càng gần Đại Hội, những màn thanh toán giữa các phe nhóm càng gay gắt và những bí mật ở bên trong thậm chí rò rỉ cả ra bên ngoài. Không khí ngột ngạt đó bắt nguồn từ hàng loạt các đợt thanh trừng đội lốt một chiến dịch bài trừ tham nhũng được khởi động từ 2013. Những thành phần trong tầm ngắm của họ Tập đã tìm cách chống phá ông và đương nhiên là ông « hoàng đế đỏ » này đã phản công.

« Những đòn đánh qua đánh lại liên tục đó không giúp Tập Cận Bình bảo đảm được vị thế trong nội bộ Đảng ». Thêm vào đó như giải thích của nhà quan sát về tình hình chính trị Trung Quốc Alex Payette, đối với Đảng, dấu ấn của ông Tập không thể sánh được với Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình. Tới nay, những cải cách của họ Tập thực ra mới chỉ là những sự « điều chỉnh » nội bộ, qua việc cân nhắc một vài đồng minh thân thiết của ông ở cấp tỉnh, hay cấp bộ và đương nhiên là phải nhắc tới chiến dịch « đả hổ diệt ruồi » gây khá nhiều bất mãn hay chính xác hơn là Tập Cận Bình đã tạo ra những « kẻ thù vô hình ». Cái thế chênh vênh đó lại càng thúc đẩy chủ tịch Trung Quốc siết chặt gọng kềm để bảo vệ chiếc ghế của mình. Cái vòng luẩn quẩn đó do cố ý hay vô tình, cô lập ông Tập Cận Bình trên đỉnh cao quyền lực.  

Tư bản đỏ, nhóm đầu tiên xa cách Tập Cận Bình  

Nhóm đầu tiên tách rời Tập Cận Bình theo nhà quan sát Alex Payette là những « hoàng tử đỏ » của Đảng : đó là giới « con ông cháu cha » họ lợi dụng chức vụ để làm giàu.  

Thoạt đầu, các hoàng tử đỏ này thậm chí đã giúp ông Tập củng cố vị thế trong guồng máy của Đảng và Nhà nước. Nhưng kể từ 2017 những nhà tư bản đỏ này đã thất vọng khi chủ tịch Trung Quốc « theo chân Donald Trump lao vào cuộc đọ sức đẩy quan hệ Mỹ-Trung sát bờ vực thẳm ». Tầng lớp này muốn gì ? Họ chỉ muốn một mối bang giao « ổn định và tích cực » với siêu cường kinh tế số 1 thế giới để làm ăn. Chính sách đối đầu của Bắc Kinh gây thiệt hại về mặt tài chính cho các nhà tư bản đỏ Trung Quốc.  

Ý thức được điều này Tập Cận Bình từng bước gạt họ sang một bên kể từ 2018. Trong số đó có nhà tỷ phú Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), ông vua địa ốc, chủ nhân đại tập đoàn bất động sản Hoa Viên hay doanh nhân nổi tiếng trong quân đội Trung Quốc là ông Trần Tiểu Lộ (Chen Xiaolu), con trai của một trong 10 vị nguyên soái lừng danh Quân Đội Giải Phong Nhân Dân Trung Quốc, Trần Nghị (Chen Yi).

Giới ngân hàng cũng là nạn nhân của Tập Cận Bình : thống đốc Ngân Hàng Phát Triển Trung Quốc, Trần Nguyên (Chen Yuan) con trai của một trong Bát Đại Nguyên Lão từng được Đặng Tiểu Bình kính nể, cũng đã bị « thanh trừng »… 

Danh sách này khá dài. Tác giả bài viết trên báo mạng Asialyst lưu ý : trước mắt nhóm này chưa thể tiến hành một cuộc « khởi nghĩa » chống lại ông Tập. Nhưng đừng quên rằng những nhà tư bản đỏ ấy « có nhiều kênh liên hệ với phương Tây, với giới tư bản ở Hồng Kông (...) và hãy còn nắm giữ nhiều lá bài kinh tế trong tay ». Alex Payette gián tiếp cho rằng không nên xem thường khả năng hành động của nhóm này từ nay đến Đại Hội Đảng mùa thu sang năm.  

Người của « chế độ cũ » 

Mối đau đầu thứ hai đối với Tập Cận Bình là một số « đồng minh thân thiết nhất » trong nội bộ Đảng vẫn giữ liên hệ với tay chân của ông Giang Trạch Dân. Một thời giới quan sát đã tin chắc rằng, Trần Mẫn Nhĩ (Chen Min’er), ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trùng Khánh và ông Lý Cường (LiQiang), ủy viên bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy Thượng Hải là những ứng viên có thể thay thế ông Tập. Thế nhưng gần đây cả hai ông này bị sụt điểm trong mắt hoàng đế họ Tập, bởi vì khác với chủ tịch Trung Quốc các ông Lý Cường và Trần Mẫn Nhĩ vẫn duy trì quan hệ mật thiết với nhà tỷ phú Mã Vân, chủ nhân Alibaba đang bị thất sủng.  

Alex Payette kết luận : sự nhập nhằng trong liên hệ kiểu này khiến Tập Cận Bình không chỉ định người thừa kế. Nhưng đây cũng là nguồn gốc của một vấn đề thứ ba : thái độ im lặng của ông Tập trong việc chỉ định « hoàng thái tử » đó gây nhiều bức xúc trong hàng ngũ các đảng viên cao cấp đầy tham vọng. Tác giả không loại trừ khả năng những « tay sừng sỏ » trong Đảng rồi sẽ quay sang « phò » phe nhóm vẫn còn chịu ảnh hưởng từ thời Giang Trạch Dân. 

Cũng tác giả bài viết trên tờ Asialyst nêu lên một kịch bản khá thú vị : để xoa dịu phần nào bất mãn của những tay « đàn em », trong khi chờ đợi chỉ định người kế vị, ông Tập Cận Bình cũng có thể khai thác hai lá bài. Thứ nhất là cất nhắc những người thân tín của mình vào một số chức vụ quan trọng. Ông Tập có thể dành chiếc ghế chủ tịch Quốc Hội của ông Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) cho bí thư Thành Ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ chẳng hạn. Chủ tịch Trung Quốc cũng có toàn quyền để thay đổi nhân sự Hội Đồng Nhà Nước … hay cất nhắc những người trung thành với ông vào chức vụ phó thủ tướng…

Lá bài thứ nhì, chủ tịch Trung Quốc có thể tùy nghi sử dụng là phớt lờ những giới hạn về tuổi tác. Ở đây, một lần nữa, danh sách những người có thể được cất nhắc hay giáng chức tùy tình thế cũng rất dài. Trong số này, nhà nghiên cứu Alex Payette đặc biệt chú ý đến trường hợp của ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning). Ông này là ủy viên Thường Vụ Bộ Chính Trị, chủ nhiệm Phòng Nghiên Cứu Chính Sách Trung Ương, chủ nhiệm Ủy Ban Chỉ Đạo Kiến Thiết Văn Minh Tinh Thần Trung Ương. Ông cũng là cha đẻ của « Tư Tưởng Tập Cận Bình » hay luận thuyết Giấc Mộng Trung Hoa.

Alex Payette cho rằng Tập Cận Bình củng cố được quyền lực trong guồng máy Đảng chủ yếu là nhờ họ Vương. Câu hỏi đặt ra là sau Đại Hội XX mùa thu 2022 nhà lý luận này có còn hữu ích nữa hay không ? Bởi chính ông Vương Hỗ Ninh bị chỉ trích nhiều về đường lối cứng rắn trong cuộc đọ sức Mỹ-Trung. Nhưng trong kịch bản thay thế họ Vương thì ai đủ sức tin cậy để ông Tập Cận Bình cất nhắc vào chiếc ghế chủ nhiệm Phòng Nghiên Cứu Chính Sách Trung Ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ?  

Câu hỏi sau cùng được tác giả bài viết « 100 năm đảng Cộng Sản Trung Quốc : Tập Cận Bình hay cuộc đấu đá không hồi kết » nêu lên là tương lai Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Trung Quốc đi về đâu ? Đó mới là cốt lõi của vấn đề.  

Tập Cận Bình có thể thu hẹp cơ chế này xuống còn 5 thành viên thay vì 7 hay 9 : đó là kịch bản hai đời lãnh đạo tiền nhiệm của ông từng làm. Giang Trạch Dân chẳng hạn đã mở rộng ủy ban này để triệt hạ những người thân tín của Đặng Tiểu Bình, gài người tín nhiệm chung quanh người đi sau là Hồ Cẩm Đảo và để tiếp tục hiện diện ở hậu trường khi quyền lực được chuyển giao từ Hồ Cẩm Đào đến tay ông Tập Cận Bình.

Alex Payette kết thúc bài tham luận với nhận xét như sau : câu hỏi đặt ra sau Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc tháng 10/2022 không phải là « ai » sẽ bước vào Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị mà phải là cơ chế đó sẽ « gồm bao nhiêu thành viên ». Tất cả vấn đề tập trung vào một câu hỏi đó.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc : 100 tuổi và cuộc đấu đá nội bộ không ngơi nghỉ (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten