donderdag 24 juni 2021

Hơn 40 nước tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Bắc Kinh để quan sát viên độc lập vào Tân Cương

 

Hơn 40 nước kêu gọi Bắc Kinh để quan sát viên độc lập vào Tân Cương

An ninh Trung Quốc đứng gác trước cổng một " trung tâm dạy nghề", trên thực tế là trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương. Ảnh chụp ngày 03/09/2018.
An ninh Trung Quốc đứng gác trước cổng một " trung tâm dạy nghề", trên thực tế là trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương. Ảnh chụp ngày 03/09/2018. REUTERS - Thomas Peter

Nhân quyền bị chà đạp nghiêm trọng tại vùng tự trị Tân Cương, Trung Quốc, là nội dung chính tuyên bố chung của hơn 40 quốc gia hôm qua, 22/06/2021, tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc.

Trong ngày thứ 2 kỳ họp thứ 47 của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, 44 nước trong đó có Hoa Kỳ và Pháp, đã ra tuyên bố chung bày tỏ « quan ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền tại khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cuơng ». Đại sứ Canada tại Liên Hiệp Quốc Leslie Norton, thay mặt nhóm, đọc tuyên bố, khẳng định : « nhiều báo cáo đáng tin cậy cho biết hơn một triệu người đang bị giam cầm một cách võ đoán tại Tân Cương » và « các quyền tự do căn bản và văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ » bị khống chế, người Duy Ngô Nhĩ cùng nhiều sắc tộc thiểu số khác bị kiểm soát nghiêm ngặt.

Tuyên bố chung yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức mở cửa cho phép « các quan sát viên độc lập, bao gồm cả Cao Ủy Nhân Quyền, vào Tân Cương », đồng thời « chấm dứt việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ, và thành viên các cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi khác ».

Đại sứ Canada, nước đưa ra sáng kiến kêu gọi này, nhấn mạnh là nhiều báo cáo cho thấy « các hành động tra tấn, hay đối xử ác độc, phi nhân tính và chà đạp phẩm giá con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục, bạo lực kỳ thị giới, cưỡng bức con cái rời khỏi cha mẹ ». Sau khi tuyên bố của nhóm 44 quốc gia được công bố, tổng thư ký tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Agnès Callamard, khẳng định tuyên bố này « gửi đi một thông điệp quan trọng đến chính quyền Trung Quốc, để cho thấy là Bắc Kinh sẽ không thể thoát khỏi sự kiểm soát quốc tế », đồng thời kêu gọi các thành viên Hội Đồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc thiết lập một cơ chế điều tra quốc tế độc lập. Bên cạnh Tân Cương, nhóm 44 nước cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Tây Tạng và Hồng Kông.

Belarus đứng đầu nhóm nước ủng hộ Trung Quốc

Theo AFP, nhóm quốc gia ủng hộ Trung Quốc ngay lập tức đã phản ứng với một tuyên bố chung do Belarus chủ trì, với sự tham gia của 64 quốc gia. Tuyên bố chung nói trên nhấn mạnh là Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng là « các vấn đề nội bộ của Trung Quốc ».

Về phần mình, báo chí Nhà nước Trung Quốc loan tin có đến tổng cộng hơn 90 nước ủng hộ Bắc Kinh, ngoài tuyên bố chung của nhóm 64 nước nói trên, còn có tuyên bố chung của 6 quốc gia vùng Vịnh, và hơn 20 nước dự kiến sẽ có các phát biểu riêng. Hội Đồng Nhân Quyền sẽ họp đến ngày 13/07.

« Hủy diệt văn hóa bản địa » : Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên … lên án Canada

Vẫn theo AFP, trước khi đại sứ Canada đọc tuyên bố, đại diện Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đọc tuyên bố chung, thay mặt cho nhóm các quốc gia Nga, Belarus, Bắc Triều Tiên, Iran, Syria và Sri Lanka, tố cáo « tình trạng vi phạm nghiêm trọng quyền của các cộng đồng bản địa ở Canada ». Tuyên bố do Trung Quốc chủ trì yêu cầu điều tra về tình trạng của hơn 150.000 trẻ em người bản địa ở Canada bị cưỡng bức rời cha mẹ trong khoảng thời gian từ 1830 đến 1990.

Bác bỏ tố cáo của Trung Quốc, thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định tại nước này, đã có một ủy ban « Sự thật và Hòa giải » để giải quyết vấn đề. Thủ tướng Canada thừa nhận « con đường hòa giải là lâu dài », nhưng Canada đang đi theo hướng này. Ủy ban Sự thật và Hòa giải Canada đã thừa nhận « sự hủy diệt văn hóa » thực sự đối với các cộng đồng bản địa Canada. Người đứng đầu chính phủ Canada chất vấn ngược lại: Bắc Kinh đã lập ra một cơ chế tương tự hay không ?

Hơn 40 nước kêu gọi Bắc Kinh để quan sát viên độc lập vào Tân Cương (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten