Độc lập với công nghệ phương Tây : Những giới hạn trong chiến lược của Trung Quốc
Đăng ngày:
Nhiều năm trước Liên Âu và Mỹ, Trung Quốc đã nhận thấy được mối nguy hiểm khi guồng máy sản xuất lệ thuộc từ nguyên liệu đến công nghệ của nước ngoài. Bắc Kinh đã có những bước chuẩn bị nào để độc lập với công nghệ của phương Tây và đã đạt đến đích hay chưa về tham vọng đuổi kịp các nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới ?
Vào những ngày đầu tháng Giêng 2020, đại dịch Covid-19 làm tê liệt cỗ máy sản xuất của Trung Quốc ảnh hưởng tới toàn thế giới. Đó là dấu hiệu làm lộ rõ nhược điểm của mô hình kinh tế toàn cầu hóa mà ở đó từ cái đinh ốc nhỏ cho đến khẩu trang, trang thiết bị y tế của Âu, Mỹ đều phải nhập từ Trung Quốc.
Tầm nhìn xa
Nhưng không chỉ có phương Tây lo ngại trước sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn cung cấp nước ngoài. Nhiều năm trước, giới lãnh đạo Trung Quốc đã có cùng mối lo ngại, nhưng đó là mối lo lệ thuộc vào công nghệ mũi nhọn của phương Tây và đã từng bước lên kế hoạch để « cắt đứt » sự phụ thuộc đó.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, chuyên gia về Trung Quốc Jean-François Dufour, giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse nhắc lại thế nào là một sự « độc lập về công nghệ » trong tầm nhìn của Bắc Kinh :
« Theo định nghĩa của ngày hôm nay, đó là một sự đối nghịch với mô hình toàn cầu hóa trong lĩnh vực công nghệ. Có nghĩa là các siêu cường, điển hình là Trung Quốc, phải có khả năng tự lập để phát triển những công nghệ mới phục vụ cho guồng máy công nghiệp mà không cần dựa vào những quốc gia khác. Đây là một trong những mục tiêu chính mà Bắc Kinh theo đuổi từ nhiều năm qua. Dù vậy Trung Quốc còn lâu mới đến đích ».
Rõ rệt nhất là từ năm 2015 Bắc Kinh đã công bố kế hoạch mang tên « Made in China 2025 » với một ý chính, đó là đến ngưỡng 2025 – tức chỉ trong 4 năm nữa, Trung Quốc phải đủ sức sản xuất những sản phẩm công nghệ cao ở trong nước và đó phải là những mặt hàng có giá trị ngang hàng với sản phẩm của Âu, Mỹ. Với kế hoạch này, Bắc Kinh theo đuổi hai mục tiêu : một là tránh để guồng máy kinh tế nội địa bị chao đảo vì « những yếu tố đến từ bên ngoài » - điều này đã được chứng minh khi mà chính quyền Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump từ 2018 khởi động cuộc chiến thương mại, công nghệ nhắm vào Trung Quốc, và mục tiêu thứ nhì là tham vọng thách thức phương Tây, chinh phục thế giới kể cả trong những lĩnh vực « mũi nhọn »
Câu hỏi kế tiếp: Một cách cụ thể Trung Quốc đã thể hiện quyết tâm giảm bớt lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài như thế nào ? Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, Jean-François Dufour trả lời :
« Có thể nói đến ba giai đoạn chính : trước hết là quyết tâm độc lập với công nghệ của phương Tây đã thể hiện rất rõ trong thập niên 2000-2010. Khi đó Trung Quốc muốn thoát khỏi hình ảnh là công xưởng của thế giới để trở thành một dạng "phòng thí nghiệm" của thế giới, tức là nơi kiến tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Từ khi đó Trung Quốc đã muốn nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất. Kế tới, quyết tâm tách rời khỏi công nghệ của phương Tây lại càng thể hiện rõ rệt hơn từ năm 2015 khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025". Ở giai đoạn thứ ba bắt đầu từ 2018, tất cả bắt nguồn từ xung đột Mỹ-Trung về công nghệ. Chính xung đột đó lại càng củng cố thêm lập trường của Trung Quốc : Giới lãnh đạo Bắc Kinh thấy rằng họ đã bắt mạch đúng tình hình, có nghĩa là kinh tế Trung Quốc quá lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Tôi muốn nhấn mạnh ở đây là vào lúc Washington ban hành các biện pháp trừng phạt Trung Quốc thì đó cũng là thời điểm Bắc Kinh nhận thấy rằng hơn bao giờ hết cần phải tự lập về mặt công nghệ ».
Độc lập công nghệ phải là ưu tiên tuyệt đối
Trong bài tham luận đăng trên báo Le Monde hôm 17/05/2021 chuyên gia kinh tế François Chimits, Trung Tâm Nghiên Cứu về Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII) đánh giá, từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành chích sách cải cách kinh tế, đảng Cộng Sản đã quan tâm đến « sự phụ thuộc » của Trung Quốc vào nước ngoài. Đầu tiên hết là sự phụ thuộc trong ngành xuất khẩu của nước này, kế tới là sự lệ thuộc vào các nguồn cung ứng nguyên liệu và năng lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu hỏa và giờ đây là sự phụ thuộc vào công nghệ cao của phương Tây.
Ngay từ 2017 trong diễn văn trình bày kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, Tập Cận Bình đã nói tới « một mô hình phát triển mới » mà ở đó, như chuyên gia Pháp Chimits ghi nhận, « sự độc lập về mặt công nghệ được nâng lên thành một ưu tiên tuyệt đối ». Vậy để khắc phục sự chậm trễ về công nghệ và trong guồng máy sản xuất, Trung Quốc đã có những bước đi cụ thể nào ? Jean-François Dufour đưa ra một con số cụ thể : chỉ riêng về phương tiện tài chính, quỹ China Integrated Circuit Industry Fund quản lý trên 50 tỷ đô la cho các dự án hiện đại hóa bộ mặt công nghiệp của Trung Quốc, để mua lại hay tham gia vào một số các hãng của Âu-Mỹ như trong các dự án hợp tác với hãng xe hơi điện Tesla của nhà tỷ phú Elon Musk, hoặc chen chân vào hội đồng quản trị của tập đoàn hóa chất Đức BASF :
« Trung Quốc huy động rất nhiều các phương tiện tài chính để phát triển công nghệ phục vụ cho nhiều lĩnh vực trong ngành công nghiệp. Tuy nhiên hiện tại, có thể nói Bắc Kinh chưa đạt tới đích và mục tiêu còn xa vời bởi nhiều lý do. Một phần là do quá khứ lịch sử, Trung Quốc vẫn tiếp tục phải trả giá cho những năm tháng cuối dưới thời Mao Trạch Đông, với cuộc Cách mạng Văn Hóa. Từ đó tới nay, ngoại trừ một vài trường hợp rất đặc biệt như trong ngành công nghiệp không gian, còn với rất nhiều lĩnh vực khác, lịch sử gần như đã phải bắt đầu lại từ một tờ giấy trắng mới chỉ từ quãng 40 năm nay mà thôi. Trung Quốc do vậy luôn trong thế cần phải đuổi kịp các đối thủ quốc tế. Hiện tại ưu tiên của Bắc Kinh vẫn là thu hẹp khoảng cách với các nền công nghiệp phương Tây và tập trung phát triển các phương tiện sản xuất tại chỗ, tức là có nhà máy sản xuất từ các phụ tùng đến thành phẩm và ít lệ thuộc vào nhập khẩu. Mục tiêu sau cùng là hoàn toàn độc lập về công nghệ, nhưng tôi nhắc lại là Trung Quốc hiện chưa đạt tới mục tiêu này ».
Nói dễ hơn làm
Trên thực tế với chiến lược « cai nghiện » công nghệ của phương Tây này, Trung Quốc nhắm tới nhiều mục đích cùng một lúc : đa dạng hóa và bảo đảm các nguồn cung cấp nguyên liệu, về năng lượng, đồng thời qua đó mở rộng giao thương với nhiều quốc gia trên thế giới, giảm thiểu mức độ lệ thuộc quá lớn vào những bạn hàng Âu, Mỹ. Về chính trị, chính sách này cho phép Trung Quốc lôi kéo thêm nhiều đối tác về phía Bắc Kinh.
Tuy nhiên theo phân tích của giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse, hiện tại những nỗ lực vượt bực đó của Trung Quốc chưa cho phép Bắc Kinh đạt đến mục tiêu sau cùng : đó là độc lập với công nghệ của phương Tây. Ngành công nghệ không gian là một ngoại lệ. Đâu là những trở ngại mà Trung Quốc sẽ phải vượt qua ?
« Những trở ngại, như vừa nói trước mắt vẫn còn vướng mắc cái di sản của quá khứ. Lịch sử của nền công nghiệp Trung Quốc còn quá ngắn ngủi. Và giờ đây thách thức lớn nhất là cuộc chạy đua về công nghệ với Hoa Kỳ. Khi Bắc Kinh công bố kế hoạch "Made in China 2025" Washington thấy rõ những tham vọng to lớn của Trung Quốc muốn qua mặt nước Mỹ và có thể đe dọa đến vị thế áp đảo của Hoa Kỳ về kinh tế, về công nghệ. Từ khi đó chính quyền Mỹ dồn nỗ lực để kềm hãm đà phát triển của Trung Quốc. Tiêu biểu nhất là cuộc đọ sức về công nghệ bán dẫn nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi. Xung đột công nghệ Mỹ -Trung tập trung cả vào hồ sơ này. Hoa Kỳ cấm chuyển giao công nghệ với hy vọng những tiến bộ của Trung Quốc sẽ bị chậm lại. Washington biết rằng Bắc Kinh trông cậy vào công nghệ của phương Tây, coi đây là bàn đạp để trở thành một đối thủ cạnh tranh nặng ký của Hoa Kỳ kể cả trong những lĩnh vực công nghệ mũi nhọn ».
Kẻ trước người sau : Trung Quốc đã thấy trước những giới hạn của một mô hình kinh tế mà ở đó các chuỗi cung ứng và sản xuất của các quốc gia phụ thuộc quá lớn vào nhau. Giờ đây đến lượt Hoa Kỳ thức tỉnh trước những lỗ hổng trong mạng lưới công nghiệp của mình trước một đối thủ cạnh tranh càng lúc càng lớn mạnh như Trung Quốc. Châu Âu cũng đã nhận thấy là đã đến lúc cần « khẩn trương » giảm thiểu mức độ lệ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là liên hệ thương mại trong tương lai giữa Trung Quốc và Âu - Mỹ thưa thớt hơn như ghi nhận của ông Sébastien Jean, giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII. Về phía Bắc Kinh giới chuyên gia cho rằng chỉ cần nhìn vào hai lĩnh vực công nghệ robot và bán dẫn cũng đủ cho thấy Trung Quốc vẫn cần hợp tác với phương Tây và đây cũng là điểm mạnh của Âu, Mỹ để mặc cả với Bắc Kinh trong những cuộc đàm phán sắp tới về chuyển giao công nghệ.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten