Trung Quốc và cuộc chiến tranh cát tại châu Á
Đăng ngày:
Libération hôm nay 16/06/2021 có bài viết nói về « Cuộc chiến tranh cát ở châu Á » gây tác động dây chuyền. Cát là loại tài nguyên được sử dụng nhiều nhất, chỉ đứng sau nước, và tình hình rất đáng báo động trong những năm tới đối với hệ sinh thái biển và sông, với số phận hàng triệu người, trong một lãnh vực mờ ám và bạo lực.
Bài viết mô tả khung cảnh những xà lan, máy xúc cát lớn ngang dọc khu vực quanh quần đảo Mã Tổ (Matsu) do Đài Loan kiểm soát nhưng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc, chỉ cách Phúc Kiến hơn một chục cây số. Những xà lan quy mô này hút đi nhiều tấn cát biển, cả ở quần đảo Kim Môn (Kinmen) và Bành Hồ (Penghu), nhưng trầm trọng nhất là Mã Tổ.
Từ một năm qua, Trung Quốc liên tục xâm nhập đôi khi vào cả trong lãnh hải Đài Loan. Từ tháng 6 đến tháng 12/2020, tuần duyên Đài Loan - thường xuyên trong tình trạng báo động và thiếu trang bị - đã trục xuất 240 xà lan Trung Quốc trộm cát, có khi là những con quái vật nặng nhiều ngàn tấn. Đây là loại vũ khí mới của Bắc Kinh, vừa có được nguyên liệu rất cần cho xây dựng, lại vừa dọa nạt Đài Bắc mà không tốn kém. Bên cạnh « chiến tranh cân não », việc hút cát bất hợp pháp còn gây lo sợ cho cư dân, đe dọa đến du lịch và ngư nghiệp, gây thiệt hại cho môi trường và mạng cáp ngầm thông tin.
Cát là « xương sống của thế giới hiện đại ». Liên Hiệp Quốc ước tính hàng năm thế giới dùng đến 50 tỉ tấn cát, tăng gấp ba lần từ 20 năm qua, và con người sẽ có nguy cơ thiếu hụt với đô thị hóa, dân số tăng, đại dự án hạ tầng…Đặc biệt Trung Quốc chiếm đến phân nửa, tiêu thụ xi măng của Trung Quốc từ 2011 đến 2013 đã bằng số lượng của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ 20 ! Dự án Con đường tơ lụa mới cần rất nhiều cát xây dựng, và không thể quên việc bồi đắp các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Một số nhà nước khác cũng lao vào cuộc đua như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nigeria, Singapore. Riêng Singapore đã mở rộng diện tích đến 25% từ 1973, trở thành nhà nhập khẩu cát lớn nhất. Các láng giềng như Indonesia, Việt Nam, Cam Bốt gần đây cấm xuất khẩu cát, nhưng lại không kiểm soát được.
Những con sông Đông Nam Á phải chịu đựng nạn hút cát đại quy mô, vì cát sông giúp làm ra xi măng, bê tông tốt nhất, không cần tẩy mặn trước khi sử dụng. Nhà địa lý học Marc Goichot báo động khoảng 80 đến 100 triệu tấn cát bị lấy đi khỏi sông Mêkông hàng năm, nhưng số cát tái tạo chỉ có 3 đến 5 triệu tấn. Những con sông chính ở Đông Nam Á bị coi như siêu thị, ai muốn đến lấy gì thì lấy.
Hậu quả là lưu vực bị lún xuống, bị nhiễm mặn, thủy triều dâng cao, có thể đảo lộn số phận nhiều triệu người. Có những điểm nóng ở Paksé, Vientiane (Lào) và miền nam Việt Nam gần biên giới Cam Bốt, có những địa phương cho khai thác bất chấp luật quốc gia. Trong thị trường căng thẳng và mập mờ này, bọn mafia từng ra tay sát hại cảnh sát, nhà hoạt động môi trường, nhà báo ; dân làng những nơi bị lún sụt phải tha phương cầu thực.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten