woensdag 27 juni 2018

Tổng thống Pháp Macron lần đầu tiên hội kiến Đức giáo hoàng Phanxicô ngày 26/6/2018 để tìm hậu thuẫn của Vatican về vấn đề Châu Âu và Di Dân

Tổng thống Pháp lần đầu tiên hội kiến Đức giáo hoàng Phanxicô

mediaGiáo hoàng Phanxico (T) tiếp tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Vatican, ngày 26/06/2018Alessandra Tarantino/Pool via Reuters
Sáng nay 26/06/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron lần đầu tiên được Đức giáo hoàng Phanxicô tiếp tại Vatican trong gần một tiếng đồng hồ.
Sau đó ông Macron trao đổi với quốc vụ khanh Vatican, hồng y Parolin và ngoại trưởng Paul Gallagher. Tuy nhiên trước đó, ngày làm việc của tổng thống Macron lại bắt đầu tại đại sứ quán Pháp ở Roma, gặp gỡ cộng đồng Sant’ Egidio vốn rất tích cực trong vấn đề nhập cư. Đây cũng là chủ đề không thể tránh khỏi trong cuộc hội đàm với Đức giáo hoàng.
Từ Vatican, thông tín viên Eric Sénanque gởi về bài tường trình :
« Cho dù Đức giáo hoàng không có thói quen áp đặt chương trình nghị sự cho một khách mời, thời sự nóng bỏng về vấn đề di dân chắc chắn không thể tránh khỏi tại Vatican. Đối với tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thời điểm chuyến viếng thăm lần này xen kẽ giữa cuộc họp Chủ nhật trước tại Bruxelles và hội nghị thượng đỉnh châu Âu từ thứ Năm đến thứ Sáu tới.
Và trong bối cảnh đang đấu khẩu với bộ trưởng Nội Vụ kiêm phó thủ tướng Ý, Matteo Salvini, mà tổng thống Pháp đến hội kiến người đứng đầu giáo hội Công giáo. Điểm đặc biệt trong chuyến viếng thăm này là ông Macron khởi đầu ngày làm việc bằng cách dùng bữa sáng với cộng đồng công giáo Sant’Egidio, vốn rất tích cực giúp đỡ di dân, từ vài năm qua đã tổ chức ra các hành lang nhân đạo. Cuộc gặp gỡ này mang tính chính trị vì được tổ chức tại đại sứ quán Pháp ở Ý, chứ không phải ở gần Tòa Thánh theo như nghi thức.
Đến với cộng đồng Sant’Egidio, tổng thống Macron có lẽ muốn tìm kiếm những ý tưởng có thể chia sẻ với Đức giáo hoàng người Achentina, vốn coi việc tiếp nhận di dân là một trong những trọng tâm. Chúng ta còn nhớ, trong lần đầu tiên ra khỏi Vatican, ngài đã chọn đến thăm hòn đảo nhỏ Lampedusa, và đả kích « việc toàn cầu hóa sự vô cảm ».
Dù người ta không biết gì nhiều về cuộc đối thoại với tổng thống Pháp, nhưng Đức giáo hoàng Phanxicô có thể nhấn mạnh là di dân cần được tiếp đón một cách nhân đạo, khác hẳn với chính sách đôi khi lạnh lẽo của chính quyền Pháp, như tại Calais hay Vintimille. Tuy vậy có lẽ ngài cũng đồng ý với Emmanuel Macron là cần phải tìm ra một giải pháp chung cho châu Âu, và giúp đỡ các nước châu Phi phát triển. Thứ Năm tuần trước, khi trở về từ Genève, ngài cũng đã đề cập đến vấn đề này ».
Sau khi hội kiến Đức giáo hoàng Phanxicô, chiều nay tổng thống Pháp đến Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô dự lễ nhận tước hiệu danh dự của Tòa Thánh, được thừa kế từ vua Louis IV theo truyền thống có từ thế kỷ 17.

http://vi.rfi.fr/phap/20180626-tong-thong-phap-lan-dau-tien-hoi-kien-duc-giao-hoang-phanxico

Trang nhất : Macron đến gặp giáo hoàng, Thổ Nhĩ Kỳ có « tân vương »

mediaGiáo hoàng Phanxicô (P) tặng quà cho tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong cuộc gặp tại Vatican, ngày 26/06/2018Alessandra Tarantino/Pool via Reuters
Trang nhất các nhật báo lớn của Pháp ngày 26/06/2018 nhất loạt đưa tin về chuyến công du Vatican của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhật báo công giáo La Croix trang trọng chạy tít : « Một vị tổng thống đến gặp Giáo Hoàng ». Le Monde nêu rõ đó là « Cuộc gặp đầu tiên giữa Macron và giáo hoàng Phanxicô ».
Nhật báo thiên tả Libération thông báo : « Macron đến Vatican » rồi nói « Tôi xin chào Ngài, Phanxicô ». Riêng Le Figaro nói thẳng « Châu Âu, Di dân : Macron đến tìm hậu thuẫn của đức giáo hoàng ». Tuy nhiên, nhật báo thiên hữu này lưu ý là nhìn từ Vatican, cuộc khủng hoảng di dân, và các hậu quả chính trị tại châu Âu đang làm thay đổi diện mạo khu vực.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bị suy yếu, nước Pháp được xem như là điểm tiếp sức để tái khởi động sự năng động của châu Âu. Thế nhưng, theo nhật báo, dường như có nhiều chủ đề khác như đạo đức sinh học, thế tục, số phận người công giáo ở phương Đông có nguy cơ lấn át các hồ sơ di dân và Liên Hiệp Châu Âu.
Liên quan đến chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix có bài phỏng vấn ngắn ông Bruno Joubert, cựu đại sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh (2012-2015) khẳng định « Đó có lẽ sẽ là một sai lầm cho tổng thống Pháp nếu không đến gặp đức giáo hoàng ».
Ông giải thích rằng quan hệ giữa Pháp và Vatican giờ thật sự là một mối quan hệ giữa Nhà nước với Nhà nước. Đúng hơn hết là giữa « một Giáo Hội tự do với một Nhà nước tự do ». Một vị tổng thống đến gặp đức giáo hoàng bởi vì Ngài cũng là lãnh đạo của một cường quốc đóng giữ một vai trò trong một trật tự quốc tế và tiếng nói của Ngài đang được toàn thế giới lắng nghe, bất kể họ có là người công giáo hay không.
Recep Erdogan : Siêu « tân vương » của Thổ Nhĩ Kỳ
Kết quả bầu cử với thắng lợi áp đảo của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là chủ đề quốc tế chính được các báo Pháp khai thác nhiều nhất. Sau nhiều ngày đưa ra những dự đoán bất lợi cho ông Erdogan, các báo Pháp hôm nay đành ngậm ngùi nhìn nhận « Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan khẳng định thế thống trị của mình », như hàng tít lớn trên Le Monde.
Le Figaro chua chát đề tựa « Erdogan bắt đầu thời trị vì độc quyền ». Tái đắc cử với 52,5% phiếu bầu, tổng thống Erdogan đã thâu tóm thành công quyền lực chưa từng có. Ông kiểm soát các định chế pháp lý và nghị viện. Tổng thống Erdogan giờ có thể điều hành đất nước theo ý muốn của mình, cả trên lĩnh vực đối nội lẫn đối ngoại.
Dù vậy, Les Echos lưu ý đến « Những thách thức mới dành cho Erdogan ». Làm thế nào hâm nóng lại quan hệ giữa Ankara với các nước phương Tây, đã bị xuống cấp nghiêm trọng do những bất đồng trên các hồ sơ người Kurdistan, khủng hoảng Syria ?
Nhưng thách thức lớn nhất dành cho tổng thống Erdogan chính là vấn đề kinh tế. Quả thật dưới sự lãnh đạo của ông, tổng sản phẩm nội địa đã tăng gấp ba, nhưng đồng thời, lạm phát cũng tăng vọt theo. Khả năng thanh khoản giảm nghiêm trọng, lãi suất cao ngất ngưỡng và mức nợ công của lĩnh vực tư nhân hiện đang chạm ngưỡng.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài tụt giảm thê thảm 40% trong vòng 2 năm. Điều đó phản ảnh phần nào thái độ nghi kỵ gia tăng đối với một nền kinh tế với các quy định pháp lý không rõ ràng. Hệ quả là hiệu suất cũng không tăng theo. Ví dụ điển hình nhất là đồng livre của Thổ đã bị mất giá đến 18% kể từ đầu năm nay.
Dẫu sao thì những chướng ngại đó đã không thể nào cản trở được ông Erdogan trở thành « siêu tổng thống » tập trung hết toàn bộ quyền hành pháp như nhận xét của bài xã luận Le Monde. Một bộ phận lớn xã hội dân sự Thổ Nhĩ Kỳ cho đến giờ đã biết cách kháng cự. Do vậy, theo bài viết, việc chế độ độc tài đã củng cố quyền lực của mình giờ đang trở thành một thách thức mới cho xã hội dân sự Thổ.
Pháp : 4 trong 10 bệnh ung thư có thể tránh được
Trong lĩnh vực sức khỏe, báo Le Monde trích dẫn kết quả một nghiên cứu khoa học đăng trên Tuần san dịch tễ học ngày 25/06/2018 khẳng định có những căn bệnh ung thư có thể « tránh được » nếu chúng ta có cách sống và môi trường sống « trong sạch ».
Nghiên cứu của nhà khoa học Pháp, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế về Ung thư khẳng định nhiều yếu tố gây ung thư nghiêm trọng do thói quen xấu của con người như thuốc lá, rượu, dùng nhiều thịt đỏ, thịt nguội có tẩm chất bảo quản, ít hoạt động thể thao, phơi nhiễm khí độc do nghề nghiệp hay môi trường sống không lành mạnh.
Từ những nghiên cứu đó, các nhà khoa học cho rằng có nhiều chứng ung thư con người có tránh được như ung thư phổi, ngực, ruột tràng, cuống họng, da, gan, bao tử hay thận…
World Cup 2018: Pháp gặp lại « người quen cũ » Đan Mạch
Đề tài cuối cùng không một nhật báo nào có thể bỏ qua là World Cup 2018. Báo Pháp đều quan tâm đến trận đấu chiều tối nay giữa Pháp và Đan Mạch. Le Figaro lo lắng tự hỏi : Liệu đội áo lam có giữ được ngôi đầu bảng trước một đối thủ không ít lần khiến đội Pháp « khóc dở, cười dở ».
Còn Le Monde thì quan tâm đến thân phận của những cầu thủ ngồi ghế dự bị, những « chiến sĩ vô danh ». Khi thắng chỉ được thơm lây, không được nêu tên tuổi. Nhưng khi thua cũng bị vạ lây vì cũng mang tiếng là tuyển thủ đội quốc gia.
Về phần mình, Les Echos có bài chú ý đến nguyện vọng của tổng thống Hàn Quốc, có vẻ mang tính hão huyền nhưng rất có hy vọng hiện thực : đó là có ngày được tổ chức chung với Bắc Triều Tiên một Cúp Bóng đá Thế Giới.

http://vi.rfi.fr/phap/20180626-trang-nhat-macron-den-gap-giao-hoang-tho-nhi-ky-co-%C2%AB-tan-vuong-%C2%BB

Geen opmerkingen:

Een reactie posten