woensdag 27 juni 2018

Biển Đông và Đài Loan : 2 hồ sơ thách thức quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung + Lãnh đạo Lầu Năm Góc đến Bắc Kinh


Biển Đông và Đài Loan : 2 hồ sơ thách thức quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung


mediaBộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đến Bắc Kinh ngày 26/06/2018.WANG ZHAO / AFP
Trước khi đặt chân xuống Bắc Kinh ngày 26/06/2018 trong một chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ thời tổng thống Donald Trump, ông James Mattis đã có những lời lẽ hòa dịu hẳn với Trung Quốc. Tương tự như vậy, phía Bắc Kinh cũng có những tuyên bố rất ngoại giao, kêu gọi hai bên tăng cường đối thoại.
Những dấu hiệu hòa hoãn này được tung ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, trên đường đi đến Trung Quốc, ông James Mattis, một người nổi tiếng là hay nói thẳng, đã có thái độ thận trọng, tránh hẳn những vấn đề có thể gây thêm căng thẳng với Trung Quốc.
Ông xác định rằng ông đến Trung Quốc để đối thoại, và tìm kiếm « một cuộc đối thoại thông thoáng » ở cấp chiến lược với giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Lời khẳng định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã lập tức được phía Trung Quốc hoan nghênh. Dù không tránh khỏi thói quen hù dọa, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiếng nói của phe diều hâu tại Bắc Kinh vào hôm nay nhận định rằng « chuyến công du của ông Mattis chứng tỏ là chính quyền Trump vẫn sẵn sàng mở đối thoại quân sự với Trung Quốc ».
Đối với tờ báo, việc nói chuyện với nhau sẽ làm giảm căng thẳng giữa hai nước và « tốt hơn là nhắm mắt suy đoán về tham vọng chiến lược của đối phương ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng cũng tỏ ý tin tưởng rằng quan hệ giữa hai quân đội luôn luôn một thành tố quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung, bất chấp những vấn đề khác mà hai nước đang trải qua.
Điều được hãng tin Anh ghi nhận tuy nhiên lại là bên cạnh những lời lẽ ngoại giao kể trên, trước lúc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đến Bắc Kinh, báo chí Trung Quốc đã loan tin là chiến hạm Trung Quốc trong hơn một tuần lễ ngày nào cũng tập trận chiến đấu trên vùng biển gần Đài Loan, trong lúc Không Quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập trên không phận gần đảo.
Thông tin này được loan báo vào lúc chính quyền của tổng thống Trump trong thời gian gần đây đã liên tiếp có những quyết định cụ thể để bày tỏ lập trường ủng hộ Đài Loan, từ việc nâng cấp và mở rộng cơ sở được coi là đóng vai trò một đại sứ quán Mỹ ở Đài Bắc, bán thêm vũ khí cho Đài Loan, bật đèn xanh cho các quan chức Mỹ thăm đảo.
Theo các thông tin báo chí, Washington còn thậm chí không loại trừ việc cho chiến hạm đi ngang eo biển Đài Loan, một hành động hết sức khiêu khích đối với Bắc Kinh.
Ngoài vấn đề Đài Loan, hồ sơ Biển Đông cũng là một cái gai quan trọng trong quan hệ Mỹ-Trung. Chính là để phản đối việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, bất chấp những lời hứa của ông Tập Cận Bình với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, mà Lầu Năm Góc đã quyết định thôi không mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC do Hoa Kỳ tổ chức trên Thái Bình Dương, hai năm một lần.
Quyết định này của Mỹ lại càng nhức nhối hơn đối với Bắc Kinh vì không biết là vô tình hay hữu ý mà thời điểm ông James Mattis thăm Trung Quốc lại trùng hợp với lúc khai mạc cuộc tập trận RIMPAC mà Bắc Kinh không còn được mời tham gia.
Hai hồ sơ Biển Đông và Đài Loan chắc chắn sẽ được bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đề cập đến với phía Trung Quốc trong chuyến công du, cho dù một trong những trọng tâm của chuyến thăm cũng là hồ sơ Bắc Triều Tiên, với phía Mỹ muốn Trung Quốc cam kết tiếp tục duy trì sức ép trên Bình Nhưỡng để chế độ Kim Jong Un từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Đây chính là một trong những tương đồng lợi ích chiến lược hiếm hoi giữa Mỹ và Trung Quốc mà ông James Mattis hy vọng sẽ khai thác được.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180626-bien-dong-va-dai-loan-2-ho-so-thach-thuc-quan-he-quoc-phong-my-trung


Lãnh đạo Lầu Năm Góc đến Bắc Kinh vào lúc Mỹ-Trung nhiều căng thẳng


mediaBộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tại sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 26/06/2018.Reuters
Tướng James Mattis đến Bắc Kinh ngày 26/06/2018 trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên từ khi ông nhậm chức.
Cho dù chuyến công du diễn ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang bộc lộ nhiều căng thẳng, từ thương mại cho đến các vấn đề liên quan đến Biển Đông và Đài Loan, ông Mattis vẫn xác định mục tiêu là sẽ cố tìm kiếm những lãnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác, đặc biệt trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Theo chương trình dự kiến, trong chuyến thăm sẽ kéo dài đến ngày 28/06, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ sẽ tiếp xúc lần đầu tiên với đồng nhiệm Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), cùng với nhiều quan chức cao cấp khác của Trung Quốc.
Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu với các nhà báo tháp tùng ông nhân chuyến công du châu Á, (ngoài Trung Quốc còn có Nhật Bản và Hàn Quốc), ông James Mattis cho biết mục tiêu của ông là làm sao « thẩm định » được các tham vọng chiến lược của Trung Quốc.
Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ từ năm 2014 đến nay, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng trên nhiều mặt, từ tranh chấp thương mại đến an ninh chiến lược, với việc chính quyền của tổng thống Trump đã tăng cường giúp đỡ Đài Loan, đồng thời có những động thái cứng rắn cảnh cáo Bắc Kinh về việc quân sư hóa Biển Đông.
Cho dù vậy, ông James Mattis vẫn xác định sẽ tìm kiếm các mẫu số chung để tăng cường hợp tác, trong đó có việc thuyết phục Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Đối với ông, hai bên cần có « một cuộc đối thoại chiến lược minh bạch ».
Mong muốn ổn định quan hệ Mỹ-Trung cũng được phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc bày tỏ, theo đó hai bên nên cố « biến quan hệ quân sự song phương thành một nhân tố ổn định quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. »
Tuy nhiên, như để dằn mặt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nhật báo diều hâu Trung Quốc, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, vào hôm nay đã đăng một bài xã luận khuyên ông Mattis không nên chỉ trích, mà phải lắng nghe Bắc Kinh.
Tờ báo này không ngần ngại đe dọa: « Nếu Hoa Kỳ không hiểu được tâm trạng bất an của Trung Quốc, hoặc hiểu sai những hành động cần thiết mà Trung Quốc đã thực hiện để giảm bớt cảm giác bất an đó, căng thẳng sẽ không thể tránh khỏi trong quan hệ Trung-Mỹ ».

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180626-lanh-dao-lau-nam-goc-den-bac-kinh-vao-luc-my-trung-nhieu-cang-thang

Biển Đông: Trung Quốc hoan nghênh Mattis nhấn mạnh giải pháp ngoại giao

mediaBộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/02/2017.Toru YAMANAKA / AFP
Chính quyền Bắc Kinh, hôm nay, 06/02/2017, đã hoan nghênh phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis, theo đó cần ưu tiên giải pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông và chưa cần có những hành động quân sự quan trọng để ngăn chặn những hành vi áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này.
Trong cuộc họp báo thường lệ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang), được Reuters trích dẫn, tuyên bố, việc bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nhấn mạnh đến các biện pháp ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông « có giá trị như lời khẳng định » và tình hình trong khu vực đang từng bước trở lại bình thường.
Theo đại diện bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thì « điều này phù hợp với các lợi ích chung của Trung Quốc và tất cả các nước trong khu vực », đồng thời, Trung Quốc cũng mong muốn « các nước ngoài khu vực tôn trọng những lợi ích và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực ».
Trong khi đó, xã luận tờ Nhật Báo Trung Hoa (China Daily) cho rằng phát biểu của bộ trưởng Mattis như « một viên thuốc an thần », giúp « xóa tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người lo ngại là đang tích tụ trên bầu trời Biển Đông ».
Hôm thứ Bẩy, 04/02, trong chuyến công du Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis chỉ trích Trung Quốc « đã phá nát niềm tin của các quốc gia trong khu vực ». Tuy vậy, lãnh đạo Lầu Năm Góc lại cho rằng Hoa Kỳ không cần phải có những hành động quân sự tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170206-trung-quoc-hoan-nghenh-bo-truong-quoc-phong-my-nhan-manh-giai-phap-ngoai-giao-trong-

Geen opmerkingen:

Een reactie posten