maandag 4 juni 2018

Diễn đàn Đối Thoại Shangri La ở Singapore : Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc hù dọa và bức hiếp láng giềng Biển Đông + Pháp, Nhật hoan nghênh Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á




Mỹ tố cáo đích danh Trung Quốc hù dọa và bức hiếp láng giềng Biển Đông


mediaBộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis phát biểu tại Hội nghị an ninh Shangri-la, Singapore, ngày 02/06/2018.REUTERS/Edgar Su
Tại diễn đàn Đối Thoại Shangri La ở Singapore vào sáng nay, 02/06/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã không ngần ngại tố cáo đích danh Trung Quốc về những hành vi quân sự hóa Biển Đông.
Theo người lãnh đạo Lầu Năm Góc, việc Bắc Kinh bố trí vũ khí của trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông « gắn liền với mục đích quân sự, nhằm hù dọa và bức hiếp » các nước láng giềng, và trong tương lai, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu những hậu quả to lớn hơn » khi « đánh mất mối quan hệ với các láng giềng của mình ».
Trong phát biểu rất được mong đợi, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã công khai đề cập đến việc Trung Quốc triển khai các loại vũ khí tối tân trên các đảo nhân tạo mà họ kiểm soát ở Biển Đông và khẳng định: « Cho dù đã có những tuyên bố ngược lại (tức là những lời chối cãi) từ phía Trung Quốc, việc lắp đặt các hệ thống vũ khí đó gắn liền với mục đích quân sự là để đe dọa và bức hiếp ».
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, ông Mattis đã liệt kê một loạt những hành động của Trung Quốc trong thời gian qua như lắp đặt các hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, hệ thống gây nhiễu điện tử trên những đảo nhân tạo vốn đã có những cơ sở quân sự kiên cố được xây dựng trước đó, kể cả phi đạo mà oanh tạc cơ có thể đáp xuống được.
Theo bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, Washington muốn có một mối quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, nhưng « chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông tương phản hoàn toàn với nguyên lý cởi mở » trong chiến lược mà Mỹ muốn phát huy.
Theo hãng tin Mỹ AP, lãnh đạo Lầu Năm Góc không ngần ngại cảnh cáo Trung Quốc rằng việc Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân đa quốc gia mở ra trong tháng này (tức là cuôc tập trận RIMPAC 2018) chỉ là « phản ứng đầu tiên » đối với hành vi quân sự hóa Biển Đông, và đó chỉ là một hệ quả « tương đối nhỏ… so với những hậu quả to lớn hơn trong tương lai. »
Tuyên bố của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tại Đối Thoại Shangri La nhắm vào việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông phản ánh chiều hướng có vẻ cứng rắn hẳn lên của giới chức quân sự, quốc phòng Mỹ đối với Bắc Kinh trong những ngày gần đây.
Dữ dội nhất trong số các tuyên bố được đưa ra là phát biểu trên đài truyền hình Mỹ CNN hôm 31/05 vừa qua của tướng Kenneth McKenzie - giám đốc Hội Đồng Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ - theo đó Hoa Kỳ có đủ khả năng « xóa sổ » các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông.
Đối với tướng McKenzie, đó không phải là lời cảnh báo suông mà thực tế lịch sử cho thấy là Mỹ có kinh nghiệm trong việc phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập trong Đệ Nhị Thế Chiến.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180602-my-to-cao-dich-danh-trung-quoc-hu-doa-va-buc-hiep-lang-gieng-bien-dong


Shangri-la: Pháp, Nhật hoan nghênh Mỹ hiện diện quân sự ở châu Á


mediaBộ trưởng Quốc Phòng Nhật Tomomi Inada phát biểu tại diễn đàn an ninh Châu Á - Đối Thoại Shangri-la, Singapore, ngày 03/06/2017.Reuters
Diễn Đàn An Ninh khu vực kết thúc vào Chủ Nhật 04/06/2017 tại Singapore. Một hôm trước, hai nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật và Pháp, kẻ trước người sau, hoan nghênh vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại châu Á-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Trung Quốc và Bắc Triều Tiên bị xem là mối đe dọa gây lo ngại cho toàn khu vực.
Theo AP, trong phần phát biểu tại Diễn Đàn An Ninh châu Á-Thái Bình Dương, còn được gọi là Đối Thoại Shangri-la, được tổ chức hàng năm ở Singapore, nữ bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Tomomi Inada cổ vũ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như lập trường cứng rắn của Washington đối với Bắc Triều Tiên. Nữ bộ trưởng Nhật nhấn mạnh là Tokyo sẽ kết hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền Donald Trump, để tăng sức ép lên chế độ Bình Nhưỡng, mà khả năng đe dọa đã lên « mức độ mới ».
Paris cũng chia sẻ mối lo âu của Nhật Bản và giới chuyên gia an ninh của 39 nước tham dự Đối Thoại Shangri-la. Bà Sylvie Goulard, nữ bộ trưởng bộ Quân Lực Pháp, tên mới của bộ Quốc Phòng, lưu ý Bắc Triều Tiên là quốc gia duy nhất thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở thế kỷ thứ 21 này. Thái độ của Bình Nhưỡng vừa gây căng thẳng trong khu vực, nơi mà Pháp có quyền lợi kinh tế rất quan trọng, vừa có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang, bà Sylvie Goulard nhấn mạnh.
AP cho biết thêm, hai nữ bộ trưởng quốc phòng Pháp, Nhật cùng kêu gọi Mỹ tiếp tục bảo đảm « trật tự dựa trên những luật lệ tự do hàng hải trong vùng Biển Đông », nơi mà Trung Quốc tranh giành chủ quyền biển đảo với nhiều nước Đông Nam Á.
Cho dù Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris với nhiều « hệ quả tai hại » nhưng bộ trưởng Quân Lực Pháp tuyên bố « không có lý do gì nghi ngờ vai trò lãnh đạo của Mỹ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương ».
Đối Thoại An Ninh Shangri-la diễn ra trong ba ngày và kết thúc vào Chủ Nhật 04/06 với mối đe dọa của Hồi Giáo cực đoan, đặc biệt là với tổ chức Daech đang bắt rễ tại Đông Nam Á.
Theo Jakarta, ít nhất 1.200 chiến binh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang hoạt động tại Philippines. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia cho biết có kế hoạch cùng Hải Quân của hai quốc gia láng giềng Indonesia và Philippines tuần tiễu chung trong tháng này.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170604-shangri-la-phap-nhat-hoan-nghenh-my-hien-dien-quan-su-o-chau-a


Đối Thoại Shangri La mở ra với Biển Đông nổi lên thành hồ sơ nóng


mediaĐoàn Trung Quốc của Trung tướng Hà Lôi (He Lei) (G) đến Hội nghị an ninh 'Đối Thoại Shangri-la' tại Singapore , ngày 1/06/2018.REUTERS/Edgar Su
Hôm nay, 01/06/2018, hội nghị thường niên về an ninh quan trọng bậc nhất tại châu Á mang tên Đối Thoại Shangri La khai mạc tại Singapore, tập hợp hầu hết quan chức quốc phòng cấp cao của các cường quốc thế giới cũng như các nước trong khu vực.
Theo giới phân tích, cuộc họp năm nay đặc biệt sôi nổi trên vấn đề giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên với thượng đỉnh Donald Trump-Kim Jong Un nhiều khả năng diễn ra, và ngay tại Singapore. Tuy nhiên trong những ngày qua, điều đáng chú ý hơn cả là thái độ cứng rắn của Mỹ trước một loạt hành vi quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, và phái đoàn Mỹ sẽ nêu bật vấn đề này tại diễn đàn Shangri La.
Tại cuộc họp năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã chỉ trích mạnh mẽ những gì ông gọi là việc Bắc Kinh coi thường luật pháp quốc tế bằng cách « quân sự hóa không thể chối cãi » các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp tại các khu vực Biển Đông có tranh chấp với các láng giềng. Năm nay, ông Mattis lại dẫn đầu phái đoàn Mỹ đến dự Đối Thoại Shangri La, và sẽ có tham luận ngày 02/06 về vai trò của Hoa Kỳ trong việc đối phó với những thách thức an ninh trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Ngay trên đường đến Singapore, lãnh đạo Lầu Năm Góc đã bắn đi tín hiệu cứng rắn chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc khi khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thực thi tự do hàng hải ở Biển Đông, sẵn sàng đối đầu với những gì mà Mỹ đánh giá là đi ngược lại luật pháp quốc tế, đi ngược lại các phán quyết của tòa án quốc tế. Bên cạnh tuyên bố cứng rắn đó là hai động thái cụ thể đánh vào Trung Quốc : Rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2018, với lý do được nêu rõ là để phản đối Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, và cử 2 chiến hạm vào tuần tra bên trong vùng 12 hải lý của quần đảo Hoàng Sa.
Để dự phòng việc bị hội nghị, đặc biệt là Mỹ, đả kích về hành vi quân sự hóa Biển Đông, đe dọa ổn định khu vực, coi thường luật pháp quốc tế, Trung Quốc đã tìm cách tránh né bằng việc cử một phái đoàn quân sự cấp thấp đến dự hội nghị. Vào lúc các phái đoàn như Ấn Độ có thủ tướng Narendra Modi dẫn đầu, hay Hoa Kỳ có bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis làm trưởng đoàn, Bắc Kinh chỉ phái một đoàn nhỏ do trung tướng Hà Lôi (He Lei), phó giám đốc Học Viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc dẫn đầu.
Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, đây là một cách thức Bắc Kinh thường làm để tránh thu hút sự chú ý của công luận đến Trung Quốc, và đến những động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm áp đặt các yêu sách chủ quyền quá đáng trên Biển Đông, những hành vi dứt khoát sẽ bị các nước khác đả kích tại hội nghị.
Đối Thoại Shangri La là hội nghị thường niên về an ninh Châu Á do Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế IISS tổ chức, năm nay diễn ra trong ba ngày 01- 03/06. Đến Singapore lần này, có bộ trưởng Quốc Phòng và các quan chức của hơn 50 nước, trong đó có Mỹ, Úc, Nhật, Ấn, Pháp, Việt Nam, Philippines...
Riêng tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày hôm qua tiếp tục lớn tiếng đả kích giới lãnh đạo quân sự Mỹ vừa tố cáo xu hướng bá quyền của Trung Quốc tại châu Á. Phát biểu hôm 30/05 tại Hawaii, nguyên tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris đã cho rằng « giấc mơ bá quyền » của Trung Quốc tại châu Á là thách thức về lâu về dài quan trọng nhất của Mỹ.
Trong cuộc họp báo thường kỳ, bà Hoa Xuân Oánh cũng đồng thời lập lại lời cáo buộc Mỹ cố tình « thổi phồng » việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, vì theo bà, lực lượng Mỹ có mặt trong khu vực còn hùng hậu hơn rất nhiều lực lượng Trung Quốc và các nước trong vùng gộp lại.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180601-doi-thoai-shangri-la-mo-ra-voi-bien-dong-noi-len-thanh-ho-so-nong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten