dinsdag 9 juli 2013

Việt Nam : Vai trò của Công ty Quản lý tài sản VAMC

Vai trò của Công ty Quản lý tài sản VAMC

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-07-05
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg7734060-305.jpg
Một công ty chứng khoáng tại Hà Nội, ảnh minh họa chụp tháng 8 năm 2012.
AFP



Để xử lý nợ xấu, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị Định 53 về việc thành lập VAMC Công Ty Quản Lý Tài Sản, sẽ chính thức triển khai ngày 9 tức thứ Ba tuần tới.

Không dùng tiền ngân sách

Giải thích về vai trò và sự hoạt động của AMC Công Ty Quản Lý Tài Sản (Asset Management Company) đến VAMC của Việt Nam, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội Đồng Tư Vấn Tài Chánh Và Tiền Tệ trong chính phủ, giải thích đây là kinh nghiệm quốc tế:
TS Lê Xuân Nghĩa: AMC là công ty quản lý tài sản chung, còn chữ V đằng trước là Việt Nam. Đây là kinh nghiệm quốc tế thôi. Trên thế giới có nhiều nước sử dụng AMC như một công cụ chủ chốt để xử lý nợ xấu. Đặc biệt các công ty thành công nhất ở các nước thường là những công ty AMC tập trung, tức là cả quốc gia một công ty thì nó thành công hơn là thành lập nhiều công ty.
Ở Việt Nam thì mỗi một Ngân Hàng Thương Mại có một công ty AMC nhưng đó là những công ty phân tán và chỉ xử lý được một phần nợ xấu cho chính các ngân hàng đó. Còn nợ xấu của toàn bộ nền kinh tế thì chưa có công ty nào xử lý cho nên chính phủ phải thành lập một công ty như vậy để xử lý toàn bộ nợ xấu. Ví dụ như công ty Kamco của Hàn Quốc trước đây là mô hình mà Việt Nam học tập.
Thanh Trúc: Căn cứ trên kinh nghiệm quốc tế như ông vừa nói, thưa tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, tình trạng nợ xấu trong toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đến lúc này như thế nào?
TS Lê Xuân Nghĩa: Nói chung nợ xấu của Việt Nam ở trong giai đoạn khá là nghiêm trọng, các Ngân Hàng Thương Mại không thể tự xử lý được mà cần phải có sự can thiệp của chính phủ.
VAMC của Việt Nam cũng bị một áp lực, tức là quốc hội không cho dùng tiền của ngân sách, không cho dùng tiền thuế của dân để xử lý nợ xấu.
-TS Lê Xuân Nghĩa
Với một tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 10, trên 10%, nếu để cho các Ngân Hàng Thương Mại tự xử lý thì nó giống như Nhật Bản trước đây sẽ kéo dài rất nhiều năm, có thể lên tới 7 đến 10 năm. Mỗi một năm các Ngân Hàng Thương Mại chỉ xử lý được một vài phần trăm thôi, và như vậy làm cho nền kinh tế bị đình đốn suốt cả thời gian đó, tín dụng cũng se bị đóng băng suốt cả thời gian đó, thị trường bất động sản có thể dẫn tới sụp đổ hoàn toàn, giống như kinh nghiệm của Nhật Bản năm 1990.
Vì vậy cho nên Việt Nam, cũng giống như mốt số nước, không lựa chọn phương án là để mặc các Ngân Hàng Thương Mại tự xử lý mà chính phủ sẽ can thiệp để xứ lý cho nhanh hầu khắc phục tình trạng đóng băng tín dụng, đóng băng bất động sản, để nền kinh tế phục hồi trở lại giống như Mỹ đang làm vừa rồi.
Thanh Trúc: Thưa tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, được biết với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, nhiều phần VAMC sẽ thực hiện phương thức mua nợ xấu bằng cách phát hành mệnh giá trái phiếu 1 tỷ đồng thay vì mua nợ xấu của Ngân Hàng Thương Mại theo giá thị trường bằng nguồn vốn. Xin ông giải thích rõ hơn về điểm này?
TS Lê Xuân Nghĩa: VAMC của Việt Nam cũng bị một áp lực, tức là quốc hội không cho dùng tiền của ngân sách, không cho dùng tiền thuế của dân để xử lý nợ xấu. Nó giống như Đảng Cộng Hòa ở Mỹ không cho Obama dùng tiền thuế của dân để xử lý cho nên buộc phải lựa chọn phương án “mixed” tức là phải có một chút tiền thuế và một chút tiền của Ngân Hàng Trung Ương. Việt Nam tình trạng cũng y như vậy, cũng là một cách xử lý nợ xấu theo lối mixed, các nợ xấu mà chính phủ phải chịu trách nhiệm vì dụ nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước thì phải xử lý bằng tiền của ngân sách tức tiền thuế, hoặc chính phủ vay nợ hoặc bán bớt doanh ngiệp nhà nước đi rồi lấy tiền xử lý. Đấy là công việc của chính phủ, còn toàn bộ cái nợ của khu vực tư nhân thì chuyển sang AMC này, mà AMC trực thuộc Ngân Hàng Trung Ương thì Ngân Hàng Trung Ương sẽ xử lý.
ngan-hang-nha-nuoc-305.jpg
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hà Nội

Chính vì vậy, để tránh tình trạng tung tiền ra vào thời điểm mà có thể dẫn đến lạm phát, Ngân Hàng Trung Ương phát hành một loại trái phiếu đặc biệt, nó là một loại tiền ghi sổ để mà xử lý.
Thanh Trúc: Nhưng vì sao sau khi đã mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt rồi thì Ngân Hàng vẫn phải phát trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản này thưa ông?
TS Lê Xuân Nghĩa: Tại vì AMC mua nợ xấu bằng hai cách. Cách thứ nhất là mua theo giá thị trường bằng tiền mặt, gọi là mua đứt bán đoạn. Cách thứ hai là mua theo giá sổ sách, tức là giá ghi sổ, không được trả bằng tiền mặt được trả bằng trái phiếu đặc biệt.
Sở dĩ người ta phải mua theo giá ghi sổ là vì muốn mua thật nhanh, tránh tình trạng mặc cả, kéo dài, chần chứ không bán, làm cho tình trạng nợ xấu tồi tệ hơn. Mua nhanh theo giá ghi sổ và sau đó dùng cái dự phòng rủi ro như một biện pháp kỹ thuật để khắc phục sự chênh lệch giữa giá ghi sổ và giá thị trường. Biện pháp kỹ thuật đó chính là việc bắt buộc trích lập dự phòng rủi ro.

Phụ thuộc năng lực thể chế

Thanh Trúc: Thưa khi mua lại nợ xấu thì Công Ty Quản Lý Tài Sản VMCA còn thúc đẩy sự tăng trưởng tín dụng trong ngân hàng?
TS Nguyễn Xuân Nghĩa: Cái thứ nhất là bản thân tài sản của họ là sạch sẽ, không còn nợ xấu nữa. Nếu có nợ xấu thì không thể mở rộng tín dụng được vì như thế là vi phạm các qui định về an toàn của Ngân Hàng Nhà Nước. Khi không còn nợ xấu nữa thì họ có khả năng đẩy được tín dụng ra tức có khả năng mở rộng tín dụng.
Cái thứ hai, họ được một cái lợi tức là mặc dù bị trích lập dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt. Nhưng nếu như không có trái phiếu đặc biệt mà họ giữ nợ xấu lại thì họ còn phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Bởi vì qui định của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế qui định nợ xấu nhất là nợ nhóm bốn. Nhóm 1 là nợ tốt, Nhóm hai là nợ cần phải cảnh giác, Nhóm 3 là nợ có vấn đề, Nhóm 4 là nợ nghi ngờ không thể trả được và Nhóm 5 là nợ mất vốn. Nợ mất vốn là không thể đòi lại được nữa.
Bất cứ định chế tài chính nào, muốn hoạt động có hiệu quả, phải là một bô máy vận hành tốt rồi thì minh bạch với chất lượng của nguồn nhân lực phải thật là tốt.
-TS Lê Xuân Nghĩa
Tương ứng với một nhóm nợ như vậy thì bắt buộc phải có một tỷ lệ bắt buộc dự phòng rủi ro. Thí dụ Nhóm 1 thì trách lập rủi ro 0%, Nhóm 2 là 5%, Nhóm 3 là 20%, Nhóm 4 là 50% và Nhóm 5 là 100%. Nếu họ bán toàn bộ nợ xấu tức Nhóm 3, Nhóm 4, Nhóm 5 cho AMC thì họ sẽ không phải trích lập dự phòng rủi ro nữa. Họ nhận trái phiếu đặc biệt thì họ chỉ trích lập dự phòng rủi ro trên trái phiếu đặc biệt có 20% thôi. Cứ tưởng tượng phần lớn nợ xấu, tức là Nhóm 4 và Nhóm 5, mà bị trích lập tới 50% hoặc 100% thì như vậy họ phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn.
Nhưng mà ở Việt Nam thì các Ngân Hàng Thương Mại người ta tính toán ăn gian để người ta trích được ít hơn là cái số nếu mà họ phải nhận trái phiếu đặc biệt, với trái phiếu đặc biệt thì họ phải trích 20% mà họ không thể nào ăn gian được.
Thanh Trúc: Theo ông, hiệu quả của VAMC Công Ty Quản Lý Tài Sản Việt Nam có cao không?
TS Lê Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ nó phụ thuộc vào cái gọi là năng lực thể chế, bởi vì bất cứ định chế tài chính nào, muốn hoạt động có hiệu quả, phải là một bô máy vận hành tốt rồi thì minh bạch với chất lượng của nguồn nhân lực phải thật là tốt.
Chúng tôi đã cho các chuyên gia ở Việt Nam đi khảo sát ở nhiều nước, Thụy Điển, Ireland, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… để rút kinh nghiệm cho một AMC hoạt động có hiệu quả.
Thanh Trúc: Câu hỏi sau cùng xin được hỏi tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, ông có nghĩ sau khi chuyển nợ xấu qua VAMC rồi thì doanh nghiệp đó sẽ được vay vốn. Trong trường hợp khoản vay mới đó lại trở thành nợ không trả được, tức là khoản nợ xấu này chồng tiếp lên khoản nợ xấu kia?
TS Lê Xuân Nghĩa: VAMC của Việt Nam đặc biệt ở điểm vừa nói đấy, tức ngoài việc nó xử lý nợ xấu thì chính phủ còn cho nó chức năng tái cấu trúc lại các doanh nghiệp. Ví dụ có những doanh nghiệp đang có nợ xấu nhưng mà hoạt động tốt, nợ xấu là ở những mảng kinh doanh thêm về bất động sản thôi mà rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đều bị như vậy.
Thế thì VAMC sẽ nhìn vào chiến lược sản xuất của công ty đó và quyết định hoặc là sẽ gia hạn kỳ hạn trả nợ hoặc là sẽ cho vay mới. hoặc sẽ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp đó được vay vốn ngân hàng. Đấy là điều mới của VAMC Việt Nam, tức nó sẽ chọn những doanh nghiệp nào tốt mà có khả năng tồn tại và phát triển thì hỗ trợ để có thêm vốn để đầu tư mới và có tín dụng mới.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đã trả lời cuộc phỏng vấn của chúng tôi.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten