maandag 15 juli 2013

Tại Indonesia, khói mang lại lợi nhuận

Tại Indonesia, khói mang lại lợi nhuận
Quay sang khu vực Đông Nam Á, tuần báo Le Courrier International quan tâm tới một bài báo của tờ Tempo (Jakarta) : « Tại Indonesia, khói mang lại lợi nhuận », đề cập tới nạn đốt rừng diễn ra hàng năm. Dù bị cấm, song các chủ đồn điền trồng và sản xuất dầu cọ vẫn làm ngơ và sẵn sàng vi phạm.
Tình trạng này tái diễn hàng năm vào mùa khô. Trước mức độ trầm trọng của tình trạng đốt rừng năm nay, một số chính trị gia Indonesia khẳng định sẽ công bố danh tính tám doanh nghiệp Malaysia vi phạm và kiện ra tòa nếu có đủ bằng chứng. Song, thay vì nêu tên các doanh nghiệp này, tổng thống Indonesia lại tỏ ra tức giận và quy trách nhiệm đối với những người đã để lộ thông tin trên.
Trên thực tế, từ năm 2004, Indonesia có cả một bộ máy pháp lý để trừng phạt tội đốt rừng gây ô nhiễm, với mức phạt tù có thể lên tới 10 năm và 10 đến 15 triệu rupi tiền phạt (khoảng 775 000 tới 1,1 triệu euro). Song, các điều khoản bảo vệ rừng chưa bao giờ được áp dụng. Các doanh nghiệp lớn quen thuê những nhóm nông dân nhỏ lẻ để khai hoang theo tiêu chí như vùng càng lớn càng tốt với thời hạn ngắn nhất có thể và trị giá hợp đồng rất bèo bọt. Vì vậy, biện pháp nhanh nhất là đốt rừng.
Đáng lẽ ra chính phủ phải theo dõi chặt chẽ việc cấp giấy phép cho các khu vực trồng rừng và đồn điền. Năm 2011, một nhà nghiên cứu Anh nhận định rằng nếu tỷ lệ phá rừng tăng 40% một năm trước cuộc bầu cử địa phương, thì năm sau đó sẽ tăng lên 57%. Rất nhiều khả năng tốc độ tăng chóng mặt này liên quan tới việc các cán bộ địa phương mới được bầu đã bán tràn lan giấy phép khai thác đồn điền.
Tờ Tempo lấy làm tiếc là khói do đốt rừng gây ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, với sản lượng khoảng 22 triệu tấn hàng năm. Vì năm 2010, Unilever và Nestlé đã từ chối mua dầu của Sinar Mas, một nhà sản xuất khổng lồ Indonesia, do tập đoàn này không tôn trọng luật bảo vệ môi trường. Dầu cọ là vàng xanh của quốc gia này, có giá thành thấp hơn so với một số nước sản xuất khác, nhưng không có nghĩa là giá thành thấp phải kèm theo phương thức sản xuất không trong sạch.
Đừng gọi tôi là « Made in France » nữa
Quay sang tình hình tại Pháp, tuần báo L’Express có bài điều tra về vấn đề tiêu dùng tại đây với tiêu đề khá hài hước : « Đừng gọi tôi là « Made in France » nữa » . Bức ảnh quảng bá cho hàng hóa của Pháp của Bộ trưởng Bộ Chấn hưng sản xuất, Arnaud Montebourg, đã gây không ít ý kiến trái ngược nhau. Chính vì thế, báo chí cũng đặt cho ông tên mới « Bộ trưởng « Made in France ». Song, một điều hiển nhiên là các doanh nghiệp Pháp đang tận dụng chiêu bài « sản xuất tại Pháp » để chinh phục lại thị trường.
Thời gian gần đây, người tiêu dùng Pháp quay lại xu hướng dùng hàng sản xuất tại Pháp, vì điều này đồng nghĩa với tính độc đáo của mặt hàng, chất lượng cao, cũng như tạo thêm việc làm mới và gây dựng lại nền công nghiệp trong thời kì khủng hoảng. Thế nhưng, các doanh nghiệp lại có những chiến lược gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, mà thậm chí là « nói dối ».
Tác giả cuộc điều tra khẳng định, Trung Quốc, cũng như các nước công xưởng của thế giới, vẫn là nhà sản xuất bí mật cho nhãn hiệu « xanh dương-trắng-đỏ ». Chính vì thế, người tiêu dùng Pháp mua phải « hàng sản xuất bởi nước Pháp » thay vì « hàng sản xuất tại Pháp ». Ví dụ, « France Espadrille », mác giầy bện thừng với tên 100% Pháp, nhưng đa phần được sản xuất tại Bangladesh. « Cristal de Paris » là mác của một nhà sản xuất đồ thủy tinh luôn ca ngợi « bí quyết sản xuất tại Pháp » của mình, nhưng phần lớn lọ hoa hay ly cốc đều được sản xuất tại Châu Á hoặc Đông Âu. Cụm từ « sản xuất tại Pháp » cũng là một khái niệm tù mù vì thành phần bên trong có thể tới từ nhiều nước khác nhau.
Edouard Berreiro, một nhà kinh tế chuyên về công nghiệp, thất vọng cho biết : « Người ta đặt cái cày trước con trâu. Chúng ta phải tái tạo nền công nghiệp trước đã, sau đó mới cung cấp các nhãn hiệu (ví dụ « Bảo đảm nguồn gốc từ Pháp » hay « Nhãn hiệu Pháp ») cho những người có khả năng nắm bắt toàn bộ hệ thống sản xuất ». Bộ trưởng Arnaud Montebourg thì cho rằng : « Điều quan trọng là phải giành lại cuộc chiến văn hóa ». Trong khi đó, tác giả bài báo lo lắng : « Liệu không phải là quá muộn rồi sao ? »
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130714-trung-quoc-va-nhung-moi-quan-he-tai-trung-a

Geen opmerkingen:

Een reactie posten