vrijdag 12 juli 2013

Mỹ cân bằng chiến lược làm Trung Quốc tạm hòa hoãn Biển Ðông

Mỹ cân bằng chiến lược làm Trung Quốc tạm hòa hoãn Biển Ðông Friday, July 05, 2013 3:09:48 PM






 
Lý Ðại Nguyên
Trước khi đi phó hội với khối ASEAN, Trung Cộng đã triệu Trương Tấn Sang chủ tịch nhà nước Việt Cộng sang Tàu, để đánh bóng tập đoàn Nhà Nước Việt Nam, nhằm thực hiện cuộc Ðàm Phán Song Phương, buộc Việt Nam phải chấp nhận tách vấn đề quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng đã chiếm ra khỏi mối quan hệ với các cuộc Ðàm Phán Ða Phương về Biển Ðông của khối ASEAN, và không được nhắc tới Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, để cho Trung Cộng dễ dàng áp dụng Luật Biển riêng của họ đối với Việt Nam, như đã áp dụng lấn chiếm ở vịnh Bắc Bộ trước đây.
Ngoại Trưởng Vương Nghị (trái) của Trung Quốc và Ngoại Trưởng John Kerry của Mỹ tại hội nghị ASEAN ở Brunei. (Hình: Jacquelyn Martin/AFP/Getty Images)
Trong khi đó, ngày 27 tháng 6, 2013, Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Cộng đã nhắc lại lập trường của họ là “không thay đổi” và cảnh cáo “tìm kiếm hậu thuẫn của nước thứ ba để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Ðông là việc làm vô ích; giải quyết đối đầu chỉ dẫn tới thất bại.” Trên trang nhất của tờ Nhân Dân Nhật Báo của Trung Cộng ngày 29 tháng 6, 2013 lên án Philippines vi phạm 7 tội tại vùng Biển Ðông và cảnh báo: “Bắc Kinh sẽ trả đũa trong trường hợp Manila tiếp tục khiêu khích.” Ðồng thời chỉ trích Hiệp Hội các nước Ðông Nam Á có thái độ đồng lõa với Philippines. Trung Cộng cũng gay gắt lên án Philippines đã yêu cầu Mỹ can thiệp vào khu vực Á Châu. Nhằm quốc tế hóa hồ sơ Biển Ðông.

Hôm 29 tháng 6, 2013, tại Brunei Darussalam, các nước ASEAN khai mac hội nghị ngoại trưởng hàng năm lần thứ 46, cùng một loạt hoạt động ngoại giao. Hội Nghị Ngoại Trưởng lần này tập trung vào hai chủ đề chính, thúc đẩy tiến trình Xây Dựng Cộng Ðồng Kinh Tế ASEAN vào năm 2015 và Hồ Sơ Biển Ðông. Theo ông Lê Lương Minh, tổng thư ký ASEAN thì: “Các nước trong khối tập trung nỗ lực xây dựng một Cộng Ðồng Năng Lực, Bền Vững vào năm 2015, đẩy mạnh phối hợp và hợp tác giữa ASEAN với các Ðối Tác Ðối Thoại, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đối thoại chính trị và hợp tác hữu nghị.” Dịp này, ngoại trưởng Philippines, Alber Del Rosario, lên tiếng chỉ trích Trung Cộng gia tăng sự hiện diện của các tàu quân sự và phi quân sự được trang bị vũ khí tại khu vực Biển Ðông. Ðặc biệt là Phạm Bình Minh, ngoại trưởng Hà Nội, đã bất chấp tình hữu nghị Việt Hoa, tuy không dám gọi thẳng tên Trung Cộng ra, nhưng đã khẳng định trước Hội Nghị rằng: “Về vấn đề Biển Ðông là mối quan tâm chung.

Thời gian qua trên Biển Ðông đã xảy ra nhiều diễn biến phức tạp, nhất là các hành động áp đặt yêu sách càng ngày càng tăng và các việc tàu cá Việt Nam bị bắn cháy, hoặc bị đâm trong khu vực hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ðiều này trái ngược với luật pháp quốc tế, Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, cũng như tinh thần và nội dung của Tuyên Bố về Ứng Xử của các bên ở Biển Ðông - DOC.”

Ngay sau cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Trung Cộng đã bị Philippines và Việt Nam lên án việc quân sự hóa tranh giành và áp đặt yêu sách bất hợp pháp ở Biển Ðông. Một cuộc họp cấp bộ trưởng giữa ASEAN và Trung Cộng được tiến hành cùng ngày 30 tháng 6, 2013, Trung Cộng đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với các nước Ðông Nam Á về Bộ Quy Tắc Ứng Xử - COC, trong kế hoạch xoa dịu các căng thẳng ở Biển Ðông.

Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị và người đồng nhiệm Thái Lan, Surapong Tovichakchaikul, loan báo tin này. Vương Nghị nói: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với ASEAN, và giở bỏ bất cứ trở ngại nào hay sự can thiệp nào trong hợp tác đôi bên về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Ðông CPC.” Trong thông cáo chung của cuộc họp bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Cộng cam kết: “Hướng tới việc đạt được bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông trên cơ sở đồng thuận.” Trung Quốc và ASEAN có quyết tâm và khả năng biến Biển Ðông thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác.” Theo dự kiến, các bên sẽ thành lập một nhóm bao gồm các chuyên gia và những nhân vật có tiếng để hỗ trợ cho tiến trình này. Vào tháng 9, 2013, Trung Cộng sẽ chủ trì cuộc họp của giới chức cao cấp các bên để chính thức thảo luận về COC. Hôm 1 tháng 7, 2013, phát biểu với ngoại trưởng các nước ASEAN, trước thềm diễn đàn khu vực, ngoại Trưởng Mỹ John Kerry khẳng định: “Hoa Kỳ rất quan tâm đến các tranh chấp tại Biển Ðông được đề cập và ứng xử của các bên... Hoa Kỳ hy vọng sẽ thấy được những tiến bộ sớm đạt được với một bộ quy tắc ứng xử của các bên, nhằm giúp đảm bảo sự ổn định trong khu vực này.” Ông cũng nói đến quyền lợi của Mỹ trong khu vực, và vì vậy: “Hoa Kỳ cần phải duy trì hòa bình và ổn định, cũng như đảm bảo tự do hàng hải, thông thương trên Biển Ðông.”

Thực ra, Trung Cộng tuy hung hăng dùng sức mạnh vũ lực để đe dọa các nước trong vùng Biển Ðông, nhưng nếu chiến tranh nổ ra giữa Trung Cộng với Philippines, chắc chắn Mỹ phải can thiệp vì Hiệp Ước An Ninh Mỹ-Phi vẫn còn hiệu lực. Lúc đó thủy lộ huyết mạnh Malacca bị phong toả. Nền kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên là Trung Cộng, vì đó là con đường tiếp tế độc đạo trên biển của Trung Cộng. Cũng chính vì tham vọng muốn con đường huyết mạch này của thế giới làm của riêng mình, nên Trung Hoa đã tự vạch ra đường lưỡi bò chín đoạn, mưu định làm chủ trọn vẹn vùng Biển Ðông. Nhưng nay, Hoa Kỳ đã quay trở lại Châu Á-Thái Bình Dương-Ấn Ðộ Dương, được gọi là xoay trục chiến lược, mang nội dung “Tái Cân Bằng” thế lực. Nghĩa là Trung Cộng bành trướng thế lực quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa... đến đâu, thì Hoa Kỳ cũng sẽ cân bằng thế lực đến đó. Tương tự như kế hoạch Domino thời Chiến Tranh Lạnh, buộc chính nước Mỹ và Liên Xô phải chạy đua vũ trang cho tới khi một bên phải đứt hơi, và Liên Xô đứt hơi.

Kế hoạch tái cân bằng lần này, thuộc loại Chiến Tranh Mềm, tự Mỹ đã có sẵn một nguồn vũ khí tối tân, khổng lồ, vô địch, vượt trội, luôn luôn phát triển, không còn bị đặt vào thế phải chạy đua vũ trang, mà buộc Trung Cộng vào thế phải chạy theo vũ trang. Trung Cộng càng tăng cường tự thổi mình lên ngang tầm quân sự với Mỹ, càng hung hăng bành trướng xâm lấn các nước láng giềng, thì cả Trung Cộng các nước chung quanh cũng phải gia tăng mua vũ khí của Mỹ, của Nga, của Âu Châu. Thế nhưng kế hoạch Chiến Tranh Mềm này, không nhằm tiêu diệt đối phương, mà buộc đối phương phải biết điều, chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, hợp pháp, tôn trọng lẫn nhau, không gây hấn và bắt nạt các nước nhỏ trong vùng. Vì nếu, Trung Cộng có gồng mình lên để chạy theo vũ trang, thì cũng lệ thuộc vào việc mua khí tài và vũ khí từ bên ngoài. Có lẽ Bắc Kinh đã nhận ra sự thật phũ phàng đó, nên ngoài miệng thì vẫn để cho báo đảng nói năng lung tung, nhưng trong thực tế đã phải tạm thời thỏa hiệp với các nước Ðộng Nam Á để thảo luận về Bộ Quy Tắc Ứng Xử Biển Ðông, với âm mưu thực hiện cuộc Bành Trướng Mềm trong nội bộ từng nước thuộc khối ASEAN, nếu các nước này không biết tự cứu bằng giải pháp Dân Chủ Hóa, để cùng gia nhập Hiệp Ðịnh Mậu Dịch Tự Do Xuyên Thái Bình Dương - TPP. Trước khi Trung Cộng gia nhập TPP để thực hiện việc xây dựng một mô hình mới của quan hệ nước lớn giữa Mỹ và Trung Quốc.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten