zaterdag 27 juli 2013

Hàn Quốc 'lột xác' sau chiến tranh

Chủ nhật, 28/7/2013 05:13 GMT+7

Hàn Quốc 'lột xác' sau chiến tranh

Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề cách đây 60 năm, Hàn Quốc đã dần đứng đậy và vươn mình để có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, làm nên cuộc chuyển mình được mệnh danh là "Điều kỳ diệu trên sông Hàn".

gangnam-skorea-JPG-1374810224_500x0.jpg
Một góc quận Gangnam giàu có và sầm uất ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Huffington Post
Những năm 1950 và đầu những năm 1960, Hàn Quốc là một trong các quốc gia nghèo nhất trên thế giới. Tuy nhiên, từ xuất phát điểm cực thấp trong đống tro tàn của cuộc chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ về kinh tế để rồi dùng chính lĩnh vực này làm động lực phát triển toàn diện.
Kinh tế
Đến cuối năm 2011, xét về thu nhập bình quân đầu người, Hàn Quốc còn giàu hơn cả mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU). Thu nhập bình quân đầu người tại Hàn Quốc đạt 31.750 USD, trong khi đó con số này tại EU ở mức 31.550USD/người (tính theo ngang giá sức mua). Cũng trong năm 2011, kim ngạch thương mại của Hàn Quốc đạt mức 1.080 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới về xuất khẩu.
Từ năm 1962 đến 2008, Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Hàn Quốc tăng từ 2,3 tỷ USD lên tới 928,7 tỷ USD, trong khi Tổng Thu nhập Quốc dân (GNI) bình quân đầu người tăng vọt từ 87 USD lên khoảng 19.231 USD. Với thay đổi chóng mặt đó, Hàn Quốc là nước duy nhất vươn lên thành công từ nước chủ yếu nhận viện trợ nước ngoài sang nước giàu chỉ trong vài chục năm.
Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á và thứ 13 trên thế giới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đứng thứ 6 thế giới về dự trữ ngoại hối, và đứng thứ hai về ngành công nghiệp đóng tàu. Hai nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu Hàn Quốc là Samsung Electronics và Hynix chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.
Vậy "Điều kỳ diệu trên sông Hàn" do đâu mà có? Kinh tế Hàn Quốc không chỉ tăng trưởng nhanh mà quốc gia này còn kết hợp tốt giữa tăng trưởng và dân chủ, giữa phát triển kinh tế và chăm sóc cho con người. Hàn Quốc phát triển nhanh từ thập kỷ 1960, nhờ mức tiết kiệm và tỉ lệ đầu tư cao, và việc chú trọng vào giáo dục.
Văn hóa - thể thao
Ẩm thực Hàn Quốc, đặc biệt là món kimchi, đã nổi danh toàn thế giới. Ảnh: devilgourmet
Ẩm thực Hàn Quốc, đặc biệt là món kimchi, đã nổi danh toàn thế giới. Ảnh: devilgourmet
Từ bệ phóng kinh tế, văn hóa Hàn Quốc nhanh chóng được quảng bá ra thế giới và thâm nhập vào nhiều nước một cách mạnh mẽ.
Hiện nay, Hàn Quốc là một trong top 10 nước xuất khẩu văn hóa hàng đầu thế giới. Làn sóng Hallyu thông qua K-pop và các bộ phim truyền hình đã lan rộng và được đón nhận ở rất nhiều quốc gia. Những ngôi sao điện ảnh và truyền hình xứ Hàn là thần tượng tại rất nhiều nước. Những chuyến ghé thăm hay lưu diễn của họ luôn tạo nên cơn sốt trong giới trẻ.
Khía cạnh văn hóa tiếp theo cần phải nhắc đến là ẩm thực. Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc, không thể không nói đến những món ăn nổi tiếng như kimchi, bibimbap, naengmyeon, kimbab, tteokbokki. Những món ăn này đã vượt ra ngoài biên giới Hàn Quốc để đến với nhiều quốc gia trên và trở thành món ăn yêu thích của rất nhiều người.
Ở lĩnh vực thể thao, Hàn Quốc là một cường quốc ở châu Á và có vị trí đáng kể trên thế giới. Đội tuyển quốc gia Hàn Quốc từng xếp hạng tư tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá World Cup 2002. Tại Thế vận hội mùa hè 2012 ở London, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc thể thao đứng thứ 5 trên thế giới. Quốc gia này cũng từng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như Đại hội thể thao Châu Á năm 1986 và 2002, Đại hội thể thao Mùa đông Châu Á năm 1999, Giải vô địch bóng đá thế giới 2002.
Quân sự
Ở giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc hầu như không có vũ khí gì đáng kể và chủ yếu dựa vào viện trợ của Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau khi hiệp định đình chiến được ký, quân đội Hàn Quốc đã được tái thành lập và nhờ sự phát triển của kinh tế nên sức mạnh quân sự của Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể.
Năm 1990, nền công nghiệp Hàn Quốc đã đảm trách tới 70% nhu cầu vũ khí, đạn dược, quân nhu cùng nhiều trang thiết bị, kỹ thuật khác cho quân đội. Điều này đã khiến nhiều nước phải thay đổi cách nhìn nhận về sức mạnh quân sự của Hàn Quốc.
Tính đến năm 2008, quân đội Hàn Quốc có 5.400 pháo và dàn phóng tên lửa, trong đó có trên 1.000 chiếc kích bích pháo KH179, cỡ nòng 155 mm. Năm 2012, Hàn Quốc sở hữu hơn 170 tàu chiến hiện đại, bao gồm cả tàu ngầm và tàu khu trục, 600 máy bay quân sự do Mỹ sản xuất, trong đó có các chiến đấu cơ F-16, khoảng 2.450 xe tăng. Nước này cũng có hơn 600.000 quân thường trực tinh nhuệ và 2,9 triệu người thuộc lực lượng dự bị thường xuyên, được yểm trợ bởi 28.500 lính Mỹ đồn trú.
Sự tăng trưởng đều đặn của nền kinh tế là một yếu tố quan trọng giúp Hàn Quốc luôn nằm trong danh sách những quốc gia đầu tư lớn cho quốc phòng. Đặc biệt, với những tiến bộ trong ngành công nghiệp đóng tàu, từ nay đến năm 2020, Hàn Quốc có khả năng trở thành một quốc gia có khả năng hoạt động tại khu vực biển sâu cũng như thành công bước đầu trong kế hoạch hiện đại hóa và nâng cấp lực lượng hải quân.
Thúy Quỳnh (tổng hợp)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten