vrijdag 22 februari 2013

Cam Bốt : Chế độ chính trị "cha truyền con nối"

Thứ sáu 22 Tháng Hai 2013

Cam Bốt : Chế độ chính trị "cha truyền con nối"

Thủ tướng Hun Sen chuẩn bị cho con trai lên kế nghiệp ?
Thủ tướng Hun Sen chuẩn bị cho con trai lên kế nghiệp ?
DR

Phạm Phan / Đức Tâm
Hun Many, người con trai thứ ba của Thủ Tướng Hun Sen đã được đảng cầm quyền chính thức đề cử làm ứng viên đại diện tỉnh Kampong Speu cho kỳ bầu cử Quốc Hội vào tháng 7/2013. Tin trên do Cheam Yeap, đại biểu Quốc Hội đồng thời là thành viên cao cấp của Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền cho biết.

Ông Hun Many năm nay 30 tuổi, sẽ cùng với nhiều người đồng tuổi với ông và cũng là con trai của nhiều viên chức cao cấp của chính quyền, ra tranh cử ghế đại biểu Quốc Hội. Những người trẻ này đều có mặt trong Phong Trào Thanh Niên Tự Nguyện, một tổ chức thanh niên có liên hệ chặt với Đảng Nhân Dân Cam Bốt đương quyền.
Hun Many hiện thời cũng giữ một chức vụ trong chính quyền mà cha ông là Thủ Tướng đầy quyền uy. Ông Cheam Yeap nói với báo chí, sự kiện đưa những người ở lớp tuổi 30 vào chính trường là nhằm để thay thế dần thế hệ già nua mà ông đưa ra một hình ảnh so sánh như tre tàn măng mọc.
Thủ Tướng Hun Sen có ba người con trai và một người con gái. Người con trai lớn là Hun Maneth, 35 tuổi, từng được ông Hun Sen cử đi học tại Trường Võ Bị West Point của Mỹ. Hiện nay Hun Maneth giữ chức Trưởng Đơn Vị Chống Khủng Bố của Bộ Quốc Phòng kiêm luôn chức Phó Tư Lệnh Đơn Vị Bảo Vệ cá nhân Thủ Tướng Hun Sen.
Dù mới 35 tuổi, đời binh nghiệp của ông Hun Maneth phần lớn hoạt động trong môi trường văn phòng, tham mưu, và Cam Bốt cũng chưa xảy ra các cuộc chiến tranh lớn trong 1 thập niên qua. Tuy thế, ông Hun Maneth vẫn được Bộ Quốc Phòng thăng chức Tướng hai sao vào năm 2011. Đối với nhân vật này, tại Cam Bốt đã có nhiều đồn đoán rằng Thủ Tướng Hun Sen đã chuẩn bị cho người con lớn của mình lên kế nghiệp lãnh đạo quốc gia một khi ông qua đời ở tuổi gần 100.
Người con trai thứ hai của Thủ Tướng Hun Sen là Hun Manith năm nay 31 tuổi đang là Đại Tá kiêm chỉ huy phó một đơn vị tình báo quân đội đầy quyền lực. Theo ông Cheam Yeap, con rể của Thủ Tướng Hun Sen năm nay cũng được đảng cầm quyền đề cử làm ứng viên trong cuộc Tổng Tuyển Cử Quốc Hội.
Các lời chỉ trích
Ông Lao Mong Hay, một người Cam Bốt đang sống và làm việc tại Hồng Kông, chuyên về hoạt động nhân quyền và phân tích tình hình chính trị Cam Bốt cho rằng sự kiện đảng cầm quyền đưa ông Hun Many ra tranh cử chức dân biểu Quốc Hội trong mùa bầu cử năm nay chỉ là một bước trong tiến trình dài lâu nhằm củng cố thể chế chính trị cha truyền con nối.
Đây là một thể chế mà trong đó gia đình ông Hun Sen là một gia tộc lớn nhất, uy quyền nhất, kéo theo nhiều gia tộc của những giới chức cấp cao trong Đảng Nhân Dân Cam Bốt và trong chính quyền hiện nay.
Tuy nhiên, ông Khieu Kaharith, người phát ngôn chính quyền đã nhanh chóng bác bỏ lập luận này, theo ông Khieu Kanharith, việc đề cử các nhân vật trẻ trong đảng cầm quyền ra tranh cử Quốc Hội chỉ là một chiến lược nhằm làm trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo đảng mà thôi.
Tại xứ Chùa Tháp ngày nay, những người tai to mặt lớn thường có kiểu kết thân với nhau để hình thành mối quan hệ chính trị kinh tế vững mạnh bền chặt lâu đời. Thí dụ như, con ông Thủ Tướng kết hôn với con ông Phó Thủ Tướng, hay các Bộ Trưởng quan trọng, hoặc là con gái ông Bộ Trưởng này lấy con trai ông Bộ Trưởng kia.
Và như thế, bên cạnh tình thông gia khắng khít thương yêu hết mực với nhau trong sự nghiệp kinh doanh lớn tầm cỡ quốc gia, họ còn nắm chặt tay “hồ hởi, phấn khởi”, đoàn kết ủng hộ nhau trong công việc nhà nước, việc đảng, vì đều là bà con họ hàng ruột thịt thân thiết đầy tình nghĩa.
Báo chí trong khu vực từng vẽ ra hình ảnh của cây quyền lực ở Cam Bốt gồm thân cây chính là gia đình người đứng đầu chính phủ và nhiều cành nhánh chắc khỏe là các giới chức cấp cao, trong đó chỉ rõ các quan hệ kinh tế - chính trị - gia tộc trong nội bộ đảng cầm quyền.
Pháp trị và đảng trị.
Từ khai thiên lập địa cho đến nay, không có bất kỳ khế ước xã hội chính trị nào quy định tài nguyên quốc gia, tài sản xã hội, đất đai, quyền lực chính trị được thâu tóm trong tay của một gia đình, dòng họ như tại Bắc Triều Tiên, hay một đảng phái như tại Trung Quốc, Việt Nam, hoặc trong tay một nhóm quân phiệt tham vọng như ở Miến Điện cách đây 4 năm.
Tiến trình thâu tóm tham lam đó chỉ được tiến hành bằng một cuộc đảo chính vi hiến như tại Miến Điện trước đây hay thông qua một cuộc cách mạng ngụy biện gian dối của Đảng Cộng Sản như tại Trung Quốc, Bắc Triều Tiên…
Sự phân chia quyền sở hữu, quyền lợi, quyền lực bất bình đẳng giữa đại khối dân tộc với kẻ cầm quyền đang bị thu hẹp khoảng cách từ cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 do sự hiểu biết của người dân ngày càng tăng tiến, đồng thời sự cạn kiệt tài nguyên thế giới và quốc gia, môi trường sống bị hủy hoại, kinh tế mất ổn định, gây nên cuộc sống ngày càng khó hơn, khiến khối đa số muốn tài sản, lợi tức xã hội, sự sở hữu của cải, quyền tham chính phải được phân chia bình đẳng, hợp lý.
Trong một quốc gia trọng pháp và luật pháp công bình thì sẽ hạn chế những bất công quá vô lý nêu trên. Một chính thể đại tộc, cha truyền con nối, hay một thể chế đảng quyền tham lam vô độ lại hư hỏng, thì chỉ bị ngăn chận hay loại bỏ khi dân tộc đó hình thành được cơ cấu chính trị được vận hành trong khuôn khổ của luật pháp công bình, không dành đặc quyền cho bất kỳ cá nhân, gia đình nào hay chính đảng nào.

http://www.viet.rfi.fr/xa-hoi/20130222-cam-bot-che-do-chinh-tri-cha-truyen-con-noi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten