Mặt Trời xuất hiện vết đen rộng gấp 4 lần Trái Đất
Vết đen AR3310, một mảng tối trên Mặt Trời quay về phía Trái Đất, lớn đến mức có thể thấy từ Trái Đất mà không cần kính viễn vọng.
Nhà thiên văn Hàn Quốc Bum-Suk Yeom chia sẻ hình ảnh cho thấy tỷ lệ giữa vết đen AR3310 và hành tinh xanh. "Vết đen Mặt Trời nhìn bằng mắt thường và kính Mặt Trời (hay kính lọc Mặt Trời). Nó nằm ở bên trái so với trung tâm của đĩa Mặt Trời", Yeom viết trong bài đăng trên mạng xã hội hôm 23/5.
Vết đen trông tối màu vì chúng nguội hơn các vùng khác trên bề mặt Mặt Trời, theo NASA. Các vết đen nguội hơn do chúng hình thành ở nơi từ trường mạnh cản trở nhiệt từ bên trong Mặt Trời lan tới bề mặt. Các vết đen Mặt Trời đôi khi đủ lớn để thấy bằng mắt thường, không cần kính viễn vọng nhưng vẫn cần kính bảo vệ mắt khỏi ánh sáng chói mạnh.
"Ngưỡng nhìn thấy tối thiểu ước tính là khoảng 425 phần triệu đĩa Mặt Trời khả kiến (0,04% đĩa Mặt Trời). Diện tích vết đen Mặt Trời lớn và điều kiện khí tượng thuận lợi sẽ giúp tăng khả năng nhìn thấy chúng", Hisashi Hayakawa, nhà vật lý tại Đại học Nagoya, Nhật Bản, cho biết.
Diện tích bề mặt Trái Đất chỉ chiếm khoảng 169 phần triệu đĩa Mặt Trời. Bum-Suk ước tính, vết đen mặt trời AR3310 có kích thước gấp khoảng 4 lần Trái Đất.
Các vết đen có thể giải phóng lóa Mặt Trời - một vụ nổ năng lượng đột ngột. Sức mạnh của lóa Mặt Trời chia thành các cấp: A, B, C, M và mạnh nhất là cấp X. Vết đen càng lớn và phức tạp thì càng có khả năng cao tạo ra lóa Mặt Trời.
Lóa Mặt Trời cấp C quá yếu nên không ảnh hưởng đáng kể đến Trái Đất, trong khi đó, lóa cấp M có thể làm gián đoạn liên lạc vô tuyến ở các cực Trái Đất. Lóa cấp X có khả năng tác động tới vệ tinh, các hệ thống liên lạc, lưới điện và nghiêm trọng nhất là gây thiếu điện hoặc mất điện.
https://vnexpress.net/mat-troi-xuat-hien-vet-den-rong-gap-4-lan-trai-dat-4608937.html?utm_source=facebook&utm_medium=vne_thegioi&utm_campaign=phuonguyen&fbclid=IwAR2gYuNyxVluHFDyyWUd-FtDnOshIOS1LfamjW4F4Ock25B4-wSVmXRbw8s
Thu Thảo (Theo Newsweek)
Bề mặt rực lửa của Mặt Trời qua ảnh
Các nhà nhiếp ảnh thiên văn đã tạo ra một cái nhìn đáng kinh ngạc về Mặt Trời bằng cách ghép 90.000 bức ảnh chụp lại với nhau.
Để tạo ra hình ảnh này, Andrew McCarthy và Jason Guenzel đã sử dụng một số ảnh chụp của chính họ, bao gồm cả ảnh nhật thực toàn phần chụp vào năm 2017, và kho dữ liệu lấy từ Đài quan sát Mặt Trời và Nhật quyển, một tàu vũ trụ được NASA phóng vào năm 1995 với sự hợp tác của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, Live Science hôm 5/4 đưa tin.
Cặp đôi nhiếp ảnh gia đã ghép khoảng 90.000 ảnh chụp Mặt Trời lại với nhau để tạo ra tác phẩm cuối cùng mà họ gọi là "Sự hợp nhất của Helios", thể hiện bề mặt rực lửa ngôi sao với những tia plasma xoáy giống lớp lông tơ bao phủ một quả bóng tennis.
Nổi bật ở góc phía trên bên phải của hình ảnh là "cơn lốc plasma" cao nhất từng được ghi nhận ở cực bắc của Mặt Trời. Nó cao tới 178.000 km, tương đương 14 Trái Đất đặt thẳng hàng. Sự kiện này kéo dài kéo dài khoảng 3 ngày trước khi biến đổi thành một đám mây plasma và bị đẩy ra ngoài không gian.
Một thách thức mà McCarthy và Guenzel gặp phải là chụp ảnh cả vành nhật hoa (phần ngoài cùng của bầu khí quyển Mặt Trời) và sắc quyển (lớp plasma mỏng nằm giữa vành nhật hoa và bề mặt nhìn thấy được của Mặt Trời). Những phần này chỉ có thể quan sát trong một số điều kiện nhất định.
"Chúng tôi muốn thúc đẩy kỹ thuật chụp ảnh thiên văn đi xa nhất có thể cả về mặt khoa học và nghệ thuật, bằng cách tạo ra hình ảnh siêu chính xác về Mặt Trời theo cách phá vỡ các quy tắc chụp ảnh thiên văn thông thường. Chúng tôi muốn tạo ra một bức tranh khảm đầy đủ về Mặt Trời", McCarthy chia sẻ.
Guenzel nhấn mạnh thêm rằng tác phẩm "Sự kết hợp của Helios" là hình ảnh Mặt Trời "chi tiết và sống động nhất" mà anh và McCarthy từng tạo ra.
Đoàn Dương (Theo Space/News Scientist)
https://vnexpress.net/be-mat-ruc-lua-cua-mat-troi-qua-anh-4590035.html
Tại sao khí quyển Mặt Trời nóng gấp 200 lần bề mặt
Sự chênh lệch nhiệt độ cực lớn giữa lớp ngoài cùng khí quyển và bề mặt Mặt Trời là vấn đề khiến các nhà thiên văn học đau đầu suốt thời gian dài.
Rất ít nơi trong hệ Mặt Trời nóng hơn bề mặt của ngôi sao ở trung tâm. Nhưng những sợi plasma xoắn rất mảnh ở lớp ngoài cùng của khí quyển Mặt Trời, gọi là vành nhật hoa, nóng hơn nhiều so với bề mặt, theo nhà nghiên cứu khoa học vũ trụ Jia Huang ở Đại học California, Berkeley. Bề mặt Mặt Trời có nhiệt độ khoảng hơn 5.500 độ C, trong khi vành nhật hoa có thể nóng tới 1,1 triệu độ C. Chênh lệch này được gọi là vấn đề nhiệt vành nhật hoa và giới thiên văn học đã tìm cách lý giải nó từ giữa thế kỷ 19, theo Popular Science.
Theo Huang, giải quyết vấn đề trên có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về Mặt Trời. Vật lý Mặt Trời rất quan trọng đối với dự đoán thời tiết vũ trụ để bảo vệ nhân loại. Ngoài ra, Mặt Trời là ngôi sao duy nhất con người có thể đưa tàu thăm dò tới, từ đó hiểu thêm về những ngôi sao khác trong vũ trụ.
Trong nhật thực toàn phần năm 1869, khi Mặt Trời, Mặt Trăng và Trái Đất xếp thẳng hàng, các nhà khoa học có thể quan sát vành nhật hoa mờ. Quan sát của họ hé lộ một đặc điểm ở vành nhật hoa, được cho là bằng chứng về sự tồn tại của nguyên tố mới là coronium. Giả thuyết mới về cơ học lượng tử hơn 60 năm sau hé lộ "nguyên tố mới" thực chất là sắt bị nung nóng tới nhiệt độ cao hơn bề mặt Mặt Trời.
Lý giải mới này về phép đo năm 1869 là bằng chứng đầu tiên về nhiệt độ cực hạn của vành nhật hoa, thúc đẩy nghiên cứu kéo dài hàng thập kỷ nhằm hiểu rõ tại sao plasma lại nóng đến vậy hay năng lượng ở vành nhật hoa đến từ đâu? "Chúng tôi biết chắc vấn đề vẫn chưa được giải quyết, dù chúng tôi có nhiều giả thuyết và toàn bộ cộng đồng thiên văn học đang tích cực tìm cách giải thích", Huang chia sẻ. Hiện nay, có hai giả thuyết chính về cách năng lượng từ Mặt Trời làm nóng vành nhật hoa: chuyển động sóng và hiện tượng phát nổ mang tên lóa nano.
Bề mặt của Mặt Trời sôi sục giống như một nồi nước sôi. Do plasma đối lưu, nó tạo ra từ trường cực mạnh. Từ trường này có thể dịch chuyển và chao đảo theo dạng sóng đặc biệt gọi là sóng Alfvén, đẩy proton và electron lên phía trên bề mặt Mặt Trời. Các nhà thiên văn học cho rằng những hạt tích điện bị khuấy động bởi sóng Alfvén có thể đưa năng lượng vào vành nhật hoa, nung nóng nó tới nhiệt độ khó tin.
Một cách giải thích khác là khi plasma của Mặt Trời sụp đổ và tuần hoàn trong lớp khí quyển bên trên, nó vặn xoắn đường sức từ thành hình nút rối. Cuối cùng, các đường sức từ đó không thể chịu được áp lực thêm nữa. Khi bị xoắn quá nhiều, đường sức từ bật lại trong sự kiện phát nổ có tên tái liên kết từ, khiến hạt tích điện bay xung quanh và làm chúng nóng lên. Hiện tượng lóa nano này đưa năng lượng vào vành nhật hoa. Giới thiên văn học đã quan sát vài ví dụ của lóa nano bằng kính viễn vọng và vệ tinh hiện đại.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết sóng Alfvén hoặc lóa nano xảy ra thường xuyên tới mức nào. Tàu thăm dò Parker phóng vào năm 2018 sẽ bay gần Mặt Trời nhất từ trước tới nay. Hiện nay, tàu đang bay qua một số khu vực bên ngoài vành nhật hoa, cung cấp hình ảnh cận cảnh đầu tiên về chuyển động của những hạt có thể chịu trách nhiệm phía sau nhiệt độ cực cao của lớp này.
An Khang (Theo Popsci)
https://vnexpress.net/tai-sao-khi-quyen-mat-troi-nong-gap-200-lan-be-mat-4592809.html
Geen opmerkingen:
Een reactie posten