zondag 21 mei 2023

G7 cam kết hỗ trợ Ukraine lâu dài, Zelensky so sánh Bakhmut với Hiroshima

 G7 cam kết hỗ trợ Ukraine lâu dài, Zelensky so sánh Bakhmut với Hiroshima

HIROSHIMA, Nhật (NV) — Giới lãnh đạo của bảy nền dân chủ lớn mạnh nhất thế giới gửi thông điệp mạnh mẽ, khẳng định hỗ trợ Ukraine lâu dài trong khuôn khổ Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 ở Hiroshima, Nhật Bản hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Năm.

Tại hội nghị G7, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, bác bỏ tuyên bố chiếm được Bakhmut của Nga và so sánh sự tàn phá của bom nguyên tử ở Hiroshima năm xưa là hình ảnh của Bakhmut hôm nay, theo Reuters.

Ông Volodymy Zelensky, tổng thống Ukraine, chụp hình với các lãnh đạo G7 tại Hiroshima, Nhật. (Hình: Stefan Rousseau-WPA Pool/Getty Images)

“Những tấm ảnh một Hiroshima bị huỷ phá hoàn toàn gợi lên trong tôi thành phố Bakhmut và nhiều khu dân cư khác hoang tàn tại Ukraine,” ông Zelensky tuyên bố sau khi đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới. “Ở Bakhmut cũng không còn gì, tất cả đều chỉ còn là đống đổ nát,” tổng thống Ukraine ngậm ngùi nói.  

Trước cuộc gặp gỡ với ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, bên lề Hội Nghị Thượng Đỉnh G7, khi được hỏi phải chăng Bakhmut đã rơi vào tay Nga, ông Zelensky nói với các phóng viên rằng “Tôi nghĩ là không,” và thêm rằng tình hình ở Bakhmut là “một bi kịch,” “thành phố tan nát không còn gì nữa,” và “rất nhiều người Nga bỏ mạng tại đó.”

Sau đó phát ngôn viên của ông Zelensky khẳng định trên Facebook rằng tổng thống Ukraine phủ nhận việc thành phố bị thất thủ.

Ông Fumio Kishida (phải), thủ tướng Nhật, chào đón ông Volodymyr Zelensky (trái), tổng thống Ukraine, đến hội nghị G7 hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Năm. (Hình: Yuichi Yamazaki – Pool/Getty Images)

Trong khi đó, trong tuyên bố trên trang mạng của Điện Kremlin, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, ca ngợi chiến thắng, gọi đó là “giải phóng” Bakhmut. Cuộc tấn công của Nga tại Bakhmut phần lớn do đội quân đánh thuê Wagner triển khai. Ông Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo Wagner, khẳng định lực lượng của mình đẩy lùi được Ukraine khỏi khu vực cuối cùng bên trong thành phố.

Trong bối cảnh ngày cuối cùng của Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 kéo dài ba ngày, ông Biden thông báo thêm một đợt viện trợ quân sự $375 triệu cho Ukraine, bao gồm đạn đại bác và xe bọc thép. Ông Biden cho biết Mỹ đang làm tất cả những gì có thể để tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine, hứa hẹn với ông Zelensky rằng Ukraine sẽ luôn được Mỹ hậu thuẫn.

Không để cuộc chiến Ukraine chấm dứt vô nghĩa

Những nhà lãnh đạo các của G7, tổ chức bao gồm Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada, đưa ra các ý kiến tương tự ông Biden.

Ông Justin Trudeau, thủ tướng Canada, khẳng định Canada sẽ hỗ trợ Ukraine lâu dài và nhiều nhất có thể được. 

Còn ông Biden cho biết Washington ủng hộ các chương trình đào tạo phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16, mặc dù Kiev vẫn chưa được cung cấp phương tiện này. Ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức, nhận định rằng các chương trình huấn luyện như vậy sẽ gửi thông điệp đến Nga rằng Moscow sẽ không thể thành công khi kéo dài xung đột.

Ông Volodymyr Zelensky (trái), tổng thống Ukraine, và ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, tại đài tưởng niệm nạn nhân nguyên tử Hiroshima. (Hình: Eugene Hoshiko – Pool/Getty Images)

 

Ông Rishi Sunak, thủ tướng Anh, cho biết việc huấn luyện bắt đầu từ mùa Hè, và Ukraine sẽ có được lực lượng không quân cần thiết cho tương lai.

Bên cạnh đó, ông Scholz cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh cho Ukraine sau khi chiến tranh kết thúc. Cả ông lẫn ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, đều tỏ ý đứng về phía Ukraine, phản đối ý tưởng chiến tranh Ukraine kết thúc mà không có giải pháp chính trị với những điều kiện đình chiến, hoặc các giải pháp hòa bình mà không bao gồm việc đòi Nga rút quân khỏi những vùng đất chiếm đóng. 

Hội nghị thượng đỉnh G7 tạo cơ hội cho ông Zelensky vận động hành lang nhằm giành được sự cam kết ủng hộ của một số nước tham gia khác, chẳng hạn Ấn Độ hoặc Brazil.

Ông Volodymyr Zelensky (giữa), tổng thống Ukraine, ngồi cùng bàn họp với các lãnh đạo G7 và Liên Âu. (Hình: Stefan Rousseau/Pool/AFP via Getty Images)

Hoá giải ‘các rủi ro’ từ Trung Quốc

Ngoài quyết tâm hỗ trợ Ukraine, G7 còn gửi đi một thông điệp không thể tin tưởng Trung Quốc trong việc trao đổi thương mại và Bắc Kinh tạo ra ảnh hưởng gây bất ổn toàn cầu.

“Trung Quốc đang đặt ra một thách thức lớn nhất của thời đại về sự ổn định và thịnh vượng toàn thế giới. Bắc Kinh phơi bày hình ảnh độc tài toàn trị trong nội địa và hành xử độc đoán ở bên ngoài,” Thủ Tướng Sunak của Anh nhận định. 

Hôm Chủ Nhật, 21 Tháng Năm, ông Biden gặp lãnh đạo Nhật Bản và Nam Hàn để thảo luận về áp lực quân sự và chèn ép kinh tế từ Trung Quốc mà hai quốc gia Đông Bắc Á này đang đương đầu. 

Trước đó một ngày, lãnh đạo G7 vạch ra cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh với chủ trương “hoá giải rủi ro nhưng không phân cách” trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, vốn được xem là nhà máy thế giới.

Trong một tuyên bố, G7 tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Đáp lại, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc phản đối G7 đã coi thường các mối quan tâm và can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. (MPL)

G7 sẽ hỗ trợ Ukraine lâu dài, Zelensky so sánh Bakhmut với Hiroshima (nguoi-viet.com)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten