zaterdag 12 juni 2021

Tokyo 2020, Mêhicô 1968, Melbourne 1956, Berlin 1936: Những mùa Thế Vận khó quên !

 

Tokyo 2020, Mêhicô 1968, Melbourne 1956, Berlin 1936: Những mùa Thế Vận khó quên !

Phần âm thanh 09:22
Bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng cho kỳ đại hội thể thao Thế Vận Hội Tokyo 2020.
Bộ huy chương Vàng, Bạc, Đồng cho kỳ đại hội thể thao Thế Vận Hội Tokyo 2020. AP - Issei Kato

Thế Vận Hội Olympic Mùa Hè 2020 sẽ diễn ra tại Tokyo Nhật Bản Từ ngày 23/7 – 08/8/2021. Kỳ đại hội thể thao này có được diễn ra suôn sẻ hay không ? Câu hỏi này thật khó trả lời do tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhưng có một điều chắc chắn, Tokyo 2020 có lẽ sẽ là một kỳ đại hội thể thao « lạ đời » nhất trong lịch sử Thế Vận Hội của nhân loại.


Đây sẽ là Thế Vận Hội thứ hai do Tokyo tổ chức, sau 57 năm kỳ đại hội đầu tiên năm 1964. Sự kiện khi đó có một ý nghĩa quan trọng cho đất nước : Đây là quốc gia châu Á đầu tiên tổ chức một đại hội thể thao lớn nhất hành tinh. Đó cũng từng là dịp để Nhật Bản chứng tỏ với thế giới khả năng vực dậy kinh tế thần kỳ sau cuộc bại trận năm 1945.

Sau một năm bị hoãn vì dịch bệnh Covid-19, xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, lan rộng ra toàn cầu, và bất chấp sự phản đối của người dân, chính phủ thủ tướng Yoshihide Suga quyết tâm tổ chức Thế Vận Hội vào mùa hè năm nay.

Nếu Thế Vận Hội bị hoãn một lần nữa trong năm nay, đây cũng không phải là lần duy nhất. Nhật Bản đã từng phải hoãn lần tổ chức đầu tiên, dự kiến vào năm 1940.

Nhưng nếu những cuộc tranh tài, tỉ thí giữa các vận động viên phải diễn ra « khép kín », không có khán giả nước ngoài, đây có lẽ sẽ là một thảm họa cả cho chiến dịch quảng bá lẫn cho ngành du lịch của Nhật Bản.

Dẫu sao thì, dù có hay không, Thế Vận Hội Tokyo 2020 vẫn sẽ là một sự kiện đáng nhớ trong lịch sử Thế Vận Hội của thế giới.

Nhân sự kiện này, RFI Tiếng Việt mời quý vị cùng ngược dòng thời gian, hồi tưởng lại một số câu chuyện đáng nhớ quá khứ, để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lịch sử Olympic Games.

Thế Vận Hội Berlin 1936 : Jesse Owens và nỗi nhục của Hitler

Thế Vận Hội Mùa Hè năm 1936 tại Berlin, lẽ ra phải là dịp để phô trương sự thành công của chủ nghĩa phát xít Đức, những chiến thắng của Hitler, sự tôn vinh chủng người Arya da trắng thượng đẳng. Nhưng tham vọng này của Hitler đã nhanh chóng sụp đổ.

Luçon – một vận động viên người Đức đã làm bạn với Jesse Owen, một vận động viên điền kinh người Mỹ da đen. Và nhờ vào những chỉ dẫn kỹ thuật của Luçon, Jesse Owens đã đánh bại người cố vấn và cũng là chính đối thủ của mình, thu về bốn chiếc huy chương vàng. Nhà nghiên cứu địa chính trị thể thao, Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược hồi tưởng lại :

« Một tấm ảnh nổi tiếng cho thấy cảnh Jesse Owens và Luçon bá vai nhau, kết một tình bạn giữa hai chủng tộc, đối với Hitler, đó đã là một điều khiếp hãi. Nhưng  bốn chiếc huy chương vàng của Owens mới thật sự là một điều nhục nhã đau điếng, tràn đầy thất vọng cho Hitler. Bởi vì, đó là sự kiện một người da đen đã giành hết bốn chiếc huy chương vàng, một kỷ lục tuyệt đối trong các môn tranh tài chính của bộ môn điền kinh. »

Vận động viên điền kinh Jesse Owens tại Thế Vận Hội Berlin 1936.
Vận động viên điền kinh Jesse Owens tại Thế Vận Hội Berlin 1936. © Wikipedia

Dù vậy, Jesse Owens không được xem như là anh hùng khi trở về Mỹ. Ông không được ông Roosevelt, tổng thống Mỹ lúc bấy giờ đón tiếp ở Nhà Trắng. Chuyên gia địa chính trị lĩnh vực thể thao, giải thích tiếp :

« Đừng quên rằng nước Mỹ thời kỳ đó còn mang nặng một bầu không khí kỳ thị chủng tộc, với những đạo luật phân biệt sắc tộc vẫn còn hiện hành. Đối với nhiều người Mỹ, Jesse Owens vẫn là một người da đen. Do vậy, anh không thể là một người hùng. Thế nên, dù  vừa chiến thắng Hitler nhưng Jesse Owens chẳng được đón mừng bao nhiêu ở trong nước, bởi vì vào năm 1936, một người da đen thì không thể bước chân vào Nhà Trắng ».

Thế Vận Hội 1956 : « Huyết chiến » ở Melbourne và dư âm của Cách mạng 1956

Hai mươi năm sau, Thế Vận Hội 1956 còn được biết đến dưới tên gọi « Bể máu Melbourne ». Trận đấu bóng nước giữa đội Hungary và Liên Xô còn được ví như là một trận phục thù địa chính trị bằng thể thao.

Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn giải thích :

« Tắm máu ở Melbourne » theo cách gọi của người Hungary để chỉ trận đấu nổi tiếng nhất trong lịch sử môn bóng nước thế giới, diễn ra vào kỳ Thế vận hội 1956 tại Melbourne (Úc) ngày 06/12/1956 giữa 2 đội tuyển Hungary và Liên Xô, đúng vào lúc cuộc cách mạng dân chủ anh dũng của Hung bị chiến xa Xô-viết đè bẹp sau gần 2 tuần.

Kết cục, Hungary chiến thắng với tỷ số 4-0, nhưng điều được ghi lại trong lịch sử thể thao là bầu không khí hết sức căng thẳng trong bể bơi và trên khán đài, hậu quả của những diễn biến chính trị trước đó. « Mối thù » đã được các nhà thể thao Hungary « đáp trả » trong trận huyết chiến kèm ẩu đả dữ dội, máu đã đổ trong bể bơi.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị hết sức rối ren của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Thế Vận Hội 1956 ghi nhận sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả quốc tế với đoàn thể thao Hungary - những người sau đó đã giành được 9 HCV, và xếp thứ 4 trong bảng huy chương năm đó - và thái độ ghẻ lạnh mang tính tẩy chay với đoàn thể thao Liên Xô.

Tám ngàn khán giả đã có mặt trên khán đài vốn chỉ có sức chứa 6 ngàn, và vé chợ đen được bán với giá gấp 15-20 lần. Các chàng trai Hungary, tập trung tập luyện ở một vùng núi trước đó, chỉ biết tới thông tin cụ thể về cuộc cách mạng khi đã qua tới Úc, quyết tâm chiến thắng trước Liên Xô để thể hiện tinh thần tự hào dân tộc.

Từ khi trận đấu khai màn, được sự cổ vũ nhiệt thành của các cổ động viên, tuyển Hungary đã ồ ạt tấn công và phòng ngự rất xuất sắc, khiến Liên Xô bất lực. Hơn thế nữa, trước trận, đội Hung đã luyện tập và thử nghiệm một chiến thuật khiêu khích bằng tiếng Nga khiến tuyển Liên Xô điên đầu, và nổi cơn tức giận trong bất lực.

Mối quan hệ giữa các cầu thủ Hungary và Liên Xô không phải là tệ, vì chính Hungary những năm trước đó đã hướng dẫn tuyển Xô-viết chơi bóng nước. Tuy nhiên, trong bể bơi, đôi bên trở thành kẻ thù và ẩu đả ngầm đã diễn ra. Vài phút trước khi kết thúc, tuyển Hung dẫn trước 4-0 và chắc chắn giành thắng lợi, thì một « sự cố » xảy ra.

Valentin Prokopov, cầu thủ xuất sắc nhất của tuyển Liên Xô, bị theo sát suốt trận đấu nên không thể hiện được tài nghệ, bực bội nên đã tung cùi trỏ toàn lực vào người kèm anh. Vô tình, đòn đánh lại trúng vào mặt một cầu thủ Hung khác là Zádor Ervin ở bên cạnh, gây rách da và chảy máu dưới mắt, khiến cả bể đỏ ngầu vì máu.

« Cậu chảy máu rồi kia », đội trưởng tuyển Hung thốt lên, nhưng Zádor Ervin thản nhiên đáp, « tôi biết ». Khi phải ra khỏi bể vì vết thương, anh không vào ngay phòng thay đồ, mà còn diễu ngang qua khán đài, khiến đám đông bị kích động giận dữ, chửi bới, lăng mạ và muốn tấn công các cầu thủ Liên Xô, khiến trận đấu bị ngừng sớm một phút.

Cầu thủ bóng nước Hungary Zádor Ervin bị đả thương trong trận đấu với đội tuyển Liên Xô tại Melbourne 1956.
Cầu thủ bóng nước Hungary Zádor Ervin bị đả thương trong trận đấu với đội tuyển Liên Xô tại Melbourne 1956. © Ảnh chụp màn hình Youtube

Hình ảnh Zádor Ervin 21 tuổi với vết thương ở mặt, máu chảy ròng ròng lập tức được đăng tải trên mọi mặt báo quốc tế, khiến anh trở thành người anh hùng của cách mạng 1956. Tuyển Hungary, sau đó, chiến thắng Nam Tư trong trận chung kết, nhưng khi nhắc đến chiến công này, ai ai cũng chỉ nhớ tới trận « huyết chiến trong máu ».

Sau kỳ Thế vận, cùng 3 đồng đội, Zádor Ervin quyết định di tản chứ không trở về Hungary, khi đó nằm dưới ách xâm lược của Liên Xô. Tròn nửa thế kỷ sau, năm 2006, điện ảnh Hungary làm bộ phim « Tự do và tình yêu » (Szabadság, szerelem) lấy cảm hứng từ trận « huyết chiến », đồng thời nhớ lại những ngày sôi sục của cách mạng 1956.

Mêhicô 1968 : Nắm đấm giơ cao phản đối nạn kỳ thị sắc tộc ở Mỹ

Thế Vận Hội 1968 vẫn ghi đậm một dấu ấn lớn khó phai trong lịch sử, với nắm tay giơ cao của John Carlos và Tommie Smith trước 400 triệu khán giả. Một hành động đòi hỏi công bằng sắc tộc và tố cáo nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Nếu như các đời tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson đã cho dỡ bỏ các đạo luật kỳ thị chủng tộc, thì trên thực tế, tình trạng phân biệt sắc tộc vẫn tồn tại.

Nhà nghiên cứu Pascal Boniface nhắc lại, năm 1968, chính là năm ông Martin Luther King bị ám sát. Hành động giơ cao nắm đấm của Smith và Carlos cũng ngầm nhắc lại vụ ám sát này. 

« Smith và Carlos, người thứ nhất đoạt huy chương vàng và người thứ hai, huy chương đồng, trong cuộc đua nước rút. Nhưng điều còn gây sốc hơn nữa là chưa có ai từng sử dụng bục danh dự của Thế Vận Hội để bày tỏ một đòi hỏi vừa mạnh mẽ và công khai đến thế, nhất là vào thời điểm mới bắt đầu có phát sóng toàn cầu.

Người ta không còn phải xem phát lại các cuộc tranh tài nữa, mà là phát trực tiếp. Rất nhiều người không hoàn toàn nhận thức được về tình trạng của người da đen, hoặc nếu có thì là những thông tin không đầy đủ.

Và hành động này của hai vận động viên đã thu hút sự chú ý của những người đó. Đó là một cử chỉ ngoạn mục và chưa từng thấy, đánh động lương tâm và bằng chứng là ngay cả hiện nay, vào những ngày này, chúng ta vẫn nhớ đến cho dù chưa từng chứng kiến. »

John Carlos và Tommie Smith giơ cao nắm đấm trước 400 triệu khán giả tại Thế Vận Hội Mêhicô 1968.
John Carlos và Tommie Smith giơ cao nắm đấm trước 400 triệu khán giả tại Thế Vận Hội Mêhicô 1968. © Ảnh chụp màn hình Youtube (Brut)

Hành động dũng cảm này khiến cả hai vận động viên bị trả giá đắt. Họ bị tước huy chương và bị loại khỏi đoàn thể thao thế vận. Smith và Carlos bị cả CIO và Ủy Ban Olympic của Hoa Kỳ trừng phạt. Họ phải sống một cuộc sống ẩn dật như những người bị tội đày, bởi vì cả nước Mỹ đã chống lại họ và người da đen cảm thấy khó được lắng nghe. Mãi sau này, Smith và Carlos mới được phục hồi danh dự và trong năm 2020, tượng đài của họ được lập, phần nào thừa nhận đóng góp của hai vận động viên này trong cuộc chiến chống nạn kỳ thị chủng tộc.

Tokyo 2020, Mêhicô 1968, Melbourne 1956, Berlin 1936: Những mùa Thế Vận khó quên ! - Tạp chí đặc biệt (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten