Diện mạo mới của di sản công nghiệp Pháp : Nhà xưởng bỏ hoang thành điểm đến văn hoá
Đăng ngày:
Như nhiều quốc gia của châu Âu, chứng nhân lịch sử Pháp không chỉ nằm ở những lâu đài, thành quách xa hoa với đa dạng các phong cách kiến trúc. Thời kỳ Cách mạng công nghiệp và giai đoạn hưng thịnh « 30 năm huy hoàng » xây dựng lại sau Thế chiến cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Ứng xử với những di tích để lại luôn là một bài toán không đơn giản, mà đòi hỏi một quá trình nhận thức, định hướng để có được những lựa chọn hành động phù hợp.
Di sản công nghiệp và gần nửa thế kỷ khẳng định giá trị
Hình thành và lớn mạnh từ Cách mạng công nghiệp, các nhà máy, xí nghiệp của Pháp từng là hạt nhân mang lại sự thịnh vượng trong suốt hơn nửa đầu thế kỷ 20. Nhưng đến thập niên 70, các đô thị công nghiệp Pháp bắt đầu đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế bước ngoặt. Thời kỳ này đánh dấu những năm bản lề của nhiều thay đổi lớn trong cơ cấu kinh tế thế giới, khi công nghệ và kỹ thuật hiện đại đạt những nền móng đầu tiên, cùng với sự khởi đầu nền kinh tế toàn cầu hoá. Hàng loạt nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc, các đô thị đứng trước đòi hỏi phải đổi mới sâu sắc, chuyển hướng thế mạnh kinh tế. Nhiều công xưởng, xí nghiệp trải rộng trên hàng chục hecta, nếu không bị phá huỷ thì cũng bị bỏ hoang, trở nên điêu tàn.
Nhưng cũng chính vào những năm 60, nhận thức về vai trò lịch sử của các công trình công nghiệp được nhắc tới lần đầu tiên ở Anh - cái nôi của Cách mạng Công nghiệp châu Âu. Khái niệm « di sản công nghiệp » ra đời. Dần manh nha ở Pháp một thập kỷ sau đó, ý thức việc giữ gìn loại hình di sản này tuy muộn hơn ở Anh, nhưng lại có sức lan toả lớn. Nhiều tác nhân, từ sử gia đến các kiến trúc sư quan tâm đề cập, chính quyền cũng nhanh chóng có những động thái cụ thể để ghi nhận, gìn giữ. Nhờ việc sớm được xếp hạng công trình lịch sử, nhiều toà nhà đã tránh khỏi số phận bị san phẳng khi các dự án mới mọc lên.
Trong thập niên 80, bộ Văn Hoá Pháp liên tục có những chính sách và đóng vai trò tích cực, đẩy mạnh và khẳng định tầm quan trọng, giá trị của loại hình di sản này. Một bộ phận chuyên về di sản công nghiệp được thành lập trong Ban thống kê chung về các công trình lịch sử và kho tàng nghệ thuật của Pháp. Một mặt, cơ quan này thống kê, tổng kết vai trò của mỗi ngành nghề trong nền công nghiệp chung và đánh giá giá trị của các địa điểm cụ thể. Mặt khác, một số công cuộc « giải cứu » khẩn cấp các công trình có giá trị tiêu biểu cho những ngành công nghiệp đánh dấu lịch sử Pháp cũng được tiến hành. Chẳng hạn như một số địa điểm ngoại vi Paris, chứng tích của ngành công nghiệp chế tạo ô tô Pháp, hay hầm mỏ còn lại của khu công nghiệp khai thác than đá ở vùng Lorrain và Nord-Pas-de-Calais, mà sau này được Unesco xếp hạng di sản thế giới vào năm 2012.
Từ đó, chương trình thống kê và xây dựng hệ dữ liệu các di sản công nghiệp trên phạm vi toàn quốc được tiến hành và tiếp tục cập nhật đến tận ngày nay. Mục tiêu cung cấp một nền tảng hiểu biết và dữ liệu đầy đủ nhất có thể về loại hình di sản này, để công chúng có thể truy cập trên trang điện tử của bộ Văn Hoá Pháp. Nhưng những thống kê này chủ yếu phục vụ các nhà quản lý quy hoạch sở tại trong công tác định hướng phát triển địa phương. Nhận thức được giá trị di sản cần bảo tồn, các nhà quản lý sẽ nhìn thấy những cơ hội phát triển kinh tế đô thị phù hợp thời đại mới. Cùng với các nhà đầu tư và người thiết kế, những mô hình chuyển đổi chức năng đa dạng và mới lạ được khởi xướng. Những địa danh công nghiệp một thời được hồi sinh trong vai trò mới cũng không kém phần quan trọng. Trong đó, văn hoá là lựa chọn hàng đầu của nhiều địa phương.
Vùng Lille - từ thủ phủ công nghiệp may mặc đến thủ đô văn hoá châu Âu
Vùng Lille, trong đó có cả hai thành phố Tourcoing và Roubaix, nổi danh với công nghiệp dệt kim và may mặc. Trong giai đoạn Cách mạng công nghiệp giữa thế kỷ 19, ngành công nghiệp này phát triển rực rỡ, vùng Lille là một trong những công xưởng đầu tiên của thế giới. Đến những năm 30 của thế kỷ trước, may mặc và công nghiệp nặng vẫn là ngành mũi nhọn hàng đầu và còn đạt đỉnh cao thêm nhiều thập kỷ sau đó.
Chính vì vậy, sau giai đoạn thoái trào của công nghiệp, dù chuyển hướng nền kinh tế sang công nghệ thông tin và văn phòng, dấu vết của giai đoạn đô thị công nghiệp vẫn còn ở khắp nơi, với các khu đất rộng lớn bỏ hoang của các nhà máy, các toà nhà xí nghiệp cũ xuống cấp. Tiêu biểu như ở Roubaix, một thời được mệnh danh là « thành phố 1000 ống khói », các khu đất công nghiệp không còn hoạt động chiếm ¼ diện tích đất đai toàn thành phố. Trải qua nhiều thập kỷ, chính quyền và người dân quay lưng lại với những khu đất bị bỏ hoang, thậm chí muốn xoá sạch dấu vết của giai đoạn công nghiệp này.
Chỉ đến những năm 90, chính sách chung của vùng đô thị Lille mới thực sự khẳng định hướng đưa di sản công nghiệp thành bản sắc và thế mạnh phát triển, cùng với đó là tôn tạo và tái sử dụng những công trình công nghiệp. Từ định kiến là những khu nhà xây gạch đỏ gắn với hình ảnh của sự bần hàn và cực nhọc của tầng lớp công nhân, người dân chuyển sang tự hào về lịch sử và ký ức của thành phố. Ngay cả khi không bị buộc phải giữ gìn nguyên trạng, phương án phát triển theo hướng tái sử dụng công trình cũ thường được ưu tiên lựa chọn.
Quá trình chuyển hướng ứng xử với công trình công nghiệp đã diễn ra không dễ dàng. Nó là thành quả của rất nhiều chính sách từ trung ương đến địa phương, nhằm hạn chế phá dỡ và hỗ trợ kinh phí bảo tồn. Mặt khác, không kém phần quan trọng, là sự tác động vào dư luận kiểu bền bỉ « mưa dầm thấm lâu » của các sử gia, giảng viên, chuyên gia về di sản, kiến trúc quy hoạch. Bằng cách thu thập, truyền tải các giá trị và vai trò của di sản công nghiệp trong ký ức cộng đồng, họ đã dần tạo sự gắn bó tinh thần, niềm tự hào của người dân và các nhà quản lý với lịch sử công nghiệp của quê hương mình.
Theo đó, hàng loạt dự án làm mới đất công nghiệp bỏ hoang bằng văn hoá, nghệ thuật đã ra đời. Đầu tiên phải kể đến « la Condition publique » ở Roubaix - khu kho bãi và đóng gói nguyên vật liệu cũ, được chuyển đổi thành một trung tâm văn hoá, nhà triển lãm, biểu diễn, hội họp ... Để khẳng định mạnh mẽ hướng đi này, vào năm 2004 vùng Lille đã ứng cử và được chọn làm Thủ đô văn hoá châu Âu. Trọng tâm của dự án này là xây dựng mạng lưới công trình, tụ điểm văn hoá mang tên « Những ngôi nhà điên rồ », mà phần lớn là những công trình cải tạo từ nhà xưởng, kiến trúc thời kỳ công nghiệp. Đó là « ngôi nhà điên của những cối xay » tái sử dụng một xưởng sản xuát bia cũ, hay « Ngôi nhà điên ở Warsemmes » trong lớp vỏ của nhà máy dệt cũ. Đây là nơi tổ chức các buổi hoà nhạc, giao lưu và triển lãm, từ các loại hình nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, đến dạy làm vườn, học nấu ăn … Điều đáng chú ý là những địa điểm này nằm rải rác trong các khu phố bình dân, với mong muốn đưa các hoạt động nghệ thuật đến với những tầng lớp ít có điều kiện tiếp xúc nhất, đưa văn hoá làm cầu nối tăng sự trao đổi và gắn kết trong cộng đồng dân cư.
Nantes - di sản nghề cơ khí thành cốt lõi của những dự án táo bạo
Nantes là thành phố cảng thịnh vượng miền tây nước Pháp, từ thời kỳ giao thương hàng hải với các vùng thuộc địa thế kỷ 17-18, đến thời kỳ công nghiệp đóng tàu thế kỷ 19-20. Khủng hoảng hậu công nghiệp những năm 80 đẩy thủ phủ vùng Loire Atlantique đến một cú sốc lớn. Cựu thủ tướng Pháp, Jean-Marc Ayrault, lúc bấy giờ là thị trưởng mới nhận chức của thành phố, từng nói « sự đóng cửa những công trường (đóng tàu) là một vết thương lớn của Nantes, nhưng vận mệnh của thành phố được định đoạt ở chính nơi này ». Chiến lược chuyển đổi trọng tâm kinh tế từ công nghiệp đóng tàu suy yếu sang kinh tế sáng tạo, du lịch văn hoá đã được cụ thể hoá tại địa điểm gọi là « đảo Nantes ». Đây là khu đất rộng hơn 300 hecta đặt cảng đóng tàu và nhà xưởng giờ bỏ hoang của ngành công nghiệp một thời là « bộ mặt » của thành phố.
Điểm nhấn trọng tâm của hòn đảo là đại công xưởng máy móc với cái tên khô khan « les machines »- « những cỗ máy ». Đây là một dự án văn hoá du lịch đầy tham vọng và mộng mơ của thành phố cảng sông. Các cỗ máy được thiết kế với mục đích mô phỏng chính xác nhưng mềm mại nhất cơ chế vận động đa dạng của các loài động vật, côn trùng, chim muông và động vật biển. Các phương án động cơ cũng thể hiện sự sáng tạo tương ứng. Hai cốt lõi cơ bản của dự án này là « trí tưởng tượng của Jules Verne » và « những cỗ máy của De Vinci ».
Nhưng tất cả là nhằm phục vụ đại dự án « thành phố trên trời » - « cité-dans-le-ciel » dự kiến ra mắt vào năm 2022 với trung tâm là một cây đại thụ bằng thép cao hơn 30m và hệ thống vườn treo. Khách thăm quan sẽ được gặp các sinh vật đẽo bằng gỗ mềm mại chạy động cơ cơ khí này, như ngồi trên mình chú voi gỗ khổng lồ phun nước, xem con sâu đo trườn trên cành, được bay trong những cái nôi cắp bởi hai chú cò máy ... Trong thời đại kỹ thuật số, nơi điều khiển điện tử chiếm lĩnh, dự án này tưởng như lỗi mốt so với xu thế robot tối tân hay thực tế ảo ngày nay. Nhưng thành công bước đầu của dự án này đã minh chứng rằng vẻ đẹp của những cỗ máy áp dụng những nguyên lý động cơ cơ bản, dễ hiểu nhất lại hấp dẫn cả trẻ nhỏ và người lớn. Nhất là khi nó nằm ngay trên quê hương của nhà văn viễn tưởng Jules Verne.
Công xưởng sản xuất những cỗ máy - cũng là khu triển lãm - nằm tại chính khối nhà xưởng cũ. Dự án văn hoá nghệ thuật này dựa trên nền tảng nghề cơ khí đóng tàu lâu đời sẵn có, nay đã không còn chỗ đứng. Như vậy, không những di sản vật thể được tôn tạo, Nantes còn đi xa hơn một bước, đề cao giá trị và gìn giữ để nghề cơ khí truyền thống có được vị trí trong thời đại ngày nay. Không những mang lại lợi ích làm thay đổi bộ mặt thành phố mà còn tạo sức đẩy mới về kinh tế. Thành phố cũng tìm cho mình một thế mạnh mới bằng việc thu hút các ngành nghề sáng tạo, mở nhiều trường đào tạo nghệ thuật, công ty khởi nghiệp, xưởng sáng tác. Bên cạnh di sản công nghiệp cũ là những khu văn phòng, nhà ở, công trình kiến trúc tìm tòi những vật liệu mới, táo bạo, áp dụng những quan điểm thiết kế đô thị tiên phong nhất.
Những bến tàu cũ được tái thiết thành đường dạo bộ của công viên, các cỗ máy hay đường ray được giữ nguyên và trở thành một phần của cảnh quan, những cần cẩu hàng trở thành tượng đài điểm nhấn và cũng còn vài tàu chiến cũ đậu bên bờ sông. Tất cả nhắc một quá khứ chưa xa của thành phố cảng. Nhưng điều có lẽ in đậm trong tâm trí du khách nhất, lại là khung cảnh thị dân hóng gió trên thảm cỏ, thư thái ngắm nhìn bến cảng thành phố của mình đổi thay, lũ trẻ chạy nhảy, xa xa là một ban nhạc rock trẻ luyện hát bên bờ kè, còn trong các xưởng nghệ thuật mấy nhóm thanh niên đang cắm cúi làm việc. Người ta thấy một thành phố đầy tương lai, sôi động vừa đủ mà có một môi trường sống thanh bình. Ở đây, lịch sử vẫn hiện diện khắp nơi, giữa một khu đô thị đầy sức trẻ.
Khắp nơi trên cả nước, từ Paris đến các tỉnh thành, không thiếu những công trình văn hoá cải tạo từ nhà xưởng như thế. Một mặt, chúng gây kinh ngạc và hấp dẫn cho khách thăm quan bởi sự hồi sinh ngoạn mục. Nhưng mặt khác, với những cư dân, không gì ý nghĩa hơn là những chồng lớp lịch sử và ký ức được lưu giữ trong một công trình văn hoá. Nhất là khi nó được truyền lại cho những thế hệ cháu con, để một lần nữa, chúng lại lớn lên và tiếp nối ký ức ấy, theo một cách riêng trong nhịp sống của thời đại mình. Trên tầm nhìn tổng quan, bộ mặt của thành phố được nâng tầm nhờ bệ đỡ của thành tựu quá khứ, tiếp tục giàu thêm những bản sắc văn hoá. Nhưng quan trọng hơn cả, các chính sách bảo vệ và tái sử dụng di sản, chỉ có ý nghĩa và thành công, khi chính người dân được thụ hưởng, thấy gắn bó và tự hào, để chính họ trở thành những tác nhân gìn giữ di sản của quê hương mình.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten