donderdag 3 juni 2021

COVID-19: VN sẽ có 120 triệu liều vắc-xin; chương trình quyên góp gây tranh cãi + 36 đơn vị được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine ngừa COVID-19

 

COVID-19: VN sẽ có 120 triệu liều vắc-xin; chương trình quyên góp gây tranh cãi


Bộ Y tế Việt Nam nói hôm 3/6 sẽ có 120 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 trong năm 2021.

Bộ Y tế Việt Nam cho biết hôm 3/6 rằng cả nước sẽ có 120 triệu liều vắc-xin ngừa COVID-19 từ nhiều nguồn trong năm nay. Thông tin được đưa ra giữa lúc có những ý kiến trái chiều nhau về chương trình của nhà nước kêu gọi người dân, doanh nghiệp đóng góp cho quỹ mua vắc-xin.

Trang web của Bộ Y tế nói rằng “Dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vắc xin phòng COVID-19”, trong đó, nhiều nhất là từ chương trình quốc tế COVAX Facility, với gần 39 triệu liều được tài trợ miễn phí.

Tiếp đến là 31 triệu liều mua của Pfizer/BioNTtech và 30 triệu liều của AstraZeneca. Bên cạnh đó là 20 triệu liều Sputnik V của Nga.

Bản tin của Bộ Y tế dẫn lời người đứng đầu bộ, ông Nguyễn Thanh Long, nói rằng ngay từ tháng 5/2020, bộ và các cơ quan liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc-xin phòng COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long được trích lời nói rằng Việt Nam đang dần tiến đến mục tiêu “mua đủ 150 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 trong năm 2021 để tiêm chủng cho 75% dân số”.

Vẫn vị bộ trưởng cho biết thêm rằng bộ của ông hiện đang “tích cực đàm phán tiếp tục để tăng thêm nguồn cung ứng vắc-xin cho Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 đầu năm 2022”.

Thông báo của Bộ Y tế về 120 triệu liều vắc-xin được công bố giữa lúc nhiều doanh nghiệp và người dân tiếp tục đóng góp những số tiền lớn nhỏ cho Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam. Quỹ được thành lập hôm 26/5 với một quyết định của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đến ngày 2/6, Bộ Tài chính báo cáo quỹ này nhận được 16.000 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và hàng trăm tỉ đồng từ các cá nhân, tổ chức, một bản tin của báo Thanh Niên cho hay.

Việt Nam tiêm ngừa Covid-19 cho các nhân viên y tế hồi giữa tháng 5.
Việt Nam tiêm ngừa Covid-19 cho các nhân viên y tế hồi giữa tháng 5.

Tuy nhiên, số tiền đó chưa đủ để bảo đảm về kinh phí cho việc mua và tiêm vắc-xin vì phải cần đến khoảng 25.200 tỉ đồng mới đủ để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người.

Cũng như nhiều bạn bè, tôi cảm thấy thôi thúc và có trách nhiệm đóng góp cho quỹ vắc-xin của Việt Nam.
ông Nguyễn Đức Hùng, Hà Nội


Theo Bộ Tài chính, được Thanh Niên trích dẫn lại, ngoài 16.000 tỉ đồng của trung ương, quỹ vẫn cần đóng góp từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức và người dân lên đến khoảng 9.200 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Hùng, giám đốc một doanh nghiệp nhỏ ở Hà Nội, vừa gửi 100 triệu đồng đến quỹ và nói với VOA ông ủng hộ lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính về đóng góp bằng nhiều hình thức cho quỹ vắc-xin.

Doanh nhân này cho biết thêm một điều thú vị đằng sau số tiền mà gia đình ông đóng góp:

“Hôm qua là sinh nhật con trai, con nói với tôi ‘Sinh nhật, con tặng bố mẹ 100 triệu’. Tôi hỏi lại ‘Con làm sao có tiền mà cho bố mẹ?’. Con trả lời là ‘Con được học bổng trường cấp là 3.000 bảng Anh, tương đương 100 triệu’. Tôi nghĩ, mình đã chuẩn bị số tiền đóng học cho con, bây giờ mình không phải đóng số tiền đấy nữa, tôi bàn với vợ và con, cả hai đều đồng ý góp số tiền đấy cho quỹ vắc xin”.

Ông Hùng nói thêm rằng cũng như nhiều bạn bè, ông cảm thấy thôi thúc và có trách nhiệm đóng góp cho quỹ.

Nữ doanh nhân Lê Hoài Anh ở thành phố Hồ Chí Minh, người nổi tiếng bộc trực, thường xuyên bình luận, phản biện về các vấn đề chính trị, xã hội ở Việt Nam, cũng công bố trên trang cá nhân hôm 3/6 rằng bà đóng góp 100 triệu đồng vào quỹ của chính phủ để phòng chống dịch và mua vắc-xin cho người nghèo.

“Khi gian khó mới biết lòng con có hiếu! Tổ quốc lâm nguy mới biết kẻ trung thành!”, bà Hoài Anh viết trên Facebook cá nhân.

Bà cho biết thêm có thể sẽ còn đóng góp nữa và các công ty của bà sẽ đăng ký trả tiền tiêm vắc-xin cho mọi người lao động thuộc các công ty đó để góp phần giảm gánh nặng cho chính phủ. Nữ doanh nhân đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp khác làm điều tương tự.

Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, cũng có những ý kiến trái chiều về việc chính phủ lập quỹ vắc-xin và kêu gọi đóng góp.

Ông Toản, người giữ vị trí quản lý tại một công ty nước ngoài, không muốn nêu đầy đủ danh tính, nói với VOA:

“Họ [chính phủ] lợi dụng tình hình, kêu gọi lập ra một cái quỹ để họ lại như mọi lần, như các quỹ khác thôi. Tôi có rất ít lòng tin là số tiền ủng hộ của đồng bào sẽ tới với những người thực sự cần. Từ trước đến nay chúng tôi không có nhiều lòng tin vào các quỹ của nhà nước. Các quỹ này do các hội đoàn điều hành, tuy nhiên không có sự minh bạch từ trước đến nay. Tôi sẽ không ủng hộ”.

Xe chuyên dụng phun thuốc khử trùng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/6/2021, Vietnam June 1, 2021.
Xe chuyên dụng phun thuốc khử trùng ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/6/2021, Vietnam June 1, 2021.

Ông cho biết bản thân ông và nhiều người sẵn sàng tự bỏ tiền ra chi trả cho việc tiêm vắc-xin và đóng góp thêm để giúp đỡ những người khác không có điều kiện bằng, nhưng cần phải có sự minh bạch của các cơ quan, tổ chức quản lý số tiền quyên góp được.

Công dân này cũng than phiền rằng hàng ngày nhà nước gửi ra quá nhiều lời kêu gọi đóng góp trên mọi phương tiện mà nhà nước quản lý, gồm cả thông điệp qua điện thoại di động lẫn trên các kênh truyền thông.

Trên mạng xã hội, nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân lương tâm hiện sống lưu vong ở Đức, đặt câu hỏi rằng một phó thủ tướng Việt Nam từng khẳng định chính phủ không thiếu tiền bảo vệ sức khỏe và đời sống nhân dân, vậy tại sao chính phủ nhắn tin xin tiền của người dân trong khi dân đang sống lay lắt.

Ông Đài cũng so sánh rằng ở một số nước tư bản, chính phủ cho tiền để người dân đi tiêm vắc-xin, trong khi ở đất nước độc tài cộng sản, người dân phải góp tiền mua vắc-xin, và ông Đài bày tỏ lời cảm thán “Khổ dân Việt Nam quá!”.

Điều đó không chấp nhận được, các cụ già kia là đối tượng cần được hỗ trợ, trẻ em 4, 5 tuổi lại càng cần hơn. Những tuyên truyền như thế rất phản cảm, vô nhân tính.
ông Toản, người dân Hà Nội


Từ trong nước, ông Toản, nhân viên của hãng nước ngoài không muốn lộ danh tính, bình luận với VOA về việc báo chí trong nước ca ngợi tấm gương là các cụ già hoặc trẻ em đóng góp tiền cho quỹ vắc-xin:

“Điều đó không chấp nhận được, các cụ già kia là đối tượng cần được hỗ trợ, trẻ em 4, 5 tuổi lại càng cần hơn. Những tuyên truyền như thế rất phản cảm, vô nhân tính”.

Ở phía ngược lại, doanh nhân Nguyễn Đức Hùng nói với VOA rằng giữa lúc đại dịch gây ra nhiều khó khăn, việc nhà nước kêu gọi người dân đóng góp là điều bình thường.

Về phần mình, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh đưa ra quan điểm trên trang cá nhân: “Hơn bao giờ hết, chúng ta hãy yêu thương, đùm bọc lẫn nhau làm những chuyện ý nghĩa, chung tay với chính phủ để đất nước thương yêu của chúng ta sớm vượt qua đại dịch này”.


Bộ Y tế nói đặt mua được 170 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhà sản xuất không đảm bảo giao đúng tiến độ

Bộ Y tế nói đặt mua được 170 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhà sản xuất không đảm bảo giao đúng tiến độHình minh hoạ. Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer-BioNTech
 Reuters

Bộ Y tế Việt Nam vào chiều ngày 3/6 cho biết Việt Nam đã đàm phán được 170 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho năm 2021 nhưng Việt Nam phải chấp nhận điều khoản là nhà sản xuất có thể không giao hàng đúng tiến độ.

Báo Vnexpress trích lời Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại buổi họp báo ngày 3/6 rằng: “Về cơ bản, Việt Nam đã tiếp cận được số lượng này. Nhưng khi đàm phán nhập khẩu chúng ta phải ký cam kết với nhà sản xuất miễn trừ trách nhiệm nếu có sự cố trong quá trình sử dụng vaccine. Tất cả công ty đều buộc Việt Nam phải chấp nhận điều khoản có thể không giao hàng đúng tiến độ”.

Trước đó, Bộ Y tế cho biết Bộ này được giao nhiệm vụ phải nhập 150 triệu liều vaccine ngừa COVID để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên trong năm 2021.

Cho đến lúc này, Việt Nam đã nhập khoảng 2,6 triệu liều vaccine, chủ yếu là qua chương trình COVAX toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho báo chí biết, phần lớn vaccine sẽ về Việt Nam trong tháng 8 năm nay, trong đó, vaccine của hãng Pfizer về vào quý 3 là 15 triệu liều và quý 4 là 15 triệu liều.

Ông Cường cũng cho biết do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nên có một số trường hợp vaccine dự kiến chuyển về Việt Nam, nhưng sau đó phải chuyển sang nước khác như Lào, Campuchia, khi dịch bệnh ở hai nước này lan rộng.

Việt Nam hiện đang phải đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4. Đợt dịch này đã khiến số ca nhiễm bệnh lên đến hơn 4.900 ca, cao hơn gấp ba lần so với tổng số ca nhiễm trong ba đợt trước đó từ tháng 1/2020.

Việt Nam hiện cũng là nước có tỷ lệ người dân được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á với chỉ khoảng 1% dân số được tiêm, chủ yếu là những người làm việc ở tuyến đầu phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi người dân, doanh nghiệp tham gia đóng góp quỹ mua vaccine ngừa COVID-19.

Theo Bộ Tài chính, để nhập 150 triệu liều vaccine, Việt Nam cần một quỹ khoảng 25.000 tỷ đồng. Bộ Tài Chính cho biết,  các doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước cam kết sẽ ủng hộ cho quỹ khoảng 2.000 tỷ đồng.

Bộ Y tế nói đặt mua được 170 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, nhà sản xuất không đảm bảo giao đúng tiến độ — Tiếng Việt (rfa.org)


36 đơn vị được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine ngừa COVID-19

36 đơn vị được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine ngừa COVID-1936 công ty, doanh nghiệp tại VN được phép nhập khẩu vaccine COVID-19 (Hình minh hoạ)
AFP

Bộ Y tế Việt Nam vừa công bố danh sách 36 công ty, doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh nhập khẩu vaccine ngừa COVID-19. Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 2 tháng 6.

Theo đó, Bộ Y tế đã cấp phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vaccine, kinh doanh dịch vụ bảo đảm vaccine ngừa COVID-19 cho 36 đơn vị đang hoạt động tại Việt Nam, có thể kể đến như:  Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dược Sài Gòn; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pharma Việt Nam; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Thành phố Hồ Chí Minh; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên vaccine và sinh phẩm số 1, Hà Nội; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sanofi-Aventis Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pfizer (Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Johnson & Johnson (Việt Nam); Công ty Trách nhiệm hữu hạn AstraZeneca Việt Nam.v.v.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc cấp phép này nhằm để có nguồn vaccine sử dụng cho người dân VN nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.

Ông Long cũng khẳng định Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, tuy nhiên ông cũng lưu ý các địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp nên làm việc trực tiếp với nhà sản xuất vaccine hoặc đơn vị được nhà sản xuất ủy quyền, không nên qua bên thứ ba, để tránh nguy cơ mua phải vaccine giả mạo hoặc bị lừa đảo như tổ chức Interpol đã cảnh báo.

Việt Nam đến nay đã nhận được gần 2,6 triệu liều vắc xin COVID-19 từ COVAX Facility trên tổng số gần 39 triệu liều mà COVAX thông báo tài trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

36 đơn vị được cấp phép nhập khẩu, kinh doanh vaccine ngừa COVID-19 — Tiếng Việt (rfa.org)


Geen opmerkingen:

Een reactie posten