Đàn áp tại Tân Cương: Ân Xá Quốc Tế tố cáo Bắc Kinh phạm tội ác chống nhân loại
Đăng ngày:
Trong một bản báo cáo công bố vào hôm qua, 10/06/2021, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International đã tố cáo chính sách đàn áp thô bạo của Trung Quốc nhắm vào người Hồi Giáo tại Tân Cương. Đối với Ân Xá Quốc Tế, những biện pháp khắc nghiệt được áp dụng “đồng dạng với tội ác chống nhân loại”.
Theo ghi nhận của Ân Xá Quốc Tế, tại vùng Tân Cương (Trung Quốc) đã có hàng trăm ngàn người Hồi Giáo, cả nam lẫn nữ, từ người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan, cho đến những nhóm thiểu số khác, đã bị giam giữ tập thể và tra tấn, trong bối cảnh hàng triệu người Hồi Giáo bị giám sát một cách triệt để.
Trong bản báo cáo dày 160 trang, mang tựa đề “Cứ như chúng tôi là kẻ thù trong chiến tranh - Tình trạng giam cầm, tra tấn và truy bức trên quy mô hàng loạt nhắm vào người Hồi Giáo Tân Cương” (tựa đề tiếng Anh: "Like We Were Enemies in a War": China’s Mass Internment, Torture, and Persecution of Muslims in Xinjiang) - tổ chức Amnesty International đã công bố lời chứng chưa từng được tiết lộ của hơn 50 người từng bị cầm giữ trong các trại giam, mô tả những biện pháp cực kỳ khắc nghiệt mà Bắc Kinh đã dùng từ năm 2017 để xóa bỏ các truyền thống tôn giáo, văn hóa và ngôn ngữ của các nhóm Hồi Giáo trong vùng, cũng như đàn áp các sắc dân thiểu số địa phương.
Theo Ân Xá Quốc Tế, dưới chiêu bài “chống khủng bố”, các hành vi tội ác này nhắm vào các cộng đồng thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, người Hồi, người Kirghistan, Uzbekistan và Tadjikistan. Báo cáo đặc biệt nêu chi tiết về các nỗ lực trên quy mô rộng lớn của chính quyền Trung Quốc nhằm che giấu tội trạng của mình.
Đối với Amnesty International, các hành động của chính quyền Trung Quốc chống lại các sắc dân thiểu số trong nước là những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng “đồng dạng với các tội ác chống nhân loại”.
Liên Hiệp Quốc từng cho rằng có đến 1,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam trong các trại cải tạo tại Trung Quốc mà Bắc Kinh khẳng định là những trung tâm huấn nghệ. Trong thời gian gần đây, Liên Hiệp Châu Âu cùng với Anh Quốc, Mỹ và Canada đã có những biện pháp trừng phạt Trung Quốc về vấn đề Tân Cương.
Đàn áp tại Tân Cương: Ân Xá Quốc Tế tố cáo Bắc Kinh phạm tội ác chống nhân loại (rfi.fr)
Trung Quốc : Trong địa ngục cải tạo Tân Cương
Đăng ngày:
Một trong những chỉ thị mật là « xác của các tù nhân chết trong trại phải được thủ tiêu không để lại dấu vết ». Các « học viên » cải tạo được răn đe là chống đối chỉ vô ích, trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ thống trị thế giới. Lớp tinh hoa Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh thanh trừng tàn bạo : gần 2.000 trí thức, chức sắc tôn giáo và doanh nhân đã bị bắt và lãnh những bản án nặng nề.
Hôm nay 24/05/2021 là ngày nghỉ lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, các báo Pháp đều nghỉ, chỉ có duy nhất tờ Le Figaro xuất bản với tựa trang nhất « Cảnh sát bất lực trước nạn đua xe ». Le Monde ra số đúp từ cuối tuần trước, với chủ đề « Covid làm 6 đến 8 triệu người chết, theo Tổ chức Y tế Thế giới ».
Về châu Á, trong bài « Tại Tân Cương, trong địa ngục trại cải tạo », một cựu giáo viên thuật lại với Le Monde những điều khủng khiếp mà Bắc Kinh buộc người Duy Ngô Nhĩ và người Kazakhstan ở vùng này phải chịu đựng.
Ác mộng về Tân Cương
Đó là một thế giới với những cuộc bố ráp vào nửa đêm, những công an mũ đen trùm kín đầu, những con người bị thương tích cả thể xác lẫn tinh thần…Bà Sayragul Sauytbay, 44 tuổi, hiệu trưởng một trường học ở Tân Cương là người Kazakhstan và là đảng viên, trong năm tháng trời phải phụ trách việc « đào tạo » những tù nhân Kazakhstan và Duy Ngô Nhĩ trong một trại tập trung bí mật ở quận Mongolkure phía tây Tân Cương, gần biên giới với Kazakhstan từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2018.
Hôm 10/05, Sayragul có cuộc trao đổi với Le Monde khi đến Paris giới thiệu bản tiếng Pháp của cuốn sách mà bà là đồng tác giả với một nhà báo Đức, « Buộc phải lưu vong : Lời chứng của một người sống sót trong địa ngục cải tạo Trung Quốc ». Bà cho biết đến nay vẫn liên tục gặp ác mộng. « Tôi chỉ ngủ ba, bốn tiếng đồng hồ ban đêm, đôi khi mơ thấy khuôn mặt của những tù nhân cải tạo, họ giơ tay về phía tôi cầu cứu nhưng tôi chẳng bao giờ kéo họ ra được ».
Sayragul Sauytbay lãnh đạo năm trường mẫu giáo ở Mongolkure vào lúc Bắc Kinh bắt đầu ra tay đàn áp Tân Cương, nhất là khi Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) được cử về làm bí thư tháng 8/2016. Gia đình bà từ nhiều năm qua đã muốn di cư sang Kazakhstan, nhưng chỉ có người chồng và hai con được cấp hộ chiếu, bà vì là công chức nên phải ở lại.
Một buổi tối tháng 11/2016, bà cùng với 200 đảng viên người Kazakhstan và Duy Ngô Nhĩ khác được triệu tập để các quan chức người Hán giới thiệu chương trình « tiêu diệt cực đoan » thông qua cải tạo. Sayragul được giao nhiều công tác khác nhau, từ kiểm soát các căn hộ của khoảng 100 người, ghi chép tất cả những dấu hiệu liên quan đến tôn giáo và quan hệ với nước ngoài. Có lần bà được lệnh báo cáo những ai từng đóng góp tiền để xây đền thờ Hồi giáo – một việc bình thường lâu nay – nhưng không biết rằng sau đó họ phải đi cải tạo.
Những cuộc bố ráp lúc nửa đêm và chiếc mũ trùm đầu
Những trạm kiểm soát, đồn công an mọc lên ở khắp Tân Cương, người dân ngày đêm phải thực tập « chống khủng bố ». Một đêm tháng 3/2017, bà bị công an đến nhà, chụp chiếc mũ trùm màu đen lên đầu rồi đưa đi thẩm vấn về người chồng ở Kazakhstan, việc này diễn ra liên tục sau đó.
Tháng 11/2017, bà được công an triệu tập lúc nửa đêm rồi bị trùm đầu đưa đi, đến 3 giờ sáng được thông báo sẽ là « giáo viên » trong trại cải tạo. Sayragul phải ký giấy cam kết không được tiết lộ bất cứ điều gì, nếu không sẽ bị tử hình. Những người vũ trang mặc quân phục kiểm soát trại, các sĩ quan cao cấp « chụp những chiếc mũ trùm đầu màu đen như bọn ăn trộm ». Camera giám sát được bố trí khắp nơi.
Bảy giờ sáng, bà được đưa đến lớp, kèm giữa hai quản giáo vũ trang, và đó là cú sốc : 56 « học viên » với « mắt bầm đen, tay bị thương tích, những vết bầm trên da, quần áo bẩn thỉu vấy máu », trong đó có những người trí thức, cán bộ lẫn nông dân. Các bài giảng được kiểm soát chặt chẽ, Sayragul có lần bị tra tấn vì giúp đỡ một phụ nữ Kazakhstan đang tuyệt vọng. Sự kiện làm bà bị khủng hoảng là vụ những người trùm kín đầu hãm hiếp một nữ tù trẻ tại một gian phòng có 200 tù nhân và nhân viên. Thiếu nữ này phạm « tội » cách đây vài năm có gởi tin nhắn cho một cô bạn chúc mừng lễ hội tôn giáo.
Chỉ thị mật và kế hoạch phủ « giấc mơ Trung Hoa » lên thế giới
Các « giáo viên » thường xuyên được triệu tập để nghe đọc những chỉ thị mật mà sau đó bị tiêu hủy, một trong số đó là « xác của các tù nhân chết trong trại phải được thủ tiêu không để lại dấu vết ».
Họ còn được nghe trích đoạn một kế hoạch gồm ba giai đoạn. Thời kỳ 2014-2025 là giai đoạn đồng hóa và trừ khử những ai chống đối, trước hết là « bọn khủng bố Duy Ngô Nhĩ » ở phía nam Tân Cương vào 2014, rồi đến khu vực người Kazakhstan phía bắc kể từ 2016. Giai đoạn thứ hai từ 2025-2035 dự kiến mở rộng quyền lực tiệm tiến sang Kyrgyzstan, Kazakhstan và những nước láng giềng với Trung Quốc thông qua « Con đường tơ lụa mới ». Giai đoạn ba 2035-2055, mở rộng « giấc mơ Trung Hoa » sang châu Âu.
Các « giáo viên » phải truyền đạt cho « học viên » bằng ngôn ngữ giản đơn, mục đích là cho họ hiểu đừng chống đối vô ích, trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ thống trị thế giới. Khoảng 2.500 học viên luôn phải ca ngợi vinh quang của đảng, và bày tỏ lòng « kính yêu » với Tập Cận Bình, mong ngài tổng bí thư « sống mãi » trong sự nghiệp của Trung Quốc vĩ đại. Chi tiết này phù hợp với chuyện kể của năm, sáu người sống sót khác mà Le Monde có được từ 2018.
Đến tháng 3/2018, Sayragul được gởi trả về trường và yêu cầu từ chức, công an lại đến nhà buộc phải lôi kéo người chồng về Tân Cương, nếu không chính bà sẽ bị cải tạo. Sayragul trốn thoát được nhờ hối lộ để trốn sang Kazakhstan và nay tị nạn chính trị ở Thụy Điển. Qua những mối liên hệ bà biết được những lễ hội được tổ chức lại, có lẽ để chuẩn bị cho những phái đoàn ngoại quốc đến thăm Tân Cương, nhưng những trại cải tạo dưới lòng đất sắp được xây dựng.
Giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh thanh trừng tàn bạo
Cũng theo Le Monde, giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ bị Bắc Kinh thanh trừng tàn bạo. Hàng trăm trí thức, chức sắc tôn giáo và doanh nhân đã bị bắt và lãnh những bản án nặng nề kể từ năm 2016.
Rayhan Asat, một luật sư người Duy Ngô Nhĩ sống tại Washington mãi đến cuối 2020 mới biết người anh là Ekpar Asat, bị mất tích từ tháng 3/2016, đã bị kết án 15 năm tù tại Tân Cương. Doanh nhân 35 tuổi này là chủ một nền tảng đa phương tiện ở Urumqi tên là Bagdax, chuyên phát nhạc và các tin tức dịch từ tiếng Hoa. Đến Mỹ ba tuần trong khuôn khổ International Visitor Leadership, một chương trình của bộ Ngoại Giao dành cho những khuôn mặt hứa hẹn trong giới kinh doanh và chính trị, anh biến mất khi trở về Hoa lục.
Ba năm sau, bị các thượng nghị sĩ Mỹ chất vấn, rốt cuộc đại sứ quán Trung Quốc mới cho biết Ekpar bị tù vì « kích động thù hận », và sau đó nói rằng anh « xúi giục ly khai ». Đến tháng Hai năm nay, cha mẹ Asat, đảng viên hưu trí mới được nói chuyện với con trai lần đầu qua video ba phút. Anh chỉ còn là một cái bóng đầy vẻ đau khổ, xanh xao với những vết bầm trên mặt, sụt mất nhiều ký, bị biệt giam.
Đốt sách, tống giam những khuôn mặt nhiều ảnh hưởng
Ekpar Asat vốn là khuôn mặt đang lên ở Tân Cương. Trước chuyến đi Mỹ, anh từng tổ chức một cuộc thi đấu quyền Anh giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, với sự cho phép của chính quyền. Anh thậm chí còn là một trong những khách mời Duy Ngô Nhĩ hiếm hoi được chính thức dự gala Tết âm lịch tháng 2/2016. Theo nhà ngôn ngữ học Abduweli Ayup, các vụ bắt bớ này là cuộc tấn công phủ đầu vào những khuôn mặt của giới tinh hoa Duy Ngô Nhĩ. Đã có 382 trí thức, 630 tu sĩ và 841 doanh nhân bị kết án hầu hết là tù giam.
Bản thân ông Ayup từng bị bắt và bị tù 18 tháng, hiện tị nạn ở Na Uy, cho biết trang web của Ekpar là không gian tranh luận nhiều ảnh hưởng. Một trường hợp khác là Ahtam Omer, tác giả tập truyện ngắn Qarchigha Bailisi (Người con của đại bàng), bị bắt từ 2017 nhưng người thân gần đây mới biết ông đã bị kết án 20 năm tù. Tác phẩm của nhà văn Duy Ngô Nhĩ nổi tiếng này được một nhà xuất bản chính thức ấn hành, đã bị tịch thu và nằm trong số những cuốn sách bị đốt công khai để làm gương.
Còn Halmurat Ghopur, cựu hiệu trưởng một đại học Y ở Urumqi, một trong những người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên du học ở Nga và đã viết sách cổ vũ lớp trẻ học hỏi, bị bắt năm 2017 và bị lãnh án tử hình với hai năm được « treo ». Đối với thân nhân và đồng nghiệp đang lưu vong, tất cả những bản án nặng nề này đều tùy tiện.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten