dinsdag 8 december 2020

Thịt nhân tạo: Loại thịt của thế giới tương lai ? [vấn đề là... có ngon không ? ]

 

Thịt nhân tạo: Loại thịt của thế giới tương lai ?

Thịt nhân tạo do công ty Eat Just sản xuất.
Thịt nhân tạo do công ty Eat Just sản xuất. via REUTERS - EAT JUST, INC
Thùy Dương
10 phút

Ngày 02/12/2020, Singapore đã là nước đầu tiên chính thức cho phép bán sản phẩm có thịt nhân tạo. Thịt nhân tạo được kỳ vọng là một loại thực phẩm tương lai bổ sung hoặc thay thế cho các loại thịt gà, bò, heo trong bối cảnh dân số thế giới không ngừng gia tăng.

Trong những năm qua, ngành công nghệ sinh học điều chế thịt nhân tạo đã thu hút được sự quan tâm của giới khoa học, các tập đoàn đa quốc gia như Google, kể cả các tỉ phú như Bill Gates … Quyết định của Singapore có lẽ sẽ càng thúc đẩy giới công nghiệp thực phẩm đầu tư vào thịt nhân tạo.

Thịt nuôi cấy và ngành nông nghiệp tế bào

Trước đây, có một số phương pháp điều chế thịt nhân tạo từ protein côn trùng và nhất là protein thực vật, chẳng hạn thịt bò steak từ protein lúa mì, khoai tây, đậu nành, đậu xanh, cùi dừa hoặc từ proteine côn trùng, nhưng khó tạo ra mùi vị, kết cấu như thịt thông thường và cũng vì nhiều lý do văn hóa mà các loại thịt nhân tạo theo phương pháp đó không mấy hấp dẫn công chúng.

Nay phương pháp điều chế thịt nhân tạo thường dựa vào việc phân tách tế bào gốc lấy từ cơ bắp của con vật trưởng thành. Được nuôi cấy trong ống nghiệm hay lò phản ứng sinh học vô trùng có chứa dưỡng chất dưới dạng lỏng, các tế bào gốc được kích thích bởi các yếu tố tăng trưởng, sẽ sinh sôi mạnh mẽ. Sau đó, chúng được biến đổi thành các tế bào cơ, rồi được tập hợp cơ học thành mô cơ, rồi thành miếng thịt bò steak hay miếng nugget (thịt viên) nhân tạo…

Vì được nuối cấy nhờ công nghệ sinh học nên thịt nuôi cấy còn được gọi là thịt công nghệ cao, thịt tổng hợp. Nhiều người còn nói đến sự ra đời và phát triển của một ngành « nông nghiệp tế bào ».

Từ điều không tưởng thành sáng chế cho tương lai

Từng được coi là « một điều không tưởng », thịt nuôi cấy lần đầu xuất hiện cách nay 7 năm. Vào năm 2013, giáo sư Mark Post, Đại học Maastricht, Hà Lan, đã giới thiệu chiếc bánh kẹp hamburger đầu tiên với thịt bò nhân tạo. Kể từ đó, « loại thịt mà không phải là thịt, không cần qua chăn nuôi, giết mổ gia súc » được giới bảo vệ động vật và nhất là giới công nghiệp chế biến thực phẩm rất quan tâm.

Hiện nay có vài chục công ty khởi nghiệp, nhất là ở California, Mỹ, như Impossible Foods, trụ sở tại Readwood City, Memphis Meats (Berkeley), đang nghiên cứu để cho ra đời các loại thịt nuôi cấy, nhưng tất cả mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Rất nhiều công ty khởi nghiệp được các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm tài trợ để phát triển thịt nuôi cấy, với tham vọng sau năm 2020 hoặc 2022 sẽ xuất ra thị trường các loại thịt bò, thịt gia cầm và cá nhân tạo với giá phải chăng. 

Hiện giờ chi phí sản xuất thịt nhân tạo vẫn rất cao. Nhiều nhà quan sát cho rằng thịt nhân tạo quá đắt và sẽ khó cạnh tranh với thịt thông thường. Một phát ngôn viên của Eat Just, trụ sở tại San Francisco, công ty nghiên cứu phát triển thịt nuối cấy từ nhiều năm qua, và mới được chính quyền Singapore cấp phép bán nugget gà ( gà viên ) từ thịt nhân tạo, cho AFP biết là trong thời gian đầu, nugget của Eat Just sẽ được bán với giá cao tương đương với món thịt gà chất lượng cao trong một nhà hàng sang trọng. Còn theo các nhà phân tích của hãng Anh Quốc về nghiên cứu kinh tế, IDTechEx, hồi năm 2019, Eat Just cho biết chi phí sản xuất là 50 đô la/miếng nugget, nhưng khi đi vào sản xuất đại trà, giá thành sản phẩm chắc chắn sẽ giảm nhiều. 

Thịt sạch - thịt bẩn

Vì được nuối cấy trong phòng thí nghiệm, trong « lò phản ứng sinh học », nên thịt nhân tạo thường được ca tụng là « thịt sạch ». Nhưng không chỉ có vậy ! Nhìn từ khía cạnh đạo đức, giới bảo vệ động vật, đấu tranh chống ngành công nghiệp chăn nuôi giết mổ gia súc dùng từ « thịt sạch » để đối chọi với thịt từ chăn nuôi công nghiệp và giết mổ gia súc, vốn dĩ bị họ chỉ trích là « bẩn ».

Thịt nuôi cấy được ca ngợi là « thịt sạch » còn bởi vì theo các nhà nghiên cứu và giới bảo vệ môi trường, đó là loại thịt « ít tàn phá môi trường ». Hiện nay ngành chăn nuôi công nghiệp, nhất là nuôi bò lấy thịt, bị coi là đã góp phần hủy hoại nghiêm trọng môi trường sinh thái, là nguồn thải khí methane, một trong những khí gây hiệu ứng nhà kinh.

Theo Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO, ngành công nghiệp sản xuất thịt thông thường sản sinh 18% tổng lượng khí ga gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, sử dụng 30% tổng diện tích đất và tiêu thụ 8% nước trên Trái đất. Tại một số nước như Brazil, để lấy đất phục vụ chăn nuôi, người ta đã không ngần ngại phá rừng. Đây là một trong những lý do khiến diện tích rừng ở quốc gia châu Mỹ sụt giảm mạnh.

« Thịt sạch » đương nhiên được kỳ vọng sẽ là nguồn thay thế cho « thịt bẩn », thịt thông thường, nhất là trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt trên toàn cầu được sự báo sẽ tăng 70% từ nay đến năm 2050 và thế giới đang tăng tốc chống biến đổi khí hậu, để kềm chế hiện tượng Trái đất nóng dần lên. Theo công ty Hà Lan Mosa Meat, do giáo sư Mark Post của đại học Maastricht thành lập, thịt nuôi cấy sẽ làm giảm đáng kể tác động môi trường của việc sản xuất thịt, cũng như nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.

Thịt nhân tạo thực sự không tác hại môi trường ?

Mặc dù được quảng bá là loại thịt công nghệ tương lai thân thiện với môi trường sinh thái, nhưng nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng việc sản xuất đại trà thịt nuôi cấy vẫn có những tác động tiêu cực cho môi trường.

Nhà sinh học, miễn dịch học Eric Murailles của FRNS, Đại học Libre de Bruxelles, trên trang The Conversation đã dẫn lại kết quả lại một nghiên cứu khoa học cho thấy sản xuất thịt nuôi cấy cho phép giảm 78-96% khí gây hiệu ứng nhà kính, vì chỉ cần 7-45% năng lượng và giảm sử dụng 82-96% lượng nước so với sản xuất thịt thông thường. Thế nhưng, ông cũng nhấn mạnh những nghiên cứu mới đây cho thấy ngành công nghiệp nuôi cấy thịt về lâu dài sẽ gây ra nhiều tác động với môi trường hơn là ngành chăn nuôi gia súc lấy thịt, bởi việc xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng phục vụ việc nuôi cấy thịt sẽ tiêu tốn rất nhiều năng lượng.

Trong môi trường giàu dưỡng chất, các vi khuẩn sinh sôi nhanh hơn cả các tế bào động vật. Để đảm bảo an toàn vệ sinh, tránh nguy cơ thịt nhiễm khuẩn, các tế bào phải được nuôi cấy trong môi trường tiệt trùng khắt khe, tương tự như trong trong ngành công nghiệp dược phẩm, với nhiều sản phẩm nhựa dùng một lần, nhiều thiết bị bằng thép, inox cần được tiệt trùng bằng hơi nước và chất tẩy rửa. Có nhiều số liệu cho thấy ngành công nghiệp dược phẩm thải khí cac-bon nhiều hơn 55% so với ngành công nghệ chế tạo xe hơi.

Ngoài ra, khách quan mà nói, ngành chăn nuôi gia súc cũng cung cấp nhiều phụ phẩm khác ngoài thịt và giúp tái chế một lượng lớn chất thải thực vật và góp phần sản xuất phân bón. Đồng cỏ cũng cho phép hấp thụ carbon. Chi phí môi trường dài hạn của quá trình chuyển đổi từ thịt thông thường sang thịt nuôi cấy sẽ còn nhiều điều để đánh giá và đây là việc không đơn giản.

Ảnh hưởng đến sức khỏe con người ?

Ở động vật, khối lượng cơ tăng chậm và các tế bào gốc ở cơ bắp cũng ít phân chia. Ở các cơ sở nuôi cấy thịt, để đạt được chỉ trong vài tuần lượng tế bào mà động vật phải mất nhiều năm mới có được, người ta phải liên tục kích thích các tế bào gốc tăng sinh bằng các yếu tố tăng trưởng, bao gồm cả các hormone sinh dục đồng hóa.

Các hormone này có ở động vật và con người, cũng như trong thịt thông thường. Chúng kích thích tổng hợp protein trong tế bào, dẫn đến tăng khối lượng cơ. Do đó, chúng có thể được ngành công nghiệp nuôi cấy thịt coi như những « yếu tố tăng trưởng tự nhiên ». Tuy nhiên, việc sử dụng thái quá các hormone này có những tác hại. Ở Châu Âu, việc sử dụng hormone tăng trưởng trong nông nghiệp đã bị cấm từ năm 1981.

Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu về chăn nuôi bền vững, François Hocquette, giám đốc nghiên cứu của Viện nghiên cứu nông học của Mỹ, được Le Monde trích dẫn, ngoài hormone tăng trưởng, để nuôi cấy thịt, người ta phải dùng nhiều thuốc kháng sinh, chất diệt nấm. Thịt nuôi cấy cũng không thể có đủ thành phần như thịt tự nhiên : chất xơ, dây thần kinh, mạch máu, mỡ… và chỉ là một đống cơ không kết cấu.

Thêm vào đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra tính độc hại của các sản phẩm nhựa thông thường. Các chất gây rối loạn nội tiết, các hợp chất có khả năng can thiệp và phá vỡ hệ nội tiết, có thể ngấm từ bao bì nhựa vào thực phẩm. Hiện tượng tương tự đã được ghi nhận trong quá trình nuôi cấy tế bào được thực hiện trong hộp nhựa. Nếu chất liệu nhựa không bị cấm trong ngành nuôi cấy thịt, nguy cơ thịt bị ô nhiễm ngay cả trước khi đóng gói là hoàn toàn có thể xảy ra.

Trong khi chờ đợi một giải pháp thay thế cho thịt thông thường trong tương lai, giải pháp đơn giản nhất có lẽ là tiết kiệm, bởi theo nhà nghiên cứu về chăn nuôi bền vững François Hocquette, hiện giờ có đến 20% lượng thịt sản xuất ra đang bị lãng phí.

(Tổng hợp từ France 24, Le Monde, Les Echos, The Conversation)

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20201208-th%E1%BB%8Bt-nh%C3%A2n-t%E1%BA%A1o-lo%E1%BA%A1i-th%E1%BB%8Bt-c%E1%BB%A7a-th%E1%BA%BF-gi%E1%BB%9Bi-t%C6%B0%C6%A1ng-lai

Geen opmerkingen:

Een reactie posten