Covid-19 : Châu Âu lao đao chống đỡ làn sóng dịch trước Noel
Đăng ngày:
Làn sóng dịch Covid-19 không có dấu hiệu chững lại ở châu Âu khi mùa Giáng sinh đang tới gần. Nhiều nước không có cách nào khác ngoài siết chặt thêm các biện pháp giãn cách xã hội. Một số nước được cho là đã có thành công chống đợt dịch đầu tiên giờ đang rất lúng túng.
Với hơn 64.000 ca tử vong vì Covid-19, Ý lại vượt Anh Quốc và một lần nữa đứng đầu châu Âu về thiệt hại nhân mạng. Ngày 12/12/2020, bộ Y Tế Ý ghi nhận thêm 649 ca tử vong trong vòng 24 giờ và gần 20.000 ca nhiễm mới. Theo AFP, tính riêng 7 ngày qua, với hơn 4.500 người chết, Ý cũng là nước ghi nhận nhiều ca tử vong nhất châu Âu, cao hơn Nga (gần 3.800), Đức (hơn 2.900), Anh (hơn 3.000) và Ba Lan (hơn 2.800). Từ ngày 01/11 đến nay, số ca tử vong được ghi nhận ở Ý là 25.000 người, tương đương con số được ghi nhận từ ngày 02/04 cho đến cuối tháng 10.
Nghịch lý Thụy Sĩ
Thụy Sĩ, vốn là nước tránh được đợt dịch đầu hồi mùa xuân nay trở thành một trong những nước có những chỉ số dịch bệnh nghiêm trọng bậc nhất châu Âu. Với dân số chưa đến 8,6 triệu người, Thụy Sĩ ghi nhận khoảng 5.000 ca nhiễm/ngày, so với con số vài trăm hồi đợt 1, đây là tỉ lệ lây nhiễm cao nhất châu Âu hiện nay. France Info ngày 12/12 cho biết số ca tử vong trong 24 giờ ở Thụy Sĩ là khoảng 100 người, nếu tính theo quy mô dân số thì tỉ lệ tử vong ở Thụy Sĩ cao gấp đôi Pháp và Đức. Tỉ lệ xét nghiệm dương tính cũng đặc biệt cao.
Nghịch lý là dù các chỉ số dịch bệnh ở mức nghiêm trọng nhất châu Âu, nhưng Thụy Sĩ vẫn là nước có các quy định phòng dịch lỏng lẻo nhất. Do tình hình quá nghiêm trọng, cuối cùng thì chính quyền liên bang cũng quyết định kể từ ngày 12/12 các nhà hàng, quán bán đồ uống, cửa hàng và chợ, cũng như bảo tàng và thư viện phải đóng cửa từ 19h.
Đức thắt chặt phòng dịch trước Giáng Sinh
Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 13/12 họp với lãnh đạo 16 bang để bàn về việc thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Trong bối cảnh hai ngày liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao kỷ lục 30.000 ca trong 24 giờ, chính quyền Đức lo sợ đại dịch Covid sẽ vượt tầm kiểm soát trong dịp lễ tết cuối năm. Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut gửi về bài tường trình :
“Thất bại. Tại sao nước Đức lại thất bại thảm hại ?”. Tuần báo Der Spiegel đưa ra một đánh giá rất tiêu cực về các biện pháp đã được áp dụng kể từ đầu tháng 11 cho dù các biện pháp đó đã cứng rắn hơn so với trước đây và ngày càng được thắt chặt trong thời gian qua.
Trái ngược với những gì đã xảy ra ở các nước châu Âu khác, những biện pháp này không thể chặn làn sóng dịch Covid thứ hai. Cho dù đã chặn được đà tăng theo cấp số nhân số ca nhiễm nhưng nước Đức đã phá kỷ lục tồi tệ với 30.000 ca nhiễm mới trong một ngày. Và số ca tử vong cũng tăng đáng kể.
Các biện pháp phòng dịch ở Đức ít khắc nghiệt hơn các nơi khác. Các cư dân mạng mỉa mai : « Tin rằng chúng ta có thể chiến đấu chống đại dịch chỉ với một chế độ phong tỏa nhẹ cũng giống như nghĩ rằng có thể giảm cân bằng cách uống coca light dành cho người ăn kiêng ».
Chính phủ liên bang không thể áp đặt cho các bang, chỉ chính quyền bang mới có quyền đưa ra biện pháp y tế phòng dịch và họ đã thỏa hiệp để tránh các biện pháp quá khắc nghiệt. Giờ đây, tất cả đều muốn có sự thay đổi, có thể trước lễ Giáng sinh. Các bang đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm và nay muốn đóng cửa trường học hoặc tất cả các cơ sở kinh doanh.
Người Đức có thể thất vọng với những lời hứa trước đây của các bang, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người đòi hỏi chính quyền các biện pháp cứng rắn hơn.
Covid-19 : Châu Âu lao đao chống đỡ làn sóng dịch trước Noel (rfi.fr)
Covid-19 : Pháp vượt ngưỡng 60.000 ca tử vong
Đăng ngày:
Chỉ vài ngày sau khi dỡ bỏ đợt phong tỏa thứ hai, nước Pháp ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 vượt ngưỡng 60.000. Theo số liệu Cơ quan Y tế Pháp công bố chiều tối hôm qua 18/12/2020, tổng cộng từ đầu dịch cho tới nay Pháp có 60.229 người chết vì virus corona, đứng thứ ba châu Âu, sau Ý và Anh Quốc.
Số ca nhiễm mới Pháp ghi nhận trong vòng 24 giờ là gần 15.600 người, giảm khoảng 2.500 ca so với hôm trước đó. Mặc dù tỉ lệ xét nghiệm dương tính, số người nhập viện và số người phải điều trị tại Khoa hồi sức tích cực đều giảm nhẹ, nhưng nhà chức trách lo ngại trong những ngày lễ sắp tới, số ca nhiễm Covid sẽ tăng mạnh.
Sức khỏe tổng thống Pháp ổn định
Một ngày sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona, hôm qua 18/12 trong một đoạn video dài 3 phút ông Macron tự quay bằng điện thoại di động và đăng tải lên mạng xã hội, tổng thống Pháp với giọng nói chậm và vẻ mặt mệt mỏi cho biết cho biết ông vẫn có các triệu chứng mệt, đau đầu và ho khan. Tuy nhiên, tổng thống Pháp trấn an công chúng là ông vẫn khỏe và đang tiếp tục xử lý các hồ sơ quan trọng, cho dù các hoạt động diễn ra chậm hơn. Tổng thống Macron hiện đang tĩnh dưỡng tại điện La Lanterne, ở Versailles, ngoại ô Paris và kêu gọi dân chúng đề cao cảnh giác với virus corona.
Gần Giáng Sinh, Châu Âu thắt chặt biện pháp chống dịch
Nhìn ra châu Âu, diễn biến dịch bệnh ngày càng gây lo ngại ở nhiều nước trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là đến Giáng Sinh và năm mới. Tại Ý, nước đứng đầu châu Âu về số ca tử vong, tối hôm qua 18/12 thủ tướng Giuseppe Conte thông báo tái phong tỏa đất nước trong dịp nghỉ lễ, nhưng không áp dụng liên tục.
Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Le Nir giải thích :
« Biện pháp tái phong tỏa sẽ không được áp dụng liên tục từ Giáng Sinh đến lễ Hiển Linh mà sẽ chỉ thực thi vào các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ, tức là từ ngày 24 đến ngày 27/12, sau đó là các ngày 31/12/2020, 01-02-03-05 và 06/01/2021. Lệnh giới nghiêm sẽ có hiệu lực từ 22 giờ đêm đến 5 giờ sáng cho đến ngày 07/01/2021. Các gia đình được phép tổ chức tiệc ăn uống nhưng bị giới hạn nghiêm ngặt, mỗi gia đình chỉ được mời tối đa 2 khách mời, không tính trẻ em dưới 14 tuổi.
Người dân không được phép di chuyển từ vùng này sang vùng khác. Chỉ dân sống ở những xã nhỏ là được phép di chuyển trong vòng bán kính 30 km, nhưng với điều kiện là không được đến các thành phố lớn. Những người vi phạm quy định có thể bị phạt 400-1.000 euro.
Nguyên tắc lần này là rất rõ ràng : « Tutti à casa !» /Tất cả ở trong nhà. Mục đích là để ngăn chặn làn sóng đại dịch thứ 3. Cho đến nay, Covid đã cướp đi sinh mạng của hơn 67.000 người tại Ý.
Tại Áo, chính quyền hôm qua cũng thông báo đợt phong tỏa thứ ba sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 26/12/2020 và kéo dài ít nhất là đến ngày 18/01/2021. Còn tại Thụy Điển, lần đầu tiên thủ tướng kêu gọi người dân đeo khẩu trang khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong giờ cao điểm. Hôm qua thủ tướng Stefan Löfven cũng thông báo những nơi công cộng không thiết yếu như phòng tập thể thao, bể bơi và thư viện đều phải đóng cửa đến ngày 24/01/2021.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten