vrijdag 30 april 2021

Financial Times: Cùng có tốc độ gió tốt, Việt Nam nắm lợi thế gì hơn các nước khác trong phát triển điện gió ngoài khơi?

 

Financial Times: Cùng có tốc độ gió tốt, Việt Nam nắm lợi thế gì hơn các nước khác trong phát triển điện gió ngoài khơi?

Financial Times: Cùng có tốc độ gió tốt, Việt Nam nắm lợi thế gì hơn các nước khác trong phát triển điện gió ngoài khơi?

Tờ Financial Times viết, bờ biển phía nam của Việt Nam không thiếu gió. Với tốc độ trung bình hơn 10m/s, vùng lãnh hải của Việt Nam nằm trong top 10% những nơi có gió nhất trên hành tinh.

'Nỗ lực của nước nhỏ vẫn sẽ tạo ra khác biệt lớn trong chống biến đổi khí hậu'

Tương tự như việc các con sông của Brazil cung cấp năng lượng thủy điện, hay như các đứt gãy trong vỏ trái đất cung cấp cho Indonesia năng lượng địa nhiệt, Việt Nam cũng đặt kỳ vọng vào nguồn ánh nắng dồi dào và bờ biển nông sẽ cung cấp năng lượng sạch, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam, quốc gia với gần 100 triệu dân và tăng trưởng GDP năm 2019 đạt mức 7% đã chứng kiến mức tiêu thụ năng lượng đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010, trong khi trung bình sản lượng điện người Việt Nam sử dụng chỉ bằng một nửa so với quốc gia láng giềng là Trung Quốc.

Song, những nỗ lực của các quốc gia nhỏ phát triển công nghiệp vẫn có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Steve Liberatore, Giám đốc Quỹ đầu tư trái phiếu ESG tại Nuveen (công ty quản lý tài sản tại Hoa Kỳ) lý giải: "Việc bổ sung một dự án năng lượng tái tạo vào lưới điện của quốc gia đang phát triển sẽ bù đắp hay thay thế tỷ lệ nhiên liệu hóa thạch cao hơn so với nước phát triển".

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc (UN’s Emissions Gap Report 2020), thành công trong việc quản lý quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ giúp các nước đang phát triển có bước nhảy vọt vượt ra ngoài các công nghệ sử dụng nhiều carbon, vốn làm nền tảng cho các quốc gia giàu có hơn.

Financial Times: Cùng có tốc độ gió tốt, Việt Nam nắm lợi thế gì hơn các nước khác trong phát triển điện gió ngoài khơi? - Ảnh 1.

© Alamy

Lý do Việt Nam cần tập trung vào trang trại gió ngoài khơi

Với trường hợp của Việt Nam, vùng biển ngoài khơi bờ biển phía nam là nơi lý tưởng để đặt các tuabin gió ngoài khơi, vốn rất quan trọng đối với kế hoạch của quốc gia nhằm tăng tỷ trọng điện từ gió và mặt trời từ 10% vào năm 2019 lên 42% hòa lưới điện quốc gia vào năm 2045.

Thu Vũ, một nhà phân tích tài chính năng lượng tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính, một tổ chức nghiên cứu ở Ohio, nhận định, mãi đến năm 2018, Việt Nam không có bất kỳ dự án điện mặt trời quy mô nào và rất ít dự án điện gió.

Tuy nhiên, theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam vẫn chưa đánh giá cao tốc độ chuyển đổi năng lượng, bà Vũ cho hay. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), sản lượng từ năng lượng mặt trời và gió của Việt Nam lần lượt tăng 237% và 60% vào năm 2020, nâng tỷ trọng của các nguồn này lên 25%, đi trước gần một thập kỷ so với kế hoạch.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) khẳng định, mặc dù hầu hết các dự án điện gió hiện có đều nằm trên đất liền, nhưng những quy định về hạn chế đất đai đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải tập trung vào các trang trại gió ngoài khơi.

Bờ biển phía nam của Việt Nam không thiếu gió. Với tốc độ trung bình hơn 10m/s, vùng lãnh hải của Việt Nam nằm trong top 10% những nơi có nhiều gió nhất trên hành tinh.

Adrian Dempsey, Giám đốc tài chính khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mainstream Renewable Power - công ty năng lượng Ireland có hoạt động tại Việt Nam, cho biết: "Nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng có tốc độ gió tốt nhưng lại bị hạn chế bởi biển sâu".

Vùng biển ngoài khơi ở các tỉnh Bình Thuận và Sóc Trăng - nơi các nhà phát triển, bao gồm Mainstream, có kế hoạch xây dựng các trang trại điện gió trị giá hàng tỷ USD ngoài khơi - cũng tương đối nông, với độ sâu từ 20m đến 50m.

Cải thiện tình thế "tiến thoái lưỡng nan"

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng sản xuất 475GW điện gió ngoài khơi mỗi năm tại vùng biển từ bờ ra đến 200km, gấp khoảng 20 lần tổng công suất tiềm năng của quốc gia về điện gió trên đất liền. Song, mặc dù có tiềm năng cung cấp năng lượng tại Việt Nam, rất ít dự án nước ngoài quy mô lớn được thêm vào trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, chủ yếu là do sự phức tạp về quy định và rủi ro đầu tư.

Bà Vũ thông tin: "Mục tiêu năm 2030 đối với gió ngoài khơi được giới hạn ở mức 2GW-3GW. Điều này cho thấy Chính phủ vẫn đang cân nhắc". Bà cũng lưu ý rằng chi phí của các dự án ngoài khơi cao hơn so với gió trên bờ hoặc gần bờ.

Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, công ty năng lượng tái tạo của Anh, nêu rõ để giảm chi phí, Việt Nam phải cải thiện cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Việt Nam có thể liên kết tích điện với các thành phố phía bắc, xây dựng các trạm biến áp và đặt dây cáp dọc theo đáy biển để sản xuất ngoài khơi hoặc tìm các giải pháp thay thế. Enterprize đang thử nghiệm chuyển đổi năng lượng gió và nước biển thành hydro.

Mặc dù vậy, thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam cũng đi kèm với những rủi ro. Năm 2019, Chính phủ khuyến khích đầu tư bằng cách ưu đãi thuế, từ đó lưới điện đã được bổ sung thêm 4,46GW từ 82 nhà máy năng lượng mặt trời, dẫn đến cung vượt quá cầu, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản lượng.

Đó là một ví dụ điển hình về tình thế tiến thoái lưỡng nan mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, bao gồm Việt Nam phải đối mặt: nếu sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu mà không cải thiện cơ sở hạ tầng truyền tải, công suất bổ sung có thể bị lãng phí.

Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh, cần đầu tư 128,3 tỷ USD trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và bổ sung công suất phát điện vào thập kỷ tới, bao gồm cả nguồn vốn từ nước ngoài. Ông William Gaillard, Phó chủ tịch của nhà sản xuất tuabin gió Vestas, tin rằng Việt Nam đã trở thành "hình mẫu" cho các quốc gia khác. "Kết hợp giữa biểu giá FIT hấp dẫn, cùng các mục tiêu và quy trình cấp phép minh bạch đã là yếu tố quan trọng trong việc 'mở khóa' thị trường này", ông kết luận.

Anh Vũ

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

https://cafef.vn/financial-times-cung-co-toc-do-gio-tot-viet-nam-nam-loi-the-gi-hon-cac-nuoc-khac-trong-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-20210428150129646.chn?fbclid=IwAR2qVHWFxY7lUm3WFJvyiirIeFUlQBg7dTMPmM8LxDwzfZ3b1XtLbrZJx80

LATER BEKIJKEN
TOEVOEGEN AAN WACHTRIJ
KÊNH VTC1-kijkers volgen dit kanaal ook

donderdag 29 april 2021

Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ? [... tầm nhìn... ăn cắp ! ]

 

Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

Phần âm thanh 11:50
Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp,
Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp, REUTERS - ADREES LATIF

Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng. (Tạp chí phát lần đầu ngày 30/07/2020).


Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, cục trưởng cục An Ninh Quốc Gia  (bộ Tư Pháp) John.C. Demers nêu rõ :

« Văn phòng chưởng lý tòa sơ thẩm liên bang khu vực Đông Washington và cục An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An Ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)

Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ».

Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.

Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:

« Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. »

Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ?

Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ».

Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới.

Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. »

Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc.

Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung.

Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa.

Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện.

Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động

Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình.

Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích :

« Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ».

Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu :

« Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ».

Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ?

Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng.

Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago.

Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2.

Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ».

Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng.

Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ?

Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19.

Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh.

« Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại.

Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc.

Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ».

Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ? - Tạp chí tiêu điểm (rfi.fr)

Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ không ngừng các cuộc tuần tra trên Biển Đông : "Trung Quốc không có quyền bảo Philippines được làm hay không được làm điều gì trong vùng biển của chúng tôi".

 

Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ không ngừng các cuộc tuần tra trên Biển Đông

Tàu Philippines BRP Cabra (MRRV-4409), ở giữa, cùng với các tàu kiểm ngư có người lái của lực lượng tuần duyên đang tuần tra một khu vực ở Biển Đông, ngày 14/04/2021.
Tàu Philippines BRP Cabra (MRRV-4409), ở giữa, cùng với các tàu kiểm ngư có người lái của lực lượng tuần duyên đang tuần tra một khu vực ở Biển Đông, ngày 14/04/2021. AFP - -

Hôm nay, 29/04/2021, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không cho ngưng các cuộc tuần tra của hải quân và tuần duyên trên Biển Đông, bởi vì chủ quyền của Philippines là « không thể thương lượng được ». 

Căng thẳng đã gia tăng vào tháng 03/2021 do việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung ở khu vực gần Đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Đối với Manila, các tàu của Trung Quốc đã xâm nhập trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, nhưng cho tới nay, Bắc Kinh vẫn từ chối rút về những tàu này.

Theo hãng tin AFP, tối hôm qua 28/04, tổng thống Duterte tuyên bố, mặc dù Philippines mang nợ của "bạn" Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, nhất là trong việc cung cấp vac-xin ngừa Covid-19, nhưng những yêu sách của Philippines về chủ quyền biển là "không thể thương lượng được". Ông Duterte nói : "Tôi sẽ nói với Trung Quốc, chúng tôi không muốn gây vấn đề, chúng tôi không muốn chiến tranh. Nhưng nếu quý vị bảo chúng tôi rút đi, thì không". Tổng thống Philippines nhấn mạnh là không thể có thỏa hiệp về vấn đề này.

Tổng thống Duterte đã khẳng định như trên sau khi bộ Quốc Phòng Philippines tuyên bố "Trung Quốc không có quyền bảo Philippines được làm hay không được làm điều gì trong vùng biển của chúng tôi".

Lực lượng tuần duyên của Philippines hiện đang thao dợt ở khu vực gần đảo Thị Tứ và bãi cạn Scarborough. Đáp lại các cuộc thao dợt của tuần duyên Philippines, hôm thứ Hai, 26/04, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Manila "chấm dứt những hành động làm phức tạp thêm tình hình và làm trầm trọng thêm các bất đồng". 

Theo hãng tin Reuters, hôm qua 28/04, ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã ra một công hàm ngoại giao mới, sau hơn một chục công hàm gần đây, để phản đối yêu cầu nói trên của phía Bắc Kinh. Trên mạng Twitter, ông Locsin khẳng định chính Trung Quốc đang làm phức tạp thêm tình hình khi chiếm đóng trái phép các bãi đá và cải tạo thành các đảo nhân tạo.

Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines sẽ không ngừng các cuộc tuần tra trên Biển Đông (rfi.fr)

Bắc Kinh chống Mỹ, người châu Á chống Trung Quốc

 

Bắc Kinh chống Mỹ, người châu Á chống Trung Quốc

Ảnh tư liệu : Sinh viên Philippines đốt cờ Trung Quốc ở trước dinh tổng thống để phản đối chuyến công du của chủ tịch Tập Cận Bình, Manila, Philippines, ngày 20/11/2019.
Ảnh tư liệu : Sinh viên Philippines đốt cờ Trung Quốc ở trước dinh tổng thống để phản đối chuyến công du của chủ tịch Tập Cận Bình, Manila, Philippines, ngày 20/11/2019. AP - Aaron Favila

Thông tín viên Le Monde trong bài « Hoa Kỳ trở thành vật tế thần tự động của Trung Quốc » ngày 28/04/2021nhận xét việc đả kích Mỹ đã trở thành quy luật trong những bài diễn văn của chính quyền Bắc Kinh. Đây là một trong những bài đáng chú ý trong mục điểm báo Pháp ngày 28/04/2021.

Hiếm khi tổng thống Mỹ phải chờ đến phút chót mới biết được khách có nhận lời mời hay không. Nhưng điều này đã xảy ra với Biden : mãi đến 21/04, một ngày trước cuộc họp thượng đỉnh về khí hậu do ông tổ chức, Trung Quốc mới loan báo sự tham gia của Tập Cận Bình.

Chiếc nón cao bồi của Đặng Tiểu Bình giờ chỉ còn trong hoài niệm

Đã xa rồi, thời kỳ mà nhân vật số 1 Trung Quốc đi thăm Mỹ với chiếc nón cao bồi khiến chủ nhà hài lòng. Đó là tháng 2/1979. Mao đã qua đời gần ba năm, và người kế nhiệm là Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ Trung Quốc mở cửa với thế giới. Ngược lại, 42 năm sau, Tập Cận Bình giữ khoảng cách với Chú Sam. Hôm 21/03, khi các nhà ngoại giao đôi bên khẩu chiến dữ dội ở Anchorage (Alaska), ông Tập bệ vệ hơn bao giờ hết, đi thăm một cánh đồng trà ở Phúc Kiến và triết lý về văn hóa Trung Hoa. Hẳn nhiên ông không nghĩ đến việc đội lại một chiếc mũ cao bồi rộng vành, người Trung Quốc sẽ phản đối.

Đã hẳn là nhiều người ở Hoa lục vẫn tiếp tục mơ gởi đứa con duy nhất đến các trường đại học Mỹ, và khi nói riêng với nhau, họ tin tưởng vac-xin Mỹ hơn hàng nội địa. Nhưng nếu các cuộc thăm dò ở phương Tây cho thấy hình ảnh Trung Quốc xấu đi một cách thảm hại, thì ở Hoa lục cũng diễn ra điều ngược lại. Các tố cáo diệt chủng và cưỡng bức lao động ở Tân Cương không hề tạo ra những tranh luận nghiêm túc tại Trung Quốc. Đại đa số có vẻ tin vào những lời tuyên truyền, rằng đó là mưu toan của Mỹ để làm Trung Quốc yếu đi.

Tờ báo nhắc lại ngày 03/10/2010, thủ tướng lúc đó là Ôn Gia Bảo nói với CNN rằng « tự do ngôn luận là cần thiết » dù mức độ phát triển của một nước có như thế nào đi nữa. Ngày nay là sự đối chọi giữa hai mô hình, « nhân quyền » và « phép lạ kinh tế ». Tại Hoa lục, không thể nói tốt về Mỹ. Ở Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (Boao) vừa kết thúc ở đảo Hải Nam, không ai tự cho phép nói rằng kế hoạch tái thúc đẩy khổng lồ của Hoa Kỳ là món lợi lớn cho các nhà xuất khẩu châu Á. Ngược lại, những bài diễn văn « nghe lọt tai » là phải tố cáo sự mất cân bằng tiền tệ do luồng đô la ồ ạt. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng ít giấu diếm ý định dùng đồng nhân dân tệ ảo để tránh sử dụng đồng đô la trong các giao dịch quốc tế.

Hoa Kỳ cũng được dùng làm cái cớ cho những trò chơi xấu của Bắc Kinh. Tại Bác Ngao, khi các khách mời Indonesia và Philippines tố cáo chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, chủ nhà đáp lại, đó là do sự hiện diện của Mỹ ! Không may cho Bắc Kinh, nếu tinh thần chống Mỹ nối kết người Hoa, thì phần còn lại ở châu Á suy nghĩ ngược lại, họ coi Washington như người bảo vệ để chống lại người láng giềng hùng mạnh và ngang ngược.

Nhân dân tệ ảo để cạnh tranh với đồng đô la

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde ngày 28/04 cho rằng « Đồng tiền kỹ thuật số còn là vấn đề chủ quyền ». Tiền ảo có thể giúp tăng cường chống rửa tiền, nhưng cũng có nguy cơ làm đảo lộn hệ thống tài chính, bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân. Riêng Trung Quốc đang thử nghiệm « e-yuan » ở bốn thành phố lớn.

Ngân hàng Trung ương (PBOC) muốn phổ biến đồng nhân dân tệ ảo vào năm 2022. Người sử dụng có thể thanh toán qua ứng dụng smartphone, nhưng qua đó PBOC biết được ai chi trả cho những gì, ở đâu, khi nào, nhất là khi hệ thống được bổ sung bằng công nghệ nhận diện và giám sát. Đồng nhân dân tệ ảo, về lâu về dài, có thể cạnh tranh với đô la Mỹ trong hệ thống thanh toán quốc tế và như vậy giúp tránh né các trừng phạt của Washington đối với các công ty ngoại quốc làm ăn với những nước như Iran.

Đảo Hải Nam, thiên đường thuế của Trung Quốc ?

Le Monde cũng mô tả « Hải Nam, phòng thí nghiệm tự do kỳ lạ của Tập Cận Bình ». Chính quyền Trung Quốc có tham vọng biến hòn đảo 10 triệu dân ở cực nam thành khu vực miễn thuế khổng lồ cạnh tranh với các cảng lớn hiện nay như Dubai, Singapore và cả Hồng Kông, trở thành một Thâm Quyến của thế kỷ 21. Bắc Kinh nhấn mạnh đến « năm tự do hóa » từ nay đến 2025 : thương mại, đầu tư, vận tải, tư bản và nhân lực.

Người nước ngoài được ở lại Hải Nam 1 tháng không cần visa, và ngược với Hoa lục, các trang web phương Tây như Facebook, Twitter có thể tham khảo tự do. Các lãnh vực đầu tư được mở rộng, ngay cả trường trung, đại học có thể do người ngoại quốc quản lý. Thuế nhập khẩu thấp hơn Thượng Hải ít nhất 80%, riêng với vật liệu cho hi-tech thì bằng 0, thuế công ty, thuế thu nhập cũng thấp hơn. Tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là dự kiến. Theo thứ trưởng ngoại thương Tiền Khắc Minh (Qian Keming), « Hải Nam là stress test về việc mở cửa của Trung Quốc sang Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là trái tim của khu vực 2 tỉ người tiêu dùng ở Trung Quốc và Đông Nam Á ». 

Dự án đại quy mô này có thể thất bại và cũng có thể thành công. Pascal Lamy, cựu tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khách mời trên mạng của Bác Ngao cảnh báo, tuy các cảng miễn thuế tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể tạo cạnh tranh bất chính. Theo ông, « đó là một phương thuốc chỉ nên dùng khi tình trạng bệnh nhân cần đến », và không hề thúc đẩy được tăng trưởng chung. Phát biểu trước các quan chức Trung Quốc ca ngợi nền kinh tế Hoa lục đang tăng tiến, chẩn đoán của « bác sĩ Lamy » như một sự bác bỏ. Tập Cận Bình muốn chạy đua với các thiên đường thuế ? Sẽ là một nghịch lý cho « chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Hoa ».

Thảm họa Ấn Độ, hệ quả của dân túy

Cũng tại châu Á nhưng trong lãnh vực y tế, Le Monde trong bài xã luận nhận định « Covid làm Ấn Độ của Narendra Modi rung chuyển ». Đầu tháng Hai, ông Modi khoe rằng đã chiến thắng được Covid, đất nước 1,4 tỉ dân mỗi ngày chỉ có 9.000 ca dương tính. Được coi là « pharmacie của thế giới », Ấn Độ xuất khẩu và tặng hàng triệu liều vac-xin. Ba tháng sau, một Ấn Độ gương mẫu đã biến thành ác mộng.

Mỗi ngày có đến 350.000 ca nhiễm mới và trên 2.000 người chết, tổng cộng có gần 200.000 người thiệt mạng – theo thống kê được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế. Những hàng dài xe cấp cứu trước cổng các bệnh viện đã quá tải, thân nhân người bệnh van nài trong tuyệt vọng để có được oxy, xác được thiêu hàng loạt…Từ thành phố đến nông thôn, sang cũng như hèn, cuộc thảm sát không chừa một ai. Thảm họa này làm rúng động một đất nước đầy hứa hẹn, bộc lộ những khiếm khuyết. Đợt dịch mới không chỉ do do diễn biến bất ngờ của con virus và các biến thể mà còn do thiếu chuẩn bị, sự ngạo mạn và mị dân của thủ tướng.

Ông Modi đã hoàn toàn buông lơi cảnh giác từ đầu năm 2021. Đang trong chiến dịch vận động để chiếm lại các bang đã mất, ông liên tục tổ chức các cuộc mít-tinh trước đám đông khổng lồ không đeo khẩu trang. Modi để diễn ra cuộc hành hương Kumbh Mela, hàng triệu người chen chúc nhau trầm mình xuống dòng sông Hằng, biến nơi đây thành ổ dịch quy mô. Thủ tướng tung ra ngoại giao vac-xin nhưng không nắm rõ năng lực sản xuất thực tế, ưu tiên cho những vùng thuận lợi về chính trị cho mình, đẩy trách nhiệm cho các bang. Kết quả là chỉ có chưa đầy 10% dân Ấn Độ được tiêm chủng một liều, với tốc độ này miễn dịch tập thể đến 2023 mới đạt được. Tình hình Ấn Độ cũng như Brazil biểu hiện cho tác hại của dân túy, từ những người rao bán ảo tưởng.

Miến Điện : Các sắc tộc trên tuyến đầu

Ở khu vực Đông Nam Á, Libération nhận định « Tại Miến Điện, tiền phương ngày càng mang màu sắc tộc ». Một trong những nhóm nổi dậy mạnh nhất là quân đội Karen (KNU) hôm qua chiếm được một căn cứ quân sự, gây lo ngại một chu kỳ bạo lực mới. Dân làng sống trong khủng hoảng : Khi KNU chiếm được một vị trí hồi cuối tháng Ba, Tatmadaw trả đũa bằng cuộc không kích đầu tiên kể từ 20 năm, khiến gần 25.000 người phải chạy sang Thái Lan.

Có vẻ như tiền tuyến đã dời từ những thành phố lớn sang các vùng sắc tộc. Sau trên 750 cái chết và 4.000 vụ bắt giữ, không còn mấy ai dám công khai đối đầu với quân đội ở đô thị. Nếu những tuần đầu sau vụ đảo chính, cả triệu người đã xuống đường, thì nay đoàn biểu tình hiếm khi vượt quá vài trăm người. Liệu việc các nhóm thiểu số tham gia vào cuộc xung đột có làm đảo ngược tương quan ? Giấc mơ một lực lượng liên bang gồm tất cả các sắc tộc và những người kháng chiến ở thành phố lại sống dậy, tuy nhiên vẫn sẽ là giấc mơ vì ngay trong từng sắc tộc cũng đã có nhiều nhóm vũ trang đôi khi đối nghịch với nhau.

Cuộc chiến ngoại giao dữ dội giữa Nga và phương Tây

Tại châu Âu, đang diễn ra cuộc chiến ngoại giao giữa Nga và phương Tây. Chỉ trong vòng bốn năm qua, số các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi châu Âu và Bắc Mỹ đã vượt quá số lượng trong suốt 20 năm chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ. Theo tính toán của Le Monde, kể từ đầu 2017 đến nay, có ít nhất 309 đại diện của Nga đã hoặc đang phải hồi hương. Tổng cộng cả hai phía, có hơn 600 nhà ngoại giao các bên phải xách vali về nước.

Năm 2018 đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ giữa Nga và phương Tây : lần đầu tiên vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal đã dẫn đến 26 nước cùng trục xuất 144 nhà ngoại giao Nga, trong đó 60 ở Mỹ, 23 ở Anh. NATO cũng hủy giấy phép 7 thành viên trong phái đoàn Nga. Ngay cả Hy Lạp vốn có quan hệ tốt với Nga, ba tháng sau cũng phải trục xuất 2 đại diện Nga vì toan phá hoại một thỏa thuận giữa Athens và Skopje.

Chuyên gia François Heisbourg của IISS nhận định, các đại sứ quán Nga đã lặp lại thói quen của Liên Xô cũ, và còn vượt quá các hoạt động gián điệp thông thường. Những trang web điều tra như Bellingcat vào cuộc đã lật mặt khá nhiều hoạt động của Nga. Thế nên quy luật ăn miếng trả miếng đôi khi không được áp dụng. Vụ Ý trục xuất hai nhà ngoại giao Nga mới đây chỉ bị trả đũa bằng việc Matxcơva trục xuất một đại diện Ý.

100 ngày đầu nhiệm kỳ của Biden gây ngạc nhiên

Les Echos hôm naychạy tựa « Tái thúc đẩy : Pháp muốn tiến lên nhanh hơn, mạnh hơn », trong khi La Croix điểm qua « Kế hoạch tái thúc đẩy của châu Âu và Hoa Kỳ ». Le Figaro đăng ảnh tổng thống Mỹ với dòng tít « Joe Biden, 100 ngày năng nổ ». Trang nhất báo giấy Libération nói về đảo Chypre, nhưng tít lớn của bản trên mạng cũng là ông Biden với nhận định « Sau 100 ngày, Biden chiến thắng về dịch tễ và kinh tế ».

Xã luận của Le Figaro nói về « Nỗi ngạc nhiên Biden ». Người ta vẫn cho rằng ông chỉ là một tổng thống chuyển tiếp, một ông già nhã nhặn nhưng thường xuyên nhầm lẫn. Tuy nhiên không ngờ với 44 năm lăn lộn chính trường, khi trở thành tổng thống Joe Biden thấy được đây là cơ hội lịch sử để cải tổ, chú trọng vào giai cấp trung lưu. Trong 100 ngày đầu ở Nhà Trắng, thừa hưởng sự đầu tư của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc sản xuất vac-xin, Biden giúp tung ra 200 triệu liều trong 3 tháng. Với đa số khít khao ở Quốc Hội, ông áp đặt được kế hoạch thúc đẩy khổng lồ. Hiện tại thì đa số người Mỹ ủng hộ Biden, nhưng khó khăn còn ở phía trước.

Tương tự, Les Echos thấy rằng cho đến nay, Biden có thể điều hành bằng sắc lệnh – như ông Trump trước đây – và dựa vào đoàn kết quốc gia trước tình trạng khẩn cấp vì đại dịch. Những tháng tới khi tình hình trở lại bình thường vào mùa hè thì sẽ khác, khi tất cả người trưởng thành đều đã chích ngừa. Tối nay Biden giới thiệu phần thứ ba của kế hoạch có thể lên đến 1.800 tỉ đô la để hỗ trợ các gia đình như miễn học phí một số đại học, trợ cấp giữ trẻ…Muốn vậy, phải tăng thuế, và đây là thách thức lớn nhất cho Biden, một số thượng nghị sĩ Dân Chủ ôn hòa có thể chống lại. Cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2022 sẽ mang tính quyết định.

Bắc Kinh chống Mỹ, người châu Á chống Trung Quốc (rfi.fr)