Việt Nam xuất siêu 8 tháng đầu năm 2022, vẫn xuất sang Mỹ nhiều nhất
31/08/2022
Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO) mới công bố “Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2022”, trong đó cho biết rằng Việt Nam xuất siêu trong khoảng thời gian này.
Tin cho hay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Theo GSO, Việt Nam ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD trong tháng 8, và tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD. Tin cho hay, cùng kỳ năm trước Việt Nam nhập siêu 3,52 tỷ USD.
Liên quan tới thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đầu tháng này nói rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo “tăng mạnh” từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022, và lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8% năm nay.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của World Bank nhận định rằng con số tăng trưởng trên nhờ vào việc “phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ”.
Theo World Bank, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý 4 năm 2021, 5,1% trong Q1/2022, và 7,7% trong Q2/2022, khi “người tiêu dùng thỏa mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng”.
Jennifer Tran sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt với bố mẹ trong gia đình nhưng cô không thể đọc và viết tiếng Việt cho tới gần đây khi vào đại học.
“Khi lớn lên, bố mẹ và ông bà tôi chỉ nói tiếng Việt với tôi nên đó là vì sao tôi có thể nghe và hiểu được tiếng Việt,” Jennifer, sinh ra ở Charlotte thuộc tiểu bang North Carolina ở miền Đông Hoa Kỳ, nói. “Nhưng tôi lớn lên mà chưa bao giờ học cách đọc hay viết tiếng Việt và đó là điều mà tôi muốn theo đuổi.”
Cũng giống như Jennifer, Megan Lam sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Việt di dân tới Mỹ. Mặc dù nói tiếng Việt trong gia đình, nhưng Megan không thể đọc và viết thứ ngôn ngữ của bố mẹ và ông bà của cô.
“Tôi lớn lên với ngôn ngữ tiếng Việt được nói trong gia đình nên tôi có thể nói và hiểu hầu hết tiếng Việt nhưng bố mẹ tôi chưa bao giờ dạy tôi đọc hay viết ngôn ngữ này,” Megan, cũng sinh ra ở Charlotte – nơi có khoảng hơn 17.000 người gốc Việt đanh sinh sống, cho biết.
Jennifer và Megan đều là sinh viên của trường Đại học North Carolina (UNC) nơi đang có khóa học tiếng Việt giành cho những sinh viên nào muốn học ngôn ngữ Đông Nam Á này. Chương trình giảng dạy tiếng Việt, trong đó sinh viên có thể lấy tín chỉ môn học, bắt đầu vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát ở Mỹ và trên toàn thế giới.
“Ngay trước đại dịch, đã có nhiều sinh viên ở UNC phân viện Chapel Hill ngày càng thích thú tìm hiểu thêm về Đông Nam Á và đặc biệt là ngôn ngữ với hàng trăm sinh viên đã ký một bản thỉnh nguyện thư gửi lên ban lãnh đạo trường ủng hộ việc mở rộng chương trình học về Đông Nam Á,” Tiến sỹ Kevin Fogg, phó giám đốc Trung tâm châu Á Carolina của UNC phân viện Chapel Hill, cho biết. “Chúng tôi cho rằng tiếng Việt có thể đặc biệt quan trọng đối với sinh viên ở Carolina bởi vì đây là ngôn ngữ được nói nhiều thứ 6 trong các gia đình ở North Carolina.”
Chương trình học tiếng Việt cho niên khóa 2020-2021 được giảng dạy qua hình thức trực tuyến và được nhiều người tham gia học, theo TS Fogg. Với nhu cầu tăng cao về học tiếng Việt, trường UNC trong năm học 2021-2022 đã chính thức khởi động chương trình học trực tiếp có giáo viên giảng dạy tại khuôn viên trường ở Chapel Hill.
Các lớp học Tiếng Việt cơ bản ở UNC được đăng ký hết chỗ, với khoảng 20 sinh viên mỗi lớp, và do một giáo viên của chương trình Fulbright Trợ giảng tiếng Việt tại Hoa Kỳ đảm trách.
Nguyễn Phương Dung, một giáo viên từ chương trình Fulbright, đang đảm trách việc dạy các lớp Tiếng Việt trình độ trung cấp trong các lớp tại khuôn viên trường ở Chapel Hill trong khi một giáo viên từ California, Minh Nguyen, giảng dạy các lớp trình độ sơ đẳng qua hình thức trực tuyến.
Jennifer hiện đang tham gia lớp học do giáo viên chương trình Fulbright giảng dạy tại trường trong khi Megan, người mới bắt đầu học Tiếng Việt, tham gia lớp học cơ bản được giảng dạy trực tuyến.
Học ngôn ngữ của bố mẹ
Khi Jennifer biết về lớp học dạy tiếng Việt tại trường Đại học North Carolina (UNC) vào năm ngoái, cô rất phấn khích và đăng ký ngay.
“Tôi muốn học (tiếng Việt) để kết nối nhiều hơn với nền văn hóa của tôi và ngôn ngữ mà tôi nói khi lớn lên,” Jennifer, 20 tuổi và là sinh viên năm thứ 3 tại UNC, nói.
Giống như nhiều người gốc Việt thế hệ trẻ dù sinh ra và lớn lên trong gia đình có bố mẹ nói tiếng Việt, nhưng Jennifer chỉ thích giao tiếp bằng tiếng Anh và không có nhiều ham mê học thứ ngôn ngữ của bố mẹ hay ông bà mình khi còn bé. Mặc dù được bố mẹ tìm cách giúp học tiếng Việt nhưng Jennifer cho biết cô “không bao giờ thực sự hứng thú học” và “luôn muốn nói bằng tiếng Anh với các anh em họ hàng” như với bạn bè của cô.
Jennifer là người con duy nhất trong gia đình có bố mẹ là người Cần Thơ và Sóc Trăng tới Mỹ cùng gia đình vào đầu thập niên 1990. Cô cho biết 13 người anh em họ hàng của cô chỉ nói tiếng Anh.
Còn Megan dù sinh ra ở Charlotte nhưng sau đó cùng gia đình chuyển đến Laurinburg, nơi mà cô mô tả là một thành phố có chủ yếu người da trắng và không có chùa – nơi cộng đồng người Việt tới thờ cúng và giao lưu. Do bố mẹ bận làm việc, Megan – hiện là sinh viên năm thứ nhất tại UNC – không được dạy đọc và viết tiếng Việt tại gia đình nhưng có thể nói và nghe hiểu ngôn ngữ của bố mẹ mình. Chị gái của cô có thể đọc và viết tiếng Việt trong khi hai người em của cô, 10 và 3 tuổi, chỉ nói tiếng Anh.
Để giao tiếp với mẹ cô, một di dân từ Đà Nẵng tới Mỹ vào thập niên 1980, và ông bà mình được tốt hơn, Megan đã tham gia lớp học tiếng Việt cơ bản và dự định sẽ tiếp tục học các lớp nâng cao tại UNC.
Tại lớp học giành cho người bắt đầu học ngôn ngữ, Megan cho biết cô đang học cách phát âm cũng như nhận biết sự khác biệt trong các dấu sau vài buổi học.
Trong khi đó, Jennifer đã học xong các lớp cơ bản trong năm học trước và hiện đang tham gia khóa học ở trình độ trung cấp. Cô giờ đây có thể đọc và viết được tiếng Việt nhiều hơn cũng như kết nối với bố mẹ cô ở mức có chiều sâu hơn trước đây.
“Khi tôi nói tiếng Việt (bố mẹ tôi) có thể giúp tôi hiểu những từ tôi không hiểu và giải thích những khái niệm mà tôi không biết, sửa lỗi chính tả và cách phát âm của tôi,” Jennifer cho biết. “Họ rất vui mừng giúp tôi mọi cách có thể, điều mà trước đây bố mẹ tôi đã không làm với việc học tập của tôi khi tôi học tiểu học.”
Trước đây, Jennifer, hiện đang học chuyên ngành báo chí tại UNC, không thể nói chuyện với bố mẹ cô bằng tiếng Việt về việc học hành của cô bởi cho rằng “rất khó để dịch sang tiếng Việt” trong khi bố mẹ cô không thể hiểu được những gì cô đang học ở trường bằng tiếng Anh. Jennifer muốn trở thành phóng viên ảnh hoặc làm báo bằng hình ảnh như video, thứ mà cô đam mê.
Tiếng Việt ở North Carolina
Tiếng Việt là một chương trình mới tại UNC và dù đây là năm thứ 2 của việc giảng dạy ngôn ngữ này, trường vẫn chưa có một giáo án cho việc dạy Tiếng Việt.
Phương Dung, có bằng thạc sỹ về ngôn ngữ học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn liên kết với trường Đại học Benedictine ở Chicago của Mỹ, cho biết cô vừa dạy vừa tạo giáo án.
“Không chỉ dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, từ vựng, ngữ pháp, mà tôi sẽ lồng vào cái bài học về văn hóa, lịch sử con người, về âm nhạc, về Việt Nam ngày nay, giới trẻ Việt như thế nào,” Phương Dung, người đang dạy tiếng Việt tại UNC từ đầu tháng 8, nói. “Các bạn (sinh viên) rất hứng thú biết những góc nhìn đó từ một người Việt Nam.”
Lấy ví dụ về cách áp dụng văn hóa và lịch sử cũng như âm nhạc trong giảng dạy tiếng Việt ở UNC, Phương Dung cho biết cô đã dùng bài thơ “Trong đầm gì đẹp bằng Sen” và bài hát “Ba ngọn nến lung linh” để giúp sinh viên thấy được sự khác biệt về dấu và cách phát âm trong tiếng Việt.
Lớp học của Phương Dung có khoảng 90% học sinh đến từ các gia đình gốc Việt.
“Đối với các sinh viên từ các gia đình gốc Việt mà không nói ngôn ngữ (của bố mẹ họ) thì việc học tiếng Việt có thể giúp họ kết nối với nền văn hóa của chính họ,” TS Fogg nói.
Đối với các sinh viên từ các gia đình gốc Việt mà không nói ngôn ngữ (của bố mẹ họ) thì việc học tiếng Việt có thể giúp họ kết nối với nền văn hóa của chính họ.
TS Kevin Fogg, phó giám đốc trung tâm Châu Á Carolina tại UNC phân viện Chapel Hill
Điều quan trọng hơn, theo ông Fogg, việc giảng dạy tiếng Việt cũng cho phép UNC đào tạo ra những công chức tương lai sẽ làm việc với cộng đồng nói tiếng Việt ở North Carolina, cho dù là với tư cách giáo viên trường học, cảnh sát, thư ký tòa án, quan chức quận hay ở các cương vị khác.
“Vì cộng đồng thiểu số có giá trị này, chúng tôi thấy tầm quan trọng phải đào tạo ra những người lao động tương lai có thể hỗ trợ họ,” TS Fogg nói.
Có khoảng hơn 34.000 người gốc Việt đang sinh sống ở North Carolina, nơi tập đoàn Vingroup của Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast trị giá đến 4 tỷ USD và dự kiến tạo ra khoảng 7.500 việc làm tại tiểu bang miền đông Hoa Kỳ.
Theo TS Fogg, việc dạy tiếng Việt sẽ tạo điều kiện thuận lợi thêm nữa cho mối quan hệ kinh tế ngày càng phát triển giữa North Carolina và Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam. TS Fogg cho biết UNC xây dựng chương trình giảng dạy tiếng Việt tại North Carolina trước khi biết về việc đầu tư của VinFast tại đây. Ông hoan nghênh việc đầu tư này và nói rằng còn có nhiều công ty ở North Carolina đang phát triển quan hệ hợp tác và kinh doanh trên khắp thế giới.
“Việc dạy tiếng Việt là một cách để chuẩn bị lực lượng lao động có thể giúp các mối quan hệ hợp tác kinh doanh suôn sẻ ở Việt Nam và trên khắp Đông Nam Á,” TS Fogg nói.
UNC vừa nhận được một khoản tài trợ của Quỹ Luce Foundation và điều này cho phép trường tăng gấp đôi chương trình giảng dạy tiếng Việt. TS Fogg cho biết UNC cũng dành ngân sách để mở rộng chương trình tiếng Việt bằng cách cung cấp các khóa học trực tuyến cho mọi sinh viên trong hệ thống trường UNC ở khắp North Carolina từ niên khóa 2023-2024.
Ngoài UNC, một số trường đại học ở Mỹ – như ĐH Houston, ĐH California, ĐH Washington và ĐH Yale – cũng đã dạy tiếng Việt cho học sinh theo chương trình lấy tín chỉ mặc dù các khóa học còn tương đối ít. Hai trường đại học trong Ivy League, tức 8 trường hàng đầu của Mỹ, là ĐH Brown và ĐH Princeton hồi năm ngoái cũng lần đầu tiên có khóa học tiếng Việt cũng vì nhu cầu học ngôn ngữ và văn hóa Việt tăng cao trong sinh viên của hai trường.
Đối với Jennifer, người mới chỉ về Việt Nam có vài lần, giờ đây sau hơn một năm học tiếng Việt, cô đã “thực sự yêu ngôn ngữ” của cha mẹ mình. Cô trở nên yêu thích các bản nhạc pop Việt Nam và hứng thú hơn khi nghe các bản nhạc dân gian mà trước đây bố mẹ cô thường mở nghe. Trong lần về thăm Việt Nam tiếp theo, Jennifer hy vọng rằng cô có thể giao tiếp với người bản địa ở đây.
Còn đối với Megan, ngoài việc kết nối sâu hơn với cha mẹ mình, cô còn muốn hiểu hơn về văn hóa Việt Nam qua việc học tiếng Việt cũng như có thể dạy lại cho con cháu mình sau này ngôn ngữ mà bố mẹ cô mang theo khi tới Mỹ.
SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Lương hằng tháng của người lao động Việt Nam chỉ bằng một nửa so với người Thái Lan, Trung Quốc, và chỉ hơn công nhân Lào, Cambodia và Miến Điện.
Đó là kết quả cuộc khảo sát của Cơ Quan Hợp Tác Quốc Tế Nhật (JICA) tại các doanh nghiệp Nhật đang đầu tư tại Đông Nam Á và Trung Quốc, Ấn Độ, theo báo VNExpress hôm 31 Tháng Tám.
Cuộc khảo sát được thực hiện để đánh giá tương quan phẩm chất nguồn nhân lực nội địa, cũng như mức thu nhập của người lao động tại từng quốc gia.
Theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, người lao động Trung Quốc làm việc tại các công ty Nhật được hưởng mức lương tốt nhất là $493 mỗi tháng, theo sau là Thái Lan với mức lương $446.
Người lao động Việt Nam có mức thu nhập tương đương với Phillippines ($236). Con số này được ghi nhận “kém rất xa” và “chỉ bằng một nửa so với người Trung Quốc và Thái Lan.”
Theo giải thích của JICA, mức lương của người lao động Việt Nam không cải thiện do nhân công chủ yếu tập trung vào các ngành có giá trị gia tăng thấp. Đối với các ngành đòi hỏi trình độ cao, người lao động Trung Quốc, Thái Lan hiện vẫn chiếm ưu thế so với công nhân Việt Nam.
Cụ thể, trong năm ngành được doanh nghiệp Nhật chọn đầu tư vào các nước Châu Á nhiều nhất, Việt Nam chỉ chiếm ưu thế ở lĩnh vực bán lẻ và sản xuất đại trà.
Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật có xu hướng mở rộng đầu tư vào Trung Quốc ở các lĩnh vực như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm giá trị cao và logistics (vận chuyển). Đây đều là lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng và cải thiện thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh đó, một cuộc khảo sát doanh nghiệp Nhật cũng chỉ ra 40.9% công ty này chọn đầu tư vào Việt Nam là do “chi phí lao động thấp, thị trường lao động trẻ, dồi dào.” Tuy nhiên, chưa đến 20% công ty trong số này đánh giá cao nguồn nhân lực người Việt.
Theo VNExpress, để tăng tính cạnh tranh của nguồn nhân lực và nâng cao mức lương, JICA đề nghị các giải pháp riêng cho từng địa phương.
Ví dụ tại Sài Gòn, JICA đề nghị thúc đẩy quốc tế hóa chương trình giáo dục đại học, tập trung vào các ngành như y tế-nhân lực chăm sóc, điều dưỡng.
Hải Phòng được khuyên tập trung nhân lực vào ngành cơ khí chế tạo-công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho định hướng phát triển thành phố thông minh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Cần Thơ tăng cường nhân lực phẩm chất cao cho phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản… (N.H.K)
MOSCOW, Nga (NV) – Ông Mikhail Gorbachev, người kết thúc Chiến Tranh Lạnh nhưng không thể ngăn Liên Xô sụp đổ, qua đời hôm Thứ Ba, 30 Tháng Tám, thọ 91 tuổi, báo chí Nga dẫn lời giới chức bệnh viện loan báo, theo Reuters.
Ông Gorbachev, tổng thống cuối cùng của Liên Xô, là người đạt được thỏa thuận cắt giảm vũ khí với Hoa Kỳ và thỏa thuận hợp tác với cường quốc Tây phương nhằm xóa bỏ Bức Màn Sắt chia cắt Âu Châu từ Đệ Nhị Thế Chiến và nhằm tái thống nhất nước Đức.
“Ông Mikhail Gorbachev qua đời tối nay sau thời gian dài bệnh nặng,” thông tấn xã Interfax dẫn lời bệnh viện Central Clinical Hospital của Nga cho hay.
Ông Gorbachev sẽ được an táng tại nghĩa trang Novodevichy ở Moscow cạnh phu nhân của ông là bà Raisa, mất năm 1999, theo hãng tin Tass, dẫn nguồn tin biết về ước nguyện của gia đình ông.
Khi làn sóng biểu tình đòi dân chủ nổi lên khắp các quốc gia Cộng Sản thuộc khối Liên Xô ở Đông Âu năm 1989, ông Gorbachev không dùng vũ lực trấn áp – khác với những nhà lãnh đạo Liên Xô trước đó từng đưa xe tăng đến đè bẹp những cuộc biểu tình ở Hungary năm 1956 và ở Tiệp Khắc năm 1968.
Nhưng làn sóng biểu tình đó khơi lên khát vọng tự trị ở 15 nước Cộng Hòa thuộc Liên Xô, vốn bị tan rã trong hỗn loạn hai năm kế tiếp.
Ông Gorbachev cố gắng ngăn Liên Xô sụp đổ nhưng bất thành.
Khi lên làm tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô năm 1985, lúc mới 54 tuổi, ông bắt đầu cải cách bằng cách cho phép tự do chính trị và kinh tế phần nào, nhưng chính sách cải cách của ông vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông ban hành chính sách “glasnost” – tự do ngôn luận – cho phép chỉ trích đảng Cộng Sản và nhà nước, điều không thể tưởng trước đó. Tuy nhiên, chính sách này bắt đầu khiến người theo chủ nghĩa dân tộc mạnh dạn đòi độc lập cho các quốc gia vùng Baltic là Latvia, Lithuania, Estonia và nơi khác.
Nhiều người Nga không bao giờ tha thứ cho ông Gorbachev vì sự hỗn loạn mà chính sách cải cách của ông gây ra. Họ cho rằng đời sống của họ bị xuống cấp để đổi lấy nền dân chủ là cái giá quá đắt.
Sau khi vô bệnh viện thăm ông Gorbachev hôm 30 Tháng Sáu năm nay, ông Ruslan Grinberg, nhà kinh tế học cấp tiến, nói với đài truyền hình Zvezda của quân đội Nga rằng: “Ông ấy cho chúng ta toàn quyền tự do – nhưng chúng ta chẳng biết dùng để làm việc gì.” (Th.Long) [qd]
NEW YORK, New York (NV) – Tờ Wall Street Journal hôm Thứ Sáu, 26 Tháng Tám đưa tin Panasonic Holdings, nhà cung cấp pin cho hãng xe điện Tesla, đang đàm phán để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất pin xe điện (EV) tại Mỹ trị giá khoảng $4 tỷ, theo Reuters.
Tờ báo cho biết Panasonic đang xem xét chọn Oklahoma làm địa điểm đặt nhà máy mới.
“Chúng tôi đang xem xét các chiến lược tăng trưởng khác nhau cho hoạt động kinh doanh pin EV của mình, nhưng không có thêm thông tin nào mà chúng tôi có thể chia sẻ vào lúc này ngoài những gì đã công bố,” phát ngôn viên của Panasonic cho biết.
Vào Tháng Bảy, Panasonic chọn Kansas làm địa điểm xây dựng một nhà máy pin mới mà các viên chức tiểu bang cho biết sẽ tạo ra tới 4,000 việc làm với vốn đầu tư lên đến $4 tỷ.
Vào thời điểm đó, Bộ Thương Mại Oklahoma cho biết họ và các đối tác “tiếp tục làm việc với Dự Án Ocean”, dự án nhà máy sản xuất pin của Panasonic, và “lạc quan về những cơ hội mới trong tương lai.
Bộ cho biết hôm Thứ Sáu rằng “do các thỏa thuận bí mật, cơ quan sẽ không đưa ra bình luận về vấn đề này”.
Đầu năm nay, Oklahoma cho biết sẽ phân bổ $698 triệu để theo đuổi Dự Án Ocean theo một dự luật nhằm thu hút một công ty sẽ đầu tư tối thiểu $3.6 tỷ và tạo ra ít nhất 4,000 việc làm mới trong vòng năm năm.
Oklahoma là một tiêu bang lân cận với Texas, nơi có các nhà máy sản xuất xe hơi và pin của Tesla.
Công ty Nhật Bản cũng đang xem xét các địa điểm nhà máy ở Kansas và Oklahoma để cung cấp pin cho nhà máy của Tesla ở Texas.
Panasonic đã cung cấp pin cho Tesla từ nhà máy ở Nevada, California trong một thập niên qua.
Ngành xe hơi đang tăng cường sản xuất EV để đáp ứng nhu cầu tăng vọt, thúc đẩy các đơn đặt hàng pin EV và nguyên liệu thô như lithium, coban và nhiều kim loại khác.
Tesla không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters. (AXT)