Mười kiểu xe hơi đời 2019-2020 rẻ nhất thị trường Mỹ
LOS ANGELES, California (NV) – Những chiếc xe đời mới nhất thường có giá đắt nhất là trong tình cảnh thị trường ngày càng có nhiều xe SUV và pickup truck. Tuy nhiên, vẫn có những chiếc xe hơi có giá vừa túi tiền với nhiều người.
Để giúp người mua xe hơi có thêm những sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình, tạp chí Motor Trend đưa ra danh sách 10 kiểu xe hơi đời 2019-2020 có giá rẻ nhất thị trường Hoa Kỳ dựa trên mức giá bán bắt đầu của chúng.
Theo đó, Chevrolet Spark là kiểu xe có giá bán rẻ nhất thị trường với giá bán bắt đầu chỉ $14,095. Đây là kiểu xe hatchback nhỏ nhất của hãng Chevy có hệ thống màn hinh 7.0 inch hỗ trợ Apple CarPlay và Android Auto.
Tuy nhiên, nếu khách hàng muốn có “power window,” “power lock” và “remote keyless” thì phải “upgrade” lên kiểu 1LT thay vì kiểu cơ bản LS.
Ngoài ra, trong danh sách còn có các kiểu xe quen thuộc với nhiều người như Honda Fit, Toyota Yaris, Hyundai Accent… Đây đều là các kiểu xe được cho là có giá phải chăng, phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Danh sách giá bán bắt đầu cụ thể như sau:
Kia Forte: $18,715
Kia Soul: $18,535
Chevrolet Sonic: $17,595
Honda Fit: $17,120
Kia Rio: $16,675
Toyota Yaris: $16,555
Hyundai Accent: $15,925
Nissan Versa: $15,625
Mitsubishi Mirage: $14,990
Chevrolet Spark: $14,095. (C. Thành)
Ảnh minh họa : Đập Xayaburi, dài 820 mét do Trung Quốc xây trên sông Mêkông tại Lào.Handout / CK POWER / AFP
Các hành vi bức hiếp láng giềng của Bắc Kinh không chỉ được thấy trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc, mà còn thể hiện trên đất liền, với việc khống chế nguồn nước của các con sông tỏa ra khắp khu vực.
Trong bài phân tích “Trung Quốc biến nguồn nước thành vũ khí, gây thêm hạn hán ở châu Á - China is weaponizing water and worsening droughts in Asia”, công bố ngày 28/10/2019 vừa qua trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review, giáo sư Ấn Độ Brahma Chellaney đã vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc, lợi dụng vị trí đầu nguồn các con sông chảy qua các nước khác, ồ ạt xây đập để biến nguồn nước thành công cụ gây sức ép chính trị, với hệ quả là làm cho nạn hạn hán ở châu Á thêm nghiêm trọng.
Bài phân tích trước hết nêu bật sự kiện châu Á, lục địa khô hạn nhất thế giới tính theo đầu người, hiện là trung tâm xây đập của thế giới, tập hợp hơn một nửa trên tổng số 50.000 con đập lớn của hành tinh. Hoạt động quá mức của các con đập đã làm gay gắt thêm tranh chấp khu vực và quốc tế về nguồn lợi đến từ các con sông chung của nhiều nước.
Thế thượng phong tự nhiên của Trung Quốc
Theo chuyên gia Chellaney, Trung Quốc nằm ở trung tâm bản đồ về nguồn nước của châu Á. Nhờ chiếm được vùng cao nguyên Tây Tạng giàu nguồn nước và vùng Tân Cương rộng lớn, Trung Quốc trở thành thượng nguồn các con sông chảy xuống 18 quốc gia vùng hạ lưu. Không một nước nào trên thế giới là đầu nguồn nước của nhiều quốc gia như thế.
Khi xây dựng đập, hay những cấu trúc khác làm thay đổi dòng nước ở vùng biên giới, Trung Quốc thiết lập như thế những cấu trúc lớn ở thượng nguồn, trang bị cho mình khả năng sử dụng nước như vũ khí.
Ví dụ rõ nhất được tác giả nêu lên là sông Mêkông. Mùa hè vừa qua, mực nước của dòng sông có giá trị sống còn cho vùng Đông Nam Á này, dài 4.880 cây số, đã xuống mức thấp nhất từ hơn 100 năm qua, cho dù mùa mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng cuối tháng 9. Sau khi hoàn tất 11 con đập khổng lồ, Trung Quốc lại xây thêm một loạt đập nữa ở thượng nguồn dòng sông. Bắc Kinh cũng xây đập trên những con sông xuyên quốc gia khác.
Rủi ro đến từ các con đập
Giáo sư Chellaney nhìn thấy việc xây dựng đập thủy điện cũng khuấy động quan hệ ở nơi khác ở châu Á.
Tranh chấp ở Kashmir vùng Nam Á, hay ở Ferghana Valley, khu vực Trung Á, liên quan đến vấn đề nguồn nước cũng như lãnh thổ. Tại nhiều nơi ở châu Á các quốc gia đều tìm cách kiểm soát tài nguyên của những con sông chung bằng cách xây dựng đập, cho dù vẫn đòi hỏi sự minh bạch và thông tin về các đề án của các láng giềng.
Hạn hán nghiêm trọng đã xẩy ra ở nhiều vùng rộng lớn, từ Úc cho đến bán đảo Ấn Độ. Tình trạng này đã phơi bày các rủi ro trong việc tập trung vào giải pháp đập, làm tăng thêm nguy có thiếu hụt nước sử dụng.
Những vùng đông dân cư ở châu Á đã đứng trước nguy cơ thiếu nước trầm trọng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước. Việc tranh nhau xây đập cũng gây ra thêm căng thẳng có thể đi đến xung đột.
Ở phương Tây, các công trình xây đập khổng lồ không còn được tiến hành nữa. Tại các quốc gia dân chủ lớn ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, việc xây đập lớn cũng giảm đi do các phong trào phản đối của người dân. Tại các nước độc đoán thì khác
Chính việc xây đập ở các nước không dân chủ đã biến châu Á thành tụ điểm của việc xây đập. Và Trung Quốc đứng đầu thế giới trong lãnh vực này ở trong nước cũng như ngoài nước.
Bắc Kinh luôn luôn bị tham vọng xây đập ngày càng lớn, càng sâu, càng dài, càng cao hơn ám ảnh. Và như vậy, Trung Quốc đã hoàn tất đập lớn nhất thế giới Tam Hiệp, công trình được khoe là kiến trúc vĩ đại nhất trong lịch sử từ sau Vạn Lý Trường Thành…
Trong kế hoạch xây dựng đập mới, có công trình trên con sông cao nhất thế giới, Brahmaputra. Đập dự kiến nằm gần biên giới tranh chấp với Ấn Độ được canh phòng cẩn mật. Công xuất điện sản xuất gần gấp đôi của đạp Tam Hiệp, mà bồn chứa dài hơn là hồ lớn nhất của Great Lakes, Bắc Mỹ.
Một số quốc gia Đông Nam Á cũng có đề án xây đập, do công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng, như ở Lào và Miến Điện, để xuất khẩu điện sang Trung Quốc.
Bài viết ghi nhận là Trung Quốc cũng không mấy tỏ ra áy náy trong việc xây đập tại những nơi tranh chấp, như ở vùng Kashmir ở Pakistan, hay vùng sắc tộc thiểu số miền bắc Miến Điện.
Từ khi Trung Quốc xây một loạt đập to lớn trên sông Mêkông, hạn hán trở nên thường xuyên hơn ở các nước hạ lưu. Và điều đó đã khuấy động quan hệ với các nước khác, vì Bắc Kinh không chấp nhận nguyên nhân đến từ đập của mình.
Giải pháp cứu vãng tình hình ?
Trong thực tế, Trung Quốc đã tìm cách đóng vai kẻ cứu tinh, hứa sẽ xả thêm nước từ các con đập xuống cho các quốc gia bị hạn hán. Nhưng đề nghị này chỉ nêu bật tình trạng phụ thuộc hoàn toàn mới của các nước hạ nguồn vào thiện chí của Trung Quốc - một sự phụ thuộc được đặt ra ngày càng sâu sắc khi Trung Quốc xây dựng thêm những con đập khổng lồ trên sông Mêkông.
Với những tai họa về nước ngày càng tồi tệ trên khắp châu Á, lục địa này phải đối mặt với sự lựa chọn rõ ràng - đi theo con đường hiện tại, điều này chỉ có thể dẫn đến suy thoái môi trường nhiều hơn và thậm chí là chiến tranh nước, hoặc thay đổi cơ bản bằng cách bắt đầu con đường hợp tác dựa trên quy tắc.
Con đường thứ hai không chỉ đòi hỏi sự chia sẻ nước và lưu lượng dữ liệu thủy văn miễn phí mà còn đòi hỏi quản lý hiệu quả hơn việc tiêu thụ nước, tăng sử dụng nước tái chế và khử muối, và các nỗ lực bảo tồn và thích ứng.
Không thể làm được điều này nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, cho đến nay vẫn từ chối tham gia vào các thỏa thuận chia sẻ nguồn nước với bất kỳ nước láng giềng nào.
Nếu Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho một trật tự dựa trên quy tắc ở châu Á có thể bị xóa bỏ vĩnh viễn. Do đó, theo ông Chellaney, việc kéo được Trung Quốc vào cuộc đã trở nên thiết yếu trong việc quản lý nguồn nước vì hòa bình ở châu Á.
Một đoạn sông Mêkông, tại Pak Chom, miền bắc Thái Lan, bị hẹp dần và trơ những bãi cát do thiếu nước.Lillian SUWANRUMPHA / AFP
Sông Mêkông, một trong những con sông lớn nhất, nguồn nuôi dưỡng quan trọng cho 60 triệu người dân châu Á đang bị thu hẹp dần. Tại nhiều nơi, mực nước sông đã xuống tới mức thấp nhất. Tình trạng đáng lo ngại này là hệ quả của nạn hạn hán và ồ ạt xây đập thủy điện.
Sau Amazone, sông Mêkông, nơi trú ngụ của hơn 1.300 loài cá, được cho là một trong những nơi có nguồn đa dạng sinh thái lớn nhất thế giới. Con sông này bình thường ngập tràn nước vào cuối mùa mưa. Nhưng năm nay, lòng sông trơ đáy, nhường chỗ cho những mỏm đá mầu đỏ nhạt và trên nhiều dải cát, vài loại cây cỏ bắt đầu mọc lún phún.
Theo ghi nhận của AFP, tình trạng này, vốn có thể gây ra những hậu quả tàn phá đối với quá trình sản sinh cá, đặc biệt đáng báo động từ miền bắc Thái Lan cho đến các vùng đồng bằng của Cam Bốt, kéo dài trên hàng trăm cây số con sông.
Hồ Tonlé Sap tại Cam Bốt, nối liền với sông Mêkông cũng bị ảnh hưởng. Ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center, một trung tâm cố vấn có trụ sở tại Washington ghi nhận sản lượng đánh bắt cá đã giảm đến 70%.
Mực nước sông Mêkông năm nay còn thấp hơn mức trong đợt hạn hán lịch sử năm 1992. Tại nhiều nơi, cuối mùa nước lên, mực nước dâng lên được một mét so với 6 mét cùng thời kỳ những năm trước đó.
Nguyên nhân là lượng mưa quá ít trong những tháng vừa qua, khí hậu khô hạn nghiêm trọng do hiện tượng El Nino gây ra đi kèm với hiện tượng biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, hiện tượng đập thủy điện « mọc lên như nấm » trên thượng nguồn sông Mêkông ở Trung Quốc và Lào cũng như trên những nhánh sông lớn là nguồn cội của tình trạng khô hạn nghiêm trọng hiện nay. Ví dụ mới nhất là đập thủy điện Xayaburi, miền bắc nước Lào. Công trình xây đập khổng lồ này trị giá 4,5 tỷ đô la do một doanh nghiệp Thái Lan thi công làm dấy lên nhiều tranh cãi từ nhiều năm qua. Bất chấp những lời chỉ trích, công trình đã được đưa vào sử dụng ngày thứ Ba 29/10/2019.
Theo AFP, chỉ tính riêng tại Lào có đến 44 con đập, do Trung Quốc và Thái Lan tài trợ đã đi vào hoạt động. 46 con đập khác chờ ngày thi công. Trong khi đó, hơn 100 con đập ở hạ nguồn Mêkông tại Trung Quốc, Lào, Thái Lan và tại Việt Nam. Và hàng chục con đập khác đang trong quá trình xây dựng.
Do vậy, chuyên gia nghi ngờ nguyên nhân gây ra hạn hán là do biến đổi khí hậu. Bởi vì, nếu như hạn hán đang hoành hành ngày càng dữ dội trong khu vực do biến đổi khí hậu, thì lẽ ra lượng điện sản xuất ra cũng phải càng ngày càng ít đi do thiếu nước.
Các đập thủy điện ở thượng nguồn gây nhiều tác động tới các loài cá trên sông Mêkông.@international rivers
Trải dài hơn 4.800 km, sông Mêkông có hệ đa dạng sinh thái nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau hệ sinh thái Amazone, với 1.300 loài cá.
Tại Đông Nam Á, có 70 triệu người, thuộc hơn 100 nhóm sắc tộc sống ở lưu vực sông Mêkông, trong đó có 85% kiếm sống trực tiếp từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của sông Mêkông. Nói cách khác, sông Mêkông giữ vai trò sống còn đối với 60 triệu người trong khu vực.
Tuy nhiên, hiện giờ, tương lai của hạ nguồn sông Mêkông, đoạn chảy qua các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam, đang nằm trong tay các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hãng tin Anh Reuters ngày 24/07/2019 trích dẫn chuyên gia Premrudee Deoruong của tổ chức bảo vệ môi trường Laos Dam Investment Monitor tại Lào, theo đó « hiện giờ, Trung Quốc kiểm soát hoàn toàn dòng sông » và « từ nay, có một mối lo ngại là dòng sông sẽ bị các nhà khai thác đập thủy điện kiểm soát ».
Mực nước sông Mêkông thấp kỷ lục tại Thái Lan
Hiện giờ đang là giữa mùa mưa tại Thái Lan, nhưng mực nước sông Mêkông đoạn chảy qua Thái Lan lại ở mức thấp chưa từng có tính từ một thế kỷ qua. Tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, mực nước sông Mêkông xuống chỉ còn 1.5m, mức thấp nhất trong suốt 100 năm qua, so với mực nước 12m cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 8m hàng năm. Còn ở Nong Khai, mực nước này là 80cm, so với mức 1,5 m của năm 2018.
Một ngư dân làng chài gần 60 năm qua trên sông Mêkông cho Reuters biết là những gì ông chứng kiến năm nay chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ. Các ngư dân giờ đây chỉ đánh được cá nhỏ, bởi vì mực nước xuống thấp như vậy thì không thể có cá to.
Theo Cơ quan quốc gia về nguồn tài nguyên nước, mực nước ở 18 hồ chứa nước cung cấp cho các cánh đồng lúa nước ở miền trung và miền đông Thái Lan chỉ đạt 30%, không đảm bảo đủ lượng nước cho hoạt động trồng lúa nước. Trongn khi cách nay một năm, vào tháng 08/2018, 11 trong số những hồ nước trên đã tích đầy nước.
Đúng là mực nước sông Mêkông và các hồ chứa nước xuống thấp như vậy là do mưa ít, hạn hán nghiêm trọng nhất trong suốt thập kỷ gần đây. Theo trạm thủy văn tỉnh Nakhon Phanom, lượng nước mưa trung bình năm 2019 chỉ đạt 90mm/m3 so với mức 300mm/m3 hồi năm 2018.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khoa học và cư dân trong vùng lo ngại là đợt hạn hán này đặc biệt nghiêm trọng hơn, do các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo ra những biến đổi lớn không thể đảo ngược trên dòng sông vốn là nguồn cung cấp nước cho một trong những khu vực trồng lúa nước lớn nhất Đông Nam Á.
Mối nguy từ các đập thủy điện Trung Quốc và Lào
Hiện tại, trên sông Lan Thương (đoạn Mêkông chảy qua Trung Quốc), Trung Quốc đã có 11 đập thủy điện, với tổng sản lượng điện 21.300 megawatt. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn đang lên kế hoạch xây thêm 8 đập ở lưu vực sông, cả ở dòng chính và trên các nhánh phụ. Trung tâm Stimson, trụ sở tại Washington, ước tính những đập này có thể tạo thêm 6.000 megawatt điện cho Trung Quốc.
Các đập thủy điện tại Lào nhiều, nhưng có quy mô nhỏ hơn so với Trung Quốc : 64 đập hiện mang lại sản lượng chưa tới 6.000 megawatt điện, nhưng 63 đập khác đang được xây dựng hoặc được lên kế hoạch xây dựng. Với tham vọng trở thành nguồn cung cấp năng lượng tại châu Á, Lào còn đề xuất xây thêm hơn 300 đập. Kế hoạch này có thể khiến sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện của Lào trên sông Mêkông vượt Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 07, cơ quan khai thác đập thủy điện Cảnh Hồng của Trung Quốc thông báo giảm xả ½ lượng nước để phục vụ công tác bảo trì trên đoạn sông Mêkông trên lãnh thổ Trung Quốc .
Một nguyên nhân khác là đập thủy điện Xayabury, do một công ty Thái Lan xây dựng tại Lào để cấp điện cho Thái Lan, đã bắt đầu được thử nghiệm từ ngày 15/07.
Vì thiếu nước tưới, chính quyền Thái Lan đã phải yêu cầu nông dân ngưng trồng thêm lúa. Bộ Ngoại Giáo Thái Lan cho Reuters biết họ đã mời đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thảo luận về các biện pháp khắc phục khủng hoảng nước trên sông Mêkông do biến đổi khí hậu và hạn hán. Thái Lan cũng đã kêu gọi Lào mở đập Xayaburi xả nước xuống hạ lưu sông Mêkông. Bộ Ngoại Giao Thái Lan sau đó thông báo Trung Quốc và Lào đã xả nước từ các đập thủy điện và mực nước sông Mêkông tại tỉnh Nakhon Phanom đã dâng lên.
Tuy nhiên, trước đó đại sứ quán Trung Quốc không hồi đáp đề nghị bình luận về tình trạng hạn hán. Còn các chuyên gia môi trường cho rằng tình trạng thiếu nước bất thường như vậy là dấu hiệu đáng ngại cho tương lai của sông Mêkông và hệ động thực vật gắn với dòng sông này.
Trang mạng của cộng đồng người Pháp và người nói tiếng Pháp Le petit journal tại Thái Lan hôm nay cho biết các nhà đấu tranh vì môi trường sinh thái hôm thứ Sáu 26/07 đã đệ đơn kiến nghị lên Tòa hành chính tối cao đề nghị chính phủ Thái Lan đình chỉ các dự án mua điện được sản xuất từ đập thủy điện Xayabury tại Lào. Theo dự kiến, đập này sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2019 với sản lượng điện 1.220 megawatt.
Nỗi lo của ngư dân
Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF cảnh báo khả năng di cư của các loài cá bị xáo trộn, vì các đập thủy điện tác động lên chu kỳ tự nhiên của dòng chảy. Vì thế, WWF kêu gọi hoãn khai thác đập Xayabury cho đến khi có kết quả nghiên cứu mới về tác động của đập này.
Pianporn Deetes giám đốc chiến dịch tại Thái Lan của tổ chức Sông Ngòi Quốc Tế International Rivers than phiền là người ta chỉ quan tâm đến việc khai thác sông Mêkông vì mục đích làm thủy điện, còn cuộc sống và quyền lợi của những người khác sống phụ thuộc vào sông Mêkông đã bị gạt ra ngoài lề.
Theo chuyên gia này, chính tuyên bố của Trung Quốc là các đập thủy điện có thể giúp điều chỉnh mực nước sông Mêkông ở hạ nguồn theo hướng cung cấp thêm nước trong mùa khô và đến mùa mưa thì giữ nước lại đã gây lo ngại về việc con người đang can thiệp vào chu kỳ tự nhiên của sông Mêkông. Việc cố gắng tác động vào dòng chảy của sông qua việc xả nước đập thủy điện có thể tạo ra những thay đổi khó lường.
Hồi tháng 05/2019, tạp chí khoa học Nature trích dẫn kết quả một công trình nghiên cứu của thế giới về tác hại của thủy điện đối với sông ngòi, theo đó tình trạng trên sông Mêkông là đặc biệt nghiêm trọng. Giáo sư Bernhard Lehner, thuộc đại học Canada McGill, cho AFP biết là tính trung bình, ngư dân hàng năm đánh bắt được hơn 1 triệu tấn cá nước ngọt từ sông Mêkông, nhưng hiện giờ có quá nhiều đập thủy điện dự kiến được xây dựng và điều này sẽ rất có thể tác động tiêu cực tới sự sinh sôi phát triển của rất nhiều loài cá.
Hiện nay, ở hạ nguồn sông Mêkông, do không còn nhiều cá to, nhiều ngư dân đã buộc phải dùng những loại lưới có mắt lưới nhỏ hơn để đánh bắt cá nhỏ. Dù không còn thu được nhiều cá như trước đây, nhưng các ngư dân không còn lựa chọn nào khác, vì họ không có nghề nào khác và cũng không có đất để trồng trọt. Họ sống phụ thuộc hoàn toàn vào dòng sông. Mà dòng chảy tự nhiên của sông Mêkông thì nay đang bị tác động ngay chính từ thượng nguồn, đặc biệt là các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc.
Chiếc tàu ngầm Nhật Bản Kuroshio ở cảng Pearl Harbor (Hawai - Mỹ). Ảnh tư liệu chụp ngày 25/06/2006.US NAVY
Theo tin từ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 08/10/2019, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ vừa thử nghiệm thành công một thiết bị laser có thể phát hiện các mục tiêu dưới nước ở một độ sâu chưa bao giờ đạt được. Công nghệ này trong tương lai có thể được sử dụng để phát hiện các tàu ngầm.
Các nhà nghiên cứu ở Viện Quang học và Cơ học Thượng Hải (SIOM) cho biết là các thiết bị laser nói trên có thể phát hiện các vật thể ở độ sâu lên đến 160 mét dưới mực nước biển, tức là gấp đôi độ sâu mà các thiết bị hiện nay trên thế giới có thể đạt tới.
Các thiết bị laser gắn trên máy bay đã được thử nghiệm tại vùng Biển Đông (nhưng địa điểm chính xác không được công bố) trong tháng 4 vừa qua và các kết quả thử nghiệm đã được công bố vào tháng trước.
Nhóm nghiên cứu của Viện Quang học và Cơ học Thượng Hải đã sử dụng chùm tia được tạo bởi các tia laser màu xanh lá cây và màu xanh lam. Do ánh sáng kể cả tia laser, loại ánh sáng thuần nhất, tán xạ trong nước nhanh hơn trong không khí, chùm tia này phải rất mạnh để có thể đi sâu xuống nước biển.
Theo trang mạng Nine.com.au của Úc, công nghệ mới này sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng về tàu ngầm, vì như vậy là quân đội Trung Quốc sẽ có thể phát hiện một tàu ngầm trước khi tàu xâm nhập lãnh hải của nước này. Tuy nhiên, chuyên gia về công nghệ quốc phòng Marcus Hellyer, Viện Chính sách Chiến lược Úc, cho là hãy còn quá sớm để đánh giá tiềm năng của thiết bị laser nói trên. Theo ông, nó có thể được sử dụng tại một hải cảng, tức là trong một phạm vi hẹp, nhưng đại dương thì mênh mông, không dễ gì phát hiện tàu ngầm.
Tàu ngầm hiện nay của Úc, tàu ngầm lớp Collins, được biết là có thể di chuyển ở độ sâu 180 mét dưới mực nước biển. Tuy nhiên, do độ sâu chính thức vẫn là thông tin mật, cho nên người phỏng đoán là loại tàu ngầm ngày có thể lặn sâu hơn thế.
Theo South China Morning Post, các nhà khoa học của Viện Quang học và Cơ học Thượng Hải có tham gia vào chương trình Guanlan, hay còn gọi là Sea Watcher của Trung Quốc, một kế hoạch tham vọng của Bắc Kinh nhằm chế tạo một vệ tinh dùng chùm sáng tia laser để phát hiện và theo dõi các mục tiêu ở độ sâu 500 mét dưới mực nước biển, vượt xa hầu hết các độ sâu hoạt động của tàu ngầm hiện nay.
Thuyền trưởng Nam Hàn ra đi, 96 thuyền nhân Việt Nam được cứu có biết?
Nguyễn Việt Linh/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – “Chúng tôi vô cùng đau lòng và xót xa khi hay tin vị ân nhân vô cùng lớn lao của chúng tôi, Thuyền Trưởng Jeon Je Young, qua đời hôm 17 Tháng Mười Một, tại thành phố Tong Yeong, Nam Hàn, hưởng thọ 78 tuổi,” ông Peter H. Nguyễn tức Nguyễn Hùng Cường, một trong 96 thuyền nhân vượt biển được vị thuyền trưởng Nam Hàn cứu sống năm 1985, buồn rầu nói với nhật báo Người Việt.
Bưng một thùng tài liệu và hình ảnh về câu chuyện hi hữu mà nhóm của ông được cứu sống, ông Cường kể: “Tàu của chúng tôi rời Vũng Tàu khoảng 2 giờ sáng ngày 10 Tháng Mười Một, 1985. Tới 9 giờ là máy tàu hư. Sau 5 tiếng đồng hồ sửa chữa, tàu chạy được tới hải phận quốc tế. Lênh đênh trên biển trong bốn ngày thì bão đến. Trưa ngày 14 Tháng Mười Một, tàu lại chết máy. Chúng tôi cầu nguyện và cầu cứu khi thấy hai ba chiếc tàu đi qua. Một chiếc dừng lại rồi cũng bỏ đi. Gió bão nổi lên sau đó. Chiếc tàu khi nãy dừng, lại xuất hiện, và đó là chiếc tàu Kwang Myung 87, do Thuyền Trưởng Jeon Je Young chỉ huy.”
“Sau này tôi mới biết là ông Young bị mất việc vì đã bất chấp lệnh không được cứu thuyền nhân của công ty tàu biển, và vòng lại cứu chúng tôi. Cuối cùng, ông đưa chúng tôi lên trại tị nạn Busan, Nam Hàn, vào ngày 29 Tháng Mười Một, và chúng tôi bặt tin nhau từ đó,” ông Cường kể tiếp.
“Tấm Lòng Biển” của Thuyền Trưởng Jeon Je Young
Ông Cường cũng cho hay sau đó, ông được đưa sang trại Bataan, Philippines, rồi định cư tại Hoa Kỳ. Nhóm của ông người được sang Mỹ, người thì sang Úc, Canada.
“Suốt mười bảy năm, lúc nào tôi cũng nhớ bài học vỡ lòng về lòng biết ơn. Tôi nhờ một bà y tá người Nam Hàn làm chung bệnh viện tâm thần với tôi. Bà về Nam Hàn giúp tôi tìm vị cứu tinh của chúng tôi và bà đã tìm ra ông Young,” ông tâm sự.
Kết quả là ông Young liên lạc được với ông Cường bằng thư.
“Tôi ngạc nhiên khi ông chỉ hỏi tôi về những người được cứu, rằng họ ra sao, những đưa bé khi xưa làm gì cho xã hội, chứ không hề hỏi chúng tôi làm công việc gì. Cuối thư, ông thú thật ông cố giấu nỗi đau lòng khi nhìn thấy ghe của chúng tôi. Ông đi 10 ngày, 10 đêm và bỏ chúng tôi trên đảo. Sau tôi mới biết là Busan, và biết ông bị mất việc,” ông Cường nói.
Với ông, vị thuyền trưởng cứu mạng là một người nhân từ và can đảm.
“Ngược lại, với người Việt tị nạn chúng tôi, khi ấy và cả những năm tháng sau này, chúng tôi luôn có lòng biết ơn ông. Vì thế, năm 2004, chúng tôi mời gia đình ông thuyền trưởng sang thăm Little Saigon, với sự giúp đỡ của cộng đồng, như ông Khanh Nguyễn (Little Saigon Foundation), tổ chức LAVAS của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân; và Luật Sư Trần Thái Văn, khi ấy là phó thị trưởng Garden Grove,” ông Cường kể.
Ông Khanh Nguyễn kể rằng trong lần đón tiếp vị thuyền trưởng tại nhà hàng Regent West, Santa Ana, thị trưởng Garden Grove khi ấy là ông Bruce Broadwater đã công nhận ngày 8 Tháng Tám là “Ngày Thân Hữu” của hai cộng đồng Hàn-Việt.
“Năm 2006, Trung Tâm Thúy Nga Paris khi biết câu chuyện, đã mời vị thuyền trưởng và tôi sang Nam Hàn để xuất hiện phỏng vấn trong cuốn Paris By Night 89, và chúng tôi lại một lần nữa gặp nhau. Vị thuyền trưởng của chúng tôi có một tâm hồn như biển cả,” ông ví von.
“Năm 2007, tôi thực hiện cuốn sách ‘Tấm Lòng Biển’ để kể câu chuyện vượt biên và tâm tình biết ơn của chúng tôi, và ra mắt tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Ông Đỗ Quý Toàn viết lời tựa. Ông Đinh Quang Anh Thái là MC, chung với ông Nam Lộc và ông Bùi Bảo Trúc,” ông nói.
Ông cho biết trong lần tiếp đón và vinh danh vị ân nhân cứu mạng 96 người, có rất nhiều mạnh thường quân yểm trợ, như ông Phạm Hoàng Bắc, chủ nhân khách sạn Ramada, Garden Grove, không lấy tiền phòng gia đình thuyền trưởng Young trong thời gian ở lại ba tuần; ông Nguyễn Hoàng Linh, chủ nhân Xe Đò Hoàng tặng vị ân nhân $5,000, nhưng vị thuyền trưởng đã tặng lại để giúp trẻ em mồ côi, khuyết tật ở Việt Nam.
“Riêng tôi, tôi giúp bảo trợ cô Jin, con gái của ông Young, học Anh văn ở Oregon. Khi vợ chồng tôi qua thăm ông ở Nam Hàn, ông rất xúc động khi nghe tôi nói rằng tôi đến Nam Hàn, không với vai trò một du khách, mà là với lòng của một người con về thăm quê ngoại, vì Việt Nam là quê nội của tôi,” ông Cường giải thích.
Muốn làm lễ tưởng niệm Thuyền Trưởng Jeon Je Young
Được tin ông Young qua đời và hỏa táng tại Nam Hàn, ông Cường thông báo cho những ai ông biết trong số 96 người.
“Nhưng rất lạ là đến nay, chưa thấy ai liên lạc để chia sẻ nỗi buồn lớn lao này. Tôi không hiểu được. Tôi mong nếu có 20 người quan tâm, chúng tôi sẽ làm một buổi lễ tưởng niệm Thuyền Trưởng Jeon Je Young, vị ân nhân muôn đời của chúng tôi,” ông Cường tâm sự.
Ông Khanh Nguyễn, nhân dịp này, cho biết: “Tôi vô cùng thương tiếc cho một vị ân nhân đáng kính của các thuyền nhân người Việt.”
Luật Sư Trần Thái Văn chia sẻ: “Tôi hân hạnh được tiếp xúc với vị thuyền trưởng Nam Hàn này vào dịp một số cựu thuyền nhân Việt Nam tại Quận Cam đã hân hoan tổ chức buổi tiếp tân vinh danh và cảm tạ ông. Thật là một kỷ niệm đẹp vào thời điểm đó khi hai cộng đồng di dân gốc Á, Đại Hàn và Việt Nam, đã làm việc gần gũi hơn và cảm thông với nhau về một sự kiện nhân đạo cao cả của một người Đại Hàn mà cộng đồng người Việt chúng ta không quên và đáp lời tạ ơn một cách tất trịnh trọng. Với sự ra đi của ông, tôi xin nguyện cầu linh hồn Thuyền Trưởng Jeon Je Young sớm về cõi vĩnh hằng.”
Riêng Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, với những kinh nghiệm giúp người tị nạn, nói: “Thuyền Trưởng Jeon Je Young không những là vị cứu tinh cho 96 thuyền nhân được ông cứu sống, nhưng còn là một ngôi sao sáng trên bầu trời tối đen đối với thảm trạng thuyền nhân Việt Nam vào thời đó. Theo luật hàng hải quốc tế, tất cả các tàu hàng hải quốc tế đều có trách nhiệm phải cứu vớt các tàu thuyền gặp nạn.”
“Tuy nhiên rất nhiều, hay hầu hết, đều trốn tránh trách nhiệm, các tàu thuyền vào thời gian đó không cứu vớt hay tránh đi qua khu vực đó, để tránh gặp tàu vượt biên của người Việt Nam. Giới hàng hải quốc tế đều biết chuyện này nhưng họ vẫn làm ngơ. Chỉ có một vài trường hợp như Thuyền Trưởng Young hay một số các tàu hải quân các quốc gia khác có lòng can đảm và bác ái để ra tay cứu vớt thuyền nhân Việt Nam,” ông nói thêm.
Ông Cường xác nhận đăng Cáo Phó trên nhật báo Người Việt: “Nghi thức hỏa táng đã được thực hiện ngày Thứ Ba, 19 Tháng Mười Một, tại thành phố Tong Yeong, Nam Hàn.”
Thành viên thuyền nhân trong nhóm 96 người vượt biển có thể liên lạc với ông Peter H. Nguyễn hay Nguyễn Hùng Cường qua điện thoại (714) 588-4919, hay email: nguyenpetrus@yahoo.com. (Nguyễn Việt Linh)
Người biểu tình Hồng Kông đổ xuống đường cám ơn nước Mỹ
HỒNG KÔNG (NV) – Chỉ ít tiếng đồng hồ sau khi Tổng Thống Donald Trump ký ban hành hai đạo luật ủng hộ người tranh đấu cho dân quyền và dân chủ tại Hồng Kông, hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã xuống đường ăn mừng sự kiện này.
Hôm 28 Tháng Mười Một (giờ địa phương), một rừng người đã đổ về khu vực Edinburgh Place tham gia cuộc biểu tình trong ngày Lễ Tạ Ơn để nói lời cảm ơn tới Hoa Kỳ và Tổng thống Donald Trump.
Với đạo luật mới này, sẽ yêu cầu đánh giá hàng năm về quyền và tự do của Hồng Kông. Các cuộc biểu tình ở Hồng Kông đã kéo dài đến tháng Tháng Sáu đến nay .
Ông Trump ký ban hành hai đạo luật này, vốn được lưỡng viện Quốc Hội Mỹ thông qua với đa số tuyệt đối, dù rằng ông từng bày tỏ sự lo ngại là điều này sẽ làm phức tạp hơn cho nỗ lực có một thỏa thuận thương mại với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc.
Trước sự kiện này, hồi tuần qua, phe ủng hộ dân chủ cũng đã chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử Hội đồng quận.
Tổng thống Trump vận động tranh cử tại bang Florida ngày 27/11/2019. Chủ nhân Nhà Trắng đã làm Bắc Kinh phẫn nộ khi ký ban hành luật ủng hộ dân chủ Hồng Kông.Reuters
Trung Quốc cực lực lên án Mỹ ủng hộ người biểu tình Hồng Kông sau khi tổng thống Donald Trump ký ban hành luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông. Phe dân chủ Hồng Kông xem sự ủng hộ của Washington là một thắng lợi quan trọng
Ngày 27/11/2019 tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn " Đạo luật năm 2019 về Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông". Trong thông cáo, Nhà Trắng nhấn mạnh, qua quyết định này, tổng thống Mỹ thể hiện thái độ "Tôn trọng đối với chủ tịch Tập Cận Bình, với Trung Quốc và người dân Hồng Kông". Tuần trước, chính tổng thống Hoa Kỳ đã cho biết ông không chắc sẽ phê chuẩn văn bản này, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc sắp đạt một thỏa thuận về mậu dịch, giải quyết xung khắc thương mại đã kéo dài từ tháng 3/2018.
Bắc Kinh triệu đại sứ Mỹ lên để phản đối
Bắc Kinh mạnh mẽ lên án Washington ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Ngay từ hôm qua, phát ngôn viên Cảnh Sảng ra thông cáo cho rằng đạo luật vừa được tổng thống Trump phê chuẩn có nguy cơ làm "phương hại đến hợp tác Mỹ-Trung trong nhiều lĩnh vực quan trọng". Hôm nay, 28/11, thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã triệu đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh Terry Brandstad lên để phản đối và yêu cầu Washington "ngưng ngay lập tức can thiệp vào công việc nổi bộ của Trung Quốc, ngưng làm xấu đi thêm quan hệ song phương".
Văn phòng đại diện của Trung Quốc tại Hồng Kông cũng mạnh mẽ lên án Mỹ ủng hộ phe dân chủ Hồng Kông, tuyên bố quyết định của Washington có "nguy cơ gây đẩy thêm Hồng Kông vào cảnh hỗn loạn".
Trong khi đó, phe dân chủ Hồng Kông hoan nghênh quyết định của Mỹ, như giải thích sau đây của thông tín viên Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh :
"Bắc Kinh không cần được Mỹ tặng cho món quà này trước ngày lễ Tạ Ơn. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc lập tức tuyên bố "rất lấy làm tiếc" trước việc đạo luật này can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Hồng Kông", nếu không muốn nói là vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng đây là một thông điệp sai lệch gửi đến người biểu tình.
Đạo luật vừa được tổng thống Donald Trump phê chuẩn, sau khi được đại đa số nghị sĩ Mỹ thông qua, là kết quả cuộc đấu tranh dài hơi của phe dân chủ Hồng Kông.
Ca sĩ Hà Vận Thi ( Denise Ho ) viết trên Twitter : "Cảm ơn tất cả những ai ở Quốc Quốc Hội Mỹ đã kiên trì đấu tranh từ 5 năm qua để đạo luật này được ra đời". Gương mặt hàng đầu này của phong trào viết thêm : "Nếu không có sự hy sinh và quyết tâm của những người Hồng Kông, không ai đạt được điều gì hết".
Nữ ca sĩ Hà Vận Thi muốn nói đến những người biểu tình hôm 08/09/2019 đã giương cao lá cờ Mỹ trên đường phố Hồng Kông. Một người biểu tình tại Hồng Kông nói : Trung Quốc ngày nay đã quá mạnh, họ gài cả người của mình tại Mỹ. Chúng tôi hy vọng là Hoa Kỳ có thể cản được Trung Quốc, Hồng Kông cần Mỹ yểm trợ."
Luật mới quy định tổng thống Hoa Kỳ hàng năm phải xét lại quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hồng Kông và nguyên thủ Mỹ có thể rút lại các điều khoản ưu đãi đó nếu các quyền tự do tại Hồng Kông bị đe dọa. Bắc Kinh vừa thông báo sẽ đưa ra những biện pháp trả đũa Hoa Kỳ, nhưng không đi sâu vào chi tiết"
Một người Hồng Kông giả trang thành tượng Nữ Thần Tự Do nhân một cuộc tập hợp tại quảng trường Edinburgh, Hồng Kông ngày 28/11/2019.Anthony WALLACE / AFP
Hồng Kông là một trở ngại mới trên con đường giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung. Tổng thống Donald Trump vừa phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông vào thời điểm nhạy cảm đối với chủ nhân Nhà Trắng.
Việc Washington công khai ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông liệu có nguy cơ đe dọa đến "Giai đoạn một" của thỏa thuận thương mại mà Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng tuyên bố đang sắp sửa ký kết?
Dấu hiệu đầu tiên cho thấy hành pháp lúng túng kể từ khi quốc hội lưỡng viện thông qua luật về nhân quyền và dân chủ Hồng Kông hôm 20/11/2019 là tổng thống Trump cuối tuần trước đã tỏ ra do dự khi được hỏi ông sẽ phê chuẩn hay không đạo luật này.
Trả lời đài truyền hình Fox News, nguyên thủ Mỹ đã tuyên bố : Phê chuẩn đạo luật này không tránh khỏi "những hậu quả vô cùng tai hại cho những nỗ lực giải quyết xung khắc thương mại" với Bắc Kinh, nhất là vào lúc Washington đang đàm phán với Trung Quốc để "đạt được một thỏa thuận mậu dịch quy mô" và đôi bên đang có tiềm năng "rất cao" sắp đạt đến đích.
Đã chính thức lao vào cuộc tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, tổng thống Donald Trump đang cần ghi được những bàn thắng quan trọng với Trung Quốc trong cuộc đọ sức về thương mại đã kéo dài từ mùa xuân năm ngoái. Nguyên thủ Mỹ kỳ vọng nhiều vào thỏa thuận "sắp đạt được với Bắc Kinh" và ông thừa biết rằng, lên tiếng ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông gây trở ngại cho đối thoại với ông Tập Cận Bình. Đúng như vậy, Bắc Kinh hôm nay đã quy trách nhiệm cho Washington "đổ thêm dầu vào lửa" trên hồ sơ Hồng Kông.
Tuy nhiên, cũng vì mục tiêu tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump khó có thể dùng quyền phủ quyết bác bỏ đạo luật về Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông đã được Quốc Hội lưỡng viện mạnh mẽ ủng hộ và thông qua hồi tuần trước. Thượng Viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này với số phiếu gần như tuyệt đối. Kế tới, tại Hạ Viện văn bản này đã được 417 dân biểu ủng hộ.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc đảng Cộng Hòa, một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất trên hồ sơ này, cho rằng với đạo luật mới, tổng thống Trump có thêm "một công cụ" để bảo vệ các quyền tự do cho Hồng Kông. Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi, một kình định của ông Trump trên chính trường, cũng phải nhìn nhận rằng nước Mỹ "thực sự hãnh diện ủng hộ người dân Hồng Kông vì tự do và công lý".
Những lời khen tặng này của chính giới Hoa Kỳ chắc chắn là con dao hai lưỡi đối với nguyên thủ Mỹ. Do vậy, để tránh làm phương hại đến tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh, Nhà Trắng trong thông cáo ngày 28/11/2019 ghi rõ : trước mắt Hoa Kỳ chưa "khởi động" luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông với hy vọng, lãnh đạo Trung Quốc, chính quyền đặc khu và phe phản kháng "có khả năng san bằng được những bất đồng nhằm đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho Hồng Kông một cách lâu dài". Nói cách khác, Mỹ gián tiếp cho Trung Quốc biết là đang có thêm một phương tiện để gây áp lực với chính quyền Tập Cận Bình.
Giáo sư Evan S. Medeiros, trường Đại Học Georgetown, Hoa Kỳ, cho rằng quyết định của tổng thống Trump phê chuẩn luật về Hồng Kông có thể hiểu theo nhiều cách : hoặc đây là dấu hiệu báo trước thỏa thuận mậu dịch Mỹ - Trung giai đoạn 1 đã có nhiều tiến triển và đôi bên gần như "ván đã đóng thuyền". Hoặc cũng có thể đây là đòn để cảnh báo Bắc Kinh rằng Mỹ có một công cụ lợi hại trong tay, có thể đánh vào điểm nhạy cảm của Trung Quốc là Hồng Kông.
Về phần giáo sư Jessica Chen Weiss, Đại Học Cornell New York, bà cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng : quyết định của tổng thống Trump chỉ mang tính biểu tượng : Trước mắt, thủ tục trừng phạt Hồng Kông sẽ không được khởi động, thứ hai ; đây là một thông điệp Nhà Trắng gửi đến Quốc Hội lưỡng viện, và nhất là để thể hiện đoàn kết với đảng Cộng Hòa về một đạo luật do đảng này chủ xướng.
Nói cách khác, luật mới của Mỹ về Hồng Kông trên thực tế là nhằm phục vụ các mục đích chính trị của chính quyền Donald Trump vào lúc nguyên thủ Mỹ đang bị đảng Dân Chủ chiếm đa số tại Hạ Viện tiến hành thủ tục luận tội truất phế ông. Có lẽ hiểu được điều này, một giáo sư Trung Quốc tại trường Khoa Học Xã Hội ở Bắc Kinh cho rằng, chính quyền của ông Tập Cận Bình không nên phản ứng quá đáng, bởi vì "đây là lá bài Washington chỉ tung ra được một lần duy nhất và phạt Hồng Kông sẽ càng làm phương hại đến nền kinh tế của đặc khu hành chính này". Có lẽ đây là điều mà phía Hoa Kỳ không mong muốn.
Trong bối cảnh đó, không chắc việc phê chuẩn luật Nhân Quyền và Dân Chủ Hồng Kông sẽ gây bất lợi cho đàm phán thương mại Mỹ- Trung.