Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa
Hải quân Hoa Kỳ hôm 22/12 điều một tàu khu trục tới gần quần đảo Trường Sa trong vùng Biển Đông đang tranh chấp để “thách thức những hạn chế đối với quyền tự do đi lại vô hại do Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan áp đặt.”
Động thái này diễn ra sau khi quân đội Hoa Kỳ cảnh báo trong một tài liệu hồi tuần trước rằng Hoa Kỳ sẽ hành động “quyết đoán hơn” chống lại Bắc Kinh.
Tài liệu của quân đội Mỹ đề ra những mục tiêu cho Hải quân, Thủy quân Lục chiến và Lực lượng Tuần Duyên Mỹ trong năm 2021.
Trong một tuyên bố đưa ra vào chiều ngày thứ Ba 22/12, ông Tian Junli, người phát ngôn của Bộ Chỉ huy Chiến Khu Miền Nam của Quân đội Giải Phóng Nhân dân Trung Quốc, nói rằng tàu khu trục John S. McCain đã đi ngang gần quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
“Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên các vùng biển khắp thế giới, bất chấp nước tuyên bố là nước nào,Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ
“Trung Quốc cực lực chống đối cách hành xử này của Mỹ, vốn phương hại tới quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, gây gián đoạn nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định tại Biển Nam Trung Hoa,” ông Tian nói. Ông nói thêm rằng tàu khu trục Mỹ đã bị xua ra khỏi khu vực sau lời cảnh cáo của quân đội Trung Quốc.
Một tuyên bố của Bộ Tư Lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ xác nhận sứ mạng của tàu khu trục Mỹ trong trang tin tức Naval News hôm thứ Ba 22/12, nói rằng đây là hoạt động của Mỹ để khẳng định quyền tự do hàng hải.
Thông báo viết:
“Hôm 22/12, chiến hạm John S. McCain (DDG 56) đã khẳng định quyền tự do đi lại và các quyền tự do khác tại quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Thông báo này nói rằng các tuyên bố bất hợp pháp trên một vùng biển rộng lớn ở Biển Đông đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với quyền tự do hàng hải, kể cả quyền tự do đi lại trên biển, trên không, tự do thương mại mà không bị cản trở, và tự do về cơ hội kinh tế đối với các nước ven Biển Đông.
Thông báo này khẳng định “Hoa Kỳ thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng trên các vùng biển khắp thế giới, bất chấp nước tuyên bố là nước nào, chiếu theo Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982. Cộng đồng quốc tế có vai trò trong việc bảo vệ các quyền tự do trên biển, vốn thiết yếu cho tình trạng an ninh, ổn định và thịnh vượng toàn cầu".
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông, nhưng tuyên bố đó bị các nước trong khu vực chống đối. Trong các nước chống đối có Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brunei.
Theo Viện Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược biển Đông (SCSPI) của Trung Quốc, hoạt động mới nhất của tàu John S. McCain là lần thứ 9 trong năm nay một tàu hải quân Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý từ bờ biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải của họ hoặc do họ chiếm đóng trên Biển Đông- phần lớn chỉ trong vòng 5 năm qua.
Trong một hành động được coi là hiếm thấy, ngoài Trung Quốc, Hoa Kỳ còn chỉ trích cả Đài Bắc và Hà Nội vì đã đòi hỏi tàu quân sự nước ngoài đi qua vô hại phải “xin phép hoặc thông báo trước”, điều mà thông báo của Mỹ nói là đi ngược với luật pháp quốc tế như được thể hiện trong Công ước Quốc tế về Luật Biển.
Một ngày trước đó, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ chia sẻ trên trang Twitter của họ rằng chiến hạm John S. McCain đã cùng Hải quân Pháp thực hiện các cuộc diễn tập trong Biển Philippines.
(Theo Naval News, AP)
Biển Đông: Tàu khu trục Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải gần quần đảo Trường Sa (voatiengviet.com)
Geen opmerkingen:
Een reactie posten