donderdag 31 december 2020

Tự do đi lại và cư trú giữa Anh và EU: Nạn nhân hiển nhiên của Brexit

 

Tự do đi lại và cư trú giữa Anh và EU: Nạn nhân hiển nhiên của Brexit

Hậu Brexit : Quy định mới về "thú cưng" gây đau đầu không ít cho chủ nhân của chúng khi đi du lịch.
Hậu Brexit : Quy định mới về "thú cưng" gây đau đầu không ít cho chủ nhân của chúng khi đi du lịch. Tolga AKMEN AFP/File
Mai Vân
9 phút

Sau hơn bốn năm và hai cuộc đàm phán dẫn đến hai thỏa thuận (thỏa thuận chia tay và thỏa thuận về quan hệ trong tương lai), thế cục đã an bài và kể từ ngày 01/01/2021, Anh Quốc và Liên Hiệp Châu Âu chính thức trở thành hai thực thể riêng biệt, với rất nhiều thay đổi bắt đầu được áp dụng trong mọi lãnh vực, từ thương mại, hải quan cho đến ngư nghiệp, tự do đi lại…

Trong số những thay đổi chính mà người dân Liên Âu cũng như người dân Anh sẽ phải làm quen trở lại, những hạn chế trong quyền tự do đi lại, cư trú và làm việc giữa hai bên sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất.

Phải nói là trên giấy tờ, Vương Quốc Anh đã chính thức chia tay Liên Hiệp Châu Âu từ ngày 31/01/2020, nhưng hai bên đã đồng ý trên một thời gian chuyển tiếp kéo dài cho đến hết ngày 31/12, luật lệ không có gì thay đổi. Chính vì vậy mà đa số người dân Anh cũng như châu Âu vẫn chưa cảm nhận được thực tế của Brexit.

Thế nhưng kể từ ngày 01/01/2021, khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc, tình hình sẽ hoàn toàn đổi khác. Cổng thông tin về Brexit của chính phủ Pháp nói rõ là các thủ tục hải quan, cũng như kiểm soát vệ sinh và kiểm dịch động thực vật, sẽ được tái lập đối với hàng hóa nhập từ Anh vào Pháp và Liên Âu. Quyền tự do đi lại của người dân giữa Liên Âu và Anh sẽ không còn được áp dụng, và tất cả các biện pháp kiểm soát sự đi lại giữa hai bên sẽ được tái lập. Công dân Liên Hiệp Châu Âu muốn định cư tại Anh, hay người Anh muốn cư trú tại Liên Âu sau ngày 31 tháng 12 năm 2020, trong hầu hết các trường hợp, đều cần phải xin visa. Riêng việc lưu trú ngắn hạn (dưới 3 tháng) sẽ được miễn thị thực.

Chấm dứt quyền tự do đi lại

Căn cứ vào các quy định mới như nêu trên, có thể nói là nạn nhân đầu tiên của tiến trình Brexit là quyền tự do đi lại của người dân hai bên bờ biển Manche (mà người Anh gọi là Chanel), với việc tái lập biên giới thực thụ giữa hai bên.

Trong một vài tháng đầu, thủ tục vẫn còn nhẹ nhàng, khi qua cửa khẩu chỉ cần xuất trình thẻ căn cước hay hộ chiếu là đủ. Thế nhưng kể từ tháng 10 năm 2021 trở đi, khi vào Anh, người châu Âu sẽ phải xuất trình hộ chiếu, và nếu muốn lưu trú tại Anh Quốc trên ba tháng, thì bắt buộc phải xin thị thực. Các chuyến du lịch ngắn hạn sẽ vẫn được miễn thị thực.

Về thời hạn lưu trú, Vương Quốc Anh sẽ cho phép công dân châu Âu ở tối đa sáu tháng liên tục, nhưng ngược lại công dân Anh sẽ chỉ được phép ở 90 ngày ở Châu Âu.

Đối với những công dân Anh đã nghỉ hưu, vốn có thói quen qua sống hơn ba tháng tại nhà riêng thứ hai của họ ở miền Nam nước Pháp hay ở vùng Costa del Sol ngập nắng của Tây Ban Nha, thay đổi này có thể gây sốc.

Đó là chưa kể đến các vấn đề như thời hạn hộ chiếu, phải còn ít nhất là 6 tháng đối với du khách Anh qua châu Âu, cũng như phải mua bảo hiểm du lịch cho riêng mình. Châu Âu không còn áp dụng cho công dân Anh chế độ Thẻ Bảo Hiểm Y Tế Châu Âu, đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế trong toàn khối. Về vấn đề này, Luân Đôn cho biết đang tìm cách thiết lập một hệ thống thay thế để du khách Anh qua châu Âu và người Liên Âu đến Anh vẫn được bảo hiểm y tế.

Vấn đề bằng lái xe cũng sẽ được đặt ra trở lại. Nếu trước đây, khi qua Anh, người châu Âu vẫn có thể dùng bằng lái quốc gia. Giờ đây, thì khác, họ cần phải có bằng lái quốc tế.

Ngay cả vấn đề mang theo thú cưng khi đi du lịch cũng rắc rối hơn. Trong tương lai, việc đi du lịch qua Anh với chó, mèo hoặc cá vàng của bạn, “hộ chiếu châu Âu cho vật nuôi” sẽ không còn được công nhận. Tuy nhiên, các quy tắc sẽ không thay đổi ngay lập tức.  Ở chiều ngược lại, thủ tục sẽ phức tạp hơn. Đặc biệt, chủ sở hữu sẽ cần phải có giấy chứng nhận sức khỏe tốt cho con thú cưng của mình mười ngày trước khi đi du lịch và chỉ được nhập cảnh vào Liên Hiệp Châu Âu thông qua các điểm nhất định được quy định trước.

Nạn nhân thứ hai: Quyền tự do cư trú

Ngoài quyền tự do đi lại, một nạn nhân khác của Brexit quyền tự do cư trú cung gặp hạn chế đáng kể, đặc biệt là đối với những ai muốn qua sinh sống hay làm việc ở phía bên kia.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, nhờ thỏa thuận được Bruxelles và Luân Đôn nhất trí vào ngày 24/12 vừa qua, khoảng 1 triệu công dân Anh vốn đã là cư dân hợp pháp tại Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tương tự như hiện tại. Các điều kiện dễ dàng cũng được áp dụng cho hơn 3 triệu công dân Liên Hiệp Châu Âu đang sống ở Vương quốc Anh.

Nhưng đối với những người muốn thay đổi nơi cư trú sau ngày 01/01/2021, thì tình hình phức tạp hơn. Công dân Anh sẽ không còn quyền được mặc nhiên sống và làm việc tại Liên Hiệp Châu Âu, và ngược lại, người châu Âu muốn di cư qua Vương Quốc Anh sẽ phải đối mặt với một chính sách nhập cư khắt khe hơn. Họ sẽ bị “thanh lọc” theo một thang điểm mới, trong đó độ tuổi, trình độ tiếng Anh, trình độ học vấn sẽ được tính đến để được cấp thị thực, có giá trị trong năm năm. Thêm vào đó là yêu cầu phải có một lời mời làm việc với mức lương ít nhất là 26.500 bảng Anh (29.500 euro).

Đã qua rồi thời kỳ mà một người có thể dấn thân vào một cuộc phiêu lưu bằng cách cứ đến nơi mình thích, rồi kiếm sống nhờ những công việc lặt vặt.

Hãng tin Mỹ AP đã nêu lên một vài ví dụ rất cụ thể cho thấy khác biệt giữa hai thời kỳ tiền và hậu Brexit: Một thanh niên Anh, vừa tốt nghiệp, đi nghỉ mát trên các hòn đảo của Hy Lạp, giờ đây sẽ không thể đi bộ đến một quán bar trên bãi biển và tìm kiếm một việc làm bán thời gian nếu không có thị thực cần thiết. Điều tương tự cũng áp dụng cho các công dân châu Âu đến Vương Quốc Anh. Họ sẽ không thể đến một cửa hàng bánh sandwich như Pret a Manger và xin việc mà không có giấy tờ cần thiết.

Chương trình trao đổi sinh viên Châu Âu bị hy sinh

Riêng đối với giới sinh viên, Brexit là một thảm họa, vì chính quyền Anh đã quyết định bãi bỏ chương trình trao đổi sinh viên giữa các nước châu Âu, mang tên Erasmus.

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xác nhận rằng nước ông sẽ rời khỏi chương trình trao đổi sinh viên châu Âu, Erasmus, sau 33 năm hợp tác. Với quyết định đó, sinh viên Pháp chẳng hạn, nếu muốn đến Vương Quốc Anh trong khuôn khổ một chương trao đổi sinh viên đại học vào đầu năm học 2021 sẽ bị xem là sinh viên nước ngoài, với hệ quả là học phí sẽ tăng vọt.

Trong năm học 2018-2019 vừa qua, đã có gần 4.000 sinh viên Pháp đăng ký vào các trường đại học ở Vương quốc Anh. Trên bình diện châu Âu, mỗi năm có khoảng 32.000 sinh viên châu Âu theo học tại  các trường đại học của Anh nhờ chương trình Erasmus.

Tóm lại, đối với nhiều người ở Liên Hiệp Châu Âu, tự do đi du lịch, học tập và sinh sống ở bất kỳ đâu trong khối 27 quốc gia là một trong những khía cạnh hấp dẫn nhất của hội nhập châu Âu. Tuy nhiên, một số người ở Anh và các khu vực khác của Tây Âu đã trở nên hoài nghi hơn về quyền tự do đi lại sau khi một số quốc gia cộng sản cũ ở Đông Âu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 2004 và nhiều công dân các nước này qua Vương quốc Anh để làm việc.

Chính nỗi lo ngại về nhập cư là một yếu tố chính trong cuộc bỏ phiếu Brexit năm 2016 của Anh.

Tự do đi lại và cư trú giữa Anh và EU: Nạn nhân hiển nhiên của Brexit (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten