dinsdag 29 december 2020

Những kỷ lục 'độc lạ' của thế giới tự nhiên năm 2020

 

Những kỷ lục 'độc lạ' của thế giới tự nhiên năm 2020

29/12/2020 13:15 GMT+7

TTO - Sau một năm nhiều biến động, các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn có nhiều phát hiện thú vị về thế giới tự nhiên. Trong đó, nhiều thành tích ‘vô tiền khoáng hậu’ đã được xác lập.

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 1.

Chim godwit được ví như vận động viên "marathon" trong giới động vật - Ảnh: GETTY IMAGES

Chim bay xa nhất thế giới

Mùa thu năm nay, chim godwit (tên khoa học: Limosa lapponica) - một loại chim dẽ đuôi có sọc - phá kỷ lục thế giới về chuyến bay thẳng dài nhất. Chim đặc trưng với kích thước to, mỏ dài, màu gỉ sắt và khả năng bay đường trường ấn tượng.

Ngày 16-9-2020, một chú chim godwit xuất phát từ tây nam Alaska (Mỹ), bay trong 11 ngày liền không nghỉ để tới New Zealand. Tổng quãng đường chim bay là 12.200km.

Kỷ lục trước đó được nắm giữ bởi một con chim godwit khác, vượt qua quãng đường 11.500km từ New Zealand đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Chim bay liên tục trong 9 ngày.

Sinh vật dài nhất Trái đất

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 2.

Siphonophore - loài vật dài nhất thế giới - Ảnh: GETTY IMAGES

Năm 2020, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu hải dương Schmidt (Mỹ) ghi nhận một sinh vật dài đến gần 50m, gần bằng một tòa nhà 11 tầng.

Đó là con Siphonophore, dài đến 47m. Thực chất Siphonophore là tập hợp nhiều mắt xích nhỏ có chức năng riêng như tự vệ, sinh sản, tiêu hóa sống chung với nhau, tương tự như ở loài san hô.

Từ năm 2005, giới khoa học đã ghi nhận Siphonophore. Tuy nhiên khi đó những Siphonophore dài nhất được biết đến không quá 30m.

Chiều dài kỷ lục 47m của Siphonophore này hơn hẳn kích thước của cá voi xanh. Đến nay, con cá voi xanh lớn dài nhất được ghi nhận chỉ khoảng 30m.

Loài rùa lớn nhất mọi thời đại

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 3.

Ảnh mô phỏng loài rùa lớn nhất mọi thời đại - Ảnh: SCIENCE

Tháng 2-2020, các nhà khoa học phát hiện bằng chứng sự tồn tại của loài rùa khổng lồ (tên khoa học Stupendemys geographicus) từng sống cách đây 10 triệu năm.

Hóa thạch của loài rùa này được phát hiện ở vùng bắc Amazon nằm trên địa phận Colombia.

Dựa vào phần hóa thạch được tìm thấy, nhóm nghiên cứu tính toán chỉ riêng mai rùa đã dài tới 2,43m, lớn gấp đôi loài rùa sông Amazon hiện tại.

Stupendemys geographicus cũng bỏ xa rùa da - được xem là loài rùa biển lớn nhất với mai dài khoảng 1,73m và tổng chiều dài 2,13m.

Tinh trùng "già" nhất

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 4.

Hình ảnh mô phỏng của loài Myanmarcypris hui - Ảnh: Proceedings of the Royal Academy B

Các nhà khoa học tìm được một mảnh hổ phách trong một khu mỏ phía bắc Myanmar. Trong hổ phách, các nhà sinh vật học phát hiện 31 mẩu của một loài mới tên trong số chúng thuộc về một loài mới tên là Myanmarcypris hui.

Trong một con Myanmarcypris hui cái trưởng thành, nhóm nghiên cứu phát hiện ra 4 quả trứng và một số tinh trùng chưa được thụ tinh. Theo tính toán, tinh trùng này có tuổi đời 100 triệu năm.

Phát hiện thú vị này được công bố vào giữa tháng 9 trên tạp chí khoa học uy tín Proceedings of the Royal Academy B. Trước đó, kỷ lục thuộc về một con kén giun ở Nam Cực khi giữ tinh trùng 50 triệu năm tuổi.

Tia sét dài nhất thế giới

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 5.

Tia "siêu sét" trên nền trời Brazil - Ảnh: GETTY IMAGES

Tháng 6-2020, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) "trao" kỷ lục cho tia sét dài nhất thế giới. Tia sét bắt đầu từ đông bắc Argentina, xuyên miền nam Brazil và vươn tới cả Đại Tây Dương. Ước tính toàn bộ quãng đường hơn 709km.

WMO cũng công nhận "thành tích" tia sét lâu nhất cho một tia sét ngày 4-3-2019 ở Argentina. Tia sét kéo dài trong thời gian lâu nhất là 16,73 giây.

Cả hai kỷ lục mới đều được xác nhận nhờ vào công nghệ ảnh vệ tinh mới, và đều cao hơn gấp đôi so với các kỷ lục trước đó được ghi nhận lần lượt ở Mỹ và Pháp.

Tốc độ nhanh nhất của âm thanh

Những kỷ lục độc lạ của thế giới tự nhiên năm 2020 - Ảnh 6.

Các nhà khoa học cho rằng giới hạn của tốc độ âm thanh là 36km/s - Ảnh: Science Advances

Âm thanh có thể truyền đi với tốc độ khác nhau, tùy thuộc vào chất liệu mà nó đi qua. Chẳng hạn, âm thanh truyền nhanh hơn trong chất lỏng ấm so với lạnh. Các tính toán cho thấy âm thanh truyền đi nhanh nhất trong các nguyên tử có khối lượng thấp nhất.

Để tìm ra tốc độ tối đa mà âm thanh có thể truyền đi, một nhóm nghiên cứu đã tính toán tốc độ âm thanh thông qua một nguyên tử hydro - nguyên tử có khối lượng thấp nhất.

Trong điều kiện này, các nhà khoa học đã tìm ra tốc độ nhanh nhất có thể của âm thanh là 36km/s. Tức trong một giây, âm thanh di chuyển được 36 cây số.

Công bố được đăng trên tạp chí khoa học Science Advances uy tín vào tháng 10-2020.

Những kỷ lục 'độc lạ' của thế giới tự nhiên năm 2020 - Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

Video: Lặn dài 202m trong một lần thở để lập kỷ lục Guinness thế giớiVideo: Lặn dài 202m trong một lần thở để lập kỷ lục Guinness thế giới

TTO - Hôm 23-12, VĐV người Đan Mạch Stig Severinsen đã chính thức ghi tên mình vào sách kỷ lục Guinness thế giới khi thực hiện cú lặn dài 202m dưới nước trong một lần thở.

HOÀNG THI (Theo Live Science)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten