Hiệp định đầu tư, Liên Âu lại sa bẫy Trung Quốc ?
Đăng ngày:
Bắc Kinh dồn dập thông báo « cận kề triển vọng » đạt thỏa thuận bảo hộ đầu tư với Liên Hiệp Châu Âu trước cuối năm 2020. Phía Bruxelles hoan nghênh những « tiến bộ đáng kể » sau gần 8 năm đàm phán. Đức trong cương vị chủ tịch luân phiên châu Âu coi đây là « thỏa thuận tốt nhất có thể mong đợi » đối với Trung Quốc. Phải chăng Liên Âu vẫn cả tin vào những lời đường mật của Bắc Kinh ?
Được khởi động từ năm 2013, Bruxelles và Bắc Kinh đã trải qua hơn 30 hiệp đàm phán về một hiệp định « bảo hộ đầu tư hai chiều ». Phái đoàn Trung Quốc và châu Âu đã trao đổi với nhau trên 20 lần trong năm nay. Đây là dấu hiệu rõ rệt nhất cho thấy đôi bên cùng nóng lòng đạt đến đích trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tàn phá kinh tế toàn cầu và thế giới vẫn chưa trông thấy ánh sáng cuối đường hầm. Có thông tin rò rỉ là thỏa thuận này có thể được ký kết Thứ Ba, 22/12/2020.
Tại sao cả phía Trung Quốc lẫn Liên Âu đều muốn bằng mọi giá hoàn tất thỏa thuận này trước cuối năm ?
Trước hết về phía Bắc Kinh, theo nhiều nhà quan sát, Trung Quốc muốn bằng mọi giá đúc kết đàm phán để « cầm dao đằng chuôi » trước khi Nhà Trắng đổi chủ. Bắc Kinh muốn « phá vỡ mặt trận xuyên Đại Tây Dương », Âu-Mỹ thành lập liên minh chống Trung Quốc.
Về phía Bruxelles, liệu rằng Liên Âu sẽ lại nhường cho Bắc Kinh một bàn thắng quan trọng hay không khi quả quyết rằng Trung Quốc đã « chấp nhận mở cửa nhiều lĩnh vực » cho các doanh nhân châu Âu, kể các những thị trường mà tới nay Trung Quốc vẫn xem là thuộc nhạy cảm như dịch vụ tài chính, tin học, công nghệ sinh học … ? Không thấy Bruxelles đề cập nhiều đến những điều khoản mà Liên Âu đồng ý nhượng bộ đối tác như là châu Âu bảo đảm mở cửa thị trường « công nghệ xanh và năng lượng tái tạo » cho các hãng của Trung Quốc.
Không chỉ ở Bruxelles, mà cả tại Berlin chính phủ Đức cũng đặt biệt tỏ ra nôn nóng hoàn tất hiệp định với Bắc Kinh vì đây sẽ là một thắng lợi ngoại giao lớn của thủ tướng Angela Merkel trước ngày bà kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Âu. Hơn thế nữa khác hẳn với nhiều thành viên châu Âu khác, Đức là một trong những ngoại lệ có cán cân thương mại thặng dư với Trung Quốc. Berlin hài lòng khi thấy Paris bắn tín hiệu ủng hộ quan điểm của Đức.
Để thuyết phục Liên Âu về những cái « lợi to lớn » có được, một nhà ngoại giao châu Âu tại Bắc Kinh đã khẳng định với báo kinh tế Les Echos rằng Bắc Kinh đã nhượng bộ châu Âu « nhiều hơn mong đợi ». Trái lại cũng trên tờ báo này một số khác cho rằng sẽ có những quốc gia « run tay khi phải đặt bút ký vào văn bản với Trung Quốc ».
Một nhóm nhà nghiên cứu về châu Á trong tập hợp mang tên Euobserver, trong đó có chuyên gia về châu Á, François Godement, Viện Nghiên Cứu Montaigne, Paris giải thích : thứ nhất, những nhượng bộ của Bắc Kinh chỉ là mang tính tượng trưng. Trung Quốc đồng ý mở cửa cho Pháp vào hoạt động trong lĩnh vực quản lý các nhà dưỡng lão, và cho phép Đức tham gia vào thị trường sản xuất bình điện xe ô tô chạy bằng điện để dụ dỗ hai đầu tầu quan trọng này của Liên Âu. Nhưng về mặt cốt lõi thì các doanh nghiệp nước ngoài không nên ảo tưởng sẽ được đối xử bình đẳng, được quyền tham gia đấu thầu các dự án công. Thứ nhì là Bruxelles thừa biết Bắc Kinh không nhượng bộ về các chuẩn mực như quyền của người lao động và cũng không có chuyện Trung Quốc phê chuẩn công ước lao động quốc tế của Liên Hiệp Quốc, chống cưỡng bức lao động …
Vẫn theo giới chuyên gia trong Euobserver, như thường lệ Bắc Kinh chỉ đưa ra những cam kết « mơ hồ » và câu hỏi đặt ra là vậy thì tại sao châu Âu lại phải vội vã chạy theo những hứa hẹn viển vông đó nhất là khi biết rằng, hiệp định « bảo hộ đầu tư hai chiều có nhiều lỗ hổng ảnh hưởng trực tiếp đến những quyền lợi, những giá trị cốt lõi của Liên Âu ».
Cũng chuyên gia François Godment trả lời báo Les Echos ngày 18/12/2020 cho rằng Liên Hiệp Châu Âu dù mạnh mẽ tuyên bố « không còn ngây thơ » với Trung Quốc nhưng hiệp định đầu tư song phương lần này là dấu hiệu mới cho thấy Bruxelles không biết phải sử xự như thế nào với Trung Quốc và cũng không đạt được bất kỳ một nhượng bộ đáng kể nào từ phía đối tác thương mại nặng ký châu Á này. Bắc Kinh tuyệt đối im lặng trước những đòi hỏi « bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngừng chuyển giao công nghệ và ngừng chính sách trợ giá » tạo cạnh tranh bất bình đẳng với phần thiệt thòi cho các doanh nghiệp châu Âu. Tệ hơn nữa, chuyên gia Godment kết luận : trong trường hợp có tranh chấp, Liên Âu không có một phương tiện nào để trừng phạt Bắc Kinh.
Geen opmerkingen:
Een reactie posten