woensdag 30 december 2020

Renoir, tâm huyết nghệ thuật từ đời cha đến đời con

 

Renoir, tâm huyết nghệ thuật từ đời cha đến đời con

Phần âm thanh 12:56
Hai cha con Jean và Auguste trong bộ phim Renoir (DR)
Hai cha con Jean và Auguste trong bộ phim Renoir (DR)
Tuấn Thảo
25 phút

Nhắc đến Renoir, giới yêu chuộng nghệ thuật đầu tiên hết nghĩ tới danh họa trường phái ấn tượng Auguste Renoir. Nhưng đối với người Pháp, dòng họ này còn có một nhân vật nổi tiếng khác là đạo diễn Jean Renoir. Người cha lưu danh hậu thế nhờ các bức vẽ. Người con thành danh nhờ tài nghệ làm phim. Cuộc đời của hai cha con Renoir vừa được đạo diễn Gilles Bourdos chuyển thể lên màn ảnh lớn.

Mang tựa đề ngắn gọn Renoir, bộ phim thuộc vào thể loại tiểu sử (biopic), nhưng thay vì đơn thuần kể lại câu chuyện của một đời người, lại đan xen lồng ghép hai định mệnh với nhau. Bộ phim của Gilles Bourdos chọn bối cảnh của năm 1915, tức là một năm sau khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ và 4 năm trước khi danh họa Auguste Renoir qua đời.

Vào mùa hè năm 1915, Jean Renoir, thời ấy mới 21 tuổi, trở về từ chiến trường. Gia đình anh lúc đó đang để tang người mẹ. Bà đột ngột từ trần mà không kịp nhìn lại lần cuối hai đứa con trai, đang cầm súng chiến đấu nơi mặt trận. Cả hai đứa con lớn đều bị trọng thương. Do bị trúng đạn nên Pierre Renoir, con trai trưởng bị liệt cánh tay phải, Pierre sau đó trở thành diễn viên kịch nghệ và điện ảnh. Còn Jean Renoir, con trai thứ nhì, thì bị trúng đạn pháo, suýt nữa bị cưa cụt một chân. Tuy thoát chết nhưng đạo diễn Jean Renoir sau đó bị què, cả đời phải đi đứng khập khiễng.

Từ mặt trận trở về nhà ở vùng Cagnes sur Mer, miền nam nước Pháp, Jean Renoir gặp lại thân phụ. Danh họa Auguste Renoir lúc đó đã ngoài 70 tuổi, tài nghệ vẽ tranh của ông đã được công nhận từ hai thập niên trước. Nhiều tác phẩm hội họa của Renoir được trưng bày tại viện bảo tàng Luxembourg rồi bảo tàng Louvre. Có thể nói là lúc sinh tiền, danh họa Renoir đã thấy giấc mơ của mình trở thành hiện thực vì tranh vẽ của ông xuất hiện bên cạnh các tên tuổi bậc thầy mà ông hằng ngưỡng mộ như Raphael, Rubens, Ingres, Fragonard …

Quan hệ giữa hai cha con Renoir khá mâu thuẫn phức tạp. Ngoài chênh lệch tuổi tác (hơn 50 tuổi), còn có sự khác biệt trong quan niệm về cuộc sống. Jean Renoir mới đến tuổi trưởng thành và chưa tìm ra được con đường nghệ thuật cho chính mình, trong khi người thân phụ đã bước vào những năm tháng cuối cùng của một đời người. Cả hai cha con cũng thuộc vào dạng người ít nói : Cùng một mái nhà nhưng quan hệ trao đổi gần với kiểu sống bên cạnh, nhiều hơn là sống chung.

Trước khi qua đời, vợ của danh họa Renoir đã sắp đặt mọi thứ trong gia đình để cho cuộc sống của ông chồng thoải mái dễ chịu hơn. Do bị mắc chứng bệnh viêm khớp rất nặng, nên danh họa Renoir buộc phải ngồi xe lăn, bàn tay không còn linh hoạt như trước, nhưng ông vẫn đam mê hội họa, vẽ tranh trên giường bệnh cho tới hơi thở cuối cùng.

Trong đoạn cuối cuộc đời, thế giới của Auguste Renoir đầy dẫy những bóng hình phụ nữ. Người đẩy xe lăn, kẻ giúp việc nhà, chăm sóc cho ông từng li từng tí : Từ chuyện ăn uống cho tới việc chuẩn bị bảng vẽ, tẩy sạch cây cọ, lau chùi vết sơn … Khi cần thì những người đàn bà này có thể làm người mẫu để cho ông vẽ, trong đó có Andrée Heuschling, một thiếu nữ chưa tròn đôi mươi, mắt xanh như ngọc, tóc đỏ nâu hung. Sau ngày thân phụ qua đời, Jean Renoir sẽ cưới cô gái này làm vợ và tạo cơ hội cho cô thành diễn viên khi anh trở thành đạo diễn.

Bằng cách gợi ý nhiều hơn là minh họa, bộ phim của đạo diễn Gilles Bourdos cho thấy động lực thúc đẩy danh họa Auguste Renoir miệt mài đeo đuổi nghề vẽ. Tuổi già sức yếu, bị ám ảnh bởi cái chết, nhưng ông luôn đề cao vẻ đẹp của người đàn bà, biến tranh khỏa thân thành sở trường, tiếp nối truyền thống của Rubens và Watteau. Theo cách đọc của nhà làm phim, danh họa Renoir tìm thấy nơi vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ một luồng sinh khí nuôi dưỡng cảm hứng nhiều hơn là rung động xác thịt, khoái lạc dục vọng.

Sinh tại Limoges, thành phố nổi tiếng lâu đời nhờ nghệ thuật làm đồ sứ tại Pháp, danh họa Auguste Renoir đến với hội họa vì ban đầu ông học vẽ các họa tiết trên bát đĩa. Sau khi gia đình dọn nhà về Paris, ông mới học thêm lớp hội họa tại xưởng vẽ của họa sư Charles Gleyre, giảng viên ở trường Mỹ Thuật Paris. Học cùng một lớp với ông Auguste Renoir có Claude Monet, Alfred Sisley và Jean Bazille, mà sau này đều trở thành những tên tuổi lớn của làng hội họa.

Do không mặn mà với truyền thống hội họa cổ điển, nên các nghệ sĩ trẻ tuổi này mới tìm tòi một lối sáng tác mới mẻ, để rồi cùng nhau khai sinh trường phái ấn tượng. Sau một thời gian đồng hành, con đường nghệ thuật của Auguste Renoir rẽ sang một hướng khác, manh nha phong cách biểu hiện nhiều hơn là ấn tượng : Ông chuộng thể hiện các chủ đề về con người, về nếp sống cũng như các sinh hoạt sôi động, thay vì vẽ thiên nhiên hay phong cảnh.

Đến năm 40 tuổi, danh họa Auguste Renoir được nhìn tận mắt các bức vẽ của thiên tài hội họa Raphael nhân một chuyến đi thăm nước Ý. Cũng từ đó, mà trong tác phẩm, ông chú trọng nhiều hơn đến chi tiết và bố cục, dung hòa đường nét cổ điển với bút pháp mới. Sở trường của ông là cách dùng màu sắc, vẽ da thịt hồng hào, đậm đà mà tươi mát trong tranh khoả thân. Chân dung khuôn mặt thường được vẽ theo lối cổ điển, nhưng cơ thể và cảnh vật xung quanh lại chan hòa ánh sáng, chấm phá hay xoắn dài theo nét cọ của trường phái ấn tượng.

Sau hơn hai thập niên sáng tác dồi dào sung mãn, sức sáng tạo của Auguste Renoir bị khựng lại do chứng bệnh viêm khớp phát sinh ở độ tuổi sáu mươi. Những khớp xương ở tay chân ngày càng sưng lên, nhức nhối khi cử động, khiến cho việc cầm cọ càng trở nên khó khăn. Gân cốt tay chân khó co duỗi, vai đau do cứng khớp xương, khiến ông nhiều lần bị té ngã, do vậy mà buộc phải ngồi xe lăn. Già nua, bệnh tật đã ảnh hưởng đến cách vẽ của Auguste Renoir.

Danh họa này buộc phải thay đổi bút pháp để thích nghi với bệnh tình. Ông kẹp bảng màu vào thành ghế xe lăn, cây cọ thì được cột chặt bằng dây vào cánh tay họa sĩ. Từ khổ lớn, Renoir chuyển sang vẽ tranh khổ nhỏ, cách pha màu cũng ít đậm hơn khi ông vẽ chi tiết bằng những nét ngắn, thay vì chấm phá vết dài. Từ thời thanh niên trai tráng đến tuổi xế chiều, Auguste Renoir tiếp tục sáng tác với tâm trí minh mẫn dù sức khỏe có hao mòn. Năm 1919, ông vĩnh viễn ra đi ở tuổi 78, nhưng để lại trên dưới sáu ngàn họa phẩm, trong đó có cả trăm bức tranh đượt liệt vào hàng xuất sắc, được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng lớn trên thế giới.

Ngày thân phụ của anh qua đời, Jean Renoir lúc đó mới 25 tuổi và chưa thật sự tìm ra được một hướng đi trong đời mình. Giải ngũ sau chiến tranh, Jean Renoir về Paris sinh sống và khám phá các rạp chiếu phim ở thủ đô nước Pháp. Trong thời gian này anh được xem nhiều bộ phim câm của Charlie Chaplin và Buster Keaton. Từ sở thích này, Jean Renoir mới bước vào nghề làm phim, nhưng có tâm hồn nghệ sĩ nhiều hơn là đầu óc kinh doanh. Andrée Heuschling, người vợ mới cưới của anh trở thành diễn viên và chọn nghệ danh là Catherine Hessling.

Làm con của một danh họa không phải dễ. Không phải ngẫu nhiên mà Jean Renoir chọn điện ảnh, một ngôn ngữ nghệ thuật khác với người cha. Những dự án làm phim ban đầu của Jean đều gặp thất bại, và hình bóng của thân phụ tựa như một bóng cây đại thụ che khuất tài năng của người con.

Sáu năm sau ngày danh họa Auguste Renoir qua đời, Jean Renoir bắt tay vào việc thực hiện cuộn phim Nana (1925), chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Emile Zola. Bộ phim này hoàn toàn thất bại, buộc nhà đạo diễn trẻ tuổi phải bán một số bức tranh nổi tiếng của cha mình để trả nợ. Mãi đến hơn một thập niên sau, Jean Renoir do kiên trì đeo đuổi con đường điện ảnh mới gặt hái được thành công.

Từ những năm 1935 trở đi, Jean Renoir lúc đó đã ngoài 40 tuổi mới được giới chuyên nghiệp công nhận. Khi Đệ Nhị Thế Chiến bùng nổ, anh cùng với gia đình sang Mỹ định cư. Sự nghiệp của nhà đạo diễn Pháp tại Hollywood kéo dài trong vòng một thập niên liền, đánh dấu sự hợp tác với những tên tuổi lớn như Charles Laughton, Paulette Goddard, Robert Ryan và Ingrid Bergman …

Từ năm 1952 trở đi, Jean Renoir trở về Pháp và bắt đầu giai đoạn thứ ba trong sự nghiệp điện ảnh. Càng lớn tuổi, ông càng thấu hiểu cái di sản do thân phụ để lại, người con bắt đầu chiêm nghiệm những gì mà người cha đã nói trong lần gặp mặt nhau 40 năm về trước. Nhiều bộ phim của Jean Renoir trong giai đoạn này đều ít nhiều gắn liền với kỷ niệm của người thân phụ.

Bộ phim French Cancan là một cách để vinh danh các danh họa Toulouse-Lautrec, Edgar Degas, và Auguste Renoir, (tiêu biểu qua bức tranh Danse au Moulin de la Galette mà Auguste Renoir đã vẽ vào năm 1876). Còn trong phim Le déjeuner sur l’herbe Bữa ăn trên cỏ, tuy tựa đề tác phẩm là tên của một bức tranh của Edouard Manet, nhưng nội dung lại gắn liền với trường phái ấn tượng nói chung. Toàn bộ cuộn phim chọn miền nam nước Pháp làm bối cảnh, nơi mà danh họa Auguste Renoir đã vẽ hầu hết các bức tranh cuối đời.

Bộ phim Renoir của đạo diễn người Pháp Gilles Bourdos do lồng ghép hai đoạn tiểu sử, đan xen nhiều chi tiết lại với nhau mà không nhất thiết tuân theo trình tự thời gian, cho nên có nhiều đoạn hơi khó hiểu. Dựa vào cuốn hồi ký của đạo diễn Jean Renoir viết về người thân phụ (Renoir, Mon père) và quyển tiểu sử của một người cháu ruột viết về dòng họ Renoir, kịch bản bộ phim này đã tìm cách phác họa một bức tranh gia đình, ở một thời điểm nhất định.

Bộ phim Renoir giống như một tập ảnh chụp lưu niệm, gợi ý qua các đoạn hồi tưởng, khiến cho người xem buộc phải tập trung theo dõi các tuyến truyện. Dù tánh tình hai cha con rất khác nhau, nhưng họ cùng chia sẻ, không phải là dòng máu nghệ sĩ, vì cũng như nhân vật Auguste Renoir có nói ở trong phim "Thiên tài không có chuyện di truyền", mà là một ngọn lửa thiêng hun đúc, nung nấu tâm huyết của một con người dâng hiến cuộc đời cho nghệ thuật.

Cái khéo của đạo diễn Gilles Bourdos là làm nảy sinh cảm xúc trong tình huống : Khi danh họa Auguste Renoir gặp lại đứa con trai từ chiến trường trở về : một bên gần như là tàn phế buộc phải ngồi xe lăn, một bên chống nạng gỗ do là thương binh bại liệt. Những gì mà người cha nói về người con chưa chắc gì đã tìm được sự đồng cảm ngay trong khoảnh khắc. Dư âm của lời nói nhiều thập niên sau mới thật sự trở nên có ý nghĩa. Người khuất bóng tiếp tục nhắn nhủ qua lời vang vọng, biết nghe hay không còn tùy thuộc vào người còn sống.

Renoir, tâm huyết nghệ thuật từ đời cha đến đời con - Tạp chí văn hóa (rfi.fr)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten