SEATTLE, Washington (NV) - Một chiếc xe hoa của cộng đồng người Việt vùng Tây Bắc Hoa Kỳ, gồm hai tiểu bang Washington và Oregon, vừa đoạt giải thi đua trong cuộc diễn hành xe hoa “Ánh Ðuốc Seattle Parade” năm 2015, theo một bản tin của Người Việt Tây Bắc.
Chiếc xe hoa của cộng đồng người Việt vùng Tây Bắc Hoa Kỳ. (Hình: Người Việt Tây Bắc)
Ðây không chỉ là niềm hãnh diện của cộng đồng người Việt vùng Tây Bắc qua giải thưởng có được liên tiếp trong mấy năm qua, mà thành công này có được là nhờ vào sự tham gia càng ngày càng đông đảo của nhiều hội đoàn tổ chức cộng đồng và các đoàn thể, theo lời ông Phạm Trọng, chủ tịch xe hoa năm nay cho biết, trước khi xe lăn bánh, từ nhà một mạnh thường quân ở Bellevue.
Chiếc xe hoa này được thực hiện trong một tháng trời, có sự chứng kiến của nhiều cơ quan truyền thông, và được chiếu trên đài truyền hình KIRO-TV.
“Có thể nói cuộc diễn hành 'Ánh Ðuốc Seattle Parade' hàng năm của Cộng Ðồng người gốc Việt mỗi ngày mỗi được hưởng ứng đông đảo, nối kết các thế hệ các khuynh hướng trong cộng đồng gắn bó và sát cánh gần gũi nhau nhiều hơn,” ông Trọng được trích lời nói.
Theo Người Việt Tây Bắc, sau khi nhận giải thưởng, mọi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào và quên hết hẳn mệt nhọc sau khi tất cả cùng đi bộ trên một lộ trình 3 dặm suốt đường số 4, khởi sự từ Seattle Center và giải tán trong khu phố gần sát Little Saigon.
Không một ai cảm thấy mệt mỏi khi cùng đồng hành cùng ca hát, và vẫy chào mọi người có mặt dọc hai bên đường cũng như trước các ống kính truyền hình đang trực tiếp truyền đi khắp toàn quốc Hoa Kỳ. Nhiều người đi bộ cầm hai hai lá cờ nhỏ Việt-Mỹ trên tay mỗi người trong đoàn diễn hành sát cánh dưới lá cờ vàng VNCH tung bay, một lá cờ vừa được hội đồng thành phố vinh danh trong thời gian gần đây.
Ðược biết, trước đó ba tuần, xe hoa của cộng đồng người Việt ở tiểu bang Oregon cũng đoạt giải trong một cuộc diễn hành ở Portland. (Ð.D.)
Theo trang Independent, NASA đã tiến hành buổi họp báo nhằm công bố chính thức thông tin kính viễn vọng Kepler đã phát hiện “Trái đất thứ hai”.
Tham vọng tìm kiếm hành tinh tương tự Trái Đất đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1995 và đến nay điều đó đã trở thành hiện thực.
Trang Independent đưa tin, Cơ quan Hàng không Vũ trụ NASA đã tiến hành buổi họp báo, công bố chính thức thông tin đã phát hiện ra một “Trái đất thứ hai” trong Dải Ngân Hà. Hành tinh mới này được đặt tên là Kepler-452b. Đây được xem là một phát hiện mang tính lịch sử của ngành Thiên văn.
Hành tinh mới này được tìm thấy bởi kính viễn vọng Kepler. Được biết, kính viễn vọng Kepler được NASA đưa vào sử dụng vào năm 2009 với sứ mệnh khám phá các hành tinh có sự sống ngoài vũ trụ.
Kepler hoạt động bằng cách giám sát hàng trăm ngàn sao cùng một lúc và phân tích mức độ ánh sáng mà các ngôi sao phát ra. Khi một hành tinh đi qua giữa ngôi sao và kính thiên văn, chúng sẽ che lấp một số ánh sáng và Kepler sẽ lưu tâm, dõi theo hành tinh đó.
Kể từ khi ra đời, Kepler đã phát hiện được 1.028 hành tinh và 22 trong số đó được tin là có những điều kiện phù hợp với sự sống. NASA đang đặc biệt tìm kiếm một hành tinh thuộc “vùng ở được” với nhiệt độ bề mặt có thể tồn tại nước dạng lỏng.
Trong số những hành tinh được Kepler phát hiện, Kepler-452b là thiên thể đặc biệt nhất. Bởi đây là hành tinh nhỏ nhất xoay quanh một ngôi sao nằm trong vùng có khả năng nuôi dưỡng sự sống.
Mô phỏng Kepler-452b quay quanh ngôi sao riêng
Hành tinh có khả năng nuôi dưỡng sự sống là nơi mà nước có thể tồn tại ở dạng lỏng. Bởi phần lớn hành tinh trong vũ trụ đều quá nóng nên nước bị bay hơi, hoặc quá lạnh khiến nước bị đóng băng. Để đạt điều kiện ấy, hành tinh phải cách ngôi sao riêng ở cự ly hợp lý, giống như Trái đất và Mặt trời.
Kepler-452b cách Trái đất khoảng 1.400 năm ánh sáng
Tìm hiểu sâu hơn, nhà nghiên cứu Jon Jenkins cho biết, Kepler-452b có tuổi thọ khoảng 6 tỉ năm, hơn 1,5 tỉ năm so với tuổi của Mặt trời.
Mặc dù Kepler 452B có đường kính lớn hơn 60% so với Trái đất nhưng có cùng nhiệt độ và Kepler-452b sáng hơn khoảng 20%.
Đặc biệt hơn, Kepler-452b xoay quanh một ngôi sao riêng biệt trong khoảng 385 ngày. Điều đó có nghĩa là chỉ hơn thời gian xoay của Trái đất quanh Mặt trời 20 ngày. Bên cạnh đó, khoảng cách từ Kepler-452b đến ngôi sao này chỉ nhiều hơn 5% khoảng cách từ Trái đất đến Mặt Trời.
Mặc dù các chuyên gia của NASA chưa thể xác định chính xác khối lượng và thành phần vật chất của Kepler-452b nhưng vài nghiên cứu chỉ ra, rất có thể Kepler là hành tinh đá giống địa cầu.
Chuyên gia phân tích dữ liệu Jon Jenkins, thuộc dự án Kepler cho rằng: “Kính Kepler đã phát hiện một hành tinh và một ngôi sao giống địa cầu và Mặt trời nhất từ trước tới nay. Phát hiện đột phá này cho thấy, Kepler-452b như một người anh ruột của Trái đất”.
Có rất nhiều hành tinh được tìm thấy xung quanh Trái đất nhưng Kepler 452B là thiên thể đặc biệt nhất
Và câu hỏi liệu một ngày nào đó chúng ta có thể đặt chân lên Kepler 452B được rất nhiều người trong giới khoa học quan tâm.
Nhà nghiên cứu Jeff Coughlin chia sẻ: “Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời. Bởi lẽ, hiện chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu và đưa ra những thông tin chính xác nhất về Kepler-452b. Nếu một ngày nào đó, con người có thể đặt chân lên Kepler-452b thì chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa”.
Kính viễn vọng Kepler đã cung cấp cho chúng ta thông tin về “Trái đất thứ hai” này, tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa tìm ra bằng chứng về sự sống trên Kepler-452b.
Kepler 452B là ngôi sao tồn tại được 6 tỷ năm, nhiều hơn Mặt trời khoảng 1,5 tỷ năm.
Phát hiện về Kepler-452b đã đưa chúng ta hiểu hơn về sự phát triển của Trái đất và khả năng tồn tại sự sống ở những hành tinh khác trong vũ trụ bao la này.
Clip ghi âm tóm tắt các phát biểu về Kepler-452b
1 năm ánh sáng bằng… 225 triệu năm đi bộ, Kepler-452b cách chúng ta 1.400 năm ánh sáng. Nếu bắt đầu từ bây giờ thì sẽ phải đi mất bao lâu để đến được đó các bạn nhỉ?
Trứng vịt lộn, mắt cá hồi, đầu cừu, súp dơi… là những món ăn đặc trưng của các nền văn hóa nhưng có thể khiến du khách phát hoảng ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Mắt cá hồi (Nhật Bản): Đây là một trong những món đặc sản lạ lùng nhất của Nhật Bản. Mắt cá hồi có giá không hề rẻ, và được coi là món dành cho những người “có khẩu vị đặc biệt” ở các nhà hàng. Phần con ngươi và ổ mắt rất cứng, chỉ phần đông lại giống như thạch sau khi hấp là ăn được. Ảnh: The Richest.
Phô mai Casu Marzu (Italy): Món ăn truyền thống của người dân đảo Sardinia này còn được gọi là “phô mai giòi” và có thể khiến nhiều du khách phát hoảng khi nhìn thấy lần đầu. Phô mai làm từ sữa dê được cắt một lỗ và để ra ngoài trời để ruồi đẻ trứng vào trong. Trứng ruồi nở thành giòi, ăn phô mai và thải ra chất béo, protein, đường. Phô mai được ăn khi những con giòi còn sống. Tuy nhiên, nhìn miếng phô mai đầy những ấu trùng lúc nhúc này, hiếm du khách có đủ can đảm để thưởng thức. Ảnh: The Richest.
Đầu cừu (Nam Phi): Trước hết, phần não được bỏ đi, sau đó đầu cừu được hầm với gia vị cà ri. Nhiều người cho rằng phần tai và mắt là ngon nhất, nhưng đúng là món ăn này không dễ nhìn chút nào. Ảnh: Mydestination.
Súp dơi (Indonesia): Loại dơi ăn hoa quả này được hầm nhừ với các loại rau thơm và gia vị. Thịt dơi được nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Phi yêu thích, nhưng nhìn thấy cả con dơi đen xì trong bát súp khiến du khách nước ngoài thấy sợ. Ảnh: Zoonautics.
Trứng vịt lộn (Đông Nam Á): Món ăn này rất phổ biến tại các quốc gia như Việt Nam, Philippines, Campuchia, Lào… Trong đó, trứng vịt được ấp khoảng 16-20 ngày, sau đó luộc chín và ăn kèm các loại rau thơm. Ảnh: Telegraph
Bạch tuộc sống (Hàn Quốc): Nakji là một loại bạch tuộc nhỏ được phục vụ ở các nhà hàng Nhật Bản và chợ cá Noryangjin ở Seoul. Các xúc tu được cắt và ăn ngay khi chúng vẫn còn giãy giụa trên đĩa, hoặc nếu can đảm hơn, bạn có thể ăn sống cả con. Vấn đề là các giác hút trên xúc tu vẫn có khả năng dính cực chặt trong miệng hoặc cổ họng, dễ dàng gây hóc hay ngạt thở. Ảnh: Metro.
Với chiều cao 1,75 mét, cô gái vẫn còn thấp hơn hẳn so với anh bạn trai cao đến 2,15 mét và đi đâu họ cũng bị nhìn một cách lạ lẫm.
Wiliam Jewell và Selina Swift là cặp đôi dáng vừa cao vừa … “lệch” nổi tiếng tại Hight Wycombe, Anh. Với chiều cao 1,75 mét, cô nàng 19 tuổi Selina hoàn toàn có thể tự hào. Nhưng khi đứng với Wiliam, mọi người vẫn gọi cả hai là “đôi đũa lệch” vì anh cao đến 2,15 mét.
Ngày từ khi 13 tuổi, Wiliam đã cao vượt trội bạn bè. Lúc đó, anh chàng cao 1,9 mét, hơn gần 20cm so với chiều cao trung bình của một thiếu niên.
Wiliam và Selina, cặp đôi “đũa lệch” có chiều cao khó tin.
“Mọi người đứng lại và nhìn chằm chằm vào chúng tôi mọi lúc. Cứ khi nào ra đường là tôi bị mọi người bàn tán. Thậm chí, mỗi khi đi qua một câu lạc bộ ở trường, kiểu gì tôi cũng bị gọi ít nhất 5 lần để chụp ảnh cùng.” – Wiliam nói.
Trong khi đó, gia đình của Wiliam chỉ có chiều cao khá bình thường. Cha anh, ông Johncao 1,9 mét. Trong khi đó mẹ và em gái cao 1,7 mét.
“Anh ấy là người khổng lồ thân thiện của tôi. Tôi hẹn hò với Will hơn 1 tháng sau khi gặp anh ấy. Tất nhiên, tôi cũng rất ngạc nhiên về chiều cao của Willl như mọi người.” – Selena chia sẻ.
Wiliam thậm chí còn không vừa với kích thước của một chiếc giường nào.
Ngay từ khi còn bé, William đã uống nhiều sữa, đó có thể là nguyên nhân khiến anh chàng cao đột biến như vậy. Wiliam phải mặc quần áo đặc biệt. Khi còn đi học, quần của Wiliam cũng được may đặc biệt hơn các bạn do anh có eo thon, chân dài bất thường. Mỗi lần may quần, anh chàng phải trả khoảng 100 bảng vì may riêng. Thậm chí, còn chẳng có một chiếc giường nào vừa với William.
Cỡ giày khủng mà Wiliam thường đeo.
Gia đình Wiliam. Mọi người đều có chiều cao bình thường, chỉ riêng Wiliam có chiều cao siêu khủng.
Phóng to
Wiliam đoán anh cao như thế này có thể là do… sữa.
Nhân chuyện máy bay MH370 và đảo Reunion, báo chí đăng lại những tấm hình tràn đầy nước mắt: 'Cha ơi, con nhớ cha', hay 'Con hãy về với ba mẹ', của thân nhân những người bị mất tích trên chuyến bay định mệnh tháng 3/2014.
Nhưng hòn đảo Reunion nằm hẳn về phía châu Phi chứ không còn gần Úc hay Malaysia cũng gắn liền đến hai vị cha ông người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử đau buồn của thời mất nước.
Hai vị cựu hoàng, vua Thành Thái (cha) và Duy Tân (con) đều bị thực dân Pháp đày ra đây từ 1916 sau các nỗ lực hoạt động vô vọng nhằm thay đổi thực trạng là Đại Nam đã bị người Pháp kiểm soát và ngày càng trực trị, và các điều khoản Bảo hộ chỉ còn trên giấy.
Cũng vẫn đảo Reunion và một chuyến bay khác: ngày 25/12/1945, trên đường từ Paris về Reunion, máy bay chở cựu hoàng Duy Tân đâm vào núi và ông tử nạn trên bầu trời Trung Phi.
Pháp cho mở hai cuộc điều tra và kết luận không có dấu hiệu đây là một cuộc mưu sát, nhưng đến nay vụ tai nạn vẫn còn là nghi án lịch sử chưa có lời giải đáp.
Nghi vấn và nhân vật
Có giả thuyết nói kế hoạch Duy Tân được Tướng Charles de Gaulle chuẩn bị để thành con bài của Pháp ở Đông Dương đã bị ngăn cản.
Cảm giác nuối tiếc còn đến từ mất mát khi một nhân vật có tiếng ra đi trong hoàn cảnh bất thường.
Không chỉ cựu hoàng Duy Tân mà còn có nhiều nhân vật đấu tranh cho mục tiêu dân tộc của họ khi Thế Chiến đến hồi kết thúc không hiểu vì sao đều gặp các tai nạn phi cơ.
Tướng Ba Lan, Wladyslaw Sikorski, tư lệnh phe Cộng hòa Ba Lan chống phát-xít cùng quân Đồng Minh Anh và Mỹ ở Mặt trận phía Tây bị tử nạn khi chiếc B-24 Liberator lao xuống biển.
Cho đến nay vẫn có người Ba Lan tin rằng ông bị giết để cuộc đàm phán 'trao Ba Lan hậu chiến' về cho Stalin được thuận lợi hơn.
Trước khi xảy ra tai nạn, vào tháng 7/1943, ở cương vị Thủ tướng chính phủ Ba Lan lưu vong đóng ở London, ông đã yêu cầu Hồng Thập Tự Quốc tế điều tra vụ thảm sát Katyn, khiến Stalin bẽ mặt và phẫn nộ.
Vào lúc đó, Liên Xô vẫn đổ cho Đức gây ra vụ bắn chết hơn 20 nghìn sỹ quan Ba Lan rơi vào tay họ tháng 3/1940.
Ngày 18/08/1945, lãnh đạo quân đội quốc gia Ấn Độ thân Nhật, ông Subhas Chandra Bose cũng tử nạn khi chuyến bay khởi hành từ Sài Gòn sang Nhật đáp xuống Đài Loan rồi rơi lúc cất cánh trở lại.
Có thuyết nói khi thấy Nhật đã thất bại, ông Bose muốn tìm về theo Liên Xô để đấu tranh chống Anh Quốc giành độc lập nhưng bị phe phái nào đó giết chết đi để loại trừ một đối thủ sau Thế chiến.
Nhưng một bạn Ban Tiếng Hindi ở BBC nói với tôi rằng cho đến thập niên 1970 vẫn có những người khác tin rằng ông Subhas Chandra Bose không hề chết mà vẫn sống ở Liên Xô, hay ở nước khác.
Điều này đem ta lại với các thuyết âm mưu mà câu chuyện về MH370 là một ví dụ điển hình.
Như một trang báo Anh vừa nêu, có ít nhất sáu giả thuyết, từ phi lý nhất đến loại nghe có vẻ hợp lý về vụ MH370.
Và cho đến hôm nay, không ít thân nhân vẫn tin hoặc cố tin rằng những người mất tích trên chuyến bay vẫn sống ở̉ đâu đó.
Vì không còn tin nữa thì coi như là hết, nên người ta sẽ tiếp tục tin.
Khi không kiểm soát được sự kiện, hoặc không thay đổi được quá khứ thì người ta muốn tin vào điều gì tốt đẹp hơn, dù chỉ trong tâm trí.
Có người Việt Nam vẫn tin rằng nếu vua Duy Tân trở lại về nước cầm quyền năm 1945 thì lịch sử hẳn đã khác.
Vì một vị cựu hoàng, anh hùng dân tộc chống Pháp, lại là thiếu tá Vĩnh San trong quân đội Pháp Tự do thuộc phe Đồng Minh, hẳn có đủ uy tín tập hợp lực lượng cho độc lập dân tộc ở tầm vóc khác hẳn những người cùng thời mà công và tội nay chúng ta thấy rõ.
Thực tế 'kế hoạch Vĩnh San' của Pháp ra sao sẽ không ai biết được vì nó chưa bao giờ thành hiện thực.
Nhưng khó mà không nuối tiếc khi từng có một vị vua trẻ con lúc hơn 10 tuổi đã biết nói "Nước bẩn thì chỉ có thể rửa bằng máu".
Ngày nay, hài cốt vua Duy Tân đã yên nghỉ ở Huế, và trên đảo Reunion có một đại lộ mang tên ông là Boulevar du Prince Vĩnh San.
Con đường ông đi không bao giờ đến đích nhưng niềm tin và hy vọng liên quan đến ông hay những người khác hóa ra không hẳn là hão huyền.
Nó thể hiện niềm tin vào các nhân vật biết sống đẹp, dám đấu tranh, bất kể thời gian, hoàn cảnh.
Vì như lời viết ra sau vụ MH370, không phải cái chết là vĩnh cửu mà hy vọng mới là vĩnh hằng.
Tướng Phùng Quang Thanh đang bị quản thúc? (Trung Điền)
Trước sức ép mạnh mẽ của dư luận và nhất là trên truyền thông mạng, lãnh đạo cộng sản Việt Nam (CSVN) đã không thể tiếp tục giữ kín về sự sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh. Tối ngày 27/7 vừa qua, Hà Nội đã phải để cho Tướng Phùng Quang Thanh xuất hiện trong chương trình giao lưu nghệ thuật “khát vọng đoàn tụ” và có truyền hình trực tiếp trên VTV1.
Hầu hết các báo chí, trang điện tử đều loan tin và hình ảnh về sự xuất hiện của Tướng Phùng Quang Thanh vào đêm 27/7 sau đúng 1 tháng vắng bóng, ngoại trừ một số báo chính thức của đảng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân và trang điện tử đảng Cộng sản hoàn toàn không đề cập gì đến sự kiện Phùng Quang Thanh.
Trong khi đó, Thiếu tướng Ngô Quang Liên, được giới thiệu là trợ lý của Tướng Phùng Quang Thanh tuyên bố với báo chí rằng Tướng Thanh kể từ nay sẽ ở lại trụ sở Bộ quốc phòng chứ không về nhà riêng. Lý do mà ông Ngô Quang Liên nêu ra là “hạn chế tiếp khách nhiều” vì khuyến cáo của Bác sĩ.
Một người vừa trải qua một cuộc giải phẫu - dù lớn hay nhỏ - rất cần một trong hai nơi để tĩnh dưỡng là nhà riêng hoặc bệnh viện. Tướng Thanh thì không được về tĩnh dưỡng ở hai nơi này mà phải nằm điều dưỡng ở Bộ quốc phòng, chẳng khác nào bị quản chế.
Đây không phải là điều bất bình thường trong thế giới cộng sản, mà còn là tín hiệu cho thấy cuộc đời chính trị của Tướng Phùng Quang Thanh đã chấm dứt song song với những chuyển biến về thế đu dây trong hàng ngũ đảng CSVN, nếu ta nhìn lại một số những diễn tiến xảy ra trước đó khoảng 3 tháng - từ tháng 5 năm 2015.
Chống Đối Ngầm
Ngày 13/5/2015, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius xuất hiện lần đầu tiên trên đài truyền thanh Việt Nam (VOV) chính thức tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những nghi thức cấp cao nhất.
Sự kiện này được đánh giá là chủ nhân Tòa Bạch Ốc đã phá nguyên tắc thông thường để đón tiếp người đứng đầu một đảng chính trị với nghi thức cao nhất dành cho một nguyên thủ quốc gia, sau khi ông Trọng và lãnh đạo CSVN ít nhiều chấp thuận một số “yêu sách” từ phía Hoa Kỳ. Nói một cách cụ thể là Bộ chính trị CSVN đã quyết định “ngả” về phía Mỹ. Đọc kết quả chuyến đi Mỹ của ông Trọng ai cũng thấy rõ điều này.
Hai ngày sau đó, ngày 15/5/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tại biên giới Lào Cai một cách long trọng nhân dịp tổ chức buổi Tọa đàm hữu nghị quốc phòng Biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
Trong buổi đón tiếp này, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dành một nghi lễ cao nhất của quân đội để đón Thượng tướng Thường Vạn Toàn. Tướng Thanh cũng đã khẳng định với phái đoàn quân sự cao cấp Trung Quốc là luôn luôn thể hiện sự “tin cậy chính trị” với lãnh đạo Bắc Kinh.
Ngày 31/5/2015, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đón tiếp Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter và hai bên lần đầu tiên ký chung văn kiện “Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Mỹ Việt”. Trong dịp này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gặp Tư lệnh quân chủng hải quân và Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam là hai lực lượng đang đối đầu với Trung Quốc trên biển Đông.
Sau hàng loạt những xuất hiện mang tính chất “lịch sử” với hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc trong tháng 5 nói trên, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh bỗng “đột nhiên khuất bóng” trên chính trường.
Cùng lúc đó, Bộ quốc phòng CSVN công bố quyết định cho ngưng trách vụ chờ nghỉ hưu của Trung tướng Phi Quốc Tuấn, Tư lệnh Quân khu Thủ đô và Trung tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ tư lệnh thủ đô; cả hai đang ở độ tuổi chưa tới 60 (sinh năm 1957).
Việc nghỉ hưu của hai vị tướng cầm quân ở Thủ đô xảy ra cùng một lúc với sự vắng bóng của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đã dẫn đến nghi vấn: “có sự chống đối của một giới quân nhân” tại Hà Nội, đưa đến sự ngưng trách nhiệm và quản chế 3 ông tướng một lượt.
Sống Hay Chết?
Ngày 19/6/2015, Thông tấn xã Việt Nam loan tin Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh đã gặp Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Paris.
Bản tin nói trên không những không được loan tải rộng rãi trong nước mà còn gợi lên một nghi vấn khác là Tướng Thanh phải chăng đã bị đưa ra khỏi nước nhằm tránh sự “nổi loạn” hoặc “đảo chánh” với sự tiếp tay của Trung Quốc của một phe quân nhân thân Bắc Kinh, trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị đi Mỹ.
Nghi vấn này còn tô đậm thêm khi ông Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên phát biểu rằng “Quân đội phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với dân tộc, với Hiến pháp" trong đại hội thi đua quyết thắng toàn quân lần thứ IX khai mạc sáng 1/7 tại Hà Nội.
Ngày 24/6/2015, Giáo sư Phạm Gia Khải, thành viên ban bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ trung ương lên tiếng chính thức rằng Tướng Phùng Quang Thanh đang điều trị bên Pháp, sau khi có tin đồn bị ám sát chết ở Paris.
Trong lúc tin Tướng Phùng Quang Thanh đang điều trị tại Paris, vào ngày 3/7 Bộ Tư lệnh quân khu thủ đô Hà Nội dưới sự chủ tọa của Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị đã tiến hành việc thay thế nhân sự lãnh đạo với hai nhân vật mới là Thiếu tướng Nguyễn Doãn Anh, phó tư lệnh được đưa lên làm Tư lệnh quân khu và Thiếu tướng Nguyễn Thế Kết, phó chính ủy được đưa lên làm Chính ủy Bộ tư lệnh.
Việc thay đổi nhân sự thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô diễn ra ba ngày trước khi ông Nguyễn Phú Trọng lên đường đi Mỹ vào ngày 6/7 đến 10/7 là điều đáng lưu ý.
Trước những xôn xao dư luận, ngày 6/7/2015 ông Phạm Gia Khải, thành viên ban bảo vệ sức khoẻ trung ương họp báo cho biết là Tướng Thanh đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư phổi hôm mồng 3/7 và hiện đang tĩnh dưỡng chưa có thể về nước ngay.
Ngày 20/7/2015, hãng thông tấn DPA từ Hà Nội đã dựa theo một nguồn tin của một sĩ quan quân đội ẩn danh loan tải rằng Tướng Thanh đã từ trần tại Paris hôm Chủ Nhật 19/7, sau cuộc phẫu thuật, và còn cho biết là Tướng Thanh đã bị rút tên ra khỏi Bộ chính trị trước khi sang Pháp.
Nhưng ngày hôm sau, 21/7/2015, hãng thông tấn DPA đã đăng lời cải chính của Trung tướng Võ Văn Tuấn, phó tham mưu trưởng quân đội CSVN, rằng sức khoẻ Tướng Thanh vẫn ổn định và sẽ về nước vào cuối tháng 7/2015. Dù vậy, DPA vẫn không phủ nhận bản tin trước đó của mình.
Bản tin của DPA và sự trả lời mập mờ của Bộ quốc phòng CSVN đã dấy lên một nghi vấn lớn trong dư luận về tình trạng sống chết của Tướng Phùng Quang Thanh. Có tin là ở Hà Nội người ta đã “ăn mừng” khi nghe tin ông Thanh chuyển sang từ trần.
Trước áp lực của dư luận về sự sống chết của Tướng Thanh, lãnh đạo CSVN đã phải tốn công dàn dựng ra chuyến bay VN Airlines đưa Tướng Thanh từ Paris bay về Hà Nội vào ngày 25/7, nhưng lại không có bất cứ tấm hình nào chụp Tướng Thanh tại Phi trường. Sự kiện này làm dấy lên một đợt sóng nghi vấn khác là không có Tướng Thanh nào về trong chuyến bay từ Paris.
Cuối cùng, CSVN đã phải đưa Tướng Thanh xuất hiện trong đêm giao lưu nghệ thuật “khát vọng đoàn tụ” tối 27/7, với hình ảnh tươi cười bắt tay mọi người.
Tuy nhiên cho đến giờ phút này, sự sống hay chết của Tướng Thanh không còn là điều quan trọng. Vấn đề then chốt là tại sao CSVN vẫn nói Tướng Thanh còn sống nhưng lại quản thúc ở Bộ Quốc Phòng?
Bị Quản Thúc
Ngày 16 -18 tháng 7, CSVN đã đón tiếp ông Trương Cao Lệ, Phó thủ tướng và là thành viên ban Thường vụ Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung quốc viếng thăm Việt Nam.
Chuyến đi đột ngột của họ Trương được tuyên bố là để “tăng cường giao lưu trao đổi” giữa hai bên nhưng thực chất là để cứu Phùng Quang Thanh.
Sau chuyến đi của Trương Cao Lệ, ngày 20/7/2015, Tướng Võ Văn Tuấn, phó Tham mưu trưởng quân đội CSVN đã công bố Tướng Thanh về nước ngày 25/7, đồng nghĩa với việc cho Tướng Thanh tái xuất hiện trở lại nhưng chỉ trong khuôn viên Bộ quốc phòng.
Tướng Vũ Văn Hiển, chánh văn phòng quân ủy trung ương nói với báo chí hôm 27/7 rằng: “Theo yêu cầu của bác sĩ, tướng Thanh sẽ hạn chế nơi đông người, dễ tiếp xúc vi trùng vi khuẩn có trong không khí”.
Qua phát biểu này, người ta có thể hiểu đây là một thông điệp của quân ủy trung ương dành cho ông Tướng đã bị thất sủng vì quá thần phục Bắc Kinh và sốt sắng bày tỏ lòng “tin cậy chính trị” đối với Thiên Triều hồi tháng 5 vừa qua, khi mà cả bộ chính trị có đến 9 trên 16 người đã thay phiên nhau viếng thăm nước Mỹ từ cuối năm 2014 sau khi xảy ra vụ giàn khoan HD 981.
*
Sự kiện Phùng Quang Thanh cho thấy:
1/ CSVN đã cố che đậy vụ đưa Phùng Quang Thanh sang Pháp nhằm ngăn chận sự “nổi loạn” trong nội bộ đảng, lúc mà Nguyễn Phú Trọng viếng thăm Hoa Kỳ, để làm một dấu mốc lịch sử cho đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng bộ máy tuyên giáo của Hà Nội quá tồi, thay vì chủ động điều hướng, rốt cuộc là phải chạy theo “chữa cháy” trước những thông tin úp úp mở mở do chính họ đưa ra. Sức ép của dư luận trong thời kỳ tin học ngày nay khiến chế độ không còn có thể “lấy thúng úp voi”, lấp liếm sự thật.
2/ Hình ảnh của Tướng Thanh trong buổi giao lưu nghệ thuật và sự vắng mặt “khó hiểu” của ông Thanh trong hơn một tháng qua, đi kèm với sự lúng túng trả lời của CSVN trước những nghi vấn của dư luận, và những dữ kiện đáng nghi ngờ quanh chuyến về nước của ông Thanh ngày 25/7 vừa qua cho thấy ông Thanh đã bị quản thúc trong nước từ mấy tuần qua. Nếu có đi Pháp thì cũng đã trở về từ lâu. Chuyến bay về nước ngày 25/7 chỉ được dàn dựng để hỗ trợ cho những dối trá của chế độ về số phận của ông Thanh.
3/ Mọi dữ kiện, cộng thêm chi tiết “Đại tướng Phùng Quang Thanh sẽ ở lại trụ sở Bộ Quốc phòng chứ không về nhà riêng”, thì rõ ràng là Đại Tướng Phùng Quang Thanh đã bị thất sủng và đang bị quản thúc.
Nội tình đảng CSVN từ giờ đến đầu năm 2016, khi đại hội đảng XII nhóm họp, sẽ còn nhiều biến động. Hứa hẹn nhiều gây cấn, căng thẳng. Chờ xem!
Trung Điền
Bài viết được tác giả gởi đến SBTN
(Các bài viết trong mục Blog thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)
Trợ lý của Đại tướng Phùng Quang Thanh nói hôm 27/7 ông sẽ "ở lại trụ sở Bộ Quốc phòng chứ không về nhà riêng".
Lý do được Thiếu tướng Ngô Quang Liên giải thích là để "hạn chế tiếp khách nhiều".
Ông Liên cũng được dẫn lời nói "sau khi trở về từ Pháp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khỏe mạnh, mọi sinh hoạt và làm việc điều diễn ra bình thường".
Tuy nhiên, ông Thanh chỉ có thể làm việc “có mức độ” và chưa thể tham gia các hoạt động, sự kiện.
Thiếu tướng Liên nói: "Do bị bệnh phổi và mới trải qua cuộc phẫu thuật, theo khuyến cáo của các bác sĩ bên Pháp, Đại tướng Phùng Quang Thanh đang phải kiêng, hạn chế tất cả các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ nơi đông người."
Ông Phùng Quang Thanh đã không tham dự lễ đặt vòng hoa và viếng lăng Hồ Chủ tịch vào sáng thứ Hai 27/7 như dự định.
Thế nhưng ông đã có mặt tại sự kiện nhân Ngày Thương binh Liệt sỹ Việt Nam - Chương trình giao lưu nghệ thuật “Khát vọng đoàn tụ”, được truyền hình trực tiếp tối 27/7.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được giới thiệu tên, và ngồi cạnh các nhân vật lãnh đạo khác tại chương trình giao lưu nghệ thuật ở Bộ Quốc phòng.
Các bức ảnh cũng như sự xuất hiện của ông Phùng Quang Thanh trên truyền hình đã xua tan đồn đại rằng ông đã qua đời tại Pháp.
Trên ảnh và truyền hình, ông Thanh khá tươi cười khi tiếp xúc với các quan chức và người tham dự, tuy cũng có lúc tỏ ra mệt mỏi.
Trước đó một tuần, hãng thông tấn Deutsche Presse-Agentur (DPA) đưa tin Bộ trưởng Phùng Quang Thanh qua đời hôm 19/7 tại một bệnh viện tại Paris.
Hãng này sau đó đã thừa nhận thông tin "sai lầm" và gửi thư riêng xin lỗi Bộ trưởng Thanh.
Hôm 25/7 DPA cũng gửi thông báo bằng tiếng Đức tới khách hàng để xin lỗi.
Thông báo có đoạn: "Dựa vào một nguồn tương đối tin cậy, DPA ngày 19/7 đã đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh qua đời vì ung thư tại một bệnh viện ở Paris. Thông tin này sau đó được chứng minh là sai sự thật. Chúng tôi muốn xin lỗi các quý vị vì sai sót này."