HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 27 Tháng Mười Hai, các báo nhà nước đồng loạt dẫn nguồn Tổng Cục Thống Kê cho biết năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2.91%, “thuộc nhóm tăng trưởng cao nhất thế giới.”
“Là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới,” bà Nguyễn Thị Hương, tổng cục trưởng Thống Kê, được tờ báo dẫn lời.
Cũng theo Tổng Cục Thống Kê, năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập cảng hàng hóa ước tính đạt $543.9 tỷ, tăng 5.1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất cảng hàng hóa đạt $281.5 tỷ, tăng 6.5%; nhập cảng hàng hóa đạt $262.4 tỷ, tăng 3.6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu $19.1 tỷ, mức cao nhất trong năm năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Thống kê cũng cho hay, cả nước Việt Nam hiện có 53.4 triệu người lao động trên 15 tuổi có việc làm.
Các con số nêu trên được giới “dư luận viên” tận dụng để ca ngợi sự lèo lái của chính phủ CSVN “bất chấp đại dịch.”
Tuy vậy, báo nhà nước không làm rõ mối liên hệ giữa tăng trưởng GDP và việc cải thiện phẩm chất đời sống cho người dân.
Liên quan chủ đề này, trong một bài báo hiếm hoi đăng trên báo điện tử Đại Biểu Nhân Dân hồi năm 2017, ông Phương Ngọc Thạch, chủ tịch Hội Khoa Học Kinh Tế và Quản Lý Sài Gòn, nhấn mạnh: “Thay vì chú trọng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP, Việt Nam nên ưu tiên các mục tiêu dài hạn, hướng tới phát triển bền vững.”
Ông Thạch đưa ra khuyến nghị: “Cần tăng nội lực bằng việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đang đóng góp tới hơn 40% GDP. Muốn vậy, cơ chế chính sách phải thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, chứ không thể chỉ là những quyết tâm, khẩu hiệu… – điều mà chúng ta vẫn thấy lâu nay.”
“Theo như tôi biết thì không có nước nào đặt tăng trưởng GDP làm chỉ tiêu pháp lệnh như Việt Nam. Bởi trên thực tế, con số GDP không phải ‘thân thiện’ với đời sống người dân. Người dân không cần GDP tăng mạnh rồi chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn đa số chịu rủi ro vì tăng lạm phát. Điều cần là làm sao tăng chất lượng GDP để nền kinh tế mạnh lên, chất lượng cuộc sống của người dân tăng cùng với sự gia tăng quy mô nền kinh tế,” theo trang Đại Biểu Nhân Dân. (N.H.K) [kn]
Geen opmerkingen:
Een reactie posten