donderdag 30 november 2023

Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”... vừa qua đời ngày 28/11/2023 ở Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi.

NHẠC SĨ, NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TOÀN QUA ĐỜI, HƯỞNG THỌ 87 TUỔI


Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn vừa qua đời lúc 7 giờ 15 phút tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại bệnh viện Fountain Valley, California, hưởng thọ 87 tuổi. Ông là tác giả bài hát nổi tiếng “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên” và từng một thời phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975. Theo Wikipedia, ông Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6 Tháng Chín, 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ông còn có bút hiệu Tô Hải Vân khi viết văn và Hồng Ngọc khi viết nhạc. Năm 1954, ông di cư vào Nam và đóng góp nhiều sáng tác văn học nghệ thuật dưới nhiều dạng như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch nói, và bút ký. Ngoài ra, ông cũng viết nhiều truyện dài đăng thành nhiều kỳ trên các báo miền Nam Việt Nam như tạp chí Văn, Văn Học và các nhật báo như Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, và Tiền Tuyến. Trong đó, tác phẩm “Áo Mơ Phai” của ông đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam Cộng Hòa năm 1973. Sau năm 1975, ông bị bắt và giam học tập cải tạo 10 năm mới được thả. Đến năm 1998 ông cùng gia đình xuất cảnh sang Hoa Kỳ, định cư ở Nam California, và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Voorgesteld voor jou  
Tưởng nhớ Nhà văn - Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn (1936 - 2023)
Trung tâm Thúy Nga đau buồn nhận được tin nhà văn - nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn vừa nằm xuống vào ngày 28 tháng 11 năm 2023, hưởng thọ 87 tuổi. Xin gửi lời chia buồn đến toàn thể tang quyến và nguyện cầu cho hương hồn ông sớm về cõi vĩnh hằng.
Nguyễn Đình Toàn là một người nghệ sĩ rất đa tài và nặng tình với quê hương. Ông vừa là nhà văn, nhà thơ và là nhạc sĩ. Với những vị khán giả trưởng thượng chắc hẳn vẫn nhớ giọng nói của ông qua chương trình "Nhạc Chủ Đề" trên đài phát thanh Sàigòn từ trước năm 75. Với âm nhạc, ông đã để lại một số nhạc phẩm hiếm quý như Căn Nhà Xưa, Sàigòn niềm nhớ không tên,... Không thể không nhắc đến hai tuyệt phẩm nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn là Tình Khúc Thứ Nhất và Em Đến Thăm Anh Đêm 30 mà giới yêu nhạc đã thuộc nằm lòng suốt mấy chục năm qua.
Trong tâm tình tưởng nhớ một người tài vừa nằm xuống, trung tâm Thúy Nga xin gửi đến quý khán giả Collection gồm những nhạc phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Toàn, được trích trong các chương trình Paris By Night.
Kan een afbeelding zijn van 1 persoon, gitaar en tekst

Việt Nam lại đoạt giải nhất ‘Gạo Ngon Nhất Thế Giới 2023’

 Việt Nam lại đoạt giải nhất ‘Gạo Ngon Nhất Thế Giới 2023’

CEBU, Philippines (NV) – Việt Nam lại vừa đoạt giải nhất cuộc thi “Gạo Ngon Nhất Thế Giới 2023” (World’s Best Rice) diễn ra ở Cebu, Philippines, trong khuôn khổ Hội Nghị Lúa Gạo Quốc Tế TRT 2023.

Báo VNExpress hôm 30 Tháng Mười Một dẫn lời ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết năm nay, ba doanh nghiệp tham gia gồm doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với giống gạo ST24, ST25; tập đoàn Lộc Trời với gạo LT28 và Nàng Hoa 9; tập đoàn Thái Bình Seed với hai loại gạo TBR39-1 và nếp A Sào.

Gạo Việt Nam đoạt giải nhất “Gạo Ngon Nhất Thế Giới 2023” tại Hội Nghị Lúa Gạo Quốc Tế TRT diễn ra từ 28 đến 30 Tháng Mười Một. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo ông Cường, khác với mọi năm, Ban Tổ Chức không trao giải cho loại gạo cụ thể nào của Việt Nam gửi sang, mà “tôn vinh chung hạt gạo Việt.”

Cuộc thi năm nay hơn 10 nước với 30 mẫu gạo tham gia. Giải nhì đợt này thuộc về Cambodia, còn Ấn Độ đoạt giải ba.

Đây là lần thứ hai gạo của Việt Nam đoạt giải “Gạo Ngon Nhất Thế Giới” tại hội thi này. Lần đầu tiên, gạo ST25 của Kỹ Sư Hồ Quang Cua và nhóm cộng sự ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, đã vượt qua Thái Lan đoạt giải nhất hồi năm 2019.

Năm ngoái, Cambodia đã đoạt giải nhất cuộc thi được tổ chức tại Phuket, Thái Lan. Còn Việt Nam, Thái Lan và Lào nằm trong top 4.

Như vậy, trong 15 lần tổ chức cuộc thi “Gạo Ngon Nhất Thế Giới,” Thái Lan là nước dẫn đầu với sáu lần đoạt giải nhất, tiếp đến là Cambodia với năm lần, Hoa Kỳ và Việt Nam có hai lần (có những năm hai quốc gia đồng giải gạo ngon nhất). Miến Điện đoạt được một lần.

Cuộc thi “Gạo Ngon Nhất Thế Giới” là sự kiện thường niên quốc tế được The Rice Trader (Mỹ) tổ chức lần đầu năm 2009 với mục tiêu tìm hướng đi và xu hướng cho thị trường lúa gạo.

Việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định phẩm chất cũng như uy tín trên thị trường quốc tế.

Kỹ Sư Hồ Quang Cua, một trong những đại diện có giống gạo đi dự thi, lên nhận giải tại Philippines. (Hình: VNExpress)

Báo Tuổi Trẻ dẫn thống kê từ Bộ Nông Nghiệp cho hay, giá trị xuất cảng gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 đạt $4.41 tỷ, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, giá nhiều loại gạo Việt Nam hiện ở mức “cao kỷ lục” như gạo 5% tấm đang bán ở mức $663/tấn, gạo 25% tấm ở mức $643/tấn, gạo Jasmine ở mức $748/tấn. (Tr.N) [qd]

Việt Nam lại đoạt giải nhất ‘Gạo Ngon Nhất Thế Giới 2023’ (nguoi-viet.com)

Nông dân Hàn Quốc xô xát với cảnh sát vì phản đối lệnh cấm thịt chó

 

Nông dân Hàn Quốc xô xát với cảnh sát vì phản đối lệnh cấm thịt chó

01/12/2023
Nông dân nuôi chó xô xát với cảnh sát Hàn Quốc trong cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch thông qua dự luật thực thi lệnh cấm ăn thịt chó, ngay trước Văn phòng Tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 11 năm 2023.
Nông dân nuôi chó xô xát với cảnh sát Hàn Quốc trong cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch thông qua dự luật thực thi lệnh cấm ăn thịt chó, ngay trước Văn phòng Tổng thống ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 30 tháng 11 năm 2023.

Khoảng 200 nông dân Hàn Quốc nuôi chó để bán cho thị trường tiêu thụ đã tổ chức một cuộc biểu tình hôm thứ Năm (30/11) gần văn phòng tổng thống ở thủ đô Seoul, yêu cầu chính phủ hủy bỏ kế hoạch cấm tập tục gây tranh cãi hàng thế kỷ này.

Hàng chục nông dân đã cố lái xe ra con đường trước văn phòng tổng thống bằng xe tải chở chó nhốt trong lồng mà họ định thả ra tại hiện trường, nhưng họ đã bị cảnh sát kiểm tra xe hàng chặn lại.

Đảng cầm quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đã đưa ra dự luật cấm chăn nuôi và bán chó để tiêu thụ, đồng thời bồi thường tài chính cho những người trong ngành buộc phải đóng cửa hoạt động kinh doanh trong thời gian đến 3 năm.

Các đảng viên cho biết đã đến lúc cần chấm dứt tranh cãi xung quanh việc ăn thịt chó và nói rằng đã có sự ủng hộ rộng rãi từ đảng đối lập, là đảng hiện đang kiểm soát quốc hội, và từ phía công chúng.

Hơn 6 triệu hộ gia đình Hàn Quốc hiện nuôi chó làm thú cưng ở đất nước khoảng 51 triệu dân. Ông Yoon và vợ Kim Keon Hee có nuôi 6 con chó cưng, trong đó có một con chó dẫn đường đã nghỉ hưu và một con chó cứu hộ.

Một cuộc thăm dò của Gallup Korea năm ngoái cho thấy gần 2/3 số người được hỏi phản đối việc ăn thịt chó, chỉ 8% cho biết họ đã ăn thịt chó trong năm qua, giảm từ mức 27% vào năm 2015.

Ju Yeong-bong, người đại diện cho một nhóm trong ngành công nghiệp này và dẫn đầu cuộc biểu tình hôm thứ Năm, nói rằng các chính trị gia không có quyền đóng cửa một ngành hoặc quyết định mọi người chọn ăn gì.

Ông nói: “Chúng tôi không thể đồng ý với quan điểm cho rằng điều đó là man rợ, bởi vì tất cả các quốc gia có truyền thống chăn nuôi đều từng ăn thịt chó và vẫn có những quốc gia làm như vậy”.

Ông Ju nói những người nông dân đã hoàn toàn bị loại ra khỏi cuộc thảo luận về dự luật và đề xuất bồi thường tài chính là hoàn toàn không thỏa đáng vì họ sẽ mất đi sinh kế.

Những người nông dân đã xô xát với lực lượng cảnh sát, vốn đông hơn họ và dựng rào chắn để ngăn họ băng qua đường để tiến gần hơn đến văn phòng tổng thống. Ban tổ chức cho biết ba người biểu tình, trong đó có ông Ju, đã bị cảnh sát giam giữ trong khung cảnh hỗn loạn.

Trong khi thói quen ăn thịt chó ngày càng giảm đi trong công chúng, những người nông dân và chủ nhà hàng phục vụ thịt chó vẫn đang đấu tranh để giữ cho việc này hợp pháp.

Những người nông dân cáo buộc Đệ nhất phu nhân Kim, một người lớn tiếng chỉ trích việc tiêu thụ thịt chó, đã làm điều mà họ gọi là gây áp lực không chính đáng lên chính phủ và đảng cầm quyền để đưa ra lệnh cấm.

Văn phòng tổng thống cho biết: “Đệ nhất phu nhân đã lên tiếng về vấn đề này với sự quan tâm sâu sắc, và cả trong nước lẫn nước ngoài đều có sự ủng hộ và đồng thuận, cũng như từ đảng đối lập”.


Nông dân Hàn Quốc xô xát với cảnh sát vì phản đối lệnh cấm thịt chó (voatiengviet.com)

Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam

 

Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) và Cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Lê Đức Thọ (trái-chỉ tay) sau một tuần hòa đàm Hiệp định Paris tại St. Nom La Breteche, ở ngoại ô thủ đô nước Pháp, ngày 23/5/1973.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (phải) và Cố vấn đặc biệt của chính quyền Bắc Việt Lê Đức Thọ (trái-chỉ tay) sau một tuần hòa đàm Hiệp định Paris tại St. Nom La Breteche, ở ngoại ô thủ đô nước Pháp, ngày 23/5/1973.

Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý đưa tin về cái chết của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, gọi ông là một nhà ngoại giao có ảnh hưởng lớn nhưng không nói nhiều tới vai trò của ông trong việc kết thúc cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Các bản tin, hầu hết là ngắn gọn và dịch từ các hãng thông tấn và báo nước ngoài như Reuters, điểm lại thân thế và sự nghiệp của ông Kissinger, người đã qua đời tại nhà riêng ở bang Connecticut của Mỹ hôm 29/11. Người từng là cố vấn an ninh quốc gia kiêm ngoại trưởng Mỹ qua hai đời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford đã sống trọn một thế kỷ.

Hãng tin nhà nước Việt Nam, TTXVN, gọi ông Kissinger là “một nhà ngoại giao nhiều ảnh hưởng, từng phục vụ dưới thời của hai tổng thống Mỹ” và “để lại nhiều dấu ấn lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ.”

Một bản tin ngắn của VTV nhắc đến việc ông Kissinger từng tham gia vào quá trình đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973.

Tờ Đại biểu Nhân dân của Quốc hội Việt Nam đưa tin về sự ra đi của ông trong bài viết với tựa đề “Henry Kissinger: Nhà ngoại giao có ảnh hưởng và gây tranh cãi nhất thế kỷ XX” dịch lại từ bản tin của kênh CBS News của Mỹ. Bài viết đề cập 1 câu ngắn gọn về sự liên quan của ông Kissinger tới chiến tranh Việt Nam, nói rằng “ông cùng với cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ của Việt Nam đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp cho cuộc đàm phán chấm dứt sự can dự của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.”

Cũng nhắc tới việc này, VnExpress gọi đây là một trong những sự kiện gây tranh cãi nhất lịch sử Nobel Hòa bình kể từ khi ra đời năm 1895.

“Ông Lê Đức Thọ gây chấn động truyền thông quốc tế khi từ chối nhận giải thưởng vì ông cho rằng hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam và ‘người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam’,” VnExpress viết trong bản tin về việc cựu ngoại trưởng Mỹ qua đời, trích dẫn lời ông Thọ nói khi từ chối nhận giải.

Tờ báo mạng lớn nhất Việt Nam cho biết ông Thọ, trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Paris của chính phủ Bắc Việt, đã “trải qua những màn ‘đấu trí’ căng thẳng với Kissinger để đi đến Hiêp định, với hàng chục phiên đàm phán căng thẳng tại Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.”

Hiệp định Paris được ký kết vào năm 1973, theo đó Mỹ rút toàn bộ quân đội ra, và thôi can dự vào cuộc chiến, để lại quân Việt Nam Cộng hòa tiếp tục chiến đấu với quân Bắc Việt đến ngày Sài Gòn sụp đổ vào 30/4/1975.

Trong khi đó Tuổi Trẻ nhắc đến mối quan hệ đặc biệt của ông Kissinger với Trung Quốc bởi ông đã giúp bình thường hóa mối quan hệ Mỹ-Trung sau khi “bỏ rơi” Việt Nam Cộng hòa, theo như lời những người thuộc chế độ miền Nam Việt Nam cáo buộc ông.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 30/11 đã gửi điện chia buồn về cái chết của ông Kissinger.

Cho đến cuối ngày 30/11, lãnh đạo Việt Nam chưa chính thức đưa ra tuyên bố nào sau khi ông Kissinger qua đời. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời yêu cầu bình luận của VOA về di sản của ông Kissinger liên quan đến cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Theo nhà văn Phạm Viết Đào cho biết từ Hà Nội, các lãnh đạo Việt Nam sẽ không nói gì về ông Kissinger.

“Vai trò của ông Kissinger đối với Việt Nam khác với Trung Quốc, vốn coi trọng ông Kissinger vì ông ấy khai thông quan hệ (giữa Trung Quốc với Mỹ), còn Việt Nam giờ không có hàm ơn gì ông Kissinger cả, mà thù ghét ông ấy thì cũng không,” ông Đào, tác giả cuốn sách Vị Xuyên và Thế sự Việt-Trung, nói.

Nhận định về việc đưa tin của báo chí trong nước về cái chết của ông Kissinger, ông Đào cho rằng truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý tránh bình luận về di sản của cựu ngoại trưởng Mỹ khi mà quan hệ giữa Hà Nội và Washington giờ đây đã gắn bó là những đối tác chiến lược toàn diện.

“Bình luận mà ca ngợi ông ấy giúp có chiến thắng (cho Mỹ) thì không được mà chê ông ấy thì cũng không nên,” ông Đào, người từng viết blog về thời sự tại Việt Nam, nói.

Ông Đào cho biết bản thân ông “quý trọng” ông Kissinger và cho rằng ông Kissinger đã phải hành động cho lợi ích của nước Mỹ trong giai đoạn lịch sử mà nước Mỹ không còn lựa chọn nào khác là phải rút quân khỏi Việt Nam.

Trong khi đó, nhà báo Lưu Nhi Dũ viết rằng: “Với thế giới, ông (Kissinger) là chính khách tài năng nhưng với Việt Nam ông có nhiều nợ nần, nhiều người không có thiện cảm với ông.”

Một số người Việt Nam đã phẫn nộ về vai trò của ông Kissinger trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc, nước láng giềng hùng mạnh phía bắc luôn có ý đồ thâu tóm Việt Nam.

Ông Dương Quốc Chính, một kiến trúc sư và nhà bình luận chính trị ở Hà Nội, nói với New York Times rằng việc bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung năm 1979 đã nâng cao vị thế quốc tế của Trung Quốc và mở đường cho sự trỗi dậy của nước này.

“Mọi người bây giờ không thích ông (Kissinger) chủ yếu vì họ coi ông ấy là người chịu trách nhiệm cho sự thịnh vượng của Trung Quốc,” ông Chính nói với NYT.

Những người thuộc thế hệ trẻ ở Việt Nam cũng không có cái nhìn thiện cảm đối với ông Kissinger khi họ nhìn vào hậu quả của cuộc chiến tranh với hàng triệu người Việt Nam bị giết hại.

Một sinh viên 23 tuổi sống tại TPHCM có tên Anh Nguyễn mô tả ông Kissinger là “tội phạm chiến tranh,” theo South China Morning Post. Sinh viên này nói với tờ báo có trụ sở ở Hong Kong rằng cô hy vọng “ông ấy ra đi với sự hối hận sâu sắc về những gì mình đã làm”. SCMP cho rằng ý kiến của sinh viên Anh Nguyễn phản án một lịch sử được giảng dạy qua nhiều thế hệ của những người Cộng sản đã chiến thắng trong cuộc chiến.

Đối với ông Trần Văn Đức, người sống sót sau trận càn quét của binh lính Mỹ trong trận Mậu Thân 1968, vết thương chiến tranh vẫn rỉ máu bởi mẹ ông đã mất mạng trong trận càn ở làng Sơn Mỹ.

“Ông Kissinger đã từng là bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ (trong chiến tranh Việt Nam) mà cuộc chiến này gia đình (tôi) đã mất tất cả những gì thân thương yêu quí nhất,” ông Đức nói. “Nhưng dù sao nghĩa tử là nghĩa tận, (tôi) cầu mong ông an nghỉ và siêu độ.”


Henry Kissinger để lại gì trong suy nghĩ của người Việt Nam (voatiengviet.com)