Hồng Kông: Người biểu tình chặn đường vào nơi tổ chức lễ kỷ niệm 22 năm trao trả
HONG KONG (AP) — Người biểu tình ở Hồng Kông đẩy rào cản và thùng rác ra đường vào lúc sáng sớm ngày Thứ Hai, 1 Tháng Bảy, để chặn các lối vào địa điểm tổ chức lễ kỷ niệm 22 năm ngày vùng đất cựu thuộc địa Anh này được trao trả lại cho Trung Quốc.
Cảnh sát chống bạo loạn dàn hàng đối đầu cách người biểu tình khoảng 20 m (60 feet). Khu vực quanh quảng trường Golden Bauhinia Square, nơi tổ chức buổi lễ, đã bị cảnh sát khóa chặt từ hôm Thứ Bảy.
Một cuộc biểu tình tuần hành dự trù sẽ diễn ra sau đó trong ngày Thứ Hai, cuộc biểu tình thứ ba trong ba tuần lễ.
Năm nay, cuộc biểu tình thường niên dự trù sẽ có đông đảo người tham dự hơn bình thường vì đang có sự chống đối sâu rộng của dân chúng Hồng Kông đối với luật dẫn độ. Ban tổ chức cho biết đã có hơn 1 triệu người xuống đường trong hai lần tuần hành trước trong Tháng Sáu.
Dự luật dẫn độ đã khuấy động lên nỗi lo sợ của dân chúng vùng đất này về việc chính quyền Bắc Kinh đang từng bước thu hẹp lại các quyền tự do của họ, vốn đã được bảo đảm trong vòng 50 năm, theo thỏa thuận “một quốc gia, hai hệ thống” có được trước ngày trao trả năm 1997.
Hôm Chủ Nhật, trong một cuộc tập hợp nhằm biểu dương lực lượng của thành phần ủng hộ chính quyền Trung Quốc, có hàng chục ngàn người đã kéo đến trước tòa nhà nghị viện để bày tỏ sự hoan nghênh đối với nỗ lực của cảnh sát khi họ dẹp biểu tình chống dự luật dẫn độ.
Cảnh sát Hồng Kông trong thời gian gần đây đã gặp nhiều chỉ trích vì đã dùng hơi cay và đạn cao su khiến hàng chục người bị thương hôm 12 Tháng Sáu.
Cũng trong ngày Chủ Nhật, hàng trăm người đã tụ tập tại trường đại học sư phạm Hồng Kông để tưởng niệm một nữ sinh viên 21 tuổi, nhảy lầu ngày hôm trước để phản đối luật dẫn độ.
Nguồn tin từ giới truyền thông Hồng Kông nói rằng cô gái này viết thư tuyệt mạng trên tường, nêu lên đòi hỏi của người biểu tình và kêu gọi quyết tâm tranh đấu. (V.Giang)
Hirobumi Ito làm thủ tướng, người cha của Hiến pháp Nhật Bản
Kaoru Inoue thành bộ trưởng ngoại giao đầu tiên và được tôn vinh là 'người cha của nền ngoại giao Nhật;
Yozo Yamao thành người sáng lập của ngành công nghệ và cơ khí Nhật Bản;
Masaru Inoue lập ra ngành hỏa xa theo chuẩn Anh Quốc và Kinsuke Endo nắm ngành tài chính, tiền tệ.
Tất nhiên, sau họ còn thêm nhiều người sang Phương Tây, nhưng 'The Choshu Five' là biểu tượng của thế hệ canh tân, hướng ngoại, xây dựng Nhật hùng cường.
Có nên so sánh?
Hôm nay nhìn lại, con số sinh viên Việt Nam du học nước ngoài đã lên tới hàng vạn.
Nếu tính các thế hệ đã sang Phương Tây, Liên Xô cũ và Đông Âu thì hàng trăm nghìn người Việt đã được học hành trong môi trường hiện đại hơn trong nước.
Vậy mà sang thế kỷ 21 lâu rồi, Việt Nam vẫn còn thuộc nhóm nước sắp có thu nhập trung bình, vẫn nhận, xin viện trợ... và thua Nhật Bản quá xa.
Câu hỏi tôi luôn băn khoăn là phải chăng chỉ 5 người Nhật làm nên kỳ tích duy tân cho nước họ, còn hàng vạn người Việt Nam học đủ nơi, đủ thứ chưa làm được gì?
Chất lượng con người có là yếu tố quyết định?
Ta hãy xem năm anh em họ Trương Xuyên là ai.
Dòng máu võ sĩ đạo
Họ đều là các võ sĩ đạo (samurai) và từ nhỏ sống theo quy tắc hành xử của dòng quý tộc Trương Xuyên (Choshu clan) có truyền thống chống ngoại bang.
Sau khi triều đình Tokugawa ký hòa ước Kanagawa (1854), dòng họ này tự tổ chức kháng chiến chống quân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan.
Câu chuyện thật giống như khởi nghĩa của Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực chống Pháp ở Nam Bộ khi triều đình nhà Nguyễn chủ hòa.
Năm 1864, một năm sau khi các cậu thiếu niên họ Trương Xuyên tới Anh, cả gia tộc bị bị liên quân nước ngoài tiến đánh, pháo kích dữ dội.
Sau hai ngày chiến đấu, quân Trương Xuyên bị thua, nhiều samurai bị đạn súng và pháo hiện đại giết chết.
Hoàng thân Nagato, đứng đầu gia tộc, phải đã ký hòa ước Shimonoseki, nộp tiền phạt trị giá 3 triệu đô la.
Sự thất bại của dòng họ hẳn đã ảnh hưởng mạnh đến năm thanh niên du học ở Anh trở về vào năm 1868.
Đây là động lực lớn cho tinh thần cải cách của thế hệ samurai 'gác kiếm cung theo nghiệp kinh bang tế thế', chọn các giá trị Phương Tây rất sớm.
Lịch sử du học của người Việt Nam thì có vẻ khác.
Theo GS Vĩnh Sính, một trong những người Việt du học đầu tiên, Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đã đọc 'Tân Thư' và có cùng quan điểm với các nhà cải cách của Nhật Bản thời Minh Trị.
Nhưng số phận buồn thảm của Nguyễn Trường Tộ và cho Đại Nam khi đó là các bản điều trần thống thiết của ông chẳng được vua quan thực hiện.
Thời Pháp các thanh thiếu niên, cả nam và nữ từ gia đình quan lại, tư sản được chọn sang Pháp học để về phục vụ chế độ thuộc địa của Pháp.
Trong số họ đã có nhiều nhà cải cách, và giai đoạn 1945-46 nhiều người đã về hoặc Hà Nội, hoặc Sài Gòn để giúp Việt Nam độc lập.
Chính phủ Trần Trọng Kim có đông trí thức nhất lại chỉ là nội các được Nhật trao quyền ngắn ngủi và ít thực chất vào năm 1945.
Chính phủ liên hiệp Việt Minh-quốc gia cùng năm còn nhiều trí thức nhưng đã nhanh chóng vào cuộc kháng chiến vì Pháp chiếm lại Đông Dương.
Thời Chiến tranh Lạnh, lãnh tụ chính trị cả ở Hà Nội và Sài Gòn đều không phải là trí thức du học từ Âu Mỹ trở về, mà là các nhà cách mạng, tướng lĩnh.
Rất nhiều thanh niên từ Việt Nam Cộng Hòa đã du học ở Phương Tây trở về nhưng chưa đóng góp được nhiều thì cuộc chiến kết thúc.
Sau 1975 đa số họ không được tham chính hay quản lý kinh tế vì lý lịch.
Hàng vạn sinh viên Việt Nam đã sang Liên Xô và Đông Âu học các ngành nghề nhằm trở về 'xây dựng chủ nghĩa xã hội' cho Việt Nam.
Ngoài một số môn khoa học kỹ thuật có ít nhiều ứng dụng, đa số các ngành nghề khác đều bất cập với thực tế một nước chưa phát triển.
Sau 1991 thì dự án chủ nghĩa xã hội phá sản, khiến hàng vạn trí thức 'bị lịch sử bỏ rơi', phải tự xoay xở thích ứng với điều kiện mới. Nếu khó so sánh phẩm chất con người - khó nói trí thức du học của Nhật và Việt Nam, Trung Quốc ai yêu nước hơn - thì vấn đề là gì?
Tôi tin rằng vấn đề là ở chỗ cả năm anh em nhà Trương Xuyên đã may mắn được Nhật Hoàng Minh Trị sử dụng ngay, trao toàn quyền, rất nhiều quyền.
Ví dụ Hoàng thân Hirobumi Ito không chỉ lập ra nghị viện Nhật, soạn hiến pháp mà còn làm thủ tướng bốn lần.
Ông cũng được phong đại tướng quân đội Nhật Hoàng, thống đốc Triều Tiên (Resident-General) khi Nhật Bản chiếm bán đảo này.
Còn ở Việt Nam, tính cả trong thế kỷ 20 đến nay, chưa thấy các trí thức du học về có tinh thần khai phóng, cải cách được trao quyền và cầm quyền.
Ngày nay, số sinh viên du học tại các nước G7 cũng đã và đang ngày càng đông, lên tới hàng chục nghìn, thừa con số cho một bộ, ngành.
Họ đáng ra phải là nền tảng cho một cuộc canh tân mới, lớn hơn các thời đại trước.
Nhưng trong nhiều trường hợp, người ta du học là vì 'di tản giáo dục', không có hoài bão về cải tổ quốc gia như năm sinh viên nhà Trương Xuyên.
Những người được nhà nước đầu tư, cử đi học thì về để phục vụ một bộ máy cũ kỹ, nhiều bất cập, không có quyền phê phán, thay đổi nó.
Gần đây có các 'hạt giống đỏ' du học về được phong chức quyền rồi bị 'tống vào lò', làm nảy sinh câu hỏi đến họ cũng 'sai và xấu' thì tương lai bộ máy sẽ ra sao?
Tất nhiên, nhiều người du học về đã làm trong khu vực công, các đại học, công ty nước ngoài, và đóng góp nhiều vào nền kinh tế đang bùng nổ, tăng trưởng đều.
Có những chuyên gia, nhà quản lý, nhà ngoại giao giỏi ngoại ngữ, đã và đang giúp thay đổi diện mạo quốc gia.
Gần đây, cộng đồng trí thức ở Việt Nam và hải ngoại vui mừng trước tin 'Giáo sư quần đùi' Trương Nguyện Thành về nước lại nhận chức... hiệu phó một đại học.
Cùng lúc, một bộ phận không nhỏ của bộ máy quan lại và con em họ vẫn dùng bằng giả, điểm thi giả để thăng tiến và thống trị.
Việt Nam bỏ ra hàng tỷ USD cho sinh viên du học ở các quốc gia tiên tiến nhất, nên sẽ là vô lý nếu mong họ trở về dùng kiến thức đó bồi đắp một lối mòn.
Nghịch lý này nói lên rất nhiều về tính phù phiếm, hoang phí thời gian, tiền bạc của Việt Nam, nhất là khi ta thấy người Nhật chỉ cần 5 sinh viên mở đường là đủ.
Nhật Bản có là biệt lệ?
Cũng có thể, Nhật Bản duy tân thành công là một biệt lệ, không phải quy luật và Việt Nam đã không học được gì và sẽ chẳng học được gì.
Tuy thế, cũng có những điều mang tính quy luật: môi trường cởi mở sẽ khuyến khích sáng tạo.
Môi trường mới ở University College London đã làm được điều mà chế độ phong kiến sứ quân Nhật Bản không làm được: bao dung và đoàn kết.
Sau nhóm Choshu có thêm 19 thanh niên từ gia tộc thù địch Satsuma cũng sang trường UCL, nhưng chính tại London hai nhóm đã kết nghĩa tâm giao.
Các sinh viên này không biết rằng ở nhà, hai gia tộc Choshu và Satsuma cũng xóa bỏ thù hằn, lập một liên minh quân sự (Satcho Alliance).
Ba năm sau cuộc chiến thất bại trước liên quân nước ngoài, đến năm 1867, hai dòng này hợp sức giúp nhà vua lật đổ chế độ Tokugawa, mở ra thời Minh Trị.
Trước khi mở cửa tiếp nhận văn hóa Phương Tây, người Nhật đã hòa giải xong với nhau.
Tấm bia mà Nhật Bản tặng trường UCL có dòng chữ: るばるとこころつどいてはなさかる Harubaru to kokoro tsudoite hana sakaru 'When distant minds come together, cherries blossom'
Vừa có hình ảnh văn hóa Nhật, vừa nêu ra một triết lý, câu này có thể tạm dịch là:
'Khi những tư tưởng từ nơi xa hội ngộ, hoa anh đào bừng nở'.
Liên minh Châu Âu lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (IPA).
Sự kiện diễn ra tại Văn phòng Chính phủ nơi phía EU cử Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao uỷ Thương mại EU sang Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được dẫn lời nói "EVFTA và IPA sẽ như một đường cao tốc quy mô lớn" giúp đẩy nhanh tốc độ và quy mô hợp tác, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU.
Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa hơn 99% thuế nhập khẩu cho hàng hóa giao dịch, trong khi phần còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch theo lộ trình riêng.
Được biết Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm.
Để đổi lại hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan với lộ trình để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.
EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại "lợi ích chưa từng có" cho hai phía, đồng thời "thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu".
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận.
Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua. Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU ký ngày 30/6
Trả lời phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng của BBC hồi tháng 3/2019 tại Hà Nội, Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nói EVFTA quan trọng vì nó giúp phát huy vị thế cạnh tranh của Việt Nam, và hội nhập kinh tế Việt Nam vào thương mại thế giới cũng như kết nối thị trường châu Âu với thị trường Việt Nam.
"Nó [EVFTA] còn giúp tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong và ngoài ASEAN, vì đây không chỉ là hiệp định thương mại giữa EU với Việt Nam mà còn là chiến lược phát triển của EU với cả châu Á," ông Bruno Angelet nói thêm.
Ông Angelet khi đó nói thông qua thương mại, EU cũng mong muốn có thể bảo vệ quyền của người lao động ở cả châu Âu và Việt Nam.
"Về cơ bản, chúng tôi làm việc với cả hai bên để thông qua quy ước chung của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), và sau đó thực hiện quy ước này tại Việt Nam và châu Âu. Chúng tôi cũng tôn trọng các tiêu chuẩn về lao động.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp châu Âu có thể cạnh tranh công bằng với các doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước tại Việt Nam, nghĩa là không có sự phân biệt đối xử nào giữa các doanh nghiệp châu Âu với các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam".
Hiệp định Thương mại Việt Nam – EU sắp ký, lợi ích ‘khổng lồ’
25 tháng 6 2019
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiết lộ rằng dự kiến ngày 30/6, Hiệp định thương mại Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết ở Hà Nội.
Ông Phúc nói với truyền thông hôm 25/6: "EVFTA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Việt Nam, là thời cơ lớn cho Việt Nam có đủ điều kiện hội nhập sâu hơn để tham gia vào thị trường khu vực, toàn cầu."
EU cũng xác nhận Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh Romania Stefan-Radu Oprea sẽ bay sang Hà Nội ký ngày 30/6.
Tuyên bố của EU đưa ra ngày 25/6 sau khi Hội đồng châu Âu thông qua thỏa thuận.
EU nói các thỏa thuận sẽ đem lại "lợi ích chưa từng có" cho hai phía, đồng thời "thúc đẩy quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu".
Thỏa thuận thương mại sẽ loại bỏ hầu hết thuế quan đối với hàng hóa hai bên, theo tuyên bố của EU.
Sau khi EU và Việt Nam ký, thỏa thuận lại còn phải đệ trình cho Nghị viện châu Âu chuẩn thuận.
Nếu Nghị viện châu Âu cũng thông qua, thỏa thuận thương mại sẽ được Hội đồng châu Âu duyệt lần chót để đi vào hiệu lực.
Đồng thời, thỏa thuận bảo hộ đầu tư còn chờ từng nước trong EU thông qua. EU sẽ ký EVFTA với Việt Nam 'trong hè này' Về việc kêu gọi EU 'hoãn FTA' vì nhân quyền ở VN EVFTA: Còn cố gắng thông qua trước tháng 5/2019 Ủy ban châu Âu ca ngợi việc thông qua EVFTA
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây thăm châu Âu, làm việc với các nước nhằm thúc đẩy thông qua việc ký và phê chuẩn EVFTA, IPA giữa Việt Nam - EU.
Giữa năm ngoái, Việt Nam và EU đã thống nhất tách EVFTA thành 2 hiệp định với phần chính hiệp định cũ là Hiệp định thương mại tự do (FTA) và phần còn lại là Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong Asean, chỉ sau Singapore.
Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể gỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về Chỉ dẫn Địa lý tại Việt Nam.
EU khẳng định nhờ có hiệp này, các công ty Châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.
Ngoài ra, Hiệp định (tự do thương mại) cũng ràng buộc hai bên phải tôn trọng và triển khai có hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền căn bản của người lao động.
Việt Nam gần đây đã phê chuẩn Công ước của ILO về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và đã thông báo với EU ý định phê chuẩn hai công ước căn bản còn lại của ILO muộn nhất là vào thời điểm năm 2023.
Thêm vào đó, hiệp định tự do thương mại có một kết nối về mặt pháp lý và thể chế với Hiệp định Khung về Hợp tác và Đối tác Toàn diện Việt Nam - EU (PCA), cho phép có những hành động phù hợp trong trường hợp các quyền con người bị vi phạm, theo lời EU.
Hiệp định về bảo hộ đầu tư bao gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân
'Rất khó đoán'
Trước đó, hôm 20/6, trả lời BBC, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, chuyên gia kinh tế từ Đại học Strasbourg, Pháp, nói:
"Việc đại sứ EU nói EVFTA sẽ được đưa ra nghị viện châu Âu phê chuẩn vào cuối tháng 6 đầu tháng 7 là tin tốt, sau nhiều tháng trì hoãn."
"Tuy nhiên, quá trình thảo luận ở nghị viện EU thì chúng ta khó đoán trước được vì đây là các nghị sĩ EU khóa mới (mới được bầu vào tháng 5/2019), mà hình như xu hướng dân tộc chủ nghĩa và bảo hộ mậu dịch trong khóa này có vẻ cao hơn trước đây. Chẳng hạn ở Pháp thì số nghị sĩ EU của đảng cực hữu của bà Le Pen và đảng của tổng thống Macron bằng nhau."
"Nếu nói là kết quả này đạt được nhờ phái đoàn Việt Nam vận động hay không thì tôi nghĩ là có. Việc dùng lobby ở châu Âu hay ở Mỹ là bình thường. Nếu như nghị viện EU thông qua EVFTA thì rất tốt cho hàng hóa Việt Nam, có khả năng vào châu Âu tăng cao hơn trước đây."
"Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng hàng hóa Việt Nam cần phải theo chất lượng châu Âu nghiêm ngặt. Điều này cũng tốt cho cách làm ăn kinh tế của các doanh nghiệp Việt."
Ông Phú cũng bình luận thêm:
"Theo dõi về việc tường thuật về EVFTA, tôi thấy báo chí Việt Nam ít đưa tin về các thảo luận liên quan đến yếu tố chính trị."
"Đến nay, nhiều nghị sĩ và tổ chức hiệp hội EU đã lên tiếng về việc cần đưa vấn đề nhân quyền vào việc thảo luận EVFTA với Việt Nam, nhưng chắc các báo Việt Nam tránh nhắc tới yếu tố này."
"Thực ra, theo quan sát cá nhân, thì trong quá khứ, nghị viện châu Âu ít có tác động chính trị lên các nước ngoài châu Âu về các vấn đề chính trị, nhân quyền. Điển hình là trường hợp Iran, ta thấy trong các nước dân chủ thì chỉ có Mỹ mới có ảnh hưởng thực sự."
"Do đó, theo tôi, các mong đợi về thay đổi chính trị kèm theo EVFTA rất khó đoán trước được."
Hồi tháng 1/2019, bà Jude Kirton-Darling, dân biểu EU, cho BBC biết Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng Châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA "sớm nhất là cuối tháng 5/2019".
"Đến tháng Năm, có lẽ Hội đồng Châu Âu sẽ ký FTA, rồi để Nghị viện châu Âu khóa sau có thể bỏ phiếu," bà Kirton-Darling nói với BBC.
Thời điểm đó, báo Việt Nam trích lời bà Kim Ngân bày tỏ mong muốn Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định Việt Nam "luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách kinh tế và doanh nghiệp châu Âu để Hiệp định được triển khai một cách hiệu quả nhất, đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên". Quan hệ Việt Đức khôi phục trước khi EVFTA thông qua? Xuất nông sản VN sang EU và cơ hội khép dần lại
Ý kiến một người dân
Hôm 24/6, bà Ngô Thị Thứ, giáo viên trung học nghỉ hưu, nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh: "Tôi mong EU lập văn phòng về nhân quyền để ghi nhận ý kiến của người dân vì Nhà nước Việt Nam lúc nào cũng nói đảm bảo tôn trọng nhân quyền nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại."
"Ngoài ra, một vấn đề khác đáng chú ý là Quốc hội Việt Nam đang bàn sửa đổi luật về công đoàn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã biết về xã hội dân sự thì khá chắc nhà nước sẽ cho lập một số công đoàn độc lập trá hình và cũng sẽ đe dọa, làm khó những ai có ý định thành lập công đoàn độc lập thật sự."
"Tôi mong EU có thể lập và công bố một văn phòng trợ giúp công đoàn để những nhóm muốn lập công đoàn độc lập có thể thông báo trực tiếp những khó khăn họ gặp phải từ chính quyền."
"EU có thể giúp huấn luyện những ai muốn học cách thành lập, cách sinh hoạt công đoàn độc lập, và các ràng buộc pháp lý của Nhà nước Việt Nam đối với EU trong lãnh vực công đoàn và nhân quyền."
"Một đề xuất khác là EU nên có bộ phận nhận các báo động trực tiếp của người dân Việt Nam về những vụ gian lận hàng Trung Quốc đột lốt hàng Việt Nam để tránh thuế. Sự gian lận đó đánh mất nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam và có thể cũng vi phạm hiệp định EVFTA."
Chân dung thủ khoa gốc Việt: Anabella Phạm, nữ sinh có thành tích kỷ lục về lớp AP
Thanh Long/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) – Anabella Phạm là đồng thủ khoa trường Trung Học Garden Grove High School niên khóa 2018-2019. Để đạt thành tích này, cô đã lấy đến sáu lớp nâng cao (Advanced Placement, viết tắt là AP), kỷ lục của trường.
Niên khóa 2018-2019 là năm học đáng nhớ nhất trong đời học sinh của Anabella Phạm. Cô tốt nghiệp thủ khoa trường Trung Học Garden Grove, và là một trong chín thủ khoa gốc Việt của Học Khu Garden Grove năm nay.
Học không thấy mặt trời
Để có được thành quả này sau bốn năm trung học, Anabella phải vượt qua nhiều thử thách. Ngay từ năm lớp 9, cô đã lấy những lớp AP, có thể chuyển tiếp lên đại học. Đặc biệt, năm lớp 12 này, Anabella lấy đến sáu lớp AP, một kỷ lục của trường Trung Học Garden Grove. Điều này góp phần giúp cô tốt nghiệp với điểm trung bình GPA là 4.48.
Nói tiếng Việt khá thuần thục, Anabella kể với phóng viên Người Việt: “Con lấy sáu lớp AP. Mấy lớp AP khó hơn mấy lớp thường, mà nó cho điểm cao hơn mấy cái lớp thường. Mấy đứa ở trong lớp của con lấy ‘maybe’ hai cái, ba cái, bốn cái, một hay là hai đứa, ‘maybe’ 10 đứa lấy năm cái. Mà con là đứa duy nhất lấy sáu lớp AP cơ.”
“Để đạt danh hiệu thủ khoa, con thực sự phải đấu tranh để được cho phép học sáu lớp AP, vì thường ở cấp của con, trường không cho lấy sáu lớp AP. Con phải nói chuyện với thầy cô và phải đấu tranh để được lấy sáu lớp AP. Chuyện này chưa từng có ở trường Trung Học Garden Grove.”
Theo lời cha mẹ của Anabella, mặc dù đồng ý để cô lấy số lớp AP kỷ lục, nhưng nhà trường cũng khuyến cáo gia đình phải để ý đến Anabella vì lo ngại cho sức khỏe của cô.
Về phần mình, Anabella cho biết phải bỏ rất nhiều công sức để học. Ở trường, cô chăm chú nghe thầy cô giảng bài để khỏi mất thì giờ về nhà học lại. Và những khi có thời gian trống, thay vì lướt Internet hay các mạng xã hội, cô tranh thủ làm bớt bài tập về nhà.
Về đến nhà, Anabella dành thời gian cho các lớp AP. Bàn ăn chính của gia đình được Anabella dùng làm bàn học vì cô có thói quen bày rất nhiều sách vở.
“Con thức đêm học nhiều lắm. Có lúc bài tập nhiều đến mức viết đau cả tay. Con thường đi ngủ lúc 1 giờ 30 phút hay 2 giờ sáng, mà 6 giờ 30 phút sáng đã phải thức dậy. Con không thấy mặt trời cho ba ngày liên tiếp. ‘So,’ nó khó lắm.”
Thủ khoa mê rau muống và canh bún
Cũng như bao học sinh khác, sự thành công của Anabella có phần đóng góp to lớn của cha mẹ. Từ việc đưa đón con, thức canh chừng để nhắc con đi ngủ, đến nấu những món ăn mà con ưa thích, cha mẹ Anabella luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để cô yên tâm học hành.
Đứng ngay trong gian bếp của căn nhà, bà Ivy Đinh, mẹ của Anabella, chỉ về chiếc bàn ăn lớn, nơi cô ngồi học, kể: “Cứ đi học về thì ngồi ở đó thôi, lo học. Còn mẹ thì đứng đây lo cơm, cho ba ăn nè. Ba của cháu thì ngồi làm việc. Cho cháu ăn xong rồi thì lại ngồi học tiếp đến mấy tiếng đồng hồ gì đó.”
“Hôm nào sớm thì trước 12 giờ, hoặc 12 giờ. Còn trung bình thì mình cứ để cháu ở đây rồi mình réo trong phòng ngủ. ‘Xong chưa. Tắt điện đi ngủ.’ Sinh hoạt hằng ngày là như thế. Sau 6 giờ thì bắt đầu ăn cơm với gia đình. Cả nhà ngồi ăn đây thôi. Còn cái bàn ăn lớn đó thì cháu chiếm luôn rồi,” bà kể tiếp.
Vẫn nói về bữa cơm, bà Ivy Đinh cho biết: “Hai món mà cháu thích nhất là rau muống và đậu hũ. Rau muống luộc và đậu hũ chiên. Rau muống luộc thì cháu thích luộc xong rồi xào. Còn nước rau luộc thì cháu đánh giấm ăn làm canh.”
Bà Ivy hào hứng kể thêm: “Hôm nào mà stress quá thì xin mẹ đi ăn canh bún, món mà Anabella ưa thích. Đi ăn canh bún riết người ta nhớ mặt luôn. Hôm nào mà được đi học trễ, ở trường Garden Grove có ngày Thứ Tư hằng tuần, thì cháu thường hay xin mẹ, mẹ ơi ngày mai mình dậy sớm vẫn đi học bình thường, nhưng mà đi vô trỏng ăn canh bún được không. Đôi khi phải làm như vậy đó để cháu vui vẻ chăm chỉ học.”
“Những cái gì mình làm được cho cháu thì… nhỏ nhỏ như vậy thôi. Làm món cháu thích ăn, cho cháu đi cái quán cháu thích uống. Một tuần cũng đi uống khoảng hai lần boba. Hôm nào mà được điểm gì tốt tốt thì về lấy cái đó là cái ticket để mà ‘hôm nay thưởng cho con đi uống boba được không.’”
Vậy còn cha thì sao? Ông David Phạm kể: “Thì cũng chỉ nhắc nhở thôi. Cố gắng học tập trung. Đừng bị chi phối. Rồi tập trung vô học rồi đi ngủ cho sớm để giữ sức khỏe thôi.”
Lo cho con ăn học cũng có cái khổ, nhưng cũng có những kỷ niệm vui mà có lẽ các ông bố bà mẹ không bao giờ quên.
Bà Ivy Đinh kể: “Sáng sớm nhiều khi Bella không chịu ăn sáng. Rồi ham ngủ hơn. Thích ngủ nhiều. Ăn sáng thì nói là tại vì không quen ăn nên cái bụng nó khó chịu. Cho nên dậy là lên xe, mắt nhắm mắt mở. Đánh răng ào cái là lên xe. Lên xe là ngủ tiếp. Mà từ nhà đến trường có 5 phút đồng hồ thôi. Nhưng mà ngủ, ngủ rất sâu. Xong rồi đến trường còn bảo, mẹ ơi còn được 2 phút cứ để cho con ngủ thêm. Thường là cứ xin thêm vài phút như vậy để cho ngủ cho đã. Đó là kỷ niệm đáng nhớ với cháu.”
Thích làm luật sư
Vào mùa Thu tới, Anabella Phạm bắt đầu sống xa nhà. Cô sẽ vào UCLA học ngành Chính Trị Học với ước mơ làm luật sư hoặc chánh án.
Để chuẩn bị cho tương lai, ngay từ khi còn ở trung học, Anabella tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa có tên “Tập Xử Án,” và từng đạt Huy Chương “Luật Sư Xuất Sắc và Đối Thủ Đáng Giá Nhất” trong chương trình Tập Xử Án của Orange County.
“Con muốn học Politics để con có thể làm luật sư. Tại vì, con nghĩ là bằng luật sư có thể làm được nhiều thứ. Con có thể làm chính trị, con có thể làm kinh doanh. Con có thể làm luật sư. Đặc biệt, làm luật sư là con đường sự nghiệp mà con rất yêu thích,” Anabella Phạm nói về ước mơ của mình.
Đó là tương lai. Còn trước mắt, trong mùa Hè này, Anabella sẽ học lái xe và cố gắng lấy bằng địa ốc để phụ giúp công việc của bố mẹ. Những lúc rảnh rỗi, cô thường vẽ tranh, sở thích mà Anabella cho biết là rất hiệu quả để giúp giảm căng thẳng, đóng góp đáng kể vào thành công trong học tập. (Thanh Long)
Sinh viên Mỹ phải cân nhắc kỹ giữa đại học tư và công lập
WASHINGTON, D.C. (NV) – Nhiều sinh viên thường không muốn chọn vào các đại học tư vì học phí quá cao và các đại học công lập có các chương trình trợ cấp học phí. Tuy vậy, một báo cáo mới cho thấy các đại học tư đang giảm học phí hơn 50% cho sinh viên năm thứ nhất, khiến nhiều người cân nhắc.
Theo U.S. News & World Report, trong năm học 2017-2018, các đại học tư nhân ở Hoa Kỳ giảm học phí nhiều đến mức kỷ lục trong một thập niên vừa qua và sẽ tiếp tục giảm trong năm học 2018-2019.
Hầu hết ai cũng nghĩ các đại học tư chỉ dành cho những sinh viên thuộc gia đình khá giả. Tuy vậy, các nhà điều hành của những đại học này đang hy vọng việc giảm học phí sẽ giúp nhiều sinh viên khác ghi danh hơn.
Ông Richard Ekman, chủ tịch của Hội Đồng Đại Học Tư Nhân, cho rằng nhiều người nghĩ sinh viên thuộc gia đình có thu nhập thấp hay các sinh viên người nhập cư không thể vào đại học tư.
Theo ông, suy nghĩ này là sai lầm vì không phải ai cũng vào đại học công lập được. Ông Ekman đưa ra ví dụ một sinh viên người da đen thuộc gia đình thu nhập thấp, chỉ có điểm trung bình là B- ở trung học và sinh viên này khó có thể được các đại học công lập nhận. Trong những trường hợp này, các sinh viên chỉ có lựa chọn là vào đại học tư.
Báo cáo của Hiệp Hội Đại Học và Cao Đẳng Hoa Kỳ cho biết các đại học tư đang có những chương trình học bổng trả đến 89.3% học phí cho sinh viên. Tuy vậy, các đại học công lập cũng có ưu điểm riêng.
Vậy đại học công lập và đại học tư nhân khác nhau ra sao?
Đại học công lập sử dụng chi phi của liên bang, của tiểu bang và địa phương. Từ xưa nay, các đại học này dựa vào tiền của tiểu bang nhiều hơn. Tuy vậy, chi phí của các tiểu bang dành cho đại học ngày càng giảm nên liên bang phải chi tiền nhiều hơn.
Chi phí của tiểu bang phần lớn là do cư dân đóng thuế và họ được giảm học phí. Ngoài ra, một đại học công lập có thể có nhiều trường trong một tiểu bang, như hệ thống California State University (Cal State) có 23 trường ở California.
Đại học tư nhân lấy tiền từ học phí và sự bảo trợ của các mạnh thường quân. Các trường này dạy những ngành đại học công lập không có như khoa học nhân văn hay mỹ thuật và tôn giáo. Một số đại học tư nhân chỉ dạy một ngành như y học hay thương mại.
Về kích cỡ, các đại học tư thường nhỏ hơn đại học công lập, nghĩa là lớp học sẽ ít người hơn. Những đại học này hoạt động tự do, có thể tự đặt ra quy định và giáo trình riêng.
Học phí của các đại học tư thường cao hơn nhiều so với trường công lập. Báo cáo của U.S. News cho thấy học phí trung bình của đại học tư trong năm học 2018-2019 là $35,676. Trong khi đó, học phí trung bình của đại học công lập là $9,716 đối với cư dân và $21,629 đối với sinh viên từ tiểu bang khác đến.
Bà Lori Vedder, giám đốc điều hành trợ cấp học phí của đại học University of Michigan, cho biết các đại học tư giảm học phí và cho học bổng nhưng không có nghĩa các sinh viên sẽ đóng ít tiền hơn. Theo bà, các gia đình khó có thể so sánh giữa hai loại đại học này.
Bà Vedder cho hay các đại học có thể cho học bổng $15,000/năm, nhưng các gia đình phải biết học phí một năm là bao nhiêu và số tiền đó sẽ trả được bao nhiêu phần của học phí.
Ông Bernie Pelaka, giám đốc phòng tài chính sinh viên của đại học Boston College, khuyên sinh viên nên tận dụng những trang web định giá đại học. Nhờ các trang web này, sinh viên có thể biết được các đại học sẽ giảm học phí, sẽ cho học bổng ra sao.
Tùy vào hoàn cảnh của từng người, có người không được giảm học phí và có người thì nhận được học bổng trả đến 95% tiền học. Vì vậy, ông Pekala cho rằng các sinh viên không nên bỏ qua đại học tư khi chọn trường. (TL)
Tổng Thống Donald Trump ‘bước sang’ Bắc Hàn gặp Chủ Tịch Kim Jong Un
SEOUL, Nam Hàn (NV) – Tổng Thống Donald Trump của Mỹ và Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn vừa gặp nhau tại Bàn Môn Điếm trong vùng phi quân sự (DMZ) hôm Chủ Nhật, 30 Tháng Sáu, bắt tay nhau, và Tổng Thống Trump được mời bước qua phần đất Bắc Hàn.
Tổng Thống Donald Trump nói: “Thật là tuyệt vời trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bước chân vào Bắc Hàn.”
Ông Trump cũng khen ngợi “tình bạn tuyệt vời” với ông Kim.
Ông Kim nói, qua thông dịch viên, rằng: “Tổng Thống Trump vừa bước qua lãnh thổ Bắc Hàn, như vậy, ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Bắc Hàn.”
Trước đó, truyền hình cho thấy, Tổng Thống Trump từ trong tòa nhà bên phía Nam Hàn bước ra bậc thềm, hít một hơi thật sâu, từ từ bước ra làng Bàn Môn Điếm, và đứng lại bên này vạch ngăn đôi hai miền Nam và Bắc Triều Tiên.
Từ bên phần đất Bắc Hàn, Chủ Tịch Kim Jong Un bước tới, bắt tay ông Trump.
Ông Trump giữ tay ông Kim khá lâu, trong lúc dùng tay trái vỗ vai phải của ông Kim nhiều lần, và hai người trao đổi vài câu xã giao.
Sau đó, ông Kim mời ông Trump bước sang đất Bắc Hàn, và hai người cùng đi.
Khi đã sang tới lãnh thổ Bắc Hàn, hai người bắt tay nhau lần nữa, rất chặt, và người này kéo người kia về phía mình, rồi cùng quay về phía Nam Hàn để các phóng viên chụp hình.
Sau đó, ông Trump cùng ông Kim bước sang phần đất Nam Hàn, gặp Tổng Thống Moon Jae In của Nam Hàn.
Kế đến, ba người vào tòa nhà bên phía Nam Hàn nói chuyện với nhau, trước các phóng viên, và sau đó ông Trump và ông Kim họp kín trong 50 phút.
Trước báo giới, ông Kim nói rằng ông “rất ngạc nhiên” khi được ông Trump mời qua Twitter, và nói thêm: “Tôi rất muốn gặp lại ông ấy.”
Đáp lại, Tổng Thống Trump cảm ơn Chủ Tịch Kim vì đã đến gặp ông, và gọi đây là một “thời điểm đặc biệt.”
Tổng Thống Donald Trump cũng mời Chủ Tịch Kim Jong Un đến Tòa Bạch Ốc trong tương lai.
Trước đó, Tổng Thống Trump và Tổng Thống Moon cùng đứng trên một đài quan sát, nhìn sang lãnh thổ Bắc Hàn.
Đây là lần đầu tiên ông Trump đến vùng DMZ, và là lần đầu tiên ông được nhìn thấy Bắc Hàn.
Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên đến vùng DMZ, gặp binh sĩ Mỹ, nhưng không mặc áo tổng tư lệnh quân đội.
Sự kiện này cũng là lần đầu tiên một lãnh đạo của Mỹ gặp cùng lúc hai lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên.
Trước đó vài giờ, trong phần mở đầu của cuộc họp báo chung giữa Tổng Thống Donald Trump và Tổng Thống Moon Jae In tại Seoul, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông sẽ gặp Chủ Tịch Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm trong vùng DMZ, trong vài giờ nữa.
“Chúng tôi sẽ đi đến DMZ và tôi sẽ gặp Chủ Tịch Kim, và mong đợi cuộc gặp này rất nhiều, tôi mong đợi gặp ông ấy,” ông Trump nói, theo CNN, hôm Chủ Nhật, 30 Tháng Sáu.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói tiếp: “Chúng tôi có một quan hệ rất tốt và chúng tôi hiểu nhau. Tôi tin là ông ấy hiểu tôi và tôi nghĩ có lẽ tôi cũng hiểu ông ấy, và nhiều khi điều này có thể dẫn đến những điều tốt.”
Hôm Thứ Sáu, trong lúc ở Osaka, Nhật, dự hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng Thống Trump tweet ra rằng: “Sau một số cuộc họp quan trọng, bao gồm buổi gặp gỡ với Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, tôi sẽ rời Nhật đi Nam Hàn để gặp Tổng Thống Moon Jae In. Tại đây, nếu Chủ Tịch Kim Jong Un của Bắc Hàn thấy cái tweet này, tôi có thể gặp ông ấy ở vùng biên giới, bắt tay ông, và nói ‘hello.’”
Tại một cuộc họp báo, ông Trump còn nói ông sẵn sàng bước qua phần đất Bắc Hàn để bắt tay ông Kim.
Sáng Thứ Bảy, theo Reuters, bà Choe Son Hui, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Bắc Hàn, nói: “Chúng tôi thấy đây là một đề nghị rất lý thú, nhưng chưa nhận được đề nghị chính thức nào.”
Bà Choe có vẻ chú ý chuyện ông Trump có thể gặp ông Kim lần thứ ba, sau hai lần hai người gặp nhau ở Singapore hồi Tháng Sáu, 2018, và tại Hà Nội hồi Tháng Hai năm nay.
“Theo tôi hiểu, nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Bắc Hàn diễn ra ở vùng phi quân sự, như Tổng Thống Trump muốn, thì đây sẽ là một dịp tốt hơn nữa cho quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo và quan hệ song phương giữa hai quốc gia,” bà Choe nói, vẫn theo Reuters.
Kể từ sau khi hai người gặp nhau tại cuộc họp thượng đỉnh thất bại ở Hà Nội, ông Trump và ông Kim có trao đổi thư riêng với nhau, mà ông Trump nói là “lá thư đẹp,” trong khi ông Kim nói lá thư ông nhận là “tuyệt vời.” (Đ.D.)