dinsdag 31 maart 2020

Đại dịch Covid-19 : Cơ hội để Cuba "xuất khẩu" ồ ạt y bác sĩ + Pháp nhận bác sĩ Cuba hành nghề + Bác sĩ Cuba làm « nhiệm vụ quốc tế » hay nô lệ ?

Đại dịch Covid-19 : Cơ hội để Cuba "xuất khẩu" ồ ạt y bác sĩ

Đoàn bác sĩ Cuba đến hỗ trợ Ý chống dịch Covid-19 ngày 22/03/2020.
Đoàn bác sĩ Cuba đến hỗ trợ Ý chống dịch Covid-19 ngày 22/03/2020. REUTERS - DANIELE MASCOLO
Từ Jamaica đến Nicaragua đi qua cả Guyane và Ý, Cuba đến hỗ trợ cho khoảng 40 quốc gia chống dịch virus corona. Trong khi đó, Cuba cũng khép cửa biên giới và tự cách ly từ hôm 24/03/2020.
Trang mạng của đài phát thanh France Culture ghi nhận « với cuộc khủng hoảng dịch tễ này, chưa bao giờ Cuba xuất khẩu y bác sĩ nhiều đến như thế ». Đã từ lâu, y tế và đào tạo y sĩ là một trong những ưu tiên của đảo quốc nằm trong biển Caribê này. Chế độ Cuba phô trương điều này như là một tấm gương thành công của chính sách xã hội chủ nghĩa của mình. Theo bộ Y Tế Cuba, nước này có hơn 76.000 bác sĩ cho hơn 11 triệu dân, 15.000 nha sĩ, 89.000 y tá và một khoa Y được mở tại các nước Nam Mỹ.
Hàng chục ngàn sinh viên châu Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á đến học tập tại Cuba và cùng lúc, La Habana gởi đi 25.000 bác sĩ đến châu Mỹ Latinh, chủ yếu tại Venezuela và Brazil, nhưng cũng có châu Phi, Pakistan hay Haïti. Chính quyền La Habana đưa ra con số 50.000 chuyên viên y tế được gởi đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Nhưng cũng có hàng chục ngàn trong số này buộc phải trở về nước, hoặc là bị các lãnh đạo mới của những nước họ đến hợp tác trục xuất (chẳng hạn như tại Bolivia, Brazil), hoặc vì lý do khủng hoảng như tại Venezuela. Chính quyền La Habana và Caracas từng có một thỏa thuận đối tác « đổi dầu lấy đội ngũ bác sĩ ».
Tình liên đới cũng có cái giá
Chính quyền Cuba sử dụng « lá bài y tế » từ năm 1963, ngày mà « đội quân y tế Cuba đầu tiên thi hành nhiệm vụ quốc tế » được gởi đến Algeri. Với danh nghĩa vì tình liên đới, chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa xã hội, các y sĩ Cuba ngày nay hoạt động trên khoảng 40 quốc gia. Họ có nhiều kinh nghiệm về tình trạng khẩn cấp y tế nhất là trên phương diện dịch tễ học. Năm 2014, trong trận dịch Ebola, Cuba đã đến hỗ trợ 37 nước, rồi cũng chính những bác sĩ Cuba đó đến chống dịch tả ở Haïti sau trận động đất. Nhiệm vụ của các bác sĩ Cuba ở nước ngoài mỗi năm mang về cho đất nước từ 8-10 tỷ đô la, cao hơn cả « remesas » - số tiền của kiều dân Cuba gởi về và nguồn thu từ du lịch.
Việc chính quyền Donald Trump và nhất là cựu cố vấn an ninh John Bolton siết chặt các lệnh trừng phạt nhắm vào Cuba đã bóp nghẹt nguồn tài chính của đất nước. Thái độ của Mỹ, thù nghịch với Venezuela và Cuba lôi kéo nhiều nước khác đi theo chính sách của Mỹ và xoay lưng lại với chế độ anh em nhà Castro. Các lãnh đạo Brazil, Bolivia, Ecuador đã cho hồi hương các bác sĩ Cuba. Hiện chỉ có Achentina và Mêhicô là vẫn chưa « theo đuôi » Mỹ.
Nguồn thu bị giảm, cũng như là tiền của kiều dân Cuba gởi về bị hạn chế vì các lệnh trừng phạt của Mỹ, buộc Cuba phải nghĩ đến những giải pháp thay thế. Khi đưa ra những lá chủ bài y tế tại vùng Lombardia, chính phủ Cuba hy vọng thu được một số thành quả ngoại giao và tài chính. Hiện tại, không thể nào biết được Ý sẽ trả gì cho Cuba.
Chính quyền La Habana vốn đã bình thường hóa quan hệ với Liên Hiệp Châu Âu đang dựa vào một số nước mà Cuba đã xích lại gần như Tây Ban Nha và Pháp nhằm tìm cách đối trọng với chính sách của Hoa Kỳ. Cũng nhờ vào Cuba mà Paris có được lá phiếu gia nhập các nước châu Mỹ Latinh vào thượng đỉnh khí hậu COP 21. Đổi lại, Câu lạc bộ Paris đã giãn nợ cho Cuba. Và La Habana gởi các nhân viên y tế đến Guyane, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, bị chính quyền « lãng quên » về mặt y tế.
Những bác sĩ phục vụ cho Nhà nước
Các nhân viên y tế Cuba đi làm ở nước ngoài cam kết thực thi nhiệm vụ trong vòng ba năm, không có gia đình. Những ai vi phạm các quy định đề ra có nguy cơ lãnh án 3 năm tù. Hơn nữa, điều kiện làm việc của những bác sĩ này đã bị một tổ chức bảo vệ dân chủ ở Madrid, Prisoners Defenders lên án. Theo tổ chức này, « hàng ngàn người Cuba bị cưỡng bức tham gia vào các nhiệm vụ để giúp cho chính phủ » và do vậy, « rất nhiều người trong số họ đã bỏ trốn ».
Đối với những ai trở về nước, rất nhiều người trong số họ bị rút hộ chiếu để « giữ bí mật thông tin » và thậm chí còn bị chế độ tịch thu một phần lương. Dù vậy, đại đa số các bác sĩ thà chấp nhận các trói buộc này hơn là ở lại với những quy định và điều kiện sống ngày càng xuống cấp ở trong nước.
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200331-cuba-y-te-dich-benh-covid19-quoc-te

Virus corona : Pháp nhận bác sĩ Cuba hành nghề ở các tỉnh hải ngoại

Đội ngũ bác sĩ Cuba được điều đến giúp Ý chống virus corona, Trung tâm Hợp tác Y tế Trung ương tại La Habana, ngày 21/03/2020.
Đội ngũ bác sĩ Cuba được điều đến giúp Ý chống virus corona, Trung tâm Hợp tác Y tế Trung ương tại La Habana, ngày 21/03/2020. AFP
Đúng vào lúc đang phải vất vả đối phó với dịch Covid-19, chính quyền Pháp rốt cuộc đã chấp nhận cho phép Cuba gởi bác sĩ đến những tỉnh hải ngoại của Pháp. Sắc lệnh được Paris ký ban hành ngày 27/03/2020.
Việc tăng cường lực lượng y sĩ tại các vùng lãnh thổ hải ngoại này rất được hoan nghênh trong bối cảnh các vùng này rất thiếu bác sĩ, và cũng đang phải chật vật chống dịch Covid-19, đã khiến hơn 600 người bị nhiễm và 6 người thiệt mạng.
Còn đối với Cuba, việc được vào hoạt động trong vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là dịp để nước này phát huy ngành y quốc tế của mình.
Thông tín viên RFI, Dominitille Piron tường thuật từ La Habana :
"Ngay giữa cơn khủng hoảng Covid-19, chính phủ Pháp rốt cuộc đã đồng ý đón nhận bác sĩ Cuba trên đất của mình. Các vùng liên quan là đảo Martinique, Guadeloupe, Guyane cũng như St Pierre và Miquelon.
Thượng nghị sĩ đảo Martinique, bà Catherine Conconne, rất vui mừng là điều khoản bổ sung của bà liên quan đến việc đón bác sĩ Cuba được thông qua bằng sắc lệnh. Cuba có tỷ lệ bác sĩ theo đầu người cao hơn gấp đôi nước Pháp và họ sẽ đến để lấp khoảng trống y bác sĩ tại các vùng này. "
Đến những nơi mà không ai muốn hành nghề y” là châm ngôn của giới bác sĩ Cuba. Hiên nay, La Habana đã cử bác sĩ đến 38 quốc gia để góp sức chống dịch Covid-19. Tại châu Âu, Ý và Andorre đã nhận sự giúp đỡ của Cuba.
Trong thời gian gần đây chính quyền La Habana bị chỉ trích là “nô lệ hóa” các bác sĩ gởi đi làm việc tại các quốc gia khác trên thế giới, và đã phải triệu hồi đội ngũ bác sĩ của mình ra khỏi nhiều nước châu Mỹ La Tinh có chính quyền cánh hữu.
Ngày nay, với Covid-19 đang hoành hành, Cuba đã chơi lại lá bài đoàn kết tương trợ khi gởi bác sĩ của mình đi chống dịch, như đã làm vào năm 2014 để chống dịch Ebola ở Châu Phi".
http://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20200331-virus-corona-pháp-nhận-bác-sĩ-cuba-hành-nghề-ở-các-tỉnh-hải-ngoại

Bác sĩ Cuba làm « nhiệm vụ quốc tế » hay nô lệ ?

Một bác sĩ Cuba đang chữa trị cho một em bé bị dịch tả ở Estère, Haïti. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/10/2010.
Một bác sĩ Cuba đang chữa trị cho một em bé bị dịch tả ở Estère, Haïti. Ảnh tư liệu chụp ngày 26/10/2010. REUTERS / MINUSTAH / Sophia Paris
Đơn kiện chính quyền Cuba về « tội ác chống nhân loại vì cưỡng bách làm nô lệ » đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gởi lên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye từ ngày 14/05/2019. Theo đó, « hàng ngàn bác sĩ Cuba bị buộc phải tham gia các chương trình làm việc ở nước ngoài trong các điều kiện như nô lệ, mang lợi tức về cho chính quyền La Habana ».
Với số lượng đông đảo các bác sĩ Cuba phục vụ tại hơn 60 nước, chế độ La Habana cung cấp lực lượng nhân viên y tế cho các nước đang phát triển cao hơn cả tất cả các nước G8 cộng lại. Trong hơn nửa thế kỷ qua, các y bác sĩ Cuba được gởi đến Sierra Leone trong đợt dịch Ebola, đến Haiti sau trận động đất, hay Venezuela, Nam Phi, nơi họ chữa trị cho hàng ngàn người.
Lực lượng y tế, quyền lực mềm của chế độ Cuba
Cuba dùng lực lượng y tế để phát triển "quyền lực mềm". Từ năm 1960, La Habana sử dụng lá bài này để chứng tỏ sự tương trợ theo tinh thần quốc tế vô sản, chủ tịch Fidel Castro còn gọi các bác sĩ là « đội quân áo blouse trắng » của Cuba.
Nhưng bên cạnh đó, nguồn thu từ lực lượng này cũng là thu nhập chính của nền kinh tế Cuba. Năm 2016, đoàn quân áo trắng đã mang về cho đảo quốc 8 tỉ đô la, và những năm trước đó là 10 tỉ đô la. Chính quyền cộng sản còn coi đây là công cụ tác động trên trường quốc tế. Nhiều bác sĩ Cuba cho biết, trong cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela năm 2018, những ai bỏ phiếu cho ông Nicolas Maduro được bác sĩ Cuba chăm sóc y tế miễn phí.
Nhưng đối với bản thân các y bác sĩ đi làm « nhiệm vụ quốc tế » thì sao ? Le Figaro dẫn lại lời kể của một nữ bác sĩ chuyên về hồi sức cấp cứu trên BBC, cho biết chế độ « muốn họ phải là những người lính chứ không phải bác sĩ ». Họ phải tuân thủ các quy định vô cùng khắc nghiệt, bị kiểm soát thường xuyên. Khi đi làm nhiệm vụ trong ba năm, họ không được mang theo gia đình, những ai bỏ cuộc có nguy cơ lãnh án từ 3 đến 8 năm tù, thậm chí bị cấm trở về Cuba trong vòng 8 năm. Tuy vậy, theo ông Javier Larrondo, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Prisoners Defenders, « hàng chục ngàn bác sĩ giỏi đã nhân cơ hội ra nước ngoài để đào thoát ».
Rơi rụng ảo tưởng quốc tế vô sản
Sau khi trải qua phần lớn cuộc đời trong phái bộ y tế quốc tế Cuba, bác sĩ Orazal Sanchez nhận ra rằng ông vẫn là tù nhân của « một hệ thống nô lệ », mà theo ông, đội lốt một « hoạt động tương thân tương ái » giả tạo.
Ngày mà bác sĩ Sanchez quyết định rời bỏ mạng lưới những chiếc áo blouse trắng mang đầy lý tưởng, ông đang ở Botswana, trong vùng sa mạc Kalahari, nơi mà ông mô tả là « cát mịn như bột phấn talc » « bọn vô lại luôn rình rập ».
Cũng như ông, các nữ đồng nghiệp Delia Estelles và Yolanda Garcia cũng đã từ bỏ một chương trình vốn mang lại nguồn thu nhập chính cho đảo quốc lớn nhất vùng vịnh Caribê.
Cả ba bác sĩ đều kể với AFP những điều tương tự nhau : họ được đưa đến những nơi mình không hề chọn lựa, phải nộp hộ chiếu cho một « người giám sát », bị cấm du hành ngay tại quốc gia mà họ phục vụ, và được khuyến khích tố cáo các đồng nghiệp khi cần thiết.
Kết quả là cả ba bác sĩ trên đều bị sụp đổ ảo tưởng về « tinh thần quốc tế vô sản » trong ngành y tế Cuba, một hệ thống mà đa số người tham gia mô tả là bị cưỡng bức chứ không phải tự nguyện – theo Prisoners Defenders.
Trả thù đối với gia đình
Gây áp lực và trả đũa đối với những người thân trong gia đình là sự tra tấn từ xa đối với những người « đào ngũ ». Thế nên cả ba bác sĩ nêu trên đều yêu cầu được dùng tên giả, để bảo vệ thân nhân đang còn ở Cuba.
Orazal Sanchez, bác sĩ 40 tuổi chuyên ngành nội tiết kể lại : « Điều đáng buồn nhất là chúng tôi vẫn tiếp tục cảm thấy mình là nô lệ. Cứ ngỡ rằng đã được tự do, nhưng một khi vẫn còn gia đình sống ở Cuba, chúng tôi vẫn lệ thuộc vào chế độ ».
Ông giải thích đã bỏ cuộc ở Botswana không phải vì cuộc sống vất vả khi đi làm nhiệm vụ nhân đạo, mà vì không còn có thể chịu đựng nổi « sự giám sát cực độ, sự kiểm soát thường trực và nạn trấn áp ».
Trong suốt 60 năm qua, các bác sĩ đã cùng với những người lính và các giáo viên là đại diện cho cách mạng Cuba, dưới sự thúc đẩy của Fidel Castro – người muốn giơ cao ngọn cờ đầu chống đế quốc trên hành tinh. Cho đến cuối năm 2018, vẫn có trên 34.000 nhân viên y tế Cuba được triển khai tại 66 quốc gia trên thế giới, trong số đó có 25 nước được được trợ giúp miễn phí, theo chính quyền La Habana.
Bác sĩ Delia Estelles, 37 tuổi, bị cấm trở về Cuba vì cáo buộc « phản quốc ». Đã từng phục vụ tại Guatemala và Brazil, người nữ bác sĩ cay đắng kể lại những vụ « sách nhiễu », kể cả « quấy rối tình dục » mà bà phải chịu đựng, những « đóng góp cưỡng bức » cho đảng Cộng Sản, việc « tẩy não chính trị ».
Thống kê gian dối
Đối với Yolanda Garcia, điều tệ hại nhất là bị buộc phải kê khai gian dối ở Venezuela, nơi mà « Cuba kiểm soát toàn bộ ». Bác sĩ này tiết lộ : « Cần phải thêm vào những cái tên giả, và các thứ giấy tờ cho phù hợp với số lượng bệnh nhân được cho là chúng tôi đã chữa trị mỗi tuần ». Đáng phẫn nộ nhất là phải « hô biến » số thuốc men đưa từ Cuba sang cho khớp với các đơn thuốc kê cho số bệnh nhân ma trên, trong khi ngay tại Cuba, các loại dược phẩm đang thiếu thốn trầm trọng.
Về phía bác sĩ Sanchez, « Haiti là một cú sốc so với thực tế ». Ông kể lại, những người nghèo tại đây có thể mua được những loại thuốc căn bản, ngược lại ở Cuba, « nơi được tuyên truyền là thiên đường, mọi sự đều ổn thỏa », lại thiếu insuline cho người bị bệnh tiểu đường, và những bệnh nhân này phải tận dụng các ống chích lẽ ra chỉ được sử dụng một lần rồi bỏ.
Bác sĩ Garcia đã quyết định tiếp tục sinh sống tại Brazil, nơi mà 8.000 y bác sĩ Cuba đã ngưng hoạt động, sau khi tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro, một người chống cộng kịch liệt, đã đặt câu hỏi về năng lực của họ, và tố cáo các điều kiện làm việc « gần như là nô lệ ».
Còn nữ đồng nghiệp Delia Estelles đau lòng nhận ra tất cả những bất cập tại đất nước quê hương, mỗi khi trở về Cuba nghỉ phép. Bà thổ lộ : « Khi tôi nhìn thấy con trai của ông Fidel Castro, cũng là một bác sĩ, đi du ngoạn bằng du thuyền riêng sang trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi tự hỏi : ‘Tiền của tôi đã đi về đâu ?’ »
Cuba bị kiện về « tội ác chống nhân loại »
Đơn kiện chính quyền Cuba về « tội ác chống nhân loại vì buộc làm nô lệ » đã được các tổ chức bảo vệ nhân quyền gởi lên Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) ở La Haye từ ngày 14/05/2019. Theo đó, « hàng ngàn bác sĩ Cuba bị buộc phải tham gia các chương trình làm việc ở nước ngoài trong các điều kiện như nô lệ, mang lợi tức về cho chính quyền La Habana ».
Bên cạnh đó, lá đơn còn tố cáo chính quyền Cuba khai khống các trường hợp cứu sống các bệnh nhân để đòi thêm tiền bạc của nước sở tại, và chứng minh cho sự cần thiết phải gia hạn phái bộ y tế. Hồ sơ này có sự tham gia của chi nhánh Cuba trực thuộc Prisoners Defenders và Liên minh Ái quốc Cuba (UNPACU), một tổ chức phi chính phủ ly khai có 3.000 người ủng hộ tại đảo quốc.
 http://www.rfi.fr/vi/quoc-te/20190613-bac-si-cuba-di-lam-«-nhiem-vu-quoc-te-»-hay-no-le

maandag 30 maart 2020

Virus corona : Việt Nam chống dịch thành công với tiềm lực hạn hẹp (theo báo Deutsche Welle của Đức và tuần báo l’Obs của Pháp)

Virus corona : Việt Nam chống dịch thành công với tiềm lực hạn hẹp

Chốt kiểm soát ở cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi được xác định là ổ dịch lớn hiện nay của Việt Nam, ngày 26/03/2020.
Chốt kiểm soát ở cổng bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nơi được xác định là ổ dịch lớn hiện nay của Việt Nam, ngày 26/03/2020. REUTERS - KHAM
Khi dịch virus corona bùng phát ở Vũ Hán (Trung Quốc), Việt Nam từng bị coi là nước có nguy cơ bị tác động lớn thứ hai do ở sát Trung Quốc, có chung 1.100 km biên giới. Khi cả thành phố Vũ Hán bị phong tỏa ngày 23/01/2020, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên. Nhưng từ 3 tháng qua, chỉ có 194 ca lây nhiễm, không có ca tử vong.
Cùng lúc, cả trang Deutsche Welle của Đức và tuần báo l’Obs của Pháp đều quan tâm đến trường hợp chống dịch của Việt Nam, được Tổ Chức Y Tế Thế Giới đánh giá cao. Deutsche Welle đặt câu hỏi : “Việt Nam chiến thắng cuộc chiến chống virus corona như thế nào?”, trong khi l’Obs so sánh : “Virus corona : Làm thế nào Việt Nam, quốc gia đang phát triển, lại thành công hơn cả Pháp?” (28/03).
Không giầu như Hàn Quốc với khả năng xét nghiệm gần như đại trà người nhiễm virus corona, hay như Đức có thể thực hiện đến 300.000 xét nghiệm mỗi ngày, Việt Nam, đã sản xuất được bộ kit riêng, chỉ xét nghiệm cho những ca nghi nhiễm, với tổng số gần 16.000 xét nghiệm. Theo Deutsche Welle, dù hệ thống y tế còn yếu và ngân sách dành chống virus corona không phải là lớn, Việt Nam đã sớm có chiến lược chống virus lây lan trong cộng đồng, được tóm lược trong phát biểu “chống dịch như chống giặc” của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ dịp Tết nguyên đán.
Theo bài viết của hai báo Deutsche Welle và l’Obs, thành công của Việt Nam được thể hiện qua bốn biện pháp chính.
Cách ly tập trung
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong từng phát biểu nếu có 1.000 ca nhiễm virus corona ở thành phố có hơn 8 triệu dân này thì coi như “vỡ trận” vì các bệnh viện chỉ có 900 giường chăm sóc tích cực. Vì thế, Việt Nam chọn biện pháp cách ly, từng được Financial Times gọi là chiến lược “low cost”, “nghiêm ngặt”, theo Deutsche Welle và “tấn công”, theo l’Obs.
Khác với Đức chỉ cách ly những người bị nhiễm virus corona và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Việt Nam mở rộng tìm tất cả những người tiếp xúc ở vòng hai, vòng ba và vòng bốn để cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc. Sau đó, tất cả những người đến từ vùng có nguy cơ cao trên thế giới đều bị cách ly tập trung 14 ngày. Mọi trường học đều đóng cửa, học sinh, sinh viên được nghỉ học ngay từ sau Tết nguyên đán.
L’Obs nhắc lại chiến lược cách ly này từng mang lại hiệu quả lúc xảy ra dịch SARS năm 2003, bắt nguồn từ bệnh viện Việt-Pháp hiện đại với bệnh nhân đầu tiên là một người Hồng Kông, sau đó lây nhiễm cho rất nhiều y tá và khiến 5 người chết. Cuối cùng, chính bệnh viện Bạch Mai lại khống chế được sự lây lan của virus bằng cách mở cửa sổ lưu thông không khí khi chăm sóc bệnh nhân. Thành công này được nhắc đến trong nhiều nghiên cứu khoa học.
Giám sát ở mọi cấp độ
Thay vì phụ thuộc vào y tế và công nghệ để cảnh báo dịch virus corona, Việt Nam có thể trông cậy vào lực lượng giám sát đến từng ngóc ngách và được quân đội hỗ trợ. Deutsche Welle nhận xét quân đội Việt Nam, được trang bị tốt và được người dân tôn trọng, đã triển khai nhân lực và thiết bị giúp chống virus  corona. Biện pháp giám sát chặt chẽ này ngăn chặn được bất kỳ ai thuộc diện cách ly lọt lưới.
Một người tên là Lan, được l’Obs phỏng vấn, tỏ ra lo ngại về sự “hồi sinh” của một số biện pháp giám sát từng được nới lỏng phần nào “vì họ (người dân) có cảm tưởng chỉ có những biện pháp đó mới có thể cứu được họ. Rất nhiều người chế giễu Mỹ, Pháp, các nền dân chủ phương Tây về việc : dân chủ chẳng để làm gì vì quý vị không có khả năng bảo vệ dân khỏi một con virus . Đúng, hậu quả về nhân mạng của chúng tôi sẽ không cao như ở châu Âu hay ở Mỹ. Nhưng sẽ phải trả cái giá nào ?”
Tuy nhiên, biện pháp giám sát này lại dẫn đến bất cập là người nhiễm virus corona bị tẩy chay, bị thóa mạ trên mạng xã hội như trường hợp bệnh nhân 17, được cả Deutsche Welle và l’Obs lấy làm ví dụ. Anna Moï, nhà văn Pháp gốc Việt đến Việt Nam trước chuyến bay có bệnh nhân 17 vài ngày, kể lại với nhà báo của l’Obs :
“Họ (chính quyền) làm việc rất hiệu quả. Cảnh sát đến các khách sạn để tìm những hành khách của chuyến bay nổi tiếng đó. Nhờ vào khai báo bắt buộc khi vào lãnh thổ, họ đã tìm được tất cả mọi người. Đó là chưa kể đến những người hàng xóm thường tán chuyện với nhau : ở Việt Nam, chuyện gì cũng biết được ! Dù sao, tôi thấy rõ là không khí thay đổi. Rất nhiều nghi ngờ đối với người từ nước ngoài đến... Bệnh Covid-19 trở thành căn bệnh của người phương Tây”.
Khẩu hiệu chiến tranh
Những khẩu hiệu thời chiến lại trở thành trào lưu được hưởng ứng trong giai đoạn chống dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh “chống dịch như chống giặc” “mỗi doanh nghiệp, người dân, khu dân cư phải là “pháo đài” chống dịch bệnh”. Theo Deutsche Welle, những khẩu hiệu này tác động mạnh đến tâm trí người dân, tạo cho họ cảm giác tự hào chung sức trong cuộc khủng hoảng.
L’Obs nêu lên một biện pháp khác, đó là những chiếc loa phường hoặc làng xóm liên tục phát những thông tin phòng chống virus corona. Ngoài ra, bộ Y Tế thường xuyên gửi tin nhắn đến các thuê bao di động về những thông liên quan đến diễn biến của dịch và những lời khuyên về vệ sinh.
Truyền thông Nhà nước cũng được huy động hết vào chiến dịch thông tin tuyên truyền. Giới nghệ sĩ cũng tham gia, thể hiện qua tác phẩm Ghen Cô Vy, một dự án hợp tác giữa nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y Tế).
Hưởng ứng quy định
Trên mạng xã hội mới xuất hiện một phong trào mới : gieo vần tên của mình theo “tuyên ngôn” để hưởng ứng “ở nhà là yêu nước”, cùng với điều kiện phải chụp ảnh có đeo khẩu trang. Báo Thanh Niên đăng một số khẩu hiệu hài hước : “Tôi là Hưng, ở nhà không phổi bị sưng”, “Tôi là Trang, ở nhà không lang thang”...
Phần lớn người dân đồng tình với các biện pháp của chính phủ. Họ tự hào vì Việt Nam khá thành công trong việc xử lý dịch, dù theo thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai tuần đầu tháng Tư sẽ mang tính quyết định. Theo Deutsche Welle, rất ít người cảm thấy phiền về việc thành công này sẽ trao cho chính phủ, do đảng lãnh đạo, thêm lợi thế chính trị. Ngoài ra, họ cũng chấp nhận việc kiểm soát chặt chẽ hơn các phương tiện truyền thông.
Người dân cũng chấp nhận thiệt hại kinh tế lớn đối với Việt Nam, đổi lại có ít ca nhiễm virus corona. Theo số liệu của chính phủ, khoảng 3.000 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động từ hai tháng đầu năm 2020. Nhiều tập đoàn lớn như Vingroup cũng phải đóng cửa hàng chục khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi vì số lượng khách giảm mạnh. Để giảm bớt gánh nặng, chính phủ giải ngân 1,1 tỷ đô la. Lời kêu gọi quyên góp của chính phủ được hưởng ứng mạnh mẽ vì rất nhiều người tin vào chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng dịch tễ này.
http://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20200330-virus-corona-việt-nam-chống-dịch-thành-công-với-tiềm-lực-hạn-hẹp